Tuesday, July 10, 2012


Lời mở đầu
Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và  Điện Biên được nối với nhau theo trục quốc lộ số 6. Đây là con đường chính nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc của Việt Nam, với chiều dài toàn tuyến của đường là 504 km.


( Đèo Pha Đin mới được cải tảo mở rộng )

Lịch sử hình thành: Sau khi Hà Nội bị người Pháp chiếm, có nhiều tuyến đường đường được Pháo xây dựng trong đó có trục đường 6, khi đó đường 6 được mở từ Hà Nội đến Hòa Bình. Vào cuối thế kỷ 19 để phục vụ cho công cuộc khai phá Tây Bắc và bộ máy cai trị thuộc các phủ, châu khu tự trị. Sau khi thành lập châu Sơn La vốn thuộc xứ Hưng Hóa, tiền thân của tỉnh Sơn La. Vào quãng năm 1925, để thực hiện chinh sách cai trị và khai thác tài nguyên người pháp đã cho mở tuyến đường 41 dài 248 km từ Sơn La nối về Hà Nội. Thời đó đường 41 nhỏ hẹp chỉ cho xe có trọng tải 1 đến 2 tấn lưu thông. Đường cũ men theo vách núi và suối sâu vượt qua sông Đà tại suối Rút và Chợ Bờ  đén tỉnh lỵ Hòa Bình. Trục đường 6 được nâng cấp và phát huy sau khi xây dựng sân bay Na Sản và nhất là khi Điện Biên trở thành cứ điểm quân sự của quân đội viễn chinh Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tuyến đường 6 nổi tiếng với những địa danh Mộc Châu, Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo.
Sau năm 1955 quốc lộ 6 và đường 13 A ( Vào Huyện Sông Mã, nay là đường 105 ) được nâng cấp mở rộng theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi và xây dựng các cầu Tà Vài và Chiềng Đông)
Quốc lộ 6 có điểm đầu là đầu cầu sông Nhuệ, quận Hà Đông, Hà Nội (Km0) và điểm cuối là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên theo lộ trình sau:
Đoạn từ km0 đến km63 (cầu sông Nhuệ đến thành phố Hòa Bình) dài 63 km.
Từ km65 đến km321 (thành phố Hòa Bình đến thành phố Sơn La) dài 256 km.
Đoạn từ thành phố Sơn La đến ngã ba Tuần Giáo dài 86 km.
Đoạn từ Tuần Giáo đến thị xã Mường Lay dài 100 km.
Trên toàn tuyến có 10 đèo dốc lớn có chiều dài từ 4 đến 32 km. Đèo dài nhất là đèo Pha Đin từ km360 đến km392 dài 32 km, độ dốc 10%.
Trên toàn tuyến có 46 cầu chính, dài nhất là cầu Mai Lĩnh dài 172,5 m bắc qua sông Đáy.
Trên đường giao thông được cả hai mùa.
Từ năm 2001 đến năm 2004 có  vào khoảng 254 km đường từ đầu dốc Cun thành phố Hòa Bình đến thành phố Sơn La và từ Sơn La đi Tạ Bú và Mường La đã được nâng cấp và sửa chữa lớn để phục vụ cho Thủy điện Sơn La.
Sau đó đoạn quốc lộ 6 từ thành phố Sơn La đến ngã ba Tuần Giáo cũng được cải tạo mở rộng, trong đó tập trung nhất là đoạn đường đèo Pha Đin. Đoạn đường này sau  khi nâng cấp sẽ phục vụ cho việc xây dựng kinh tế tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên và xây dựng thủy điện Lai Châu.

Trên trục đường 6 có nhiều địa danh nổi tiếng đã gắn bó với sự phát triển trong các thời kỳ. Địa danh và cũng là đô thị đầu tiên là:  
Thị trấn Xuân Mai nằm trên điểm giao nhau giữa Quốc lộ 6  Quốc lộ 21A nay là Đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 33 km về phía tây, là một trong 5 đô thị trong chuỗi đô thị vệ tinh của Hà Nội, bảo gồm: Sơn Tây- Hoà Lạc - Xuân Mai - Phú Xuyên - Sóc Sơn  Mê Linh.

Tiếp đến là thành phố Hòa Bình. Đây là cửa ngõ quan trọng nối miền xuôi với miền núi, đặc biệt là với các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu thông qua quốc lộ 6.
Tỉnh Hòa Bình được thành lập vào năm 1886 với tên gọi là tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây  Ninh Bình. Thời đó tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên cũng còn gọi là tỉnh Chợ Bờ, sau được được đổi tên thành tỉnh Phương Lâm, ban đầu tỉnh gồm cả Mộc Châu, Yên Châu  Châu Phù Yên, Năm 1831 đổi thành tỉnh Hòa Bình với 6 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu (châu Mai) và Đà Bắc.
Hòa Bình bắt đầu khởi sắc khi nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng mở đầu cho công cuộc kiến thiết đất nước sau khi đất nước thống nhất. Đây cũng là địa phương đầu tiên của trục truyền tải điện xuyên Việt, đó là đường dây 500kv Bắc Nam.
Trước đây khi chưa xây thủy điện Hòa Bình thì quốc lộ 6 qua thị xã Hòa Bình tại phố Chăm Mát, không phải rẽ trái đi theo dốc Cun như bây giờ, mà được tiếp tục đi thẳng tới phà Chợ Bờ và phà Suối Rút rồi men theo dòng sông Mã đến Mộc Châu Trên đoạn đường này ngày xưa người ta vẫn gọi nơi nghỉ chân theo tên kilômet. Ví dụ: km22 là một thị trấn, nơi có dân cư đông đúc có, trạm kiểm lâm, có các cửa hàng ăn, có nhà trọ, có cẳ hàng Bách hóa.. rất thuận tiện cho các đoàn xe chở khách và xe tải chở hàng hóa ăn nghỉ. Đi tiếp đèo dốc chênh vênh là km 46 cũng là nơi nhiều xe dừng đỗ trước khi vượt đèo 46 và bắt đầu đến Mộc Châu ở km 64. km 68 là thị trấn nông trường Mộc Châu.v.v.. Bây giờ.khu vực ngã ba Bái Sang nối quốc lộ 6 cũ với quốc lộ 15A nằm trong vùng lòng hồ Hòa Bình và đường cũ ngoằn ngoèo nguy hiểm từ thời đó lên cao nguyên Mộc Châu vẫn còn dấu tích..
Khi khởi động xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, quốc lộ 6 được thay đổi hướng tuyến, rẽ từ phố Chăm Mát rẽ lên dốc Cun, qua  Bưng ( Cao Phong) là đến Mạn Đức thì rẽ để lên đường đèo Thung Khe,Thung Nhuội, ngày xưa gọi là dốc đường mới.
Đoạn đường này được xây dựng từ nhưng những năm 1960 đến 1967, nối Mạn Đức quốc lộ 12 B, đến ngã ba Tòng Đậu, huyện Mai Châu thuộc quốc lộ 15 A…để từ đó đi tới Hồi Xuân, Bá Thước ( Thanh Hóa ), trở thành một tuyến vận tải chiến lược phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Quốc lộ 6 mới đi tiếp từ ngã ba Tòng Đậu chừng 25km, theo hướng Bái Sang thì đến đoạn đường 6 mới tại Đông Bảng. Đoạn đường từ đây đến Mộc Châu bằng phẳng hầu như không có đèo dốc, đi qua nhiều bản người Hmông, đi qua nhiều cánh rừng nguyên sinh, có phong cảnh đẹp, đường mới nối vào đường cũ ở cuối nông trường Mộc Châu tại km 68.

Thị trấn nông trường là trung tâm của cao nguyên Đến, nơi đây là những cánh đồi chè xanh ngát, đồng cỏ mênh mông với chú bò sữa, sắc màu hoa trắng, hồng của vườn mận, vườn đào. Tại khu vực đầu thị trấn nông trường ở km 64 là trục đường quốc lộ 43, qua sông Đà tại Vạn Yên, nhập với quốc lộ 37 tại Tương Phù. Nối với quốc lộ 32b tại Mường Cơi, qua Thu Cúc, Thanh Sơn và cầu Trung Hà Hà Nội. Tại thị trấn Mộc Châu còn có đường sang nước Lào tại Pa Háng theo quốc lộ 43..

Đi tiếp những đoạn đường ven vực sâu là đến thị trấn Yên Châu qua những cung đường: Nhá Nhung, Ta Búng, Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông. Nơi đây trong thời chống Mỹ đã nổi tiếng với bài hát: Người Châu Yên bắn máy bay.
Từ thị trấn Yên Châu đi khoảng 30 phút đến huyện Mai Sơn, Với các di tích lịch sử trong thời kháng chiến cách mạng như: Di tích lịch sử cây me, Tượng thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi, sân bay Nà Sản. Tại đây trục đường 6 lại được nối với quốc lộ 37 và giao với quốc lộ 43 tại Tương Phù và từ đó xuôi vế Hà Nội theo lối Thu Cúc và cầu Trung Hà. Sau những năm 2000 khi nâng cấp tuyến quốc lộ 6 từ Mạn Đức qua đèo Thung Khe đến Tòng Đậu, Từ Hà Nội muốn lên Sơn La đều phải qua hai tuyến đường này.

Thành phố Sơn La là cụm du lịch trung tâm điều hành và cung ứng dịch vụ du lịch của Sơn La. Đặc biệt nó là đoạn giữa của lộ trình đến Điện Biên và Lai Châu, bởi thường đến Sơn La thường người ta phải nghỉ ngơi dưỡng sức để đi tiếp vào ngày hôm sau.
Từ thủa vua Hùng dựng nước, Sơn La thuộc bộ Tân Hưng. Sau đó đến thời Lý, vùng đất này thuộc đạo Lâm Tây. Qua một thời gian có tên gọi đạo Đà Giang. Đến năm 1397, dưới triều Trần, Sơn La nằm trong trấn Thiên Hưng.
Đến thời Nguyễn, các châu, mường: Sơn La, Mai Sơn, Phù Yên, Mộc, Yên… thuộc vào phủ Gia Hưng, hai châu Quỳnh Nhai, châu Thuận thuộc Phủ Điện Biên.
Năm1904, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển  đề nghị định đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La, cho phép có ngân sách hàng tỉnh riêng. Lúc đó, tỉnh Sơn La bao gồm các châu: Châu Thuận, Mường La, Mai Sơn, Châu Yên, Châu Mộc, Phù Yên, Tuần Giáo, Điện Biên, Châu Lai, Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu. Tên tỉnh Sơn La chính thức có từ thời đó.
Nổi tiếng của Thành phố Sơn La là cụm di tích lịch sử nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả, tiếp đến là hang Tát Tòng, đền vua Lê,  nước khoáng nóng bản Mòng, văn hóa ẩm thực, phong tục truyền thống của dân tộc Thái, bản Hìn, bản Bó.....
Từ thành phố Sơn La đi theo đường tỉnh lộ 106 chừng 30 km là công trình thủy điện Sơn La.

Từ Thành phố Sơn La đi 30km là đến huyện Thuận Châu,
Đến Thuận Châu nằm dưới chân đèo Pha Đin, nơi mà vào năm 1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và động viên các dân tộc Sơn La ra sức xây dựng đưa một tỉnh miền núi giàu mạnh, Kỳ Đài Thuận Châu nơi Bác Hồ nơi Bác Hồ nói chuyện với đồng bào Sơn La bây giờ là di tích lịch sử...Thuận Châu có rừng nguyên sinh Copia, khu căn cứ di tích Long Hẹ, Bãi đá cổ Pá Màng, Thuận Châu vào những năm 1960 đã có nhiều người quê Thái Bình lên đây khai hoang lập nghiệp. Thị trấn Bình Thuận là tên ghép Thái Bình và Thuận Châu.

Đèo Pha Đin là nơi gặp nhau giữa trời và đất, dài 32 km, độ cao hơn 1000m, con đường khúc khuỷu, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục giữa bao la trùng điệp của cảnh núi rừng Tây Bắc. Trên đỉnh đèo này ngày xưa vào những năm 65. 75 của thế kỷ trước hầu như chẳng có người ở, chí có một đơn vị Ra đa thuộc Bộ tư lện Phòng Không - Không Quân, canh trời bảo vệ Thủ Đô ở đỉnh đèo ( đối diện với cột ăng ten thông tin bây giờ và môt trạm  khí tượng thủy văn cách đó không xa về phía Tuần Giáo.Ngày xưa vào những năm 1964 đến năm 1975, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ bằng đường không, trên trục đường 6 có rất nhiều đơn vị Ra đa thuộc trung đoàn 292, tên thường gọi là Đoàn Tô Hiệu. Các đơn vị cập Đại đôi. Các đơn vị này thường chiếm lính các độ cao như:  Đại đội 20 trên núi Đối Thơi xã Cao Phong ( Hòa Bình), đại đội 39 đồi chè nông trường Mộc Châu, đại đội 37 đóng tại Pa Háng, ngã ba biên giới Việt Lào ( Mộc Châu ), đại đội 38 tại Cò Nòi ( Mai Sơn), sau này vào năm đại đội 39 từ Mộc Châu được chuyển lên đèo Pha Đin ( Thuận Châu), có một đơn vị ở đồi A1 Điện Biên và còn một đại đội 35 đóng tại Na Mèo trên đường 217. Những năm đó trung đoàn Ra đa 292 đóng quân tại Hát Lót, ( Sơn La) .. Những đơn vị này làm nhiệm vụ phát hiện máy bay Mỹ từ xa tận Lào và Thái Lan, để cảnh giới cho vùng trời Hà Nội, phục vụ cho các đơn vị tên lửa và không quân bắn hạ máy bay Mỹ, đặc biệt là vào cuối năm 1972 phục vụ đắc lực cho các lực lượng PKKQ bắn hạ nhiều máy bay Mỹ trên bầu trười Hà Nội.

Đỉnh đèo Pha Đin cũng là đoạn đường thử thách cam go đối với nhiều lái xe trên cung đường ngoằn ngoèo đèo dốc này, bới có nhiều đoạn đường trên đỉnh dốc quanh co và nhiều khúc cua tay áo. Pha Đin (hay còn gọi là Phạ Đin) có nghĩa là trời, đất, như vậy đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất nên thường xuyên có mây mù bao phủ. Có thời gian mây mù đặc quánh,  cách có 5 mét đã không nhìn thầy gì.
Chính vì ở trên độ cao khoảng 1.600m với 32km đường nhiều dốc quanh co trải dài trên địa phận cuối Sơn La và đầu Điện Biên, đèo Pha Đin,  một bên núi, một bên là vực sâu thẳm và là đèo nguy hiểm bậc nhất ở núi rừng Tây Bắc.
Pha Đin gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, Pha Đin và ngã ba Cò Nòi là hai nơi hứng chịu nhiều bom đạn đổ xuống. Bây giờ cả  vẫn còn tấm bia trên đỉnh Pha Đin ghi lại dấu ấn lịch sử ấy.

Từ chân đèo Pha Đin là Tuần Giáo thuộc tỉnh Điện Biên. Từ ngã ba này đi theo quốc lộ 279 chừng 80km là thành phố Điện Biên.Trục đường ngày xưa vốn là đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên. Bắt đầu từ năm 1955 trên toàn tuyến quốc lộ 6 nói chung, trong đó đoạn đường từ Tuần Giáo đi Thành phố Điện Biên được xây dựng và từ Tuần Giáo đi  Lai Châu được cải tạo  và mở rộng. Do vậy đến năm 1960 tuyến đường 6 từ Lai Châu và từ Điện Biên Phủ về xuôi đã thông suốt, xe tải nặng có thể chạy được.

Từ sau năm 2000 trục quốc lộ 6 được nâng cấp mở rộng nhiều đoạn. Đầu tiên là đoạn từ Dốc Cun qua Bưng, Bằng đến Mạn Đức và từ Mạn Đức qua đèo Thung Khe đến Tòng Đậu. Đoạn từ Mộc Châu đến Sơn La và đoạn qua đèo Pha Đin đến Tuần Giao.
Thay mặt Bộ GTVT là các Ban QLDA 2 và 5 ( Bây giờ là Ban QLDA 6) đã chỉ đạo các đơn vị. Tham gia thi công là các TCT:  Xây dựng Giao thông 8 ( Cienco8) , xây dựng công trình giao thông 1 ( Cienco1), TCT cổ phần  thương mại xây dưng ( Vietracimex), công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Thành ( Tranconsin). .Tháng 3/2005, quốc lộ 6 đoạn từ Hoà Bình đi Sơn La, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường chuẩn cấp 3 miền núi, đã được đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho công việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Tiếp theo đó đoạn từ đèo Sơn La qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo và cuối năm 2010 đoạn từ Tuần Giáo đến Mường Lay được cải tạo mở rộng.
Bây giờ tuyến quốc lộ 6 đoạn từ Hoà Bình đến Sơn La và từ Sơn La đến Mường Lay đã được hoàn thành. Đường nhựa trải dài rất đẹp, nhiều đoạn cắt đôi các dãy núi.đã làm cho tuyến đường vốn rát nguy hiểm khi xưa trở nên thuận tiện an toàn.

Đô thị cuối tuyến quốc lộ 6 là thị xã Mường Lay.
Mường Lay là một thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên, được đổi tên từ thị xã Lai Châu (cũ) vào năm 2005.
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ, Thị xã Mường Lay ngày xưa là bộ Tân Hưng là 1 trong 15 bộ thời Hùng Vương nước Văn Lang. Thời Lý thuộc châu Lâm Tây; thời Trần thuộc lộ Đà Giang; thời Lê Lợi thuộc trấn Gia Hưng. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây. Trong đó Phủ An Tây có 10 châu, Thị xã Mường Lay hiện nay thuộc Châu Lai.
Mường Lay là nơi sinh sống của 9 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm tới trên 70% dân số của thị xã ( chủ yếu là Thái trắng ). Người Thái trắng sinh sống trong khu vực này từ rất lâu đời, đã tạo nên ở đây một vùng văn hóa mang màu sắc riêng. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa cùng với tác động của các trào lưu văn hóa hiện đại du nhập vào nước ta, đang làm cho những giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đất này bị mai một. Từ 2005 tới nay, thực hiện công tác tái định cư thủy điện Sơn La, quy hoạch đô thị của thị xã bị thay đổi hoàn toàn, điều này cũng tác động không nhỏ đến việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa có giá trị của khu vực.
Mường Lay từng là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của khu vực Tây Bắc. Minh chứng là những di tích phản ánh lịch sử của vùng đất này như: quần thể di tích lịch sử nhà tù Lai Châu, khu hành chính, khu nghỉ mát do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long. Bên cạnh các di tích lịch sử ấy, là những phong tục, tập quán và lễ hội như: Kin Pang Then, Kin Khúi, Lễ hội mừng cơm mới, được nhân dân gìn giữ, cho thấy vẻ đẹp tinh thần của con người nơi đây. Tuy nhiên những năm gần đây, các di sản văn hóa ấy đang dần bị mai một, có những di sản chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của con người.
Tại thời điểm năm 2007, thị xã Mường Lay có 3 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm: Phường Sông Đà, phường Na Lay, xã Lay Nưa. Thị xã chính là điểm cuối của quốc lộ 6.và cũng là nới giao nhau của các trục quốc lộ 12. Cách Mường Lay không xa, tại huyện Mường Tè, thuộc tỉnh Lai Châu là nơi được xây dựng thủy điện Lai Châu. Nếu tính từ sông Đà thì đây là đập thủy điện đầu tiên và cũng là đập được xây dựng cuối cùng sau các đập thủy điện: Hòa Bình và Sơn La.

Trong các giai đoạn lịch sử quốc lộ 6 đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ tổ quốc và phục vụ xây dựng các công trình kinh tế và dịch vụ du lịch, trong đó có các công trình năng lượng lớn của Việt Nam như: nhà máy thủy điện Hòa Bình tại thành phố Hòa Bình, Sơn La tại Tạ Bú (Mường La Sơn La) , thủy điện Lai Châu tại Nậm Nhùn (Mường Tè Lai Châu ); khu vực kinh tế chè và chăn nuôi bò sữa tại cao nguyên Mộc Châu, đồng thời do thuận lợi về giao thông thông suốt và êm thuận góp phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch dịch vụ tại suối khoáng nóng Kim Bôi, bản Lác Mai Châu (Hòa Bình) di tích nhà tù Sơn La tại thành phố Sơn La. Pha Đin nơi trời đất giao thoa và di tích cứ điểm Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, Bắt đầu từ cuối năm 2011 tuyến đường 6 đã và đang phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Lai Châu trên thượng nguồn sông Đà tại Huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu.

Chu Đức Soàn
Tổng hợp và nâng cao

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts