Lời mở đầu:
Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã được ngành giao thông vận tải Việt nam, triển khai thực hiện nhiều năm và đã đạt được nhiều thành tích trong các hoạt của Ngành. Nhân kỷ nệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm truyền thống ngành GTVT, xin được trích những lời dạy của Bác Hồ với Giao thông - Vận tải, trong đó có những câu nói nổi tiếng về xây dựng cầu đường.
…….
Trên thế giới quốc gia nào cũng vậy, vấn đề giao thông và vận tải, đều được người đứng đầu quốc gia đó hết sức coi trọng, bởi vị trí của giao thông và vận tải, đều liên quan đến sinh hoạt hàng ngày và lao động sản xuất của nhân dân, cho đến những việc lớn có liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ quốc gia đó.
Ở Việt Nam cũng vậy, Bác Hồ trong những năm đầu lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, cho đến khi Việt Nam tuyên bố Độc Lập, trở thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào ngày 2/9/1945, Bác Hồ ở cương vị Chủ tịch Nước và trước lúc Người “đi xa, gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin’ vấn đề giao thông vận tải, đều được Bác thường xuyên quan tâm chỉ đạo một cách đặc biệt.
Trong Thời gian ở Pắc Bó Cao Bằng, năm 1941, khi soạn thảo chương trình Việt Minh, Bác Hồ đã chỉ rõ: Khi nước nhà Độc Lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ “mở các đường giao thông vận tải và các hải cảng”.
( Bác Hồ với Giao thông vận tải )
Bởi vậy, sau khi cách mạng tháng 8 thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân, ngày 28/8/1945 thành lập chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, Bác đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông công chính. Hiện nay ngày này, là ngày truyền thống của ngành GTVT.
Kể từ thời gian đó, Bác luôn dành nhiều thời gian, công sức và trí tuệ, thường xuyên đến thăm, làm việc và chỉ đạo công tác giao thông vận tải ở các công trường xây dựng cầu, đường, các nhà máy xí nghiệp, trường học, đặc biệt là hầu hết các hội nghị lớn về giao thông vận tải…..Trong bài viết: “Công việc khẩn cấp bây giờ” vào tháng 11/1946, Người khẳng định rằng:
“ Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt, thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì mọi việc đình trệ..”
Vào tháng 10 năm 1946, Bác Hồ đi tàu hỏa từ Hải Phòng về Hà Nội, Bác đã căn dặn cán bộ nhân viên ngành đường sắt rằng:” Công việc hỏa xa là công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em sở Hỏa Xa, lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ.”
Sau đó Bác còn nói:
“Cần giữ gìn sức khỏe cho dân, cho nên cần có thầy thuốc,
Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo,
Cần phát triển giao thông, vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo việc đắp đường, bắc cầu…”
Một lần đến thăm công nhân, thủy thủ tàu HC cảng Hải Phòng, Người còn nói: “Muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại…”
Từ ý nghĩa đó, Người còn nói đến vấn đề cụ thể hơn trong giao thông vận tải, đó là tầm quan trọng của cầu đường. đối với mỗi quốc gia. Người nói : “ Cầu đường là mạch máu của một nước. Cầu đường tốt thì lợi cho kinh tế: Hàng hóa dễ lưu thông, sinh hoạt đỡ đắt đỏ,nhân dân khỏi thiếu thốn. Cầu đường tốt lợi cho quân sự… Cầu đường tốt thì lợi cho chính trị: Ý nguyện và tình hình của nhân dân nhanh chóng chuyển lên Đảng và Chính phủ, chính sách và chỉ thị của Đảng và Chính phủ mau chóng thông đến nhân dân. Nói tóm lại, cầu đưởng tốt, thì nhiều việc dễ dàng và thuận lợi hơn. Vì vậy làm cầu, đường cũng như một chiến dịch. Người làm cầu đường cũng như một chiến sĩ.”. Cho nên Người đã căn dặn: “Lãnh đạo chính trị, kỹ thuật phải vững chắc, tổ chức công trường phải chặt chẽ. Kế hoạch phải tỷ mỷ và đầy đủ để tránh lãng phí dân công, vật liệu và ngày giờ. Tư tưởng phải thông suốt, từ cấp lãnh đạo đến anh chị em dân công….”
Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Giao thông vận tải thật là cụ thể, sâu sắc và toàn diện là bởi vì Bác Hồ hiểu rất rõ và thấu đáo, giao thông phục vụ ai. Chính là phục vụ nhân dân. Bác nói:
“ Bất kỳ ai, muốn sồng thì phải có bốn điều: Ăn, mặc, ở, đi lại. Muốn có cơm ăn áo mặc, nhà ở đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý, cho nên số đông dân ta ăn đói mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh.
Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì, nó không bảo ai phải hy sinh chút gì, nó chỉ sửa đổi những việc cần thiết rất phổ thông trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn,cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc…”
Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những cán bộ làm quy hoach rằng: "Trong thiết kế phải đồng bộ ( đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện)... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh-nhiều-tốt-rẻ. (Ngày 16-11-1959)
Trong những năm cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam, trong một hội nghị về giao thông vận tải, Bác Hồ đã chỉ đạo:
“ Giao thông vận tải rất quan trọng đối với chiến đáu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân. Nó rất quan trọng cho nên phải cố gắng. Muốn chiến đấu tốt, muốn sản xuất tốt, muốn đời sống nhân dân được bình thường, thì giao thông vận tải phải làm tốt.
Giao thông vận tải có nhiều ngành. Có ngành thủy, ngành bộ, có xe, có cầu, có phà…Các cô các chú phải ra sức thi đua. Thi đua làm cho giao thông: Một là thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục…”
Lực lượng thanh niên xung phong vốn là lực lượng chủ lực và xung kích trong việc phá núi mở đường và đảm bảo giao thông.
Năm 1950, ngành GTVT đã thực hiện chủ trương khôi phục các tuyến đường và làm cầu phà đảm bảo giao thông trong vùng chiến khu Việt Bắc, phục vụ cho bộ đội đánh thắng quân Pháp trong chiến dich Biên Giới, Bác Hồ đã chỉ thị rằng: “Đắp đường, sửa đường, phải tổ chức cho công việc mau chóng, mỹ mãn, mà đỡ hao phí sức người, sức vật…” Người còn động viên phong trào thi đua ái quốc:” Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Tại đơn vị Thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù trên đường từ Bắc Kạn đi Cao Bằng. Ngày 28/3/1951 trong khu rừng Nà Tu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đơn vị thanh niên xung phong bằng bốn câu thơ bất hủ :
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Đây là lời dạy rất sâu sắc với những vần thơ đầy chất triết lý, nhân văn này đã, đang và vẫn mãi sẽ là phương châm hành động chẳng những với cán bộ kỹ sư, công nhân giao thông vận tải mà còn là phương châm hành động của tuổi trẻ cả nước. Lời dạy của Bác trong bài thơ đã trở thành nguồn động viên cho các thế hệ trẻ quyết tâm, vượt mọi khó khăn làm nên chiến thắng.
Tuyến đường ô tô Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên (nay là Quốc lộ 3) là tuyến đường đầu tiên được khôi phục trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cực kỳ quan trọng sau chiến thắng biên giới 1950. Để bảo vệ tuyến đường này, đảm bảo giao thông thông suốt liên tục, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).
Không phải chỉ có những người làm công việc mở đường giao thông, với đội ngũ những người làm công tác vận tải như đội ngũ lái lái xe, họ cũng có một câu châm ngôn nổi tiếng do Bác Hồ chỉ dạy:
“Yêu xe như con,
Quý xăng như máu…”
Câu châm ngôn này cho đến ngày nay vẫn được hầu hết các đơn vị vận tải ô tô lấy làm phương châm hành động trong phong trào thi đua: Giữ xe tốt, lái xe an toàn.
Tháng 6/1957, trong lần Bác đi máy bay từ Gia Lâm đến sân bay Vinh và Đồng Hới, Bác Hồ đã nói: "Bây giờ nước ta còn nghèo, Đảng và Nhà nước ta còn nhiều việc phải lo. Sau này đất nước ta sẽ có những sân bay hiện đại, hàng không Việt Nam sẽ phát triển, các chú phải cố gắng học tập, nắm vững khoa học-kỹ thuật...”.
Tiếp theo vào tháng 2 /1960, đến thăm trung đoàn không quân 919 ( bây giờ là Đoàn bay 919, thuộc hãng Hàng không quốc gia Việt Nam ), sau khi nói về vị trí của không quân và sự hiệp đồng của ngành Hàng Không, để ai cũng thấy được sự vẻ vang trong công việc của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: ”Các cô, các chú là mỗi người phải vì dân, vì nước mà lập công xuất sắc. Mọi người phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, trong mọi mặt công tác, học hành và đời sống hàng ngày…”
Cho dù 45 năm Bác Hồ đi xa, nhưng trong lịch sử phát triển ngành GTVT 70 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân, ngành GTVT Việt Nam và lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam đã luôn tuân theo lời dạy của Người, thường xuyên gắng sức, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường hành quân ra trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vì Độc lập – Tự do và thống nhất đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng Việt Nam, trở thành một nước công nghiệp hóa, xây dựng ngành GTVT theo hướng CNH- HĐH. Những lời dạy mộc mạc dản dị nhưng đầy tính triết lý , nhân văn của Bác Hồ như vẫn còn nguyên gia trị trong thời đại mới, vẫn đang được các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động ngành giao thông vận tải trên khắp mọi miền đất nước, suy ngẫm, học tập và làm theo.
Kế thừa truyền thống “Dũng cảm - Thông minh - Sáng tạo”, họ đã và đang dồn hết tâm huyết, trí tuệ, công sức vào sự nghiệp phát triển giao thông, đã thiết kế và xây dựng nên biết bao cây cầu hiện đại, biết bao tuyến đường lớn... để hệ thống hạ tầng giao thông nước ta trở nên văn minh hơn, ngang tầm với các nước tiến tiến trong khu vực và trên thế giới. Để giao thông, vận tải luôn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ vững chắc lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của tổ quốc../
Chu Đức Soàn
(Tổng hợp nâng cao)
0 comments:
Post a Comment