Sunday, February 19, 2012

 Vùng duyên hải miền Trung                                GS.TSKH. NGUYỄN NGỌC TRÂN
Do tính không ổn định của địa mạo, hơn những địa bàn khác, ở khu vực duyên hải miền Trung tác động về mặt tự nhiên và kinh tế-xã hội gắn chặt và trực tiếp với nhau. Những địa bàn chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các đồng bằng ven biển và ở cuối các con sông, nơi mật độ dân số rất cao và phải chịu sức ép từ hai phía biển và núi. Sa cấu (thành phần cơ giới), độ phì của đất, xâm nhập mặn thay đổi sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội, văn hóa và du lịch tập trung phần lớn ở vùng đồng bằng và ven biển, các cảng biển đã xây dựng dọc miền Trung sẽ chịu sự uy hiếp mạnh mẽ từ mực nước biển dâng (MNBD).
Nhìn tổng thể, kinh tế-xã hội vùng duyên hải miền Trung sẽ chịu sự tác động trên các mặt:
- Biến động về mặt tự nhiên tác động lên kết cấu hạ tầng, lên kinh tế biển và du lịch; sức hút đầu tư cho các khu vực II và khu vực III của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trong một chừng mực nhất định;
- Xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng tốn kém hơn;
- Sẽ diễn ra sự dịch chuyển dân cư, lao động, các đô thị và cơ sở kinh tế trong nội vùng, từ vùng thấp lên vùng cao và ra ngoài vùng. Biến động này, đến lượt nó, có thể tác động đến sự ổn định địa mạo nếu không tính toán và chuẩn bị kỹ vị trí các địa bàn tiếp nhận. Khi người dân chưa “an cư” thì khó mà thoát nghèo một cách bền vững, và càng khó để vươn tới “lạc nghiệp”.
Những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên và về kinh tế-xã hội nêu trên đây không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng duyên hải miền Trung, mà còn với cả nước khi mà kết cấu hạ tầng nối liền Bắc Nam hiện nay đều đi qua khu vực này.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Dựa trên các kết quả điều tra cơ bản tổng hợp mà Chương trình khoa học cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã tiến hành trong các năm 1983-19908 và đối chiếu với thực tế sản xuất, kinh tế-xã hội, Đồng bằng sông Cửu Long gồm có ba tiểu vùng: tiểu vùng mà quá trình sông chiếm ưu thế (A), tiểu vùng nơi quá trình biển chiếm ưu thế (C), và tiểu vùng chịu ảnh hưởng của cả hai quá trình sông và biển (B). Có thể dự báo định tính tác động của MNBD lên ba tiểu vùng như sau:
Tiểu vùng nơi ảnh hưởng nguồn chiếm ưu thế (A)
Đó là các tỉnh giáp biên giới Campuchia, là nơi hai nhánh sông Mekong và sông Bassac đi vào lãnh thổ Việt Nam và lũ sông Mekong tràn bờ và tràn vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Với kịch bản nguồn nước từ thượng nguồn chảy về đồng bằng như hiện nay, tiểu vùng này chịu tác động về môi trường tự nhiên của MNBD nhưng không mạnh như hai tiểu vùng B và C. Do quá trình nước biển dâng, ranh giới của tiểu vùng sẽ lùi về phía nguồn, độ sâu ngập vào mùa lũ sẽ sâu hơn và thời gian ngập cũng có thể kéo dài hơn; bồi lở bờ sông, cồn bãi hoạt động mạnh hơn.
Về mặt kinh tế-xã hội, khu vực I của nền kinh tế biến động nhưng việc khắc phục không quá khó, vì chủ yếu vẫn còn là các hệ canh tác nước ngọt. Cơ cấu mùa vụ, hệ thống canh tác có thể xảy ra tại một số địa bàn và sự điều chỉnh các công trình thủy lợi ở những địa bàn này là cần thiết. Khu vực II và khu vực III của nền kinh tế có thể nhận phần dịch chuyển đầu tư và phát triển đô thị từ hai vùng B và C. Mật độ dân số và quá trình đô thị hóa chịu tác động từ sự dịch chuyển một phần dân cư, lao động và các cơ sở kinh tế của hai vùng B và C.
Tiểu vùng nơi ảnh hưởng biển chiếm ưu thế (C)
Đây là vùng duyên hải của các tỉnh giáp với biển Đông và vịnh Thái Lan. Tiểu vùng này chịu tác động về môi trường tự nhiên của MNBD trực tiếp nhất. Hệ sinh thái bãi triều và rừng ngập mặn qua gánh chịu các tác động sẽ thể hiện vai trò “đệm” giảm sóng, phòng hộ và giữ đất. Tình hình xói lở đường bờ sẽ mạnh hơn, tình hình bồi lắng ở các cửa sông sẽ thay đổi. Đường ranh với tiểu vùng (B) sẽ bị “đẩy lên” về phía nguồn. Quy hoạch thủy lợi, chương trình ngọt hóa vùng trung tâm bán đảo Cà Mau, chương trình đê bao ven biển cần được tính toán lại với những tham số mới của phân vùng thủy văn thủy lực trong đồng bằng.
Về mặt kinh tế-xã hội, khu vực I tại đây, đã thích ứng từ trước với điều kiện ngập theo triều và nhiễm mặn hầu như quanh năm, sẽ thay đổi theo hướng “kinh tế nước mặn” là chính. Vùng sản xuất lúa sẽ bị thu hẹp lại. Khu vực II, khu vực III và đời sống, sinh hoạt của người dân sẽ khó khăn hơn do độ ngập tăng và khan hiếm nguồn nước ngọt. Nguồn nước ngọt tại đây chỉ trông chờ vào nước mưa và nước ngầm. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng để tôn cao và bảo vệ công trình sẽ tốn kém không ít. Vì những lý do đó, một bộ phận dân cư có thể sẽ dịch chuyển ra ngoài tiểu vùng. Vấn đề lớn nhất của tiểu vùng là bảo vệ các thành quả của lao động quá khứ.
Tiểu vùng chịu ảnh hưởng hỗn hợp biển và nguồn (B)
Đây là địa bàn thể hiện rõ rệt nhất sự giao thoa, tranh chấp và đi đến một thế cân bằng giữa hai quá trình sông và biển. Cũng với kịch bản nguồn nước từ thượng nguồn chảy về đồng bằng như hiện nay, tiểu vùng chịu sự tác động về môi trường tự nhiên mạnh dần theo hướng từ nguồn ra biển vì quá trình MNBD; diện tích của tiểu vùng bị thu hẹp lại.
Ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội ở tiểu vùng này rất to lớn do đây là vùng tập trung dân cư đô thị, có nhiều cơ sở kinh tế quan trọng, mà sinh hoạt và các hoạt động kinh tế-xã hội cho tới nay đều dựa vào nguồn nước ngọt dồi dào hầu như quanh năm.
Đối với khu vực I, ở một số địa bàn giáp với tiểu vùng (C), các hệ thống canh tác trên nền nước ngọt như canh tác lúa, vườn cây ăn trái bị tác động về mặt năng suất, về diện tích canh tác; chăn nuôi gia súc gia cầm giảm mạnh; diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị thu hẹp do bị nước lợ và mặn xâm lấn.
Khu vực II, khu vực III, đô thị và dân cư bị ảnh hưởng và có thể bị xáo trộn khá nhiều. Một bộ phận sẽ dịch chuyển về tiểu vùng A hoặc ra ngoài vùng do thiếu nguồn nước ngọt, do ngập lụt hoặc do xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước ngọt và chống ngập quá tốn kém. Cũng vì những lý do này, khả năng thu hút đầu tư đã khó sẽ càng khó.
Nhìn tổng thể, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động trên các mặt:
- Biến động trong sản xuất: Nếu không có giống mới chịu được mặn, kinh tế lúa và kinh tế vườn sẽ giảm sút; kinh tế biển sẽ tăng trưởng nhanh nhưng chưa chắc bù đắp được hai sự sụt giảm trên; đầu tư trong lĩnh vực công-thương nghiệp càng khó thu hút hơn.
- Kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng lớn.
- Biến động về phân bố dân cư, đô thị và các trung tâm, cơ sở kinh tế sẽ diễn ra sự dịch chuyển trong nội vùng và ra ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những biến động về môi trường tự nhiên và về kinh tế-xã hội trên đây sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long nếu không kịp thời có sự ứng phó thích hợp.
- Cuộc sống của hàng chục triệu người dân sẽ bị xáo trộn lớn.
- Vai trò vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách Nhà nước mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng.
- Nhiều khía cạnh về an ninh quốc phòng sẽ được đặt ra, trước tiên là an ninh lương thực cho cả nước.
Những dự báo tác động trên đây nằm trong kịch bản nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn đổ về như hiện nay. Nếu nguồn nước này thay đổi theo một kịch bản bất lợi cho các nước ở hạ lưu, đặc biệt đối với Việt Nam ở tận cuối nguồn, thì những thách thức sẽ còn lớn hơn nhiều. Một công cụ mô hình hóa để có thể mô phỏng bức tranh thủy văn thủy lực và các tác động nảy sinh là không thể thiếu.
Những nhiệm vụ cần triển khai
Ứng phó với MNBD là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu chẳng những của vùng duyên hải miền Trung và của Đồng bằng sông Cửu Long mà còn của cả nước.
Mực nước biển dâng là một quá trình tiệm tiến. Nếu nhân loại không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt sự BĐKH ở quy mô toàn cầu, quá trình MNBD sẽ diễn ra ngày càng nhanh, do vậy cần có sự chuẩn bị ứng phó đúng mức và ngay từ bây giờ.
Tổng kết từ nhiều địa bàn trên thế giới, có ba cách ứng phó với MNBD: bảo vệ (hay chống đỡ, đương đầu), thích nghi và rút lui về phía sau. Ba cách này đều áp dụng đối với các đối tượng: các công trình kiên cố, hệ thống sản xuất nông nghiệp và các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái đầm lầy. Không có một cách ứng phó duy nhất cho mọi đối tượng, ở mọi nơi, mọi lúc. Để ứng phó tốt nhất cần nắm rõ tình hình cụ thể của địa bàn, khả năng bảo vệ có hay không, tính khả thi và hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa của phương án ứng phó.
Ứng phó không thể riêng lẻ từng tỉnh, từng ngành mà phải theo quy luật tự nhiên, kinh tế-xã hội, mục đích và yêu cầu của sự ứng phó. Yêu cầu đối với ứng phó là gìn giữ tối đa trong chừng mực có thể được thành quả của lao động quá khứ, sinh mạng, tài sản và đời sống của người dân và vì sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, phải tranh thủ thời gian để điều tra nghiên cứu trên từng địa bàn bị đe dọa, điều gì sẽ đến tương ứng với các phương án BĐKH và MNBD, từ đó chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất.
Để ứng phó có hiệu quả với BĐKH và MNBD, theo chúng tôi cần:
+ Hiểu rõ mối quan hệ hệ thống và cơ chế tác động giữa khí hậu và các yếu tố liên quan đến sự sống và sản xuất, và sự thể hiện trên một vùng lãnh thổ;
+ Hiện trạng môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế và đời sống xã hội trên vùng lãnh thổ đó;
+ Dự báo các kịch bản BĐKH và MNBD cũng như các kịch bản nước từ thượng nguồn về;
+ Định lượng các tác động về tự nhiên và kinh tế-xã hội trên từng tiểu vùng;
+ Đề xuất các phương án ứng phó có hiệu quả nhất trong vùng lãnh thổ, theo thời gian, trong từng kịch bản có chú ý đến sử dụng các công nghệ mới thích hợp.
Theo các công bố mới nhất có được, kịch bản MNBD vào năm 2100 đối với Việt Nam là 0,69m theo IPCC (2007); là 1m theo WB (2007). Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008), MNBD nằm trong khoảng giữa 0,74m (giới hạn dưới) và 1m (giới hạn trên); nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 3oC vào năm 2100; lượng mưa có xu thế biến đổi không đồng đều giữa các vùng, có thể tăng (từ 0% đến 10%) vào mùa mưa và giảm (từ 0% đến 5%) vào mùa khô, tính biến động của mưa tăng lên. Về phía thượng nguồn, chắc chắn Thái Lan, Lào, Campuchia sẽ sử dụng nguồn nước sông Mekong nhiều hơn cho thâm canh và tăng vụ trong thời gian tới, nhiều đập thủy điện đã được dự kiến xây dựng trên lưu vực sông Mekong, trong đó 4 đập thủy điện trên đất Trung Quốc đã được hoàn thành và đi vào vận hành9.
Để góp phần vào việc chuẩn bị ứng phó, xin gợi ý một số nhiệm vụ cần triển khai:
(1) Làm cho cả xã hội nhận thức đầy đủ về tính tất yếu Việt Nam phải ứng phó với BĐKH và MNBD, và tác động của nó, từ tự nhiên đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Nhận thức về các tác động của BĐKH phải toàn diện và toàn cầu, nhưng cần được liên hệ đến từng địa bàn để hoạch định hành động cụ thể phù hợp với bối cảnh và quy luật chung.
(2) Xác định và tiến hành sớm những nội dung nghiên cứu triển khai cần thiết trong đất liền, bờ biển, vùng cận duyên và ngoài biển khơi làm cơ sở khoa học cho các quyết định ứng phó với các tình huống BĐKH và MNBD.
+ Lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn của các vùng ven biển, các vùng trũng; lập bản đồ các vùng địa mạo không ổn định do phá rừng và do MNBD. Hiện nay đã có bản đồ ngập ở ĐBSCL ứng với các mực nước biển dâng 1 - 5m. Nhưng bản đồ ngập sẽ có ích hơn nếu các MNBD cụ thể hơn vì MNBD từ 20 đến 40cm đã tác động rất nhiều đến ĐBSCL10.
+ Để có thể tiên đoán những gì có thể xảy đến trong kịch bản BĐKH và MNBD, việc xác lập, lựa chọn các công cụ mô hình hóa để mô phỏng là không thể thiếu.
+ Phân vùng thủy văn - thủy lực các tiểu vùng theo các kịch bản thủy văn thủy lực; mô phỏng các tác động về tự nhiên, kinh tế-xã hội phục vụ cho việc ứng phó trên từng địa bàn trong từng kịch bản.
Trên cơ sở đó tính toán thời gian ngập, độ sâu ngập, quá trình xâm nhập mặn, chất lượng nước mặt. Tự động hóa các tính toán này và tích hợp các kết quả để đi đến bản đồ tài nguyên nông nghiệp phục vụ cho việc xác định cơ cấu mùa vụ.
+ Phân định các tiểu vùng A, B, C của Đồng bằng sông Cửu Long; dự báo các tác động về tự nhiên, kinh tế, xã hội trên từng địa bàn trong mỗi phương án MNBD để từ đó hoạch định việc ứng phó.
+ Nghiên cứu các giống cây con, đặc biệt các giống lúa có gien chịu mặn cao, cao thân,...; thử nghiệm những hệ thống sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao và bền vững, phù hợp với bối cảnh mới trong từng tiểu vùng.
+ Dự báo các công trình trong kết cấu hạ tầng bị đe dọa do biển dâng; hợp lý hóa hệ thống giao thông thủy bộ, kết hợp với các nhiệm vụ xây dựng cụm, tuyến dân cư và thủy lợi.
+ Nâng cao năng lực xây dựng nhằm hạn chế xâm thực bờ biển, xây dựng trên nền đất yếu, bị ngập nước với những công nghệ mới về các vật liệu nhẹ, chịu tải trọng cao, bền trong môi trường nước lợ và mặn.
+ Đề xuất những mô hình công nghiệp hóa trong bối cảnh mới (diện tích đất không bị ngập giảm, khan hiếm nước ngọt,...) vì sự phát triển bền vững.
+ Đề xuất các phương thức quần cư thích hợp với tập quán và bối cảnh mới. Ngoài phương thức quần cư trong đê bao (như ở Sa-rài), trong cụm dân cư vượt lũ, nghiên cứu hiện đại hóa nhà sàn, thiết kế các nhà nổi và khu dân cư nổi là những việc cần triển khai.
+ Dự báo các luồng dịch chuyển dân cư và lực lượng sản xuất khác; dự kiến các địa bàn có thể tái bố trí.
+ Xây dựng một chương trình nghiên cứu biển dưới tác động của MNBD, nhất là vùng cửa sông, nghiên cứu biến động của đường bờ, xác định những vùng địa mạo ổn định, bán ổn định, không ổn định là tối cần thiết để bố trí đúng vị trí các công trình.
(3) Phát huy và đào tạo nguồn nhân lực
+ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH cần huy động đội ngũ cán bộ khoa học hiện có thông qua một chương trình khoa học và công nghệ đi từ dự báo, đến mô hình hóa và mô phỏng, và tìm các biện pháp thích hợp nhằm tích cực khắc phục các thách thức.
+ Thiết lập ở các trường đại học các khoa, bộ môn đào tạo liên thông và liên kết từ hải dương học, địa chất, động lực học ven biển và vùng cửa sông, toán ứng dụng và cơ học đi sâu về BĐKH và MNBD nhằm đào tạo một nguồn nhân lực lâu dài cho đất nước.
+ Đào tạo thông qua giảng dạy và thông qua nghiên cứu thực hiện các đề tài mà thực tế đặt ra.
(4) Về mặt quản lý nhà nước
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ, số liệu, ảnh vệ tinh phục vụ cho công tác ứng phó với BĐKH và MNBD) hoặc xây dựng danh mục các dữ liệu hiện có ở các cơ quan và quy chế sử dụng chung các dữ liệu này.
+ Có chương trình bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
+ Thống kê số hộ và số dân hiện đang cư trú dọc bờ biển miền Trung những nơi bị đe dọa xâm thực, và cần được bố trí đến nơi cư trú mới an toàn mà không làm tổn hại đến sự ổn định của địa mạo.
+ Xác định các địa bàn cư trú mới tiềm năng, mô hình canh tác và kết cấu hạ tầng.
+ Quản lý nghiêm việc khai thác và bảo vệ các tầng nước ngầm ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Tổng kết việc xây dựng các cảng biển trong thời gian qua dọc duyên hải miền Trung; đề xuất xây dựng đồng bộ một số cảng biển nước sâu, được che chắn tốt, tồn tại bền vững.
+ Cần quy định từ nay mọi quy hoạch, dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định của địa mạo và yếu tố MNBD một cách tường minh.
+ Rà soát lại các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành tại các địa bàn phải đối mặt với MNBD.
+ Cần có tầm nhìn và quy chế phối hợp hành động liên ngành, liên vùng, trung ương-địa phương (nhất là giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giữa duyên hải miền Trung với Tây Nguyên,...) để chủ động có lộ trình biến sự dịch chuyển một bộ phận nguồn lực một cách tự phát trở thành sự phân bố lại lực lượng sản xuất.
Thách thức của BĐKH và MNBD chính là thời cơ thúc đẩy các thiết chế Nhà nước nâng cao chất lượng của sự phối hợp trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, và mặt khác suy tính sâu sắc hơn nữa việc quản lý kinh tế theo vùng lãnh thổ.
+ Mọi quy hoạch cần được phản biện nghiêm túc, đặc biệt các quy hoạch các vùng duyên hải và cận duyên, các công trình đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước tại những địa bàn được dự báo có nhiều khả năng bị tổn thương do MNBD, bảo đảm công trình bền vững, đạt hiệu quả tổng hợp cao.
(5) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để kịp thời có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến BĐKH và MNBD ở Việt Nam; hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và trong điều tra, nghiên cứu những đề tài khoa học liên quan đến biển Đông, cho khu vực và thế giới.
Sông Mekong là mt trong nhng con sông ln nht trên thế gii, bt ngun t Trung Quc, chy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đ ra bin Đông Vit Nam. Trong bối cảnh BĐKH và MNBD, bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với sử dụng nước sông Mekong ở thượng nguồn đúng với quy định của luật pháp quốc tế là một nhiệm vụ hàng đầu của Nhà nước mà trước tiên là Ủy ban quốc gia sông Mekong. Các kết quả điều tra nghiên cứu cần thiết là một công cụ mạnh để đàm phán, bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia.
(6) Việt Nam đã tham gia Nghị định thư Kyoto, Công ước quốc tế về đa dạng sinh học và những điều ước quốc tế khác có liên quan. Vì vậy, về mặt đối nội, để thực thi các nội dung đã được đề cập trên đây, cần thể chế hóa các chính sách liên quan đến giảm thiểu BĐKH, MNBD và các hệ quả của chúng vào các luật và bộ luật; giám sát việc thực thi pháp luật đã ban hành. Về mặt đối ngoại, cần triển khai hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững của quốc gia, của khu vực và cả thế giới.
[8] Chương trình khoa học kỹ thuật cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Báo cáo tổng hợp của Chương trình “Đồng bằng sông Cửu Long, tài nguyên, môi trường, phát triển”, NGUYỄN NGỌC TRÂN chủ biên, Ủy ban Khoa học&Kỹ thuật nhà nước, 1991, Hà Nội.
[9] Đó là các đập thủy điện Manwan (công suất 1.500 MW, tổng lượng nước trữ 258 triệu m3), Dachoshan (1.350 MW, 240 triệu m3), Jinghong (1.500 MW, 230 triệu m3) và Xiaowan (4.200 MW, 9.800 triệu m3). Theo chuyên gia các nước, các đập này, nhất là đập Xiaowan là một thách thức lớn đối với các nước trong hạ lưu sông Mekong.
[10] Trong “Sea level rise affecting the Vietnamese Mekong delta: Water elevation in the flood season and implications for rice production”, Climatic Change 66: 89–107, 2004. Kluwer Academic Publishers Netherlands. Các tác giả REINER WASSMANN, NGUYEN XUAN HIEN, CHU THAI HOANH và TO PHUC TUONG, đã tính toán tác động của mực nước biển dâng 20cm và 45cm đồng đều như nhau giữa biển Đông và vịnh Thái Lan, đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts