Thursday, January 17, 2013


Lời mở đầu :

Tuy không cùng điểm xuất phát, quốc lộ 32 có điểm khởi đầu từ Cầu Giấy (Hà Nội ) và quốc lộ 70 lại có điểm khởi đầu tại Đoan Hùng (Phú Thọ), nhưng tại điểm cuối của cả hai tuyến đường đều dẫn đến khu du lịch Sa Pa nổi tiếng Việt nam. Tuyến đường đi về phiá Tây thủ đô Hà Nội  qua các tỉnh miền núi như: Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai…, Nơi đây hằng năm cứ độ Tết đến Xuân về là người dân Tây Bắc lại rộn ràng với những lễ hội. Có rất nhiều lễ hội,, nhưng có 3 lễ hội lớn là: Gầu Tào, Lồng Tồng ở  và chợ tình Sa Pa ở Lào Cai. Các lễ hội đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Bắc là dịp để mọi người cùng nhau cầu phúc cho mỗi nhà và cho những đôi trai gái đi tìm hạnh phúc.
…..
(Sắc thắm hoa đào trên những cung đường Tây Bắc)

 Theo phong tục của người Việt Nam, nếu đầu năm mới mà xuất hành về phía Tây, ta thường sẽ gặp may mắn cả năm, vì vậy tôi cũng khuyên mọi người, nhât là các bạn thích mạo hiểm, khám phá những điều mới lạ, đầu năm mới này nên có một chuyến du Xuân theo hướng trục đường 32, để lên vùng Tây Bắc mà tận hưởng được cảnh mờ ảo của rừng, của núi và không khí đón Xuân của người vùng cao.
Trên mạng quốc lộ Việt Nam hiện có các trục: Quốc lộ 32, quốc lộ 32B và quốc lộ 32C đều nhằm về hướng Tây để lên các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Quốc lộ 32 tên cũ gọi là Liên tỉnh lộ 11A, là tuyến đường đi qua 4 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu. Toàn tuyến dài 417 km.
Trục đường có điểm đầu tại Phố Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), đi qua các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Quốc lộ 32 đoạn từ Nhổn đến Sơn Tây đã được nâng cấp và mở rộng. Đây là dự án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2003, Theo thiết kế, đoạn đường này đầu tư theo quy mô đường đô thị cấp 1, bề rộng mặt đường 35m (đủ cho 8 làn xe), vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m. Đây là dự án quan trọng, liên quan mật thiết tới các công trình trọng điểm của Thủ đô.
 Ban Quản lý dự án 5 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm GPMB. Sau một thời gian bị ngưng trệ, tiến độ dự án quá chậm nên Chính phủ đã có văn bản chuyển dự án về cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện, đồng thời thành phố giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Trên đoạn này cầu Diễn là cây cầu đầu tiên do công ty cầu 1 Thăng Long thi công.
Cầu thứ 2 là cầu Phùng bắc qua đầu sông Đáy. Trước đây nơi này gọi là đập Phùng, là nơi phân lũ khi chưa xây dựng nhà nhà máy thủy điện Sơn La.Cầu Phùng được khởi công xây dựng từ tháng 3/2008. Đây là cây cầu lớn vượt sông Đáy, nằm trên quốc lộ 32 - một trong những tuyến giao thông nan quạt quan trọng nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. .Đơn vị tham gia thi công là công là Công ty cầu 473 và 407 thuộc TCT xây dựng công trình giao thông 4 ( Cienco4)..

Sơn Tây là một vùng đất đã có từ lâu, tên Sơn Tây xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1469, đó là trấn sở Sơn Tây, do địa bàn sinh tụ nên địa danh này luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của khu vực phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội.Hiện nay nơi đây vẫn còn di tích thành cổ Sơn Tây. Thành cổ Sơn Tây Nằm ở trung tâm thành phố, là một công trình quân sự kiến trúc theo kiểu Vauban được xây dựng từ nămMinh Mạng thứ 3 (năm 1822).
Tiếp đến là đền Và: thờ đức Thánh Tản, vị thần cai quản Tản Viên Sơn - một trong "Tứ bất tử" trên điện thần nước Việt Nam. Ngôi đình cổ kính có niên đại từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, nằm giữa rừng lim già đại thụ, nổi tiếng là nơi cầu đảo rất linh hiển.
Quốc lộ 32 qua xã Đường Lâm, nơi có Khu di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm nổi tiếng là đất hai vua: Phùng Hưng (761 - 802) Ông khởi nghĩa đánh quân nhà Đường chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước.. Ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Vị vua thứ 2 là Ngô Quyền (898-944).Ông là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua.
Con đường  tiếp tục qua cầu Trung Hà bắc qua sông Đà, Cầu do các công ty cầu 3, cầu cầu 7… thuộc TCT xây dựng Thăng Long xây dựng. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, dầm hộp, toàn bộ hệ thống mố và trụ cầu được thi công theo công nghệ khoan cọc nhồi bê tông đường kính lớn.

Tại ngã ba Cổ Tiết. quốc lộ 32 chia thành 2 nhánh:  32 và 32C. Quốc lộ 32C chạy men bờ Nam sông Hồng qua Cẩm Khê, Hạ Hòa ([Phú Thọ), Trấn Yên rồi giao với quốc lộ 37 và kết thúc tại ngã ba Âu Lâu. Từ Âu Lâu qua cầu bắc qua sông Hồng đến thành phố Yên Bái.

Quốc lộ 32 tiếp tục đi qua các địa danh:  Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn,( Phú Thọ). Giao với quốc lộ 32B tại khu vực Xóm Tang và xóm Giác.
Từ đây bao bọc trục đường 32 là núi non điệp trùng. Tây Bắc mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và đam mê, quyến rũ. Song mùa xuân có một vẻ đẹp không mùa nào có được
Hoa rừng đua sắc trên sườn núi và hoa mận nở trắng các bản làng.
Từ Xóm Tang, quốc lộ 32 đi tiếp qua các địa danh:  Bản Mo, Tân Sơn, Khe Vít và lại giao với quốc lộ 37 tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, đi tiếp qua thị trấn nông trường Trần Phú, đến Đá Gân,và lại giao với quốc lộ 37 tại đây.
Đi tiếp qua  ta sẽ qua các vùng đất Ba Khe, thị trần nông trường Nghĩa Lộ. Tiếp đến là thị xã Nghĩa Lộ,nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái.
Có thời gian địa danh này là tỉnh lỵ của tỉnh Nghĩa Lộ, nhưng bây giờ thuộc tỉnh Yên Bái.
Nghĩa Lộ nằm trên một cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc, đó là cánh đồng Mường Lò có diện tích: 29,66 km², vào năm 2004 đã có  26.000 người, thuộc 12 tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất này, nhiều nhất là người Thái, sau đó là người Kinh, còn lại là các dân tộc Tày, Mường, Nùng..
Nghĩa Lộ nổi tiếng với, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển. Chợ Mường Lò đặc trưng cho văn hóa vùng cao và còn làm cho Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế xã hội của các địa phương miền Tây Yên Bái.
Mường Lò cũng có chè tuyết, nổi tiếng nhất là chè Suối Giàng, được hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Suối Giàng với độ cao trên 1000m. Quốc lộ 32 là trục giao thương cực kỳ quan trọng đối không chỉ với Nghĩa Lộ mà còn cho cả thị xã Lai Châu và tỉnh Lai châu.
Đây là vùng đất có khí hậu ôn hoà, địa hình tương đối bằng phẳng, bởi  nằm trong cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Việt Nam: Đó là cánh đồng Mường Lò.
Nghĩa Lộ - Mường Lò là quê hương gạo trắng, nước trong, được coi là một trong những xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hoá khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là mỗi khi xuân về. Những lễ hội đặc sắc như lễ hội hoa ban, lễ hội “lồng tồng” (hội xuống đồng”, lễ hội “xên hươn – xên bản – xên mường” (cúng  nhà, cúng bản, cúng mường).
Nhưng đặc biệt hơn cả là lễ hội Lồng Tồng, phiên âm tiêng Kinh là lễ hội xuống đồng. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc các tỉnh miền núi. Lễ hội xuống đồng được tổ chức ngay sau Tết nguyên đán, để đồng bào dân tộc ở đây bày tỏ lòng tạ ơn đất, trời, các thần linh, thổ địa đã phù hộ đồng bào có mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cuộc sống yên lành và cầu xin một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Lễ hội này giống như lễ Tịch điền của vùng đồng bằng sông Hồng, thường được tổ chức vào những ngày đầu Xuân.  Lễ hội Lồng Tồng sẽ diễn ra liên tục với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, mang đậm bản sắc các dân tộc vùng núi Tây Bắc như thi kéo co, thi giã bánh dày, thi trang phục dân tộc…
Trong lễ hội đó chắc không thể thiếu được những điệu xòe của các cô gái Thái.  Xoè Thái có nhiều điệu tiêu biểu như xòe quanh đống lửa, xoè nâng khăn mời rượu, xoè tiến lùi, xoè tung khăn, xoè vòng tròn vỗ tay... Âm thanh và vũ điệu nhịp nhàng thôi thúc mọi người đến với vòng xoè.  Người Mường Lò có câu :” không xoè không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ”.. Trong nhịp xoè, mọi người xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Điệu xoè bây giò không còn là của riêng người Thái mà đã trở thành tài sản vô giáo của nhân dân các dân tộc Mường Lò.
Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như kéo co, ném còn, tómắclẹ, đánh yến, đu chà... Những trò chơi không chỉ vui, hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên, tỏ tình đậm đà.

Từ đây quốc lộ 32 đi tiếp từ 30 đến 40km là đến các địa danh các xã thuộc 2 huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải.
Trên đoạn đường này liên tục đèo dốc quanh co và một số địa danh nổi tiếng, một trong địa danh đó là Mù Cang Chải. Mù Căng Chải, là huyện vùng cao phía Tây tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Mù Cang Chải nổi tiếng bới các thửa ruộng bậc thang khi mùa lúa chín vàng vào tháng 5 âm lịch  hay xanh rờn mạ non vào những tháng mùa Xuân và mùa Thu. Ruộng đẹp nhất được xếp hạng là danh thắng quốc gia. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Mông, Dao, Thái và cả người Kinh.
Đèo Khau Phạ thuộc Mù Cang Chải  đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km. Nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái , đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… thường ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây, vì vậy trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời.
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải.  Đèo Khau Phạ có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và đèo Vách Kim phía sau trên đường 32.
Người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng.

Qua thị trấn Mù Cang Chải, đi tiếp quốc lộ 32 giao với quốc lộ 279 tại Ku Bao Chay ( huyện Than Uyên , tỉnh Lai Châu ) và đi chung với quốc lộ 279 đến xã Phúc Than thì tách lên hướng Tây Bắc.
Huyện Than Uyên có diện tích đất nông nghiệp và đồng cỏ khá lớn gần 40.000 ha, nhất là cánh đồng Mường Than, lớn thư 3 vùng Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) có tiềm năng cho việc phát triển nông nghiệp nhất là trồng trọt cây lương thực, cây công nghiệp chè và chăn nuôi gia súc, trong đó trồng và sản xuất chè là kinh tế mũi nhọn của Than Uyên.
Than Uyên còn có nhiều tài nguyên, văn hoá giàu sắc thái địa phương. Điển hình là Quần thể thắng cảnh Tà Gia có nhiều hang động đẹp; dãy núi đá vôi bạt ngàn với thảm thực vật phong phú; có dòng sông Nậm Mu trong xanh cùng với hang động núi rừng tạo hoá cho Tà Gia bức tranh “Sơn thuỷ hữu tình”, có bản làng người Thái cổ truyền với mái nhà sàn độc đáo. Sông Nậm Mu có độc dốc lớn là nguồn năng lượng vô tận cho việc phát triển thuỷ điện ở địa phương. Năm 2005, khởi công xây dựng hai công trình thủy điện lớn trên sông là Bản Chát (xã Mường Kim), công suất 220 MW và Huội quảng (xã Khoen On) có công suất 520 MW.
Vào dịp xuân mới,, đồng bào các dân tộc nơi đây cũng mở nhiều lễ hội, điển hình nhất là lễ hội Gầu tào. Lễ hội Gàu Tào là một nép đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Lễ hội không chỉ là nơi để người dân thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tinh thần thông qua các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh và cũng để người dân cùng nhau tham gia cầu chúc năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội cũng là nơi để các chàng trai, cô gái tìm đến giao duyên với nhau nên vợ nên chồng… Chính vì lẽ đó mà ngày nay, Lễ hội Gầu tào của người Mông đã thu hút nhiều dân tộc cùng đến chung vui, giao lưu văn hóa tinh thần thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống và các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh quay, đu quay...

Quốc lộ 32 tiếp tục đi qua các địa danh: Nà Sa, Hoàng Hà, Phiềng Phát, nông trường Than Uyên, đến  Nam Bòn và điểm cuối ngã ba Bình Lư, Huổi Kê,  Tam Đường tại km65 ( Lai Châu )  và giao với quốc lộ 4D tại đây và cũng là điểm cuối của quốc lộ 32.. Từ đây tại Huổi Kê ta đi tiếp theo quốc lộ 4D theo hướng Tây Bắc là đén thị xã Lai Châu và cũng từ đây theo trục quốc lộ 4D theo hướng Đông là ta tới Sa Pa,  qua Sa Pa trục đường 4D được nối với điểm cuối quốc lộ 70 tại  đầu thành phố Lào Cai.
Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc , cầu Mây hay còn gọi là cổng Trời, điểm cao nhất để ta ngắm đỉnh Phanxipan, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa, thung lũng Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa lan với nhiều loại quý hiếm.
Đây là nơi sinh sống của dân cư 6 dân tộc Kinh, H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó. nên cứ vào dịp Tết đến Xuân về, trung tâm Sa Pa được coi là mùa lễ hội với các hội: Dâng hương đền Hàng Phố, hội chơi các trò dân gian truyền thống, hội xòe dân tộc Tày xã Thanh Phú, hội hát then dân tộc Tày xã Bản Hồ, hội hát giao duyên dân tộc Dao xã Tả Phìn, hội Gầu Tào dân tộc Mông xã San Sả Hồ, hội roóng pọc của người Giáy. hội sải sán (đạp núi) của người H'Mông.v.v… Nhưng những ngày Sa Pa có chợ phiên, thì  Sa Pa lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới bởi "chợ tình Sa Pa". Phiên chợ là nơi nam nữ thanh niên người dân tộc H'Mông, Dao đỏ có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn lá hay bằng lời hát để tìm hay gặp gỡ bạn tình.

Quốc lộ 70 là một tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia nối tỉnh vùng Trung du là Phú Thọ, lên Yên Bái và Lào Cai. Tuyến đường dài gần 190 km chạy bên bờ tả ngạn sông Hồng, đoạn này ngày xưa đã từng được gọi là song Lô. Từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng, tỉnh  Phú Thọ. Đoan Hùng là một huyện đồi núi trung du, nằm tại ngã ba ranh giới giữa tỉnh Phú Thọ với hai tỉnh Yên Bái  Tuyên Quang . Nơi đây nổi tiếng với giống bưởi Đoan Hùng. Bưởi ngọt có 2 loại ngon nhất đó là Bưởi Bằng Luân và Bưởi Sửu Chí Đám, ngoài ra các giống bưởi chua được trồng ở đây cung rất ngon, bên cạnh Bưởi thì còn có Loại vải chín sớm rất ngon được trồng nhiều trên đất Hùng Long. Đoan Hùng bên dòng sông Lô còn nổi tiếng trong thời chống Pháp với trường ca Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao..
Từ Đoan Hùng, quốc lộ 70 đi theo các địa danh:
Phúc Đình, Nghĩa Quân, Sơn Nhiễu, thị trấn Yên Bình, Cẩm Ân, Bắc Ái, Tân Nguyên, Hồng Quang, Tải Riêu, phố Ràng ( Bảo Yên ).
Phố Ràng:
Qua phố Ràng đến Điêu Quan, Bắc Ngân và giao với quốc lộ 4E tại đây, đi tiếp đến Phong Hải và giao với quốc lộ 4D tại Bản Phiệt và tiếp theo trục đường 4D này đến thành phố Lào Cai.
Tuy nhiên để đén thành phố Lào Cai, còn có một trục đường khác, đó là tại Bắc Ngân giao với quốc lộ 4E đi qua Cam Đường, Phom Hán là đến Lào Cai. Trên trục đường nàu có một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng đó là cầu Phố Lu. Cầu Phố Lu cũ là cầu đường bộ và đường sắt đi chung, được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước,  trên tuyến giao thông từ thị trấn Phố Lu đi Lào Cai, Lai Châu và ngược lại.
Bây giờ đước xây dựng thêm một cầu đường bộ, cầu có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh phía Tây Bắc nói chung trong đó có thành phố Lào Cai và tỉnh Lào Cai.
Lào Cai từ thời xa xưa đã có một vị trí chiến lược của lãng thổ Đại Việt. Bộ sách 'Đại Nam nhất thống chí' thời Nguyễn đã ghi, vào đầu thế kỷ XIX, Lào Cai là một cửa khẩu lớn thứ ba trong toàn quốc. Nhằm mở rộng thương trường, ngày 28 tháng 3 năm 1898, cây cầu Hồ Kiều được xây dựng. Ngày 8 tháng 4 năm 1910, khu chợ lớn có mái che được khai trương. Tháng 11 năm 1903, chợ mới khang trang ở Cốc Lếu đã tấp nập người mua kẻ bán sau khi tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cao - Côn Minh hoàn thành(1901 - 1912).
Sau năm 1954 hoà bình lập lại và trong chiến tranh chống Mỹ, cửa khẩu Lào Cai với cây cầu Hồ Kiểu tiếp tục chứng kiến những chuyến tàu hối hả ngược xuôi về sự giao lưu kinh tế giữa hai nước Việt - Trung cũng như sự chi viện có hiệu quả của bạn đối với chiến trường miền Nam. Sau 14 năm gián đoạn năm 1983 cửa khẩu lại được khai thông, dòng người, dòng hàng hoá tấp nập qua lại nối liền các nước trong khối ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc và Bắc Á. Bên cạnh những dịch vụ xuất nhập khẩu, quá cảnh.... đây còn là nơi tập trung đầu mối hoạt động du lịch.
Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai nước và kỷ niệm cây cầu Hồ Kiều bước vào tuổi thứ 100, cũng là lúc khai sinh cây cầu Hồ Kiều thứ hai do hai nước cùng xây dựng.cây cầu đã được cán bộ công nhân công ty cầu 1 Thăng Long đại tu nâng cấp. Rồi những năm tiếp theo có nhiều cầu ở thành phố Lào Cai và qua biên giới Việt Trung đượng xây dựng. Như các cầu:Cốc Lếu, cầu.Kim Tân bắc qua sông Hồng.

Trục đường  từ ngã ba giao với quốc lộ 4D tại Bản Phiệt thành phố Lào Cai, đoạn qua địa bàn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, qua Bảo Thắng đến đầu thành phố Lào Cai dài 79 km và đoạn qua địa bàn Lục Yên, Yên Bình ( Yên Bái ) dài 90 km. Tuyến đường này được xây dựng từ thập niên 1970 theo tiêu chuẩn đường cấp 5 đã xuống cấp nghiêm trọng từ lâu. Cuối năm 2007 Bộ GTVT đã triển khai cải tạo, Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư. Kết cấu mặt đường được thảm bê tông nhựa đảm bảo cường độ cho phép. Riêng đoạn qua đèo Thượng Hà, được thiết kế mặt đường láng nhựa 3 lớp, tiêu chuẩn nhựa 4.5kg/cm2. Dự án có tổng giá trị trên 63,6 tỷ VN đồng. Hệ thống an toàn giao thông được thiết kế hoàn chỉnh theo Điều lệ báo hiệu đường bộ.
Có thể thông tin thêm rằng từ Hà Nội lên Yên Bái và Lào Cai còn có tuyến đường sắt. Tuyến đường sắt này chính là tuyến đường sắt Hải Phòng Vân Nam  được người Pháp tiên hành xây dựng từ năm. Khá nhiều người Việt Namđã là phu đường sắt và cũng có người ngụ cư tại Vân Nam Trung Quốc.

Để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của hàn lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, dự án Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đi qua địa phận của năm tỉnh và thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã được triển khai, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; phục vụ cho việc phân bố lại dân cư phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc, tạo đà dịch chuyển cơ cấu kinh tế của đồng bào dân tộc.
Tuyến đường này có chiều dài 264 km,  điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Phần lớn đường cao tốc sẽ đi ven theo bờ sông Hồng. Tuyến được xây dựng và mở rộng trên cơ sở của trục Quốc lộ 3 và mộ phần của quốc lộ 70, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Điểm đầu tại nút giao thông quốc lộ 18A với quốc lộ 2, điểm cuối tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn Minh-Hà Khẩu (Trung Quốc).
Dự án được khởi công vào tháng 7 2009. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư và Công ty Keangnam Enterprises của Hàn Quốc là đơn vị trúng thầu xây lắp. Đến tết Quý Tỵ này những km đầu tiên đã được rải thảm.
Theo thiết kế, đoạn Hà Nội – Yên Bái có 4 làn xe cho phép đạt vận tốc thiết kế tối thiểu 100 km/h; đoạn Yên Bái – Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối thiểu 80 km/h.
Đây là dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Đáng chú ý, khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc sẽ không chỉ rút ngắn một nửa thời gian chạy xe mà còn góp phần tạo sự tiện nghi, an toàn cho người tham gia giao thông trên hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai và ngược lại so với tuyến Quốc lộ 70 hiện nay.
Dự án còn là sự cụ thể hóa thỏa thuận cấp Chính phủ giữa Việt Namvà Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế.
Những nẻo đường đầy gió núi mây ngàn, đưa ta phiêu du về một vùng đất cội nguồn thấm đượm màu huyền thoại, chứa chất sức sống mãnh liệt của con người. vẻ đẹp hoang sơ của núi của rừng, cho ta một cảm nhận Tây Bắc mùa Xuân đẹp, thơ mộng và đam mê đến nao lòng. Mùa xuân trên những tuyến đường êm thuận rộng rãi,rực rỡ ngàn thứ hoa rừng, Tây Bắc thật đẹp và hùng vĩ  trên mọi nẻo đường.mùa Xuân,/.
Chu Đức Soàn

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts