Tia Nắng Hoàng Hôn
Kim Chi và Ngọc Diệp là đôi bạn rất thân với nhau. Tính đến nay đã gần bốn chục năm qua. Hiện tại hai bà sắp vào tuổi lục tuần. Tuy cả hai không cùng mẹ cha, cũng không cùng quê quán. Mà số phận lại tương tựa như nhau. Thật là một sự trùng hợp hiếm có trên cõi đời !
Kim Chi sanh ra trong một gia đình điền-chủ khá giả, vùng Gia-Định ngoại ô Sàigòn. Còn Ngọc Diệp thì sanh trong một gia đình phú-hộ ở miệt Long-Xuyên thời còn Pháp thuộc.
Vào khoảng đầu thập niên một ngàn chín trăm năm mươi. Lúc đó Ngọc Diệp và Kim Chi mới lên sáu bảy tuổi mà đã chịu cảnh mồ côi. Hai bé sống với các anh chị trong nhà. Nhưng đau đớn thay ! Hai đứa nhỏ lại không được tình thương yêu trìu mến của anh chị cũng như giòng họ. Bao nhiêu cảnh vô phước cùng cực nhứt đời. Nó luôn luôn phủ lên đầu của hai đứa bé còn thơ dại. Cả hai từng ăn những chén cơm chan bằng máu và nước mắt. Quần áo thì chẳng được ấm áp mà lại còn bị mắng nhiếc, roi đòn bủa xuống và đày ải vô cùng cực nhọc.
Thân xác bé nhỏ mà phải gánh chịu bao nỗi nhọc nhằn. Mặc dù khổ cực như vậy. Hai đứa bé bắt buộc phải ở lại sống nương nhờ trong gia đình các anh chị. Vì tuổi còn thơ và còn nhỏ quá, biết phải đi đâu bây giờ ?
Ngày tháng năm trôi hơn mười năm sống lây lất và cam chịu nỗi nhọc nhằn. Nhưng rồi cả hai đều thoát ly lên Sàigòn sống kiếp bụi đời sương gió.
Ngọc Diệp và Kim Chi quen nhau, là sự ngẫu nhiên. Bởi hai cô mướn phòng gần nhau và chung một Building... trên đường Tự-Do quận nhứt Sàigòn. Từ dạo ấy họ kết tình bạn với nhau.
Suốt mười mấy năm sống kiếp phong trần gió bụi trên đất Sàigòn. Ngọc Diệp và Kim Chi nếm đủ mùi vị của đời. Đến lúc lớn khôn, làm ra tiền. Hai cô trở về thăm lại gia đình và cung phụng cho đám cháu, con của các anh chị hai cô.
Thời gian trôi chảy, Ngọc Diệp đi theo tiếng gọi ái tình. Nàng qua Pháp với người yêu. Nhưng chẳng may, không đầy một năm thì người tình của nàng bị cơn bạo bệnh mà qua đời. Ngọc Diệp phải sống bơ vơ giữa thủ đô Ba-Lê.
Cả năm sau miền Nam Việt Nam thất thủ vào tay Cộng-Sản Bắc Việt. Kim Chi ‘’đu’’ được một người đàn ông Việt dân Pháp giúp nàng thoát khỏi Sàigòn.
Thật là thương đau ! Định mệnh không chịu buông tha cho kiếp ''Hồng Nhan Bạc Phận'' ! Sóng gió lại nổi lên và đưa đẩy Kim Chi với vị ân nhân ấy phải chia tay.
Ngọc Diệp và Kim Chi tình cờ gặp lại nhau trong buổi văn nghệ do những người Việt Tỵ-Nạn tổ chức tại rạp Maubert quận 5 Paris. Hai cô gặp lại nhau lòng mừng vô hạn. Kim Chi rủ Ngọc Diệp về ở chung, và cùng đi xin việc làm ở mấy tiệm của người Việt. Nhưng chẳng được việc. Cuối cùng hai cô phải bước chân vào ''Rừng Đêm'' đầy chim muông, thú dữ của thù đô ánh sáng Ba-Lê để tranh thủ mà tìm sự sống.
Bấy giờ tuổi đời của hai nàng gần kề tứ tuần. May thay, vào một đêm trời xanh mây biếc, trăng sao lóng lánh sáng ngời, Ngọc Diệp gặp người đàn ông Thụy Sĩ hết dạ thương yêu và cưới nàng làm vợ. Hơn một năm sau, Kim Chi cũng được một chàng ''Quân tử'' yêu thương nàng hết mực. Tuy ''già nhân ngãi, non vợ chồng''. Nhưng chàng lo lắng cho Kim Chi một cuộc sống tương đối đầy đủ.
Gần hai mươi năm, Kim Chi và Ngọc Diệp sống an phận với những sợi tơ tình muộn màng ấy. Bấy giờ hai bà đã chán ngán sự đời, bởi sống quá nhiều và cũng nếm biết bao điều đau khổ phũ phàng cũng như những vị ngọt bùi, cay đắng. Nên không còn ham muốn gì thêm nữa, ngoài cái việc : "ngày qua ngày, chờ qua đời mà thôi".
Nhưng... trời chiều, bóng xế... Trong lòng của hai bà ngập tràn nổi lên tình thương nhớ quê hương. Chắc chắn là đồng tâm trạng của hằng triệu đồng bào Việt Nam đã ly quốc từ bấy lâu nay.
Ôi, quê hương Việt Nam ! Việt Nam là nơi chôn nhau cắt rún là mảnh đất quê nghèo, là nơi chúng ta từng nếm bao mùi vị vui buồn trong những năm tháng của ngày xa xưa. Dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì không ai có thể quên hẳn được quê hương của mình...
Vào đầu thập niên 1990. Có hằng loạt người Việt trở về thăm quê hương và gia đình. Trong đó có Ngọc Diệp. Bà về Sài-gòn được mấy tuần, thì vội đi tìm mua một căn appartement nho nhỏ gần khu chợ Tân-Định, nhờ người bà con đứng tên dùm. Mua xong, Ngọc Diệp sửa sang trang hoàng lại căn nhà cho đầy đủ tiện nghi để khi nào bà về mà có chỗ ở. Còn những tháng bỏ trống thì cho ngoại kiều mướn ngắn hạn.
Lo căn nhà xong, Ngọc Diệp trở lại Thụy Sĩ. Bà luôn nghĩ đến Kim Chi.
Buổi sáng cuối mùa thu, thời tiết lành lạnh, bên ngoài mưa rơi lác đác, lá rụng đầy đường, thân cây trơ cành trọi lá. Trông thật là buồn hiu hắt !
Kim Chi đang nhìn trời qua cửa sổ, lòng nghĩ ngợi xa xăm. Chợt tiếng chuông điện thoại reo vang, bà đến nhấc lên :
- A-lô ! Xin lỗi, ai vậy ?
- Hì hì... Tao đây nè !
- Cái gì vậy... Mụ ?
- Ê, về Việt Nam ăn Tết với tao không... Mụ ?
Hai bà đều cười ngất trong điện thoại. Kim Chi nói :
- Tao muốn về thăm gia đình tao lắm... Nhưng...
- Nhưng-nhụy cái gì ? Mầy còn các anh chị và một đám cháu đông như là vạn cấy. Theo tao thấy, là mầy nên về một lần đó Kim Chi à ! Về nghe Mụ... !
- Ờ, để tao tính lại. Tao sẽ hỏi mượn nhà băng và xin chàng Quân Tử coi có chút gì không nha !
- Thế nào cũng được mà !
- Nè, có gì thì tao sẽ cho mầy hay sau.
- Để tao sẽ về trước, rồi mầy bay về sau nha !
- Ờ, nếu tao đi, thì đi cỡ vài tuần là tao phải trở lại đây.
- Sao mầy không ở một vài tháng ?
- Trời ơi ! Không được đâu Mụ ‘’Suisse’’ ơi !
- Nè, thôi ráng thu xếp đi nha. Bye bye nghe ...!
- O.K. Má nó ơi !
Sau khi Kim Chi nói chuyện điện thoại cùng Ngọc Diệp. Bà suy nghĩ suốt ngày. Qua hôm sau Kim Chi lo đi mượn nhà băng. Mượn được ba chục ngàn quan. Chàng ‘’Quân Tử’’ tặng thêm một chút và nàng gom góp tiền dành dụm cộng chung tất cả được cỡ năm chục ngàn quan Pháp. Nàng đi xin visa và mua vé máy bay xong xuôi cùng lo mua thuốc men đem hờ về rủi bị bệnh hoạn bất tử.
Ngọc Diệp đi trước Kim Chi vài tuần. Sau đó Kim Chi cũng lấy ''Air-France'' bay về.
Ngồi trong máy bay mà lòng của Kim Chi vô cùng hồi họp, xúc cảm lạ thường. Sau gần hai mươi năm mới được trở về quê hương yêu dấu.
Khi nghe cô chiêu đãi viên nói : "máy bay đang vào không phận Việt Nam và thời tiết bên ngoài nóng ba chục độ." Tim Kim Chi đập mạnh, và khắp cả thân người toát mồ hôi lạnh, nước mắt rưng rưng. Một xúc động chưa từng có trong lòng nàng. Kim Chi đứng dậy lấy bộ đồ mát trong xách tay nhỏ đi vào toilette thay. Rồi trở lại ngồi ghế gài dậy nịch đàng hoàng, nàng cố trấn an tinh thần.
Chiếc máy bay ‘’Boeing-747’’ đáp x
uống phi-trường Tân-Sơn-Nhứt vào khoảng năm, sáu giờ chiều. Cửa mở, hành khách lần lượt đi xuống. Còn Kim Chi thì chần chờ đi sau chót. Nàng vừa đạp chân dưới đất, liền ngồi và khum xuống hôn trên mặt đất mà nước mắt bà tuôn rơi. Bà tự nhũ : - "Mình sự thật về tới nơi chôn nhau cắt rún rồi. Trời ơi ! Việt Nam quê hương tôi !"
Bà từ từ nối đuôi như mọi người, rồi đi lấy hành lý, điền giấy khai thuế, trình giấy thông hành... đi ra.
Kim Chi ngơ ngác tìm kiếm Ngọc Diệp. Đàng kia, Ngọc Diệp đưa tay quơ quơ và kêu lên :
- Kim Chi ! Tao đây nè !
Đi chung với Ngọc Diệp, có Gấm, cô bạn hàng xóm, và Cương, ông luật sư mà Kim Chi được quen biết trong lúc ông đi công tác tại Ba-Lê. Khi ông trở về Sài-gòn, sẵn dịp đó Kim Chi gián tiếp giới thiệu cho Ngọc Diệp, cho bà có người quen ở Sài-gòn, vì bà ít quen ai ở bên nhà. Họ tươi cười chào đón nhau.
Bốn người ra chiếc xe hơi hiệu Toyota màu trắng còn mới toanh của Cương. Cương lái xe trực chỉ chạy thẳng về nhà của Ngọc Diệp...
*
Qua ngày sau, Kim Chi nhờ cô Gấm đi đổi tiền quan Pháp qua tiền đồng VN. Nàng vội lấy xích-lô-đạp và ôm tiền về Gia-Định thăm các gia đình anh chị.
Kim Chi không mua gì cả, mà bà chỉ đem tiền về gọi là quà cáp. Phân phát cho một số người trong gia đình. Sau đó nàng được biết có cô cháu đang bị ở tù về tội lừa gạt tiền bạc của người ta. Kim Chi liền bắt tay lo liệu, đền tiền lại để cho cô cháu được ra khỏi tù.
Nhưng buồn thay ! Người chị dâu tham tiền. Chị ta muốn Kim Chi đưa tiền cho bà để bà trả góp từ từ mà phó mặc cho con mình ở tù. Nhưng Kim Chi không bằng lòng, bà cương quyết chuộc cô cháu ra.
Bao nhiêu năm Kim Chi xa cách gia đình. Ngày nay trở về lại vẫn bị bất đồng ý kiến trong gia đình.
Tiền bạc Kim Chi cho tặng các gia đình anh chị và lòng vòng những bà con và bỏ tiền chuộc cô cháu ra khỏi tù, mà còn bị người chị dâu thù ghét.
Thật buồn cho thân phận Kim Chi. Một đời người vô phước. Bà chẳng được một chút tình yêu thương trìu mến nào của gia đình quyến thuộc.
Sau một tuần Kim Chi cho tặng hết tiền bạc. Bà nằm ở nhà của Ngọc Diệp mà chờ đến ngày lấy máy bay trở lại Ba-Lê. Và trong lòng bà nói, nếu Cộng Sản còn cầm quyền thì bà cương quyết không trở về Sàigòn nữa. Bà chờ đến khi nào Việt Nam được thật sự Tự do - Dân chủ thì lúc ấy bà sẽ trở về ?
Còn gia đình anh chị và các cháu của Ngọc Diệp đều vượt biển thoát khỏi Việt Nam từ lâu. Vài người sinh sống trên đất Mỹ. Và vài người sống trên đất Pháp. Nên nàng không bận lòng mà cho tặng ai bên Việt Nam.
Sau chuyến về Sài-gòn thăm gia đình và quê hương, Kim Chi thấy chán nản sự đời hơn nữa. Vì cảm thấy gia đình đối với bà như người xa lạ. Nhưng tiền thì họ không chê. Mà còn định tìm cách gạt gẫm bà nữa. Thật ngao ngán tình đời !
Bà trở lại Ba-Lê và chỉ liên lạc thư từ với Ngọc Diệp. Hai bà thư cho nhau rất là thường.
Rồi lại cũng vào buổi sáng mùa thu có chút nắng vàng chói chang. Kim Chi nhận được thư của Ngọc Diệp và có gởi kèm theo một lá thư của người cháu trai con của người anh Cả từ bên Mỹ viết gởi qua. Kim Chi mở thư ra đọc :
"Los-Angeles, ngày... tháng... năm...
Cô Ngọc Diệp kính thương,
Đầu thư con kính thăm sức khỏe cô và dượng. Một lần nữa con rất cám ơn cô đã tỏ bày tâm sự của cô cho con nghe. Cô đã đặt hết lòng tin vào con. Con có nhận hai lá thư của cô và hai tấm ảnh của Trầm. Thư của cô thật dài và chứa đựng đầy sự đau khổ, bất công đối với một đứa trẻ mồ côi mới lớn. Con thật cảm xúc và đầy phẫn nộ trước hình ảnh của một đứa bé vừa lên sáu bảy tuổi bị đối xử quá tàn tệ.
Cô Ngọc Diệp ơi ! Con xin lỗi cô vì sự tò mò của con, mà làm cho cô trở về với quá khứ đầy đau khổ, làm cho vết thương của cô bấy lâu nay gần như đã lành. Nay nó bị loét ra trở lại.
Thật sự con không ngờ cuộc đời của cô là một chuỗi ngày đầy đau khổ ôm ấp một mình. Con cám ơn Chúa và Mẹ Maria đã nâng đỡ và che chở cô trong suốt thời gian qua. Thật là cô có tánh cương nghị, không khuất phục trước những cảnh khó khăn đau khổ, đã bao lần cô ngã xuống. Nhưng cô đã cố gắng một mình trỗi dậy và tiến lên từng bước đến ngày hôm nay. Đó cũng là nhờ sức chịu đựng dẻo dai của cô bấy lâu nay, nên giờ đây con mới hiểu được cô, biết được cuộc đời của cô, và ít nhiều về cô Ngọc Lan nữa.
Cô ơi !Trước những hình ảnh khổ đau của cô. Con cảm thấy cuộc đời trên trần gian nầy đầy bất công. Con có thể chấp nhận sự bất công của người lạ, của một xả hội đối với mình. Nhưng con chống đối sự bất công của gia đình, giữa tình anh chị em, thì đều đó con thật khó mà tha thứ được. Nhưng, tuy đời cô đã bị đối xử tàn tệ. Thật là cô có một trái tim bằng vàng, một trái tim bằng máu thịt. Cô biết đáp lại những sự đau khổ mà người ta đã làm cho mình, bằng cả một tình thương, bằng một sự tôn trọng quý kính.
Cô nói đúng lắm, vì luật Moĩsen không đúng. Là ai chặt tay mình, thì mình phải chặt tay người kia lại cho công bằng. Nhưng Chúa Jésus còn đi xa hơn trong tình yêu của Người đối với thế gian, Người nói : Nếu ai vả má bên phải mình, thì mình đưa má bên trái cho họ vả luôn. Đến nỗi Người đã bỏ mình trên thập giá chỉ vì sự kiêu ngạo của loài người.
Cô Ngọc Diệp của con ! Tình yêu của Chúa thật bao la, không có biên giới. Có lần Người đã nói một ngụ ngôn : Một người chăn một đàn cừu 100 con. Nhưng trong đó có một con cừu đen tự rả đàng đi một mình, người chăn cừu kia vì tình thương vô biên, và sợ loài thú dữ hiếp đáp con cừu đen, nên ông bỏ lại 99 con cừu ngoan kia mà đi tìm cho được con cừu đen đem về. Còn hơn nữa, ông đã vác con cừu đen trên vai mình mà lòng đầy vui sướng, vì đã tìm lại được con cừu đen.
Cô Ngọc Diệp ơi ! Tuy trong quá khứ của cô đã làm những gì mà gia đình và xã hội không chấp nhận. Nhưng tất cả những gì cô đã làm cũng chỉ vì là sự sống ‘’survivre’’ mà thôi. Trước tình yêu thương bao la của Chúa, với lòng biết hối cải ăn năn và sự tôn kính của cô đối với Thượng Đế, thì con chắc rằng cô được tha thứ, và các Thánh trên Thiên Đàng còn vui mừng khi thấy một người có tội lỗi hối cải hơn là 99 người kia ngoan không cần cải hối. Con không phải là người tinh trắng, con cũng không có quyền phán đoán ai cả. Mà con chỉ hy vọng ngày sau sẽ gặp cô trở lại, chắc chắn là không phải ở địa ngục, mà là ở một nơi không còn có sự đau khổ nữa. Đó là bên cạnh Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng khoan dung.
Thật con không biết phải làm gì để giúp cô trong những lúc nầy, mà con chỉ biết bắt chước Thánh Thérès de Lisieux, nhưng con cố gắng cầu nguyện cho cô, cho cô Ngọc Lan và cho cả gia đình con, và cám ơn Thiên Chúa đã giữ gìn gia đình mình đến ngày hôm nay, tất cả đều bình an là điều tốt lắm rồi.
Cô Ngọc Diệp ơi ! Bây giờ con chỉ xin cô hãy để vết thương của cô từ từ khép lại. Con rất cám ơn cô đã cho con thấy một người tội lỗi, nhưng đầy lòng bác ái thương người. Một người đã từng vấp ngã, nhưng tự mình trỗi dậy. Một người đã bị mất trước cái nhìn của người đời, giờ vẫn là người đầy tình thương đối với tất cả tình anh chị em, với tất cả người gặp cảnh khó khăn.
Cô Ngọc Diệp của con ! Cho dù cô đã làm gì trong quá khứ, nhưng đối với con cô vẫn là cô của con, con vẫn kính cô như cô Ngọc Lan, như ba mẹ con. Con không hổ thẹn vì đã mang một dòng máu giống như cô. Mà ngược lại con rất vui vì được biết trong gia đình mình tất cả không phải là người dễ khuất phục.
Thơ khá dài, xin phép cô cho con dừng bút. Con hẹn cô thơ sau. và con không quên kính chúc cô và dượng được nhiều sức khỏe và vạn sự lành.
Cháu của cô
Lê Văn Vĩnh."
Kim Chi đọc bức thơ, mà bà cảm động đến rơi nước mắt. Bởi thương đời bạn và cũng thương cho thân phận mình. Nhưng Kim Chi không được cái diễm phúc là có người trong gia đình viết những lời lẽ an ủi và thông cảm như thế.
Vừa đọc xong bức thư Vĩnh, cậu cháu của Ngọc Diệp, Kim Chi thấy mình như được nhận chung một tia nắng hoàng hôn đang sưởi ấm cõi lòng cô quạnh lạnh lùng trong lúc nầy. Bà lấy những lời an ủi ấy mà đặt vào cho mình.
Được biết Vĩnh là người có ăn học, khoa bảng khá cao, và có một địa vị rất quan trọng trong xã hội nầy. Khá khen thay, cậu Vĩnh đủ can đảm hạ thấp mình và chấp nhận có một người cô như thế. Bởi vì có biết bao người từng ở một địa vị thật thấp. Nhưng nhờ dịp may, hay chiếm đoạt của cải ai đó, rồi họ được phất lên. Sau đó họ không đủ can đảm hạ trở xuống được, bởi sợ bạn bè cũ biết được dĩ vãng thấp hèn của họ. Vì thế mà họ cứ nhìn lên trên chứ không dám ngó lại xuống đất. Người xưa đã có câu : - "Giàu đổi bạn, sang đổi vợ". Còn bây giờ thì : "Giàu đổi bạn, sang đổi đủ thứ..."
Thế gian ta được làm người là may mắn lắm rồi. Còn giữa dòng đời thường gặp bao cảnh nổi chìm về địa vị cũng như vật chất. Nhưng ta ráng giữ vững một tấm lòng bao dung - đại lượng và bình đẳng với tất cả mọi người, để đến ngày nhắm mắt xuôi tay cho nhẹ nhàng linh hồn.
Suốt mấy ngày Kim Chi đọc đi đọc lại nhiều lần lá thơ của cậu Vĩnh. Mà lòng vẫn nghe ngậm ngùi, vui buồn lẫn lộn.. Rồi bà viết thơ cho Ngọc Diệp :
"Ba-Lê, ngày ... tháng... năm ...
Ngọc Diệp bạn già thương mến,
Tao nhận liên tiếp ba bốn lá thơ của mầy. Trong đó có một lá kèm theo thơ của cháu Vĩnh. Ý cha ! Mầy thật là có phước được cậu cháu có một tấm lòng bao dung đại lượng hết sức.
Tao đọc thơ ấy mà lòng cảm động đến rơi nước mắt mấy lần đó. Đọc thơ cháu mầy viết cho mầy mà tao cứ tưởng như cháu của tao viết cho tao vậy. Cho tao vui ‘’ké’’ với mầy nha bạn già ?
Nghe mầy muốn rủ tao trở về Việt Nam nữa. Sự thật lòng tao cũng xôn xao lắm. Nhưng Ngọc Điệp ơi ! Tao không đủ sức trở về. Vì từ tinh thần đến vật chất tao không có vững chút nào. Thôi thì cứ chờ một dịp nào khác, hoặc là kiếp sau cũng được.
Ngọc Diệp ơi ! Tao muốn nói với mầy nhiều lắm. Nhưng bất chợt bị nghẹt lại, bởi lá thơ của cháu Vĩnh lời lẽ còn chập chờn trong tâm hồn tao, mà tao không thể diễn tả bằng ngôn ngữ được. Mà nghe lòng âm ấm như một tia nắng rực lên của chiều hoàng hôn sắp lặn tắt vậy.
Những giây phút cuối đời mà được những lời lẽ của người thân chia sẻ và thông cảm như thế, thì được một an ủi lớn lao lắm cho cuộc đời quá khứ của chúng ta. Hãy xem như là ''tia nắng hoàng hôn'' chiếu vào phút cuối đời của ta nha bạn !
Thôi, tao tạm dừng bút nơi đây. Mặc dù lời tuy ít, nhưng nhiều ý... gởi đến mầy. Chúc mầy và Anh... được nhiều sức khỏe và thân tâm an lành.
Bạn già
Kim Chi"
Dù cho lá ngọc - cành vàng,
Kim Chi - Ngọc Diệp hoặc hàng chúa vua.
Nước trôi, lửa cháy đành thua,
Chỉ nhờ lượng cả trời đưa qua dùm.
Dẫu rằng mạc vận đường cùng,
Gặp cảnh nghèo khó cũng đừng trách ai.
Vững lòng ăn ở thẳng ngay,
Ông trời bù đắp có ngày vinh sang.
Thế gian sướng một, khổ ngàn,
Trước vui chốc lát, sau tràn buồn đau.
Chuyện đời thật quá ngán ngao,
Chỉ còn Tu sửa, chuốt trau Tâm lành.
0 comments:
Post a Comment