Lời mở đầu: Nhân kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVNI, Cầu đường Việt Nam news trân trọng giới thiệu với quý vị và các bạn độc giả 10 giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của Cách mạng Việt nam Thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Mới quý vị và các bạn cùng đọc.
( Bài đã được đăng trên trang web đài Phat thanh - Truyền hình Hà Nội, Tạp chí Cầu đường Việt Nam. )
( Hội nghi hợp nhất 3 tổ chức Đảng Cộng Sản)
1) Thành lập đảng CSVN 3/2/1930
Tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính. Những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9-1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.
Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam . Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo.
Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu DDCSD); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu (ANCSĐ). Đại biểu ĐDCSLĐ không đến kịp. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt và điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kể từ ngày 5/6 năm 1911 ra đi từ bến cảng Nhà Rồng Thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành, rời Việt Nam sang Pháp và nhiều nước ở châu Âu và Mỹ để lao động và học hỏi. được giác ngộ và vào đảng cộng sản Pháp, rồi trở thành người hoạt động cách mạng theo chủ nghĩa cộng sản với tên là Nguyễn Ái Quốc.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ, từ làng Nậm Quang - Tĩnh Tây Quảng Tây, Trung Quốc, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam tại cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung,.. Bên cột mốc biên giới và làm việc tại Lán Khuổi Nậm, thuộc địa phận xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng, bắt đầu một thời kỳ mới, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Lúc này "Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy". Hội nghị đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Việt Nam .
Ngày 19-5-1941, giữa núi rừng Pác Bó, dưới sự chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Ấi Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời với quyết tâm "làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do". Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Ngày 19/ 8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đã tổ chức mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! giành chính quyền. Lời hiệu triệu đó nhân dân cả nước đã vùng lên cướp chính quyền tại khu vựa Hà Nội, rồi đến miền Trung, Sài Gòn và miền Nam . Đến ngày 28 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền toàn quốc. Ngày 30 tháng 8, hàng mấy vạn người tụ tập trước Ngọ Môn Lâu chứng kiến nhà vua Bảo Đại thoái vị để trở thành công dân của một Quốc gia Độc Lập. Ông tuyên bố "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố sự khai sinh của một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn, dựa theo bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, bắt đầu bằng câu: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỉ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.
Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân đội Pháp diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu, bây giờ là thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của quân và dân Việt Nam .
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào chiều ngày 7/5/1954, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Genevơ về Đông Dương năm 1954. Đúng 16 giờ 30 phút, ngày 8-5-1954, nghiã là sau 1 ngày quân đội Pháp tại Điện Biên phủ đầu hàng, thì Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.
Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, nhưng với thiện chí của phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn có cả 2 nước Lào và Campuchia.
Trên phương diện quốc tế, trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương, các khu vực thuộc địa ở Châu Phi của Pháp và buộc nước này rút ra khỏi Đông Dương. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.
Như vậy kể từ ngày 22 tháng 12 năm 1944, quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ban đầu gồm 34 chiến sỹ, trong đó có 3 nữ, do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung. Sau 10 năm rèn luyện và đã trở thành một đội quân hùng mạnh.
Sự kiện được bắt đầu từ ngày 5/ 8/ 1964, do máy bay của Hải quân Mỹ thực hiện, bắt đầu đánh phá các căn cứ hải quân của Việt Nam ở Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Hòn Gai). Tại Bãi Cháy, bộ đội cao xạ phòng không đã chủ động đánh trước khi máy bay Mỹ oanh kích. Hai máy bay Mỹ loại A-4 Skyhawk bị bắn rơi. Phi công Mỹ Everett Alvarez nhảy dù xuống biển đã bị dân chài bắt sống, trở thành người tù binh Mỹ đầu tiên trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ
Việc ném bom miền Bắc của không quân Mỹ tại nhiều vùng dân cư lớn như các thành phố, thị xã và hầu hết các tuyến đường giao thông xuyên Việt, nhằm hạn chế sự chi viện của hậu phương lớn XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong suốt 9 năm từ 1964 đến hết năm 1972, miền Bắc nước ta đã phải đối phó với chiến tranh trên không rất ác liệt của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, Ngành GTVT đã huy động mọi nguồn lực đảm bảo giao thông, phục vụ cho sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc XHCN với tiền tuyến lớn miền Nam; Lực lượng phòng không và không quân từ thô sơ đã được trang bị khá hiện đại do Liên Xô trợ giúp, gồm nhiều trung đoàn pháo phòng không các tầm cỡ điều khiển bằng radar. Hệ thống radar cảnh giới và dẫn đường cho không quân. Hệ thống tên lửa phòng không và không quân tiêm kích. Các lực lượng phòng không không quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu khá sáng tạo, vô hiệu hóa được các thủ thuật chiến tranh điện tử và chống trả quyết liệt với Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Lực lượng phòng không không quân cùng với lực quân sự địa phương đã bắn rơi ở 4.181 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 68 máy bay B52, bảo vệ vững chắc vùng trời vùng biển của Tổ quốc.
Ngày 18/12/1972, Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 làm nòng cốt ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác trong 12 ngày (18 tháng 12 đến 30 tháng 12).
Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971.
Nhờ có lực lượng PKKQ lớn mạnh cùng với ý chí quật cường dân tộc, trong 12 ngày đêm quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi tại chỗ).
Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, bị thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30 tháng 12 năm 1972. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, nghĩa là sau 4 năm và 7 th áng diễn ra, hiệp định Paris được ký kết. Ngày 29 tháng 3 năm 1973 quân nhân Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam sau 21 năm.
Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/ 4/1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390, cùng lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với quân đội cách mạng (tức quân Giải phóng miền Nam Việt Nam). Chiến dịch HCM toàn thắng.
Đây là cuộc Tổng tấn công quân sự cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam, được bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 năm 1975, với ba chiến dịch liên tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên, từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3; Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng, từ 21 tháng 3 đến 29 tháng 3 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4, Giải phóng hoàn toàn miền Nam.Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương, một quá trình chiến tranh hao người tốn của kéo dài 30 năm. Sau khi thống nhất đất nước,Việt Nam bắt đầu bước vào một thời kỳ mới trong công cuộc xây dựng đất nước theo đường lối XHCN.
Ngày 2 tháng 7 năm 1976 nước Việt Nam được đặt Quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN tại Brunei, trở thành thành viên thứ bảy của hiệp hội và lần đầu tiên tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 với tư cách thành viên đầy đủ.
ASEAN là tên viết tắt của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - Một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines
Từ đó Việt Nam đã bắt đầu thể hiện vai trò tiên phong hơn trong các vấn đề của Hiệp hội, đã khiến các thành viên phát triển của ASEAN công nhận sự cần thiết đặc biệt của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN.
Những đóng góp cụ thể của Việt Nam có thể kể đến là: Tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN-6 tại Hà Nội (12/1998), giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, nhất là việc hoàn tất ý tưởng một ASEAN-10; thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020.
Từ tháng 7/2000 – 7/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ủy ban Thường trực ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 34 (AMM-34) và các Hội nghị liên quan.
Việt Nam đã ký Hiệp ước xây dựng Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và đang tích cực vận động các cường quốc hạt nhân tham gia ký kết nghị định thư để Hiệp ước thực sự có ý nghĩa. Việt Nam đã đóng góp lớn trong việc xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động hơn trong hợp tác nội khối, hướng hoạt động của ASEAN vào những nội dung hợp tác thiết thực, vừa bảo đảm lợi ích của Việt Nam, vừa thể hiện quan tâm chung của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các nước đối thoại như ASEAN+3 (với 3 nước Đông Bắc Á), ASEAN+1 (giữa ASEAN với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Niu Dilân).
Với trọng trách là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã nỗ lực điều hành thành công Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), một diễn đàn an ninh mới bổ trợ cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong việc giải quyết các thách thức an ninh chủ yếu ở khu vực.
Do hậu quả chiến tranh lâu dài, sự cấm vận của Hoa Kỳ, đã đưa Việt Nam vào các khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội. Đại hội Đảng lần VI năm 1986 chấp thuận chính sách Đổi mới theo đó cải tổ bộ máy nhà nước, và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội.
Từ đó đến nay, nước ta tiếp tục phát triển tư duy lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng cầm quyền..
Qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử với các mục tiêu kinh tế và xã hội. Trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng được xây dựng đồng bộ trên quy mô toàn quốc. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục phát triển. Đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996); vượt qua khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực (1997-1998); khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay;
Bước đầu Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Vào ngày 16 tháng 10 năm 2007 Việt Nam đã được bầu làm một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2008-2009.
Sau 11 năm đàm phán, ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
Tham gia WTO, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao trong các mối quan hệ quốc tế; tạo nên thế và lực mới, sánh ngang hàng với các quốc gia thành viên của WTO trong việc biểu quyết những vấn đề liên quan đến WTO, đặc biệt trong quá trình giải quyết những vấn đề tranh chấp trong kinh doanh thương mại quốc tế.
Gia nhập WTO Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị và mở rộng trường quốc tế rộng lớn với 148 thành viên, với vị thế thị trường ngang nhau với tất cả các quốc gia đó, hàng hóa nước ta có thể thâm nhập thị trường khổng lồ này mà không gặp bất cứ trở ngại nào, miễn là không vi phạm những quy chế và cam kết đã ký.
Tham gia WTO sẽ giúp nước ta nâng cao khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến, những thị trường tài chính hàng đầu, tiếp thụ và vận dụng cho chiến lược phát triển nền kinh tế Việt Nam . Là cơ hội để Chính phủ có thể xem xét hoàn thiện những chính sách kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
Từ đó cho đến nay, trên con đường hội nhập quốc tế, nước ta đã tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường hàng hóa dịch vụ, đầu tư quốc tế, đổi mới mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn các thể chế, đồng thời, cải tiến nền hành chính quốc gia theo hướng hiện đại ./.
(Biên soạn )
0 comments:
Post a Comment