Lời mở đầu
Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển ngành, với các tên gọi GTCC thời kỳ đầu, rồi đến GT-BĐ và bây giờ là GTVT, Bộ trưởng luôn luôn là người chịu trách nhiệm, trước những quyết định liên quan đến sự hệ trọng của quốc gia và của ngành và hầu như tất cả những quyết sách, chủ trương của các vị bộ trưởng ở từng thời kỳ, đều đảm bảo sự đúng đắn và hợp lý, để đưa đến sự thắng lợi trong sự nghiệp đảm bảo giao thông thông suốt của thời kỳ đó, nhằm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc, nhu cầu giao lưu kinh tế, xã hội của đất nước và người dân.
Xin trân trọng giới thiệu vài nét khái quát 12 vị bộ trưởng đã gắn với ngành GTVT ở từng giai đoạn lịch sử từ 1945 đến 2015. Dù trong hoàn cảnh nào, ở cương vị Bộ trưởng, các ông đã lãnh đạo cán bộ công nhân viên ngành GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng các nhu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đưa vị thế của GTVT xứng đáng là một ngành “đi trước mở đường – dũng cảm kiên cường thông minh sáng tạo’ của đất nước ta ở mọi thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ đổi mới theo hướng CNH – HĐH đất nước.
1/ Ông Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính.
Ngày 28/8/1945 Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh, đã ký nghị định 41 thành lập Bộ GTCC. Nhân sĩ Đào Trọng Kim được giao giữ chức Bộ trưởng. Bộ GTCC là 1 trong tổng số 12 bộ thuộc chính phủ lâm thời sau cách mạng tháng tám thành công.
Nhiệm vụ cấp thiết nhất của ngành giai đoạn này là chi viện sức người sức của cho miền Nam kháng chiến chống sự can thiệp của quân đội Pháp. Trong các loại hình giao thông Việt Nam vào thời kỳ đó, giao thông đường sắt là chủ yếu. Sở Hỏa xa TW đã duy trì mạng vận tải đường sắt xuyên quốc gia Bắc Nam và các tỉnh miền Bắc. Sở Hỏa Xa đã tổ chức nhiều đoàn tàu chở quân đội vào Nam chống Pháp.
Mặt khác do được chỉ đạo từ Bộ GTCC, các cơ sở đường sắt miền Trung và miền Nam, rất kiên cường bám nhà ga, bám tàu và tỏ ra bất hợp tác với quân Pháp,, vừa tham gia tự vệ đánh quân Pháp, vừa tháo gỡ thiết bị ra vùng tự do.
Với những hành động quả cảm của các đơn vị trong ngành GTVT, đặc biệt là các cơ sở giao thông vận tải miền Trung và miền Nam vào thời kỳ đó, các công chức, công nhân lao động của ngành GTCC, đã thể hiện tinh thần yêu nước: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Tuy chỉ làm bộ trưởng có 6 tháng, Ông Đào Trọng Kim, đã có được một vinh quang mở đầu của một bộ, mà ngay từ đầu khai quốc đã có một vị trí quan trọng đến quốc kế dân sinh, trong chính phủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mới giành được độc lập.
( Ga Hàng Cỏ tháng 9/1945, nơi đoàn quân Nam Tiến từ Hà Nội vào miền Nam đánh Pháp )
2/ Ông Trần Đăng Khoa. Bộ trưởng bộ GTCC Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, (Từ tháng 3 năm 1946 - tháng 9 năm 1955.)*.
Ông được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, họp phiên đầu tiên vào ngày, Ngày 2/3/1946, cử ông làm Bộ GTCC trực thuộc Chính phủ.
Ông vốn là kỹ sư giao thông công chính, ông gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam vào năm 1945.
Trong hoàn cảnh đất nước mới được giành được độc lập, nhưng vẫn còn thù trong giặc ngoài, vận mệnh đât nước được ví như: “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngay sau khi Hồ Chủ tịch và Chính phủ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Để chi viện sức người sức cuả cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Bộ GTCC đã chỉ đạo sở Hỏa xa trung ương tổ chức nhiều đoàn tàu vận tải quân, lương phục vụ cho kháng chiến Nam Bộ và các chiến trường khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra (12/1946).
Vào giai đoạn này điều khó khăn nhất của bộ trưởng, là phải quyết định phá hủy các công trình giao thông, đặc biệt là các cầu lớn như các cầu Việt Trì, Hàm Rồng… để tiêu thổ kháng chiến, ngăn không cho quân Pháp vào chiến khu Việt Bắc và vùng tự do của ta, đồng thời phá âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp.
Đầu năm 1947 cơ quan đầu não của Bộ GTCC rời Hà Nội đén ở thôn Móc Dòm, xã Tiên Sinh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Đây là nơi cơ quan Bộ GTCC đặt trụ sở từ năm 1947 - 1950, đây cũng là thời điểm 4 năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, cùng cán bộ, lãnh đạo của ngành làm việc, chỉ đạo toàn ngành tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Trong những năm ở vùng căn cứ này, cơ quan đầu não của Bộ GTCC đã lên nhiều chủ trương và kế hoạch lớn như:
- Thiết lập và giữ vững các đường dây giao liên, giữ giao thông liên lạc thông suốt các miền Bắc - Trung - Nam phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ.
- Tổ chức và huy động các lực lượng TNXP, sửa chữa, mở đường các vùng tự do, vùng kháng chiến. Khôi phục, làm mới hàng trăm con đường, cây cầu, bến phà... để mở đường cho quân ta thực hiện các chiến dịch và cuối cùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ GTCC đã triển khai ngay công việc sửa cầu đường đảm bảo giao thông đường bộ, duy trì vận tải đường sông, đồng thời nhanh chóng triển khai khôi phục các tuyến đường xe lửa, phục vụ các ngành kinh tế phát triển sản xuất, giao lưu hàng hoá giữa thành thị với nông thôn thường và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tháng 9/1955,ông được chuyển sang phụ trách bộ Thủy lợi.
( Phá núi mở đường, bắc cầu vượt sông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ)
3/ Ông Nguyễn Văn Trân. Bộ trưởng bộ GT và BĐ. Tháng 9/1955 – tháng 10/1960
Ông vốn là cựu tù Sơn La, thời gian trước đó đã từng giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cung cấp lương thực - thực phẩm cho Mặt trận Điện Biên Phủ, kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính.
Sau khi tiếp quản thủ đô và hòa binh được lập lại trên toàn lãnh thổ miền Bắc, tháng 9/1955 ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện.
Thời kỳ đó cùng với các bộ , ngành và địa phương trên cả nước, bộ GT –BĐ đã từng bước đưa công tác quản lý ngành, đi vào chế độ,theo luật lệ và hiến pháp.
Nhiệm vụ đầu tiên của Bộ là xây dựng các dự về luật lệ, chế độ, chủ trương,, kế hoạch khôi phục, phát triển mạng lưới giao thông vận tải và bưu điện, đồng thời hướng dẫn và chỉ đạo việc thực hiện ở các đơn vị trong ngành.
Tổ chức và quản lý các công trình giao thông, bưu điện, đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc thông suốt.
Lãnh đạo các đơn vị quốc doanh, công tư hợp doanh, thực hiện hạch toán kinh tế, hạ giá thành và tích lũy vốn cho CNXH.
Nghiên cứu các chính sách, các hình thức tổ chức cải tạo các thành phần kinh tế.trong giao thông vận tải và bưu điện.
Tổ chức và phát triển, sử dụng, khai thác các phương thức GTVT, BĐ, xây dựng mạng lưới giao thông thống nhất, phân công phối hợp chặt chẽ, nhằm sử dụng hợp lý các loại phương tiện vận tải và bưu điện..
Khó khăn nhất trong việc khôi phục các tuyến đường sắt là phải sửa chữa nhiều cây cầu lớn như: Việt Trì (Phú Thọ) và Phủ Lạng Thương (Bắc Giang)... Nhưng với tinh thần chỉ đạo và đôn đốc sát sao của lãnh đạo Bộ, đặc biệt là sự quyết tâm cao của Bộ trưởng, lại có sự hăng hái trong thi đua sản xuất của cán bộ, công nhân Tổng cục đường sắt và sự giúp đỡ của ngành đường sắt Trung Quốc, đến năm 1960, ngành GT –BĐ đã khôi phục cơ bản các tuyến đường sắt miền Bắc và đã nối thông được tuyến đường sắt Hà Nội - Bằng Tường (Trung Quốc) trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh - Moscow –Berlin, phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục kinh tế đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại giao thương của người dân.
Đối với công việc khôi phục mạng lưới đường bộ, tuy gặp nhiều khó khăn về vốn ngân sách còn hạn hẹp, nên hướng tập trung của lãnh đạo bộ là chỉ sửa chữa và khôi phục các tuyến quốc lộ và khai thông một số tuyến đường mới có nhu cầu vận tải cấp thiết. Còn lại hầu hêt các tuyến đường khác, bộ đề ra phương châm: Đường qua địa phương nào, địa phương đó chủ động huy động lực lượng để sửa đường, nhằm đảm bảo sự đi lại của các địa phương, không bị ách tắc.
Tháng 2/1961 Hội đồng chính phủ đã ban hành nghị quyết tách Bưu điện ra khỏi bộ GTVT và Bưu điện và chuyển đổi tên gọi là bộ Giao thông Vận tải..
( Tập trung khôi phục mạng lưới giao thông. Trong ảnh Bác Hồ thăm cầu Bắc Giang. Sửa chữa cầu Hàm Rông, cầu Gián Khẩu và cầu Việt Trì)
4. Ông Phan Trọng Tuệ được giữ chức Bộ trưởng bộ GTVT .
Trước khi về nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, ông mang quân hàm thiếu tướng, thứ trưởng bộ Công an.
Từ năm 1961 đến năm 1974, trong bối cảnh nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương vững chắc để chi viện giải phóng miền Nam.Trong kế hoạch 5 năm 1961 -1965 đã xác định: Đi đôi với phát triển kinh tế công nghiệp và nông nghiệp, cần ra sức phát triển GTVT để phát triển kinh tế, quốc phòng và mở rộng giao thông liên lạc với các nước anh em.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, phát triển giao thông đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển.Trong đó trọng tâm lớn là khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam tại miền Trung từ Thanh Hóa đến Vinh và Đồng Hới ( Quảng Bình), đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và sự đi lại của nhân dân, nhưng tầm quan trọng hơn là nối thông trục giao thông chiến lược Bắc – Nam cả đường bộ và đường sắt.
Riêng về đường bộ trong 10 năm từ 1955 – 1964 bộ GTVT đã khôi phục được 707km đường và mở mới được trên 1000km đường.
Đối với ngành cơ khí thủy, đường sắt, cơ khí ô tô… Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường việc sửa chữa và sản xuất các loại phương tiện vận tải, xếp dỡ, thiết bị thi công. Cùng với công tác này, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức đăng ký kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, cấp bằng lái xe, bằng thuyền trưởng,máy trưởng tàu biển, cho phép tàu nước ngoài ra, vào các cảng biển.
Vào thời gian này với chủ trương lớn của Bộ, trong đó sự quyêt tâm của bộ trưởng Phan Trọng Tuệ là phát triển vận tải đường biển. Đến tháng 9/1962 bộ đã quyết định thành lập công ty vận tải đường biển Việt Nam. Và đến giữa năm 1965 Cục đường biển Việt Nam được thành lập
Sau ngày 5/8/1964 Mỹ bắt đâu leo thang dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Ngành GTVT đã xác định nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ quân đội đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, chi viện cho miền Nam đồng thời phục vụ các ngành kinh tế. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Bộ GTVT đã đề ra kế hoạch và phương án tổ chức lực lượng lao động, thiêt bị, phương tiện,cơ sở cơ khí sửa chữa, lập kế hoạch dự trữ vật tư, chuẩn bị các phương án vận chuyển hàng hóa bằng các lọai hình phương tiện đường sắt, đường sông, đường bộ, đường biển. nhằm đảm bảo giao thông, đặc biệt là những tuyến đường chiến lược vận tải quân đội, lương thực, vũ khí, khí tài chi viện cho miền Nam.mà trọng điểm là các tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn.
Trong giai đoạn không quân Mỹ leo thang, phong tỏa miền Bắc bằng đường biển, đích thân Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo Cục cơ khí nghiên cứu và chế tạo thành công tàu phá bom, mìn và thủy lôi từ trường T5 vào tháng năm 1972. Ông đã quyết định cho sản hàng loạt dạng tàu T5, đưa ra các cửa sông cửa biển rà phá bom mìn từ trường, nhờ vậy ngành GTVT đã phá tan âm mưu của Mỹ, dùng bom từ trường ngăn chặn các cửa sông cửa biển của ta trong vận tải đường thủy.
Từ tháng 3 năm 1974 đến giữa năm 1976, ông thôi giữ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải để làm Phó Thủ tướng, kiêm Thường trực Hội đồng Chi viện giải phóng miền Nam.
Người kế nhiệm ông ở chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải là Thứ trưởng thường trực Dương Bạch Liên.
(Mở những tuyên đường Trường Sơn giải phóng miền Nam)
5/ Ông Dương Bạch Liên – Bộ trưởng bộ GTVT
Vào thời gian này nhiệm vụ chính của Bộ là đảm bảo giao thông trên quy mô toàn quốc để phục vụ cho cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 và sau đất nước thống nhât, bộ đã thành lập Tổng cục GTVT miến Nam để tiếp quản các cơ sở vật chất về giao thông vận tải ở miền Nam.
Vào giai đoạn đó, do bị ảnh hưởng của chiến tranh và của thiên nhiên, ở miền Bắc hệ thống đường bộ bị hư hỏng nghiêm trọng, ông đã chỉ đạo các đơn vị thuộc các cuc công trình 1 và 2 khẩn trương khôi phục các tuyến quốc lộ chính để đảm bảo giao thông. Đồng thời ông cũng chỉ đạo tăng cường vận tải đường sông tăng cường hệ thống cầu phao và phà đảm bảo vượt sông thông tuyến. Đặc biệt là với đường biển Lãnh đạo bộ Giao thông vận tải và cục đường biển, quyết tâm mở rộng thương trường, mạnh dạn khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế, phát triển đội tàu viễn dương, từng bước hội nhập ngành Hàng hải quốc tế.
Cũng trong thời gian này, được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự quyết tâm của ngành GTVT, trong đó có vai trò của bộ trưởng Dương Bạch Liên, cuối năm 1975 Bộ GTVT bắt đầu tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam.
Giữa năm 1976 ông chuyển sang Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm.
(Phát triển đội tàu biển để hội nhập hàng hải quốc tế)
Giữa năm 1976 ông Phan Trong Tuệ lại được giao nhiệm vị Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải,
Đây là lần thứ hai ông giữ cương vị Bộ trưởng và kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ.
Ngay sau khi nhậm lại chức Bộ trưởng, ông Phan Trọng Tuệ lúc này đã là ủy viên Trung ương Đảng, phó Thủ Tướng Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo công trường khôi phục đường sắt Thống Nhất. Cuối Năm 1976 công trinh đã được khánh thành, trong sự hân hoan của nhân quân và dân cả nước.
Trong hoàn cảnh đất nước vừa qua chiên tranh, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải trên nhiều lĩnh vực, đã đạt được một số thành tựu đáng kể, song cũng qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu kém, trong đó là khâu quản lý giữa TW và địa phương, giữa các ngành vận tải chưa có sự phân công, phân cấp hợp lý. Để ngành GTVT đảm đương nhiệm vụ, phục vụ các ngành kinh tế và các địa phương phát triển kinh tế xã hội.
Tháng 10/1980 Bộ trưởng đã ra chủ trương phân cấp vận tải và quản lý đường sá. giữa TƯ với địa phương.
Cùng với thực hiện chủ trương phân cấp quản lý, Bộ trưởng đã quyết định sắp xếp lổ chức lại Tổng cục đường sắt với 3 quận, làm nhiệm vụ quản lý và khai thác trên cả nước.
Tiếp theo đó tổng cục Đường biển được thành lập, đánh dấu một bước phát triển mới và xác định nhiệm vụ mới của ngành Vận tải biển trong nền kinh tế quốc dân. Ngành vận tải đưởng sông có khối khối lượng vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành, cũng được tổ chức lại. 4 công ty vận tải đường sông được thành lập.
Hoà bình chưa được bao lâu, thì đất nước lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam..Ngành Giao thông vận tải lại được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo đảm yêu cầu đẩy mạnh sản xuất và sự đi lại của nhân dân cả nước.
Trong quá trình đảm nhận nhiêm vụ Bộ trưởng, 2 lần với 17 năm 7 tháng, nghệ thuật lãnh đạo của ông vừa khéo léo thuyết phục, vừa dân chủ bàn bạc, nhưng cũng quyết đoán đúng lúc, đúng trường hợp và dám chịu trách nhiệm về những chủ trương quyết sách của mình. Ông đoàn kết được đông đảo cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, người trong Đảng và ngoài Đảng, biết động viên họ làm những việc tưởng chừng như không làm nổi. Ông nghiêm khắc với những sai sót của bản thân, nhưng khi xử lý kỷ luật cấp dưới lại rất thận trọng”. Đến tháng 2/ 1981 ông thôi giữ chức bộ trưởng.
(Thông tuyến đường sắt Bắc Nam)
6. Người kế nhiệm là Ông Đinh Đức Thiện – Bộ trưởng Bộ GTVT*.
Trước khi đảm nhận chức bộ trưởng ông là Bí thư Đảng ủy Tổng cục Dầu khí.
Với thời gian làm bộ trưởng chỉ có hơn 1 năm, giữa bộn bề thiếu thốn sau chiến tranh biên giới, đất nước bị bao vây cấm vận, nước tai lại bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy cơ sở vật chất ngành GTVT bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, dấu ấn ró nhất trong thời gian ông đảm nhiệm bộ trưởng là công việc giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành. Một trong những vấn đề trọng tâm là giải tỏa hàng hóa nhập khẩu đang ùn ứ hàng chục vạn tấn ở cảng Hải Phòng. Vốn là một vị tướng, nên ông có chủ trương tổ chức cảng như là một đơn vị quân đội, song việc không thành và sau đó điều đáng tiếc xảy ra, cảng Hải Phòng bị cháy, đã gây thiệt hại lớn
Trong giai đoạn này công trình xây dựng cầu Thăng Long, do chính phủ Liên Xô ( cũ) ( cũ) nhận giúp Việt Nam xây dựng tiếp những phần việc do Trung quốc bỏ dở được. khởi động và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Ông hay “ôn nghèo kể khổ” để mọi người vượt qua thời kỳ khó khăn. Ông có tác phong sau sát thực tế, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện ráo riết, điều hành quyết liệt, nhằm cố gắng duy trì các hoạt động GTVT không bị tụt hậu..
Tháng 4 năm 1982, ông thôi chức bộ trưởng bộ GTVT, trở về bộ Quốc Phòng giữ chức thứ trưởng.
* Theo quyển LSGTVT, trang 589 ghi ông nhận chức bộ trưởng và tháng 2/ 1981.
(Cầu Thăng Long do Liên Xô giụp được xây dựng tiếp)
7/ Ông Đồng Sĩ Nguyên – Bộ trưởng bộ GTVT.
Ông vốn là Tư lệnh Đoàn 559, từ1967 đến năm 1976, chỉ đạo xây dựng tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn, chi viện sức người sức của vào miền Nam. Đất nước thống nhất, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, Trước khi được làm bộ trưởng, ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng Từ năm 1982, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, phó chủ tịch HĐBT.
Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, nhận thấy ngành GTVT đang là khâu yếu trong nền kinh tế quốc dân,
Bởi vậy, đến tháng 2/ 1983, Bộ đã sắp xếp lại các đơn vị vận tải đường biển, đường sông, đường bộ và đường sắt. Trong đó Tổng cục đường sắt, quyết định bỏ cấp quận, để thành lập 5 công ty vận tải đường sắt theo khu vực. Ngành xây dựng cơ bản, được tổ chức thành Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông theo khu vực và theo lãnh thổ, bên cạnh các liên hiệp còn có các ban quản lý công trình theo khu vực. Cơ quan bộ cũng có sự sắp xếp lại, giải thể và thành lập thêm một số Vụ, Ban. ( Ban tuyên truyền báo chí, NXB..). Các ty GTVT địa phương được đổi thành sở GTVT.
Cũng trong giai đoạn này, phát huy thế mạnh về kết cấu dàn dầm thép từ cầu Thăng Long, chủ trương của Bộ trưởng là tập trung xây dựng các cầu vượt sông lớn theo phương châm: “Tự lực tự cường”. Cây cầu đầu tiên của tinh thần tự lực, tự cường là cầu Chương Dương, bắc qua sông Hồng Hà Nội, nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông qua cầu Long Biên. Từ đó phong trào “ Tự lực tự cường” được lan rộng cho tới rất nhiều năm sau đó.
Đối với các loại hình vận tải: Đường biển và đường sông, do có sự chỉ đạo sát sao của bộ trưởng,ngành đường biển đã đi tiên phọng trong việc tìm tòi cách làm ăn mới, từng bước xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp lập cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh, nên chẳng những đưa các đội tàu vận chuyển có hiệu quả, thanh toán được nợ, có tích lũy,cho ngành và cho nhà nước. Riêng về tổ chức vận tải ô tô, tháng 4/1986 cục vận tải ô tô bị giải thể, thay vào đó, bộ trưởng đã có quyết định thành lập liên hiệp các xí nghiệp vận tải ô tô. Tuy nhiên mô hình này không thich hợp và không đạt hiệu quả như mong muốn, bởi thực tế, sự hợp tác giữa các đơn vị vận tải ô tô với nha và giữa đơn vị với lái xe hầu như không có, lái xe tự tim nguồn hàng, vận chuyển theo hình thức khoán gọn.
Cũng trong thời gian này, phương thức vận tải: Biển pha sông được hình thành. Nhiều cơ sỏ đóng tàu trong nước đã đóng mới được những con tàu pha sông biển từ 200 tấn đến 600 tấn, phục vụ cho vận tải hàng hóa, đặc biệt là lương thực.
Ông có tác phong quân đội nên phong cách lãnh đạo có tính quyết đoán và ông chỉ đạo công việc theo kiểu “ quân lệnh như sơn”.
Tháng 6 năm 1986 ông thôi chức bộ trưởng, ông được giao là đặc phái viên của Chính phủ.
và tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh.
( Cầu Chương Dương - Hà Nội, mở đầu phong trào "Tự lực, tự cường" trong xây dựng giao thông)
8/ Ông Bùi Danh Lưu. GS-TS - Bộ trưởng bộ GTVT.
Ông Lưu đảm nhiệm chức Bộ trưởng trong giai đoạn Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện., mục tiêu là: : “Ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá trong chặng đường tiếp theo”. Đối với giao thông vận tải, Đại hội VI khẳng định: “Là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”.
Ngay sau đó dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu, Bộ Giao thông vận tải đã đề ra những chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm đưa giao thông vận tải “đi trước một bước”, đáp ứng các yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Qua đó 11 chương trình cụ thể đã được Bộ triển khai trong toàn ngành để thực hiện
Nghị quyết Đại hội VI và những năm tiếp theo. Trong đó, việc trước tiên cần quan tâm là đổi mới công tác tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý. Qua đó toàn ngành đã có 260 xí nghiệp được chuyển sang hạch toán kinh doanh, theo hình thức lấy thu bù chi, sản xuất kinh doanh có lãi, 76 đơn vị hạc toán tiết kiệm bằng nguồn kinh phi sự nghiêp và Bộ đã cho phép 172 xí nghiệp được phép tự trang trải từng bước về tài chính tiến đến tự chủ hoàn toàn.
Sau một thời gian sáp nhập Tổng cục bưu điện và cục hàng không dân dụng Việt Nam vào bộ GTVT, tháng 3/1990, bộ được đổi tên thành Bộ GTVT và Bưu điện. Vào thời điểm này ngoài việc chỉ đạo 3 phần việc lớn của ngành là vận tải theo 4 loại hình: Đường sắt, đường không, đường thủy ( sông, biển ) và đường bộ, Bộ trưởng còn tập trung trung chỉ đạo về đảm bảo thông tin liên lạc.
Tuy nhiên sau đại hội Đảng toàn quốc lầ thứ VII, tháng 9/1992, quốc hội đã thông qua và quyết định tách Tổng cục Bưu điện trực thuộc chính phủ, để thành lập lại bộ GTVT
Để thực hiện một số chính sách và biện pháp, để tạo nguồn vốn cho giao thông vận tải, trước hết phải sử dụng tốt và có hiệu quả các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, vốn thu từ phí giao thông đường bộ, bắt đầu được triển khai, sau đó vốn huy động trong nhân dân với phương thức” Nhà nước và nhân dân ( địa phương) cùng làm.
Hàng loạt các công trình giao thông quan trọng được triển khai, bằng vốn trong nước trên tinh thần “Tự lực. tự cường” và lần đầu tiên dự án ODA của chính phủ Úc, được triển khai, đó là dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận, bắc qua sông Tiền, sau khi Mỹ bỏ cấm vận.
Hơn 10 năm làm bộ trưởng, ông Bùi Danh Lưu đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Đáng chú ý nhất là ông đã quyết tâm tái lập lại các cục quản lý chuyên ngành gồm các cuc: Đường bộ, Đường sông, thành lâp thêm các cục: Hàng Hải, Đăng Kiểm, Giám định chất lượng.., để giúp bộ trưởng tăng cường công tác chỉ đạo với các đơn vị có liên quan trong ngành. Ngoài các TCT, công ty, xí nghiệp chuyên ngành xây dựng cơ bản, các Khu quản lý đường bộ, được thành tập. Sau đó là các đoạn, trạm đường sông, các cảng vu đường biển.. Các đơn vị này thực hiện chức năng, quản lý, sửa chữa các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy của cả nước
Riêng các ngành vận tải lớn, Bộ áp dụng mô hình tổ chức theo quy mô Liên hiệp các xí nghiệp, cụ thể là:
Tổng cục đường săt, sau khi được thành lập 3 xí nghiệp liên hiệp vận tải ở 3 khu vực, TCĐS hoạt động theo mô hinh Liên hiệp các xí nghiệp đường sắt Việt Nam. Vào thời.gian này Liên hiệp hoạt động thực sự có hiệu quả, trong việc rút ngắn hành trình chạy tầu từ 58h năm 1988 xuống còn 48 và 42h và 38h vào năm 1993.…
Liên hiệp Hàng hải, thay thế cho mô hình TC Đường biển, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho vận tải biển, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, vận tải đường biển bắt đầu sa sút và để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tháng 2/1993 cục Hàng Hải được thành lập. Bằng nhiều biện pháp được triển khai đến năm 1994 ngành Hàng Hải mới đần được ổn định.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển khá, toàn quốc đã có thêm gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng, ông Bùi Danh Lưu trúng tiếp ủy viên Trung ương Đảng, sau đó tháng 11/1996 ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Ban kinh tế TƯ Đảng.
(Vốn ODA đầu tiên xây dựng cầu Mỹ Thuận và phong trào " giao thông nông thôn)
9/ Ông Lê Ngọc Hoàn – Bộ trưởng bộ GTVT.
Ông đảm nhận chức bộ trưởng trong bối cảnh công cuộc đổi mới đã thực hiện được 10 năm ( 1986 - 1996 ), những thành tựu cơ bản về kinh tế, đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu hạ tầng giao thông, so với thế giới và khu vực là rất lớn.
Chính vì thế ông luôn trăn trở với bài toán: cơ chế nào, nguồn vốn nào để nâng cấp, mở đường, xây cầu mới, rồi cả hạ tầng sân bay, cảng biển nữa...Được sự hậu thuẫn của chính phủ, Bộ GTVT bắt đầu xúc tiến việc vay vốn nước ngoài để phát triển hầng giao thông, trong đó có vai trò tích cực Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn. Khi đó, quan điểm vay nước ngoài làm đường, xây cầu còn khá mới mẻ.
Nhiều nước và các tổ chức ngân hàng đã sẵn sàng cho Việt Nam vay. Đại diện Ngân hàng thế giới ( WB) và ngân hàng châu á ( ADB) đã sẵn sàng ủng hộ. Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ dành ưu tiên hàng đầu vốn ODA, để cải tạo và mở rộng quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và phát triển giao thông nông thôn. Sau đó là các khoản vốn vay của chính phủ Nhật Bản để xây dựng các cầu trên quốc lộ 1 và đoạn cuối quốc lộ 5, hầm đường bộ Hải Vân, của chính phủ Hàn Quốc để mở rộng quốc lộ 18 ( đoạn Chí Linh- Biểu Nghi) và đoạn đầu quốc lộ 5.v.v… Điều đáng nói là Bộ đã sử dụng rất tốt các khoản vay ODA và vốn vay khi đó.
Sau hiệu quả của hàng loạt dự án vay vốn WB, ngành Giao thông đã sử dụng vốn vay ODA của nhiều nước khác vào xây dựng hạ tầng, tạo một động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung vào nông nghiệp, kinh tế nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phục vu các khu kinh tế trong điểm, các chương trình phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ. Qua đó hàng loạt các công trình cầu đường bộ,, sân bay, nhà ga, bến cảng biển… được triển khai xây dựng.
Ngoài nguồn vốn vay, vào thời kỳ này bộ GTVT vẫn sử dụng nguồn nước trong nước để triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia,, trong đó có việc thực hiện chủ trương của bộ là xóa bó các cầu đường bộ đi chung với đường sắt và xóa các phà trên tuyến quốc lộ chính yếu, đặc biệt là quốc lộ1A. Vào giai đoạn này, công trình lớn nhất nước ta là dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, được khởi công.
Là người lãnh đạo trưởng thành từ công trường, ông hiểu nghề, hiểu cán bộ của mình tường tận để chỉ đạo sát sao trong công việc mà vẫn cảm thông được với cán bộ tham mưu và đơn vị cơ sở, ông luôn được mọi người yêu mến quý trọng.
Tháng 7 năm 2002 ông nghỉ chế độ.
(Các công trình tiêu biểu: Quốc lộ 1a, đường hâm đèo Hải Vân, đường Hồ Chí Minh)
10/ Ông Đào Đình Bình – Bộ trưởng bộ GTVT.
Ông đảm nhiệm chức Bộ trưởng, trong bối cảnh toàn quốc đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001). Vì vậy để hoạt động của ngành thích ứng và phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước. Ông đã cùng với các thứ trưởng, một mặt bám sát các chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, mộ mặt chỉ đạo các Ban QLDA và các TCT tập trung nâng cấp và hoàn thiện về cơ bản các trục đường giao thông trên tuyến Bắc – Nam, các tuyến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, các vùng kinh tế quan trọng; củng cố các tuyến liên tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ, nâng cấp các tuyến lên Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc, các tuyến biên giới, các tuyến đi về cảng và các cửa khẩu… Chủ trương lớn của lãnh đạo bộ GTVT là xóa các phà trên tất cả các tuyến quốc lộ. Để phục vụ cho định hướng chiến lược phát triển mạng đường cao tốc ở Việt Nam, tháng 10/2004, tông công ty đường cao tốc (VEC) được thành lập.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược trên, ông đã cùng với công đoàn coi trọng yếu tố nội lực, tiếp tục khơi dậy và đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi - sáng tạo” với mục tiêu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống cho công nhân viên chức, lao động; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy truyền thống: “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” với tinh thần “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trên mọi lĩnh vực và cương vị công tác.
Vì vây- Trong thời kỳ ông Đào Đình Bình làm bộ trưởng (2002 – 2006), ngành Giao thông vận tải đã và đang nên những chuyển biến cơ bản về chất đối với công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, thực hiện trong phạm vi cả nước và đối với toàn xã hội. Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy đối với tất cả các chuyên ngành và đã được quốc hội thông qua các bộ luật giao thông: Đường bộ, Đường sắt,, Đường thủy nội, địa, Hàng không dân dụng và Hàng hải.
Tuy nhiên vào thời gian này có một hiện tượng là nhiều đơn vị chuyên làm cầu đường đều lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, tình trạng chậm trả lương kéo dài. Có một số đơn vị càng làm cang lỗ. Qua quá trình phân tích để tìm ra nguyên nhân, lãnh đạo Bộ đã nhận thấy rõ một đây là hệ quả của một cơ chế tài chính đã rất lỗi thời áp dụng cho xây dựng cơ bản.. Vì đây là hiện trạng chung, nên lãnh đạo bộ có biết nhưng việc tháo gỡ cho các đơn vị cũng rất khó khăn.
Vì có liên quan trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, trong vụ tiêu cực ở PMU 18, tháng 4/2006, ông đã có đơn gửi các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ xin từ chức. Tháng 7 năm 2006, Thủ tướng chính phủ đã quyết định miễn nhiệm ông.
11/ Ông Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng bộ GTVT.
Ông vốn là kỹ sư cán thép, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hungary, đã từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam. Trước khi đảm nhận chức bộ trưởng GTVT, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi.
Trong thời gian 5 năm, đảm nhiệm chức bộ trưởng, ông đã chỉ đạo thực hiện thành công được một số công việc. Trong đó đáng ghi nhận nhất là việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa công ty nhà nước thuộc Bộ và cải cách hành chính được, được ông chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện một cách kiên quyết nhằm phấn đầu hoàn thành giai đoạn 1 Đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ.
Trong thời gian ông Dũng làm bộ trưởng, mặc dù vốn ngân sách cho giao thông thiếu hụt, nhiều công trình bị cắt giảm đầu tư công, dẫn đến ngưng triển khai, tuy nhiên giai đoạn này cũng là thời kỳ ngành Giao thông vận tải có nhiều công trình giao thông vận tải lớn, có ý nghĩa, được triển khai của thời ông Đào Đình Bình, đã hoàn thành như: Cầu Bãi Cháy, Thanh Trì (cầu chính), Vĩnh Tuy, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cần Thơ; hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương, Giẽ -Ninh Bình, đường vành đai 3 Hà Nội, 38 cầu giao thông nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, hoàn thành cảng biển nước sâu Cái Lân, Đài thông tin Duyên Hải, hệ thống Đèn biển Việt Nam v.v…Riêng đường Hồ Chí Minh, sau một thời gian gián đoạn vì vốn, giai đoạn này đã được khởi động bằng việc, khởi công giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh tại PácPó Cao Bằng.
Nhưng thành tích lớn nhất với xã hội nước ta, được cộng đồng Quốc tế đánh giá cao, đó là với cương vị Bộ trưởng - Chủ tịch Uy Ban ATGT Quốc gia, ông đã chỉ đạo thành công việc thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với những người đi mô tô, xe máy. Đây là một công việc vô cùng gay go phức tạp triển khai nhiều năm trước đó mà vẫn không thành công..
Ông Hồ Nghĩa Dũng làm Bộ trưởng, với tính cách Hiền lành, điềm đạm biết sử dụng cán bộ cấp dưới, bình tĩnh sử lý khéo các công việc.
Tuy nhiên thời kỳ này cũng là thời kỳ được coi là sa sút, với của TCT đóng tàu qua việc Vinashin do có tiêu cực trong việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ, nhưng trách nhiệm cá nhân của ông Hồ Nghĩa Dũng đối với vấn đề này không lớn.
Tháng 7/ 2011 ông nghỉ hưu.
12/ Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng bộ GTVT ( tháng 8/2011 đền nay).
Trước khi nhậm chức bộ trưởng Bộ GTVT ông đã làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).
ông Thăng nhận chức Bộ trưởng trong bối cảnh ngành GTVT đang gặp nhiều khó khăn, do cả nước đang thực hiện cắt giảm chi tiêu công, làm cho việc giải ngân các công trình xây dựng giao thông bị chậm, lạm phát lại ngày càng tăng, gây, nợ đọng và thua lỗ cho hầu hết các doanh nghiệp xây dựng giao thông, nhiều đơn vị không có tiền để trả lương cho người lao động…
Ông đã bắt đầu công việc mới bằng cách đi ngay vào một số lĩnh vực đang là điểm nóng của ngành GTVT. Qua đó Bộ Giao thông bắt đầu tập trung giải quyết ba khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là giảm thiểu tai nạn ùn tắc giao thông, thứ ba là chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng…Với phương châm hành động cho toàn ngành: “Đổi mới hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.”
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành, tháng 11 năm 2011, ông đã đề nghị Quốc hội bố trí khoản ngân sách 40.000 tỷ đồng, thu vượt từ dầu thô, cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông vì vào thời điểm đó, Bộ GTVT rất thiếu vốn để đầu tư hạ tầng theo kế hoạch",
Cũng vấn để vốn, ông chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức, BOT ( đầu tư, khai thác chuyển giao), nay thêm phương thức đầu tư PPP ( Nhà nước và nhà đầu tư ( tư nhân) cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. ) Ngoài ra, sáng kiến nhượng quyền khai thác dự án giao thông cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm quay vòng vốn đầu tư của Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa qua cũng được xã hội đánh giá cao.
Bằng nhiều nguồn vốn từ năm 2012 đến đầu năm 2015, bộ GTVT, đã hoàn thành gần 200 công trình và khởi công trên 150 công trình, đây là thời kỳ có số lượng lượng công trình đạt cao nhât từ trước đến nay.
Vể quản lý nhà nước ông Đinh La Thăng đã triển khai nhiều niện pháp mạnh, theo hướng đổi mới mang tính đột phá trong cải cách hành chính, minh bạch hóa trong quản lý kinh tế, đấu thầu, đầu tư xây dựng, thi tuyển cán bộ công chức, cũng như siết chặt kỷ cương phép nước về vận tải và tải trọng xe, thay đổi tác phong lãnh đạo và nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu .v.v…
Ông thường hay có mặt tại những điểm nóng để hiểu tìm nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm cá nhân liên quan. Đã có nhiều lần ông kiên quyết thay, hoặc kỷ luật những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công việc ngay tại công trường, hoặc thông qua đường dây nóng, để ông gần dân hơn, thấu hiểu những bức xúc của người dân có liên quan đến ngành mà ông phụ trách.
Riêng Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2012 đến 2014, bằng nhiều biện pháp như: Phân làn đường, lắp giải phân cách cứng để hạn chế xung đột ở các ngã tư, xây cầu vượt nhẹ, tăng các hình thức sử phạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chấp hành luật giao thông đường bộ trên các ngã tư, triển khai thực hiện các đề án. Tăng cường cử các đoàn kiểm tra các địa phương…Chính điều đó đã góp phần duy trì mạch kéo giảm TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí, liên tiếp từ hơn 13 nghìn người chết hai năm trước xuống dưới 9000 người trong năm 2014. Đây cũng là mức giảm TNGT thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Năm 2013 ngành GTVT được Bộ Nội vụ công nhận dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR index) trong khối cơ quan cấp bộ, ngang bộ, UBND tỉnh và thành phố. Năm 2014 BộGiao thông vận tải đã hoàn thành IPO được 48 doanh nghiệp trên tổng số 76 doanh nghiệp của cả nước và tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế TW, Bộ GTVT đã thực hiện tốt hầu hết chỉ tiêu của Nghị quyết 13 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Diện mạo giao thông cả nước thay đổi hết sức nhanh chóng. .Bằng cảm quan, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy điều này. Bằng chứng là số lượng công trình khởi công, khánh thành rất nhiều, số vốn huy động từ xã hội đạt mức kỷ lục.
Quả thật chỉ trong có 4 năm tại vị (tháng 7/2011 – tháng 6/2015 ông đã làm cho ngành GTVT nổi bật trong đời sống xã hội, vị thế của ngành đối với Nhà nước và đối với người dân được đã và đang được nâng cao.
Có thể khẳng định rằng, ngành GTVT trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Dù trong hoàn cảnh nào, ở cương vị Bộ trưởng, các ông luôn thể hiện tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, để tạo sức mạnh, để ngành GTVT luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo giao thông, vận tải thông suốt, an toàn, đáp ứng các nhu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Tất cả các thành tựu mà ngành GTVT đạt được trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng tổ quốc Việt Nam trong thời đại Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa,, có công sức, trí tuệ của 12 vị Bộ trưởng, các thứ trưởng, đến hàng vạn, hàng vạn cán bộ, công nhân viên chức toàn ngành, đã đưa ngành GTVT thực hiện tốt vai trò "đi trước mở đường" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Chu Đức Soàn
Nguyên phóng viên đài PT-TH Hà Nội
(Tổng hợp và nâng cao )
….
0 comments:
Post a Comment