Sunday, August 4, 2013

Lời mở đầu
Bởi có đặc điểm địa hình từ biển Đông, tới những dải núi cao ở miền Tây giáp biên giới Việt Lào, nên  từ xưa đến nay Thanh Hóa, người xưa gọi là xứ Thanh được coi là vùng đất không thể sáp nhập hay chia cắt.  Ngoài 2 tuyến quốc lộ 1A phía đông và quốc lộ 15, bây giờ là đường Hồ Chí Minh ở phía tây, chạy song song theo trục bắc nam qua tỉnh, để thông thương giữa trung tâm hành chính tỉnh với các huyện miền Tây Thanh Hóa, hầu như  tất cả đều dựa vào 3 tuyến đường quốc lộ chính 45, 47 và 217.
…..

( Quốc lộ 217 qua thành nhà Hồ )


Quốc lộ 45 là một tuyến giao thông đường bộ quốc gia của Việt Nam, nối liền hai tỉnh Ninh Bình đến vùng núi phía Tây Thanh Hóa. Quốc lộ 45 có chiều dài 136 km, điểm đầu là điểm giao cắt với quốc lộ 12B tại phố Rịa, xã Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình,
- Phố Rịa vốn là  một vùng đất cổ trong khu vực rừng Cúc Phương,  là nơi phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt cổ tại đây.
 Huyện Nho Quan là quê hương của nhiều danh nhân như Dương Vân Nga, quê ngoại Vua Đinh Tiên Hoàng. Vùng đất Phụng Hóa - Nho Quan xưa gắn với các truyền thuyết về thần Cao Sơn, vị thần trấn vùng núi Nam Lĩnh - Thiên Dưỡng được thờ phụng ở vùng đất này như đền Sơn thần, đền Cao Sơn... và nhiều nơi khác rước về thờ phụng trong tín ngưỡng Hoa Lư tứ trấn, sau này dân làng Kim Liên cũng rước thần về thờ ở đình Kim Liên trong Thăng Long tứ trấn.
Trong tương lai Rịa sẽ trở thành thị trấn và sẽ trở thành trung tâm của huyện Nho Quan,  Ngay tại ngã ba Rịa giao giữa quốc lộ 12B đi Hòa Bình với quốc lộ 45 đi Thanh Hóa, là nơi có hồ Đồng Chương rộng và thơ mộng với chu vi đường bao hơn 8 km. Xung quanh hồ là những vạt đồi thông soi bóng xuống mặt nước, hồ đã trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng..:
Quốc lộ 45 vào địa phận Tỉnh Thanh Hóa tại Phố Ngọc, phố Cát.
Phố Cát nằm trong xã Thành Vân, huyện Thạch Thành Thanh Hóa, nơi có một ngôi đền gọi là đền Phố Cát, thờ nữ thần Vân Hương tức Liễu Hạnh công chúa giáng trần lần thứ ba để cứu nhân độ thế, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Mẫu -một trong tứ bất tử của văn hóa Việt Nam. Quanh năm bốn mùa đền Phố Cát mở cửa đón du khách thập phương về vãn cảnh, nghe những câu hát văn về Thánh Mẫu và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Trong xã Thành Vân còn có khu du lịch sinh thái thác Voi. Khu du lịch này nằm trong quần thể du lịch Vườn quốc gia Cúc Phương. Người xưa truyền lại rằng: Quang Trung - Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng, ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống tắm. Sau khi tắm ở mó nước này, đàn voi nhanh chóng hồi sức, thích thú rống lên vang dội núi rừng. Từ đó mó nước được gọi là Hốc Voi hay Thác Voi.
Nơi đây đặc biệt là có hơn 400 gốc sung cổ thụ cành lá xum xuê có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều người ưa khám phá, để có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa cộng đồng người Mường Thạch Thành cũng như cảnh đẹp hoang sơ, kỳ tú của thiên nhiên.
qua thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc), thị trấn là một huyện trung du ở phía bắc thanh hóa, nơi giao nhau giữa quốc lộ 45 và quốc lộ 217. Nơi đây thời nhà Trần là thái ấp của Lê Tần, một danh tướng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, là quê hương của Trần Khát Chân, danh tướng cuối đời nhà Trần, hiện vẫn còn đền thờ và còn là; quê hương của các chúa Trịnh và của Tống Duy Tân, danh sỹ chống thực dân Pháp.
Nếu đi theo quốc lộ 217 cách thị trấn không xa là nơi có di tích lịch sử Thành nhà Hồ được xây bằng đá dưới thời Hồ Quý Ly.(di tích thành nhà Hồ sẽ được giới thiệu sau).
- Qua sông Mã bằng cầu Kiểu, tiếp đến là thị trấn Quán Lào ( huyện Yên Định),  giao với quốc lộ 217 tạị  trấn Vạn Hà ( Thiệu Hóa ), thị trấn Rừng Thông) (huyện Đông Sơn). Đông Sơn là thị trấn nằm kẹp giữa hai quốc lộ 45 và 47,- Đông Sơn là vùng đất cổ, nơi quần cư của người Việt cổ. Đây là một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng loại nhất ở Việt Nam, nơi phát hiện ra nên văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt, là địa điểm tìm thấy số lượng trống đồng nhiều nhất Việt Nam nên các trống đồng được tìm thấy ở đây được gọi là trống đồng Đông Sơn.
Qua Đông Sơn quốc lộ 45 đi thẳng vào trung tâm thành phố Thanh Hóa.
Thành phố Thanh Hóa nằm ở trung tâm đồng bằng Thanh Hóa ngày xưa gọi là xứ Thanh, một vùng đất có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác với những cánh đồng, nơi đất rộng người đông, thành phố Thanh Hóa cũng là một thành phố có quy mô tương đối lớn, dân cư đông đúc, đa dạng.
Thành phố có Quốc lộ 1A xuyên Việt chạy qua địa giới hành chính thành phố dài gần 20 km, cảng Lễ Môn, Sầm Sơn ở phía Ðông, đường sắt Bắc - Nam chạy ở phía Tây, và các trục quốc lộ 45, 47 đi qua, tạo thành một mạng lưới giao thông đa dạng và thuận tiện. Nhờ đó, thành phố Thanh Hóa đã trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời ở vào vị thế thuận lợi trong việc giao thương với tất cả các tỉnh trong nước.
Thành phố Thanh Hóa còn là cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ, là đô thị có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng, được định hướng để trở thành một trong những trung tâm tài chính, du lịch, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe của vùng phía nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Năm 2012, dân số thành phố Thanh Hoá 393.294 người.
Tại cuối đường Quang Trung ( trùng với quốc lộ 1A) tại ngã 3 núi voi, quốc lộ 45 được tách ra theo hướng tây và giao với quốc lộ 47 tại Trường Tai  thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống), rồi thị trấn Bến Sung ( huyện Như Thanh) và cuối cùng điểm cuối là điểm giao cắt với quốc lộ 15A, hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Như Xuân (thị trấn Yên Cát, Như Xuân, Thanh Hóa).

Trục đường thứ hai là quốc lộ 47.
Đây là tuyến giao thông quan trọng, nối liền vùng đồng bằng với các huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa. Trục đường dài 61km qua nhưng địa danh sau:
Xuất phát Thị xã Sầm Sơn, nơi có bãi biển cát trắng mịn dài hơn 10 km. Đây là một vùng trời nước mênh mông, nhiều hải sản quí và đặc biệt có dãy núi Trường Lệ với các thắng tích như hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên ,đền Độc Cước. Biển Sầm Sơn bao la còn là nơi cung cấp nguồn hải sản phong phú như tôm, cá mực, cua, các loại hải sản quý khác :
 Thị xã Sầm Sơn là một trong những địa điểm du lịch biển khá nổi tiếng tại Việt Nam
Bãi biển này được người Pháp xây dựng từ năm 1907, người Pháp đã nhận thấy và bắt đầu khai thác giá trị du lịch của Sầm Sơn để xây dựng thành nơi nghỉ mát phục vụ người Pháp và vua quan Triều Nguyễn. Đây là thời điểm đánh dấu sự ra đời của du lịch Sầm Sơn,
Từ Sầm Sơn theo quốc lộ 47 đến trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 15km,
Thành phố Thanh Hóa có nhiều sản vật của rừng và biển, nhưng nổi tiếng nhất là món nem chua. Nem Thanh có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa.
Thành phố Thanh Hoá có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị.
- Phía Bắc thành phố là khu thắng cảnh Hàm Rồng, đây là khu du lịch trung tâm của cả thành phố và tỉnh Thanh Hoá, khu thắng cảnh này có nhiều cảnh quan địa danh thắng cảnh đẹp: có sông, có núi, có hang động,... như: động Long Quang, động Tiên, Núi Phượng, núi Voi, núi Rồng,... cùng với sông Mã là những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Các di tích như đền thờ danh tướng Lê Uy, Chu Văn Lương, đặc biệt là khu di tích văn hóa - làng cổ Đông Sơn với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng..Trong Khu du lịch Văn hóa Hàm Rồng còn có Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.
Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính trực thuộc, chỉ đứng sau thành phố Hà Nội. Thanh Hóa có 1 thành phố 2 thị xã và 24 huyện. Có 639 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 22 phường, 30 thị trấn và 587 xã.
Quốc lộ 47 đi chung với quốc lộ 1A phía nam thành phố và cuối đường Quang Trung giao với quốc lộ 45 tại Đãi, đi tiếp đến thị trấn Triệu Sơn, (còn gọi là Giắt)
Triệu Sơn là một huyện bán sơn địa nhưng diện tích chủ yếu vẫn là đồng bằng, địa hình thấp dần về phía Bắc, với vài con sông suối nhỏ chảy vào sông Chu
Quốc lộ qua hướng sân bay Sao Vàng.
Sân bay Sao Vàng ở thị trấn Sao Vàng huyện Thọ Xuân, bây giờ được gọi là  Cảng hàng không Thọ Xuân hay sân bay Thọ Xuân. Tuy nhiên đến thới điểm đầu năm 2013, sân bay này chỉ sử dụng cho hoạt động quân sự.
Theo đề án cải tạo để chuyển sân bay này thành sân bay hỗn hợp quân sự-dân dụng của Chính phủ, sân bay sẽ được đầu tư các hạng mục như nhà ga, khu bay, trang thiết bị đảm bảo bay, phục vụ mặt đất… để có thể đưa vào khai thác giai đoạn 1 sân bay Sao Vàng vào đầu năm 2013 trước Tết Nguyên đán Quý Tị, và khởi công xây dựng nhà ga hành khách theo quy hoạch trong năm 2013 và hoàn thành năm 2014. Sân bay sẽ phục vụ máy bay tầm trung như Airbus A320-A321 hoặc tương đương.
Quốc lộ 47 giao với đường Hồ Chí Minh tại khu vực Lam Sơn và kết thúc tại đây..

Trục đường thứ ba từ đồng bằng lên phía tây Thanh Hóa là quốc lộ: 217.
Quốc lộ 217 được bắt đầu từ quốc lộ 1A tại ngã ba Hà Minh huyện Hà Trung ( Thanh Hóa ) và qua các địa danh:
Thị trấn Vĩnh Lộc và giao với quốc lộ 45 tại đây. Qua thị trấn Vĩnh Lộc chừng dăm km là xuyên qua cổng chính thành nhà Hồ.
Thành nhà Hồ hiện giờ là một đoạn tường thành bằng đá to cao, được Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397, trải qua thời gian, thành được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: An Tôn, Thạch Thành, Tây Giai, Tây Kinh... Thành có 4 cửa, cửa Nam gần giống với cửa Nam thành Thăng Long. Đây là thành cổ duy nhất ở Việt Nam được xây bằng những phiến đá to. Thành nhà Hồ từng được coi là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của nước ta, nhưng đây là kiến trúc độc đáo và thực sự là di sản quý báu, một biểu hiện kiệt xuất của những công trình thành cổ, đồng thời di tích này cũng là danh lam thắng cảnh, một điểm du lịch đẹp, hấp dẫn khách tham quan. Đặc biệt, thành nhà Hồ gắn liền với triều đại có nhiều cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành tiền giấy...
Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Ngày 27/6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quóc gia đặc biệt.

Từ cổng thành nhà Hồ, con đường tiếp tục đi ngược lên phía tây, men theo sông Mã đến thị trấn Cẩm Thủy huyện Cẩm Thủy và cũng giao với đường Hồ Chí Minh tại đây.
Cẩm Thủy là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây - Bắc của tỉnh Thanh Hóa Với vị trí nằm giao giữa đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, Tỉnh lội 519 và dòng sông Mã chảy qua đã tạo cho Cẩm Thuỷ điều kiện và cơ hội thông thương với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh:
Điều đặc biệt ở huyện miền núi này là có 2 suối cá thần: Cẩm Lương và Cẩm Liên. Trong đó suối cá Cẩm Lương được nhiều người biết và đến chiêm ngưỡng nhiều nhất. Tuy nhiên trên trục đường 217 tại huyện Bá Thước còn có thêm một suối cá thần nữa có tên là Văn Nho tại bản Chiềng Ban xã Văn Nho.
Suối Cá thần Cẩm Lương nằm bên chân núi Trường Sinh bờ bắc dòng sông Mã, thuộc bản Ngọc. Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp. Vào mùa nước cạn, Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai đánh bắt.. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này..
Quốc lộ 217 sẽ đưa ta tới các thị trấn:  Điền Trung, Bá Thước,
Trong đó Bá Thước là một huyện miền núi thuộc vùng sâu vùng xa, giao thông vận tải không thuận lợi nên kinh tế còn nhiều khó khăn, tài nguyên rừng là rất lớn. Bá Thước có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên chưa được khai thác như: khu bảo tồn PùLuông, thác Mơ ở xã Điền Quang, đập Điền Hạ, thác hươu, hang dơi ( kho mường)... đi kèm với các thắng cảnh này là một hệ thống hang động rất đẹp và nhiều các sản vật quý của rừng.
Quốc lộ 217 giao với quốc lộ 15 tại Thiết Ong, đi tiếp đường 217 qua các địa danh: Bá Lộc,( xã Kỳ Tân) , Bản Xây, (xã Trung Hạ) , cầu Cum ( Ba Chẽ ), xã Trung Thượng, thị trấn Quan Sơn ( huyện Quan Sơn),
Quan Sơn  huyện nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, liền kề biên giới Việt Nam – Lào, huyện được tách ra  từ huyện Quan Hóa (cũ)
Phong cảnh trên đường quốc lộ 217 tuyệt đẹp, bên phải đường là sông suối, hai bên núi rừng nguyên sinh hũng vĩ.
Qua các xã Sơn Lư, Bản Bun, Sơn Điền,Mường Min và cuối cùng là cửa khẩu Na Mèo, biên giới giữa Việt Nam và Lào  tại Sộp Huổi.
Quốc lộ  217 chủ yếu là đường cấp 4 mền núi, nên bề rộng mặt đường nền đường chỉ rộng  trên 7m.
Cách đây không lâu, Bộ Giao thông - Vận tải và Liên danh Yooshin Engineering Corporation & Nippon Koei Co.Ltd, Nhật Bản đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn, thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công dự án nâng cấp quốc lộ 217 giai đoạn 1 với giá trị hợp đồng xấp xỉ 7,8 triệu USD. Quốc lộ 217 nối từ thị trấn Đò Lèn, huyện Hà Trung với Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc tỉnh Thanh Hóa, là tuyến đường thuộc dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mekong mở rộng. Dự án nâng cấp đã được thực hiện và đến năm 2015 thì hoàn thành. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 205,47 triệu USD.

Đường từ phố ngã ba Quyết Thắng ( Quan Hóa)  đến Na Mèo ven đường tuy có một sô bản làng với những vạt nương xanh màu lúa, nhưng về tổng thể có nhiều đồi núi thấp bạt ngàn cỏ tranh và cây lau xa xa có những dãy núi và những cánh rừng nguyên sinh. Phong cảnh trên đường đi cũng có nơi đẹp, bên phải đường là sông suối, hai bên núi rừng hũng vĩ.
Cửa khẩu Na Mèo là một cửa khẩu quốc tế của Việt Namtrên biên giới Việt-Lào. Những năm gần đây nơi đây được  xây dựng  Ðô thị cửa khẩu Na Mèo với diện tích đất quy hoạch xây dựng đô thị là 120 ha, giáp sông Luồng và quốc lộ 217.
Đường 217 qua nước bạn Lào có tên là đường 6. Qua cửa khẩu Na Mèo chứng 40 km là "thủ đô cách mạng Lào" Viêng Xay trong kháng chiến, giống như thủ đô kháng chiến Định Hóa Thái Nguyên của Việt Nam. Tiếp đến là  Sầm Nưa và đi chứng hơn150km là tới Xiêng Khoảng, nơi có cánh đồng Chum nổi tiếng cùa bạn Lào.
Trong chiến tranh chống Mỹ, tuyến đường này do Ban 64 Bộ GTVT tu sửa nâng cấp đảm bảo giao thông,  những năm 2000 tuyến đường này lại được đã được TCT xây dựng công trình giao thông 8 ( Cienco8 tên gọi mới của Ban 64 ) trúng thầu nâng cấp và mở rộng.tới Xiêng Khoảng.

Trong những năm đầu đất nước đổi mới, Thanh Hóa được Chính phủ tập trung đầu  cả các tuyến đường quốc lộ qua tỉnh.
Cùng với nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A qua địa phận Thanh Hóa dài 123km do Ban quản lý dự án 1 làm chủ đầu tư và 2 cây cầu lớn trên quốc lộ 1A như: Các cầu Đò Lèn và Hàm Rồng mới do Ban quản lý dự án 18 nay là Ban QLDA2 thay mặt Bộ GTVT làm chủ đầu tư xây dựng. Các tuyến đường quốc gia khác như 45,47, 217, 15 và các tuyến trục đô thị thành phố Thanh Hóa cũng được nâng cấp mở rộng. Đắc biệt là tuyến đường 15 cũ bây giờ là đường Hồ Chí Minh được xây dựng toàn diện tạo thành một tuyến thông thương Bắc Nam qua Thanh Hóa.
Thanh Hóa có 3 sông lớn: Sông Mã, sông Bưởi và sông Chu. Tất các các quốc lộ qua Thanh Hóa đều qua các sông này và tất cả các cầu qua sông hầu như đề được cán bộ công nhân TCT xây dựng Thăng Long xây dựng. Các công ty cầu 3, cầu 7 xây dựng cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng mới. Riêng công ty cầu 1 Thăng Long như có duyên nhất với giao thông xứ Thanh nên đã được tham gia xây dưng khá nhiều cầu lớn qua các sông trên như các cầu: Kiểu, Cổ Tế, Kim Tân, Hạnh Phúc, Hồi Xuân, Bá Thước, Bái Thượng, Đông Hương, Quang Trung (Thành phố Thanh Hóa), Cẩm Thủy ( Cẩm Thủy ), Lam Kinh, mới nhất là cầu Chiềng Nưa ( Mường Lát).  Ngoài ra công ty cầu 1 Thăng Long còn tham gia, nâng cấp cảng cá Sầm Sơn,  thi công bến và cầu cảng biển Nghi Sơn.
Bằng tất cả những công sức và trí tuệ của cán bộ công nhân xây dựng cầu đường Việt Nam đã làm cho diện mạo giao thông Thanh Hóa ngày thêm đổi mới theo hướng hiện đại để Thanh Hóa vững bước trên con đường phát triển kinh tế xã hội./.
……
Sáng 25/6/2013, tại huyện Cẩm Thủy, dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mê kông mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 – Nâng cấp Quốc lộ 217, giai đoạn 1 đã được khởi công.
Đường 217 tiếp nối với quốc lộ 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn của Lào, kết nối vùng Đông Bắc Lào với Việt Nam, việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của khu vực và để giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với Cảng biển Nghi Sơn - Thanh Hóa. Tuyến đường sẽ giúp cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, phia Tây Thanh Hóa thúc đẩy việc phát triển kinh tế, giao lưu thương mại,
Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mê kông mở rộng phía Bắc có tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Dự án sẽ nâng cấp và cải tạo 195km QL 217 và nâng cấp 100km đường nông thôn.

 Chu Đức Soàn

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts