Sunday, September 27, 2009



Khi tiếng chuông nhà thờ ngừng đổ, mọi thứ tiếng động giữa lòng đường bỗng chốc dâng cao. Tạp nhạp, trôi chảy, không gián đoạn. Hai cây kim đồng hồ trên nóc giáo đường chuyển dịch, một kiếm ngắn một kiếm dài tách rời hẳn và mặt trời giữa ngọ như theo đó mà đứng bóng, ngập lụt sắc lửa vàng cháy. Những chuyến xe buýt không ngừng thả khách xuống và đàn bồ câu thì hầu như lúc nào cũng tụ tập đông đảo trước khoảng sân rộng dẫn vào chốn tôn nghiêm.

Mười hai giờ năm, mười hai giờ bảy, mười hai giờ mười phút. Gió làm bay những mái tóc vàng đứng đợi đèn đường chuyển màu. Làm không khí đậm mùi nước đái những cổ xe ngựa lọc cọc chở du khách đi về phía cuối thành cổ, ở đó khẩu đại bác của mấy thế kỷ trước vẫn không hề hoen rỉ, xanh bóng màu đồng nhô ra khỏi pháo tháp như muốn thách đố một điều gì trong câm lặng. Sông St-Laurent chạy một đường viền sáng ngời, cắt rõ biên giới giữa bụi bặm nhiệt náo với từng không lặng lờ một màu xanh chẳng gợn bóng mây.

"Làm phiền anh chụp cho bọn tôi một tấm ảnh." Người thanh niên trao cái máy nhỏ và nắm tay cô bạn gái đi thụt lùi. "Có thấy bức tượng ở đàng sau không? Cái nút đỏ ấy, chỉ việc bấm nhẹ là xong." Hai mái đầu tựa vào nhau, người con gái vuốt lại tóc và trong ống kính bức tượng người cầm gươm mình mẩy đen đúa hoen ố cả cứt chim. "Cám ơn." Họ đồng loạt nói. Người con gái đưa bàn tay che ngang trán như kiểu chào của lính, đôi mắt nheo: "Họ bảo nhà thờ ấy linh thiêng lắm phải không?" Cô đeo ba-lô sau lưng và tuồng như cô đến từ một nơi chốn khác, trước mặt còn dài những ngày nghỉ hè. "Tôi cũng không rõ. Có thể là như vậy." Họ gửi lại hai nụ cười khác nhau rồi tay trong tay níu kéo đi xăm xăm, đội nắng tới lãnh địa của Chúa.

Thoảng trong gió có mùi hương quen, gần gũi:

"Xin lỗi, tôi đến trễ. Khiếp! Hôm nay là ngày gì vậy cà?"

"Thứ sáu, nhưng không phải mười ba."

"Có lễ lạc gì không? Người đâu mà đông thế!"

Anne nhìn dớn dác, cuối cùng cô chỉ tay về một bãi cỏ xanh nằm trên đồi thấp. "Lại đó đi." Anne mặc chiếc váy rộng và gió như có cớ để đùa nghịch: khi thổi phồng nó lên, khi dán chặt vào đôi chân vướng víu. Thuốc ngừa đổ mồ hôi nách thơm thứ mùi hương nồng đậm, ngửi thấy ngầy ngật như bị say nắng.

"Tôi có mua bánh mì thịt nguội và luôn cả nước ngọt. Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi đến trễ."

"Tôi đợi không mấy lâu, tuy vậy tôi ngỡ là mình đã nghe lầm điểm hẹn. Nhà thờ. Hình như gần đây còn có một cái giáo đường khác?"

"Ừ, nhưng nó không cổ xưa và tiếng tăm như cái này."

"Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ thì vẫn hơn."

"Cũng tùy. Đông đúc thì dễ hòa lẫn vào. Sao, mọi chuyện có gì thay đổi không?"

Anne hỏi trong khi kề sát đầu vào để hôn. Hơi thở nóng, như người đang nhuốm bệnh; và thứ kẹo cao-su mà cô đang nhai mùi vị hệt như thuốc xi-rô trị cảm cúm ho hen.

"Hiện tại thì chẳng có gì đổi thay."

"Con Kathy hôm nay nhác chơi. Từ nhà trẻ đi ra, nhìn lui vẫn thấy nó ngoái trông. Mặt buồn bã, tội nghiệp."

"Nó mấy tuổi rồi nhỉ?"

"Bốn."

"Sách vở y khoa bảo là con nít phải tới mười tuổi mới ý thức được cái chết. Sự sợ hãi cũng như nỗi buồn khổ khi thiếu thốn."

"Nói vậy nghĩa là sao?"

"Là bốn tuổi thì nó có hề băn khoăn vì không thấy mặt cha?"

"Tôi không biết. Hình ảnh những thằng đàn ông đến đón con ở nhà trẻ chắc có gieo vô trí óc nó một dấu hỏi... Tôi cũng vậy, tôi cần có một người đàn ông sống ở trong nhà. Bóng đèn bị cháy, bồn rửa chén bị nghẹt, đêm hôm trái gió trở trời... mấy cái lẻ tẻ đó cũng làm phiền mình lắm."

Khá đông người đang chiếm cứ nằm ngồi trên bãi cỏ. Mình trần hoặc xiêm áo chỉnh tề. Ăn uống, hút thuốc, hôn nhau, chuyện trò hoặc nằm ngủ dang cả tay chân. Tuy vậy, đó là những nơi ngập nắng. Anne kiếm không mấy khó một bóng mát và thật kỳ lạ, bóng mát nào cũng ế ẩm chuyện "lấn đất dành dân." Cô lấy từ túi ny-lông ra tờ nhật báo, khom mình trải rộng nó trên cỏ. Áo khoét rộng cổ cho hợp với thời tiết và thấp thoáng ở đằng sau những hạt nốt ruồi vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ. Ngực Anne không lớn và có thể con Kathy không hề được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Ngực Anne nhỏ và điều đó như làm cô mang ngầm một nét quyến rũ riêng tây. Săn chắc như một thiếu nữ chập chững đi tới cánh cửa dậy thì.

"Công việc như thế nào?" Anne hỏi khi cô bày thức ăn trên mặt báo. Tờ Journal de Montréal bao giờ cũng trình bày lem nhem những co chữ lộn xộn và nó có khối người đọc bởi chuyên đăng tải những chuyện bậy bạ. Cha ngủ với con gái. Mẹ ngủ với con trai. Đại loại thế. Tuy vậy, hiểu cho tường tận những chuyện lắc léo kia thì vốn liếng Pháp văn cũng không đến nổi tồi. Chỗ nào còn ẩn khuất chưa thấu đáo thì cứ hoa tay múa chân cũng có ngày sáng mắt trước mọi thứ. Luân thường đạo lý, luật pháp và luật sống. Những cái đó tựa như động từ bất quy tắc mà mỗi người có một cách chia khác nhau, tùy nghi loay hoay sử dụng.

"Công việc? Vẫn vậy. Mệt mề như một cổ máy thiếu xăng dầu."

"Can đảm lên. Mình không có sự lựa chọn nào khác. Đúng không? Ăn cái này đi, tôi mua ở cửa hiệu chuyên nhập thực phẩm từ bên Pháp qua."

Khúc bánh mì dai, mùi mù-tạt nồng cay và những con ruồi từ đâu sớm làm kẻ thăm viếng. Có con lì lợm xua không bay. Có con từ tốn bò chậm rãi từ cổ chân lên tuốt đầu gối để trần của Anne. Những sợi lông măng vàng óng như nhụy phấn hoa, và ở thế ngồi bất cẩn kia gió có thể bất chợt thổi bay những gì vướng viú đang lay động trước mắt.

"Chiếc váy này mua tháng trước mà giờ này coi bộ mặc muốn chật rồi."

"Anne mệt không?"

"Đâu phải lần đầu. Lâu lâu hơi nhón người một tí thôi. Và hồi hộp."

Anne uống một ngụm nước ngọt. Trán cô ta lấm tấm mồ hôi, như lon nước cam ứa từng giọt nước ngoài vỏ nhôm mát lạnh.

"Hôm qua lại đụng mặt bố con Kathy, thật là phiền nhiễu!"

"Chuyện gì đã xẩy ra?"

"Chẳng có gì. Tuy nhiên tôi nghĩ là nên dọn đi một nơi khác. Cho khuất mắt!"

Mắt Anne nhìn xuống con đường đổ xuôi bên hông nhà thờ. Đường lát gạch nhấp nhô, phía trên căng tấm biểu ngữ quảng cáo vở kịch "L’enfer, c’est les autres." Tấm vải màu vàng cũng nhấp nhô căng gió, hắt xuống đất vằn vện từng vệt đen di động.

"Đôi lúc nằm ôm con Kathy giữa đêm khuya, tôi thấy căn phòng rộng thoáng như một cánh đồng. Tôi yếu đuối và tôi nhớ tới bạn rất nhiều. Nhà thờ kia rất linh, người ta bảo thế, có lẽ một lúc nào đó chúng ta nên bước vào cầu xin một điều gì chăng?"

"Trước đó hãy lựa sáu con số mà mua cái vé số. Cầu xin? Những đứa giàu có thường là những tên chẳng thèm tin chuyện dị đoan, huyền bí."

"Nói cũng đúng. Nhưng mà trước khi đời lên hương, bọn đó hẳn phải sống qua những ngày hoang tưởng như chúng ta. Này, hè tới bọn mình chính thức ở chung với nhau nhé?"

Anne lật tìm từng trang báo, sau cùng thì cô rút lên một tờ. Có nhiều vòng tròn làm dấu bằng viết đỏ, Anne cúi đầu đọc sau khi cô nghĩ ô quảng cáo ấy coi bộ bắt mắt nhất: "Ba phòng rưỡi, nhà mới sửa, có bếp điện và tủ lạnh, gần trường học, gần bệnh viện, gần métro Place des Arts. Giá bốn trăm chín lăm đồng một tháng. Xin điện thoại sau sáu giờ, số bla, bla, bla... Ngó được quá đi chứ?"

Anne đổi thế ngồi, mặt thoáng nhăn nhó. Một tay xoa nhẹ lên bụng và tay còn lại ném những vụn bánh mì ra xa cho chim ăn:

"Sao không nói gì cả vậy?"

"Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều lo ngại."

"Về điều gì? Trong số báo này tôi đọc thấy một câu khá hay đăng ở mục trả lời những rối rắm của đọc giả: ‘Người ta sẽ đi suông sẻ trên đường nếu trong tâm họ sắt son một lòng thương yêu’."

Anne vuốt lại đầu tóc, cởi vòng cao su tròng ở cổ tay để cúi mặt cột túm sau ót thành một cái đuôi ngựa.

"Mai tôi đi nhuộm nó thành màu đen nhé?"

"Để làm gì? Hớt ngắn cho mát mẻ thì có lý hơn."

"Ừ thì hớt ngắn và sau đó nhuộm đen mun cho hai đứa mình giống nhau. Màu đen e là màu mạnh nhất trong các màu. Chị tôi dạo đó ở với thằng John, sinh đứa nhỏ ra da dẻ đen bóng. Tôi nói với bả, sao kỳ vậy cà, chị chế sữa vô ly cà phê thì cái chất nước đen kia phải đổi màu chứ? Một đứa bé có làn da màu cà-phê sữa thì chắc là ngó đặng hơn. Đưa tay cho tôi. Có thấy gì không?"

Bụng Anne tròn, cứng. Như một kẻ háu ăn đang ngồi thở dốc vì bội thực. Cách một lớp vải mỏng nhưng có thể biết được đâu là vị trí vết sẹo nằm vắt ngang. Con Kathy chào đời bằng lối đó. Bốn năm rồi, những đường kim mũi chỉ đã chìm dấu và tương lai, trên khoảng da bụng căng láng kia người ta sẽ không nương tay cầm dao rạch thêm một lỗ hổng mới. Chẳng còn hạ sách nào khác. Anne cho biết là lần này cô sẽ yêu cầu bác sĩ cắt bỏ buồng trứng luôn. Cho tiện việc sổ sách.

"Mai tôi đi bệnh viện L’enfant de Jesus. Có bận việc gì không? Sau đó chạy ra chợ trời Namur mua sẵn ít đồ cho đứa nhỏ. Chị tôi nói, nôi giường ở đó bán rẻ như bèo. Thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng ê hề mà giá cả không có thiên lôi như chỗ khác."

"Tôi không đi được. Cuối tuần, việc vàng lúc nào cũng ngập đầu."

"Cái gì đây?"

"Anne cất đi, cho có mà sắm sửa."

Phong bì màu trắng, Anne đón nhận và ngắm nghía. Ở trên góc in cái logo của nhà hàng, đỏ loét như một vết thương mới đổ máu. Chỉ một vòng tròn nhỏ, người vẽ đã nhét chật vào trong đó những long, những phụng, những vân, những nhật, những nguyệt, nhửng sơn, những thủy. Cái phong bì khá lớn, nhưng ngược lại, nó đựng lỏng lẻo vài tờ giấy bạc. Chỉ vài tờ, xộc xệch, vậy mà nó đã cướp đi khá nhiều sinh lực, sinh thú. Lao động tại sao lại gọi là vinh quang?

"Cám ơn."

"Tôi trở về lại với công việc nhé?"

"Chia tay rồi sao?"

Đồng hồ trên nóc giáo đường chỉ tới số một. Thời giờ thì bao giờ cũng có ở đó sự khó hiểu. Đôi khi nó dậm chân tại chỗ, một vài lúc nó tròng đôi hia bảy dặm vào, thoáng sáng, thoáng trưa và màn đêm đổ ập tới trong ngờ vực.

"Xong việc khoảng mấy giờ? Để tôi biết mà gửi con Kathy sang nhà bà chị. Nhớ không, đã một tuần rồi mình chưa hề làm tình với nhau."

"Tôi không rõ. Có gì tôi gọi điện thoại cho hay."

Anne đứng lên sau khi thu dọn các thứ trên cỏ.

"Dạo này ốm quá, da xanh. Tôi vẫn ngỡ là làm trong nhà hàng Tàu thì tha hồ mà ăn những thứ hợp khẩu vị."

Triền cỏ đổ xuôi xuống lề xi-măng. Thưa thớt dần người ngồi. Chim rỉa lông dưới nắng và dãy thùng rác đầy kè những con ruồi lên xuống.

"Để hồi nào lại tôi hớt tóc cho, trông xác xơ quá!"

Hai đứa đứng ôm nhau hồi lâu. Như dưới chân có hành lý và ngoài sân ga tàu đang hú còi đòi băng mình khỏi bến đậu.

"Nè, tôi có một yêu cầu, cho tôi được quyền đặt tên đứa nhỏ nhé?"

"Tại sao không? Anne đã từng cười đùa về cái tên tôi mang. Những Van, những Truc, những Son..."

Bên kia đường, dưới thềm bóng mát của một cơ sở bán bảo hiểm nhân mạng có người quấn vải trắng toàn thân, tóc tai mặt mày bôi trắng xóa màu vôi, tay mang găng trắng, chân đi giày trắng và chiếc nón đen đặt giữa lối đi đựng đầy những đồng tiền. Người giả thiên thần kia đứng yên như bức thạch cao, mắt nhắm nghiền, hai tay vòng ra ôm hư không, đày đọa, đau khổ, như thể thiên đường đã mất dấu. Anne xuýt xoa và sự xúc động lộ ra trên mặt, y như đám đông hiếu kỳ đang vây quanh cái xác ướp màu trắng. Ở gần đó có người đàn ông rậm râu thổi kèn đồng ai oán khúc nhạc "Je t’aime, moi non plus." Trước mặt ông ta cũng có chiếc nón nhưng nó hứng chẳng nhiều nhặng gì ơn mưa móc của bá tánh. Mặt đỏ ké, ông không ngớt phồng má trợn mắt. Cho hay ở đời có khi năng nổ lao động cho lắm cũng không bằng kẻ đứng yên chây lười chẳng buồn cử động.

"Một ngày đẹp trời nào đó tụi mình dắt nhau đi tới tòa thị chính nhé?"

"Tòa thị chính?"

"Để ký với nhau một tờ giấy cho có vẻ danh chính ngôn thuận. Chị tôi luôn sẵn lòng để đóng vai một nhân chứng."

"Ừ. Một ngày đẹp trời nào đó."

"Nhớ nhé. Nãy giờ Chúa đã nghe hết những bàn tính của đôi ta."

"Thôi, tạm biệt."

"Bai. Hãy điện thoại cho tôi."

Đâu lưng nhau, mỗi đứa có một lối đi khác nhau. Điều ấy liệu Chúa có thấy không? Anne hẹn gặp trước nhà thờ, cô nói trong điện thoại: Bởi vì chỗ ấy không xa nhà hàng Orient. Không xa, nhưng phải mười phút để lội bộ, để lòn lách ở những lối đi gọi là đường chim bay. Một giờ mười lăm, con chim về đậu đúng tổ.

"Nị đi đâu nãy giờ không thấy?"

Thằng A Hính hỏi với cây tăm tre nhúc nhích nơi cửa miệng.

"Có biết là hôm nay một trăm hai chục mạng người sẽ ngồi đầy ở đây để ăn mừng đám cưới không?"

"Biết. Tôi sẽ chạy bàn mệt xỉu. Tôi sẽ là con gà mắc đẻ cho tới khuya."

"Biết vậy là tốt. Bà già có điện thoại lại đó. Hỏi thăm bả một tiếng rồi nhào lui sau bếp phụ ngộ một tay."

A Hính có dáng vẻ như một thằng tài tử Hồng-kông. Một đứa đóng vai công tử ở Thượng-hải chứ không phải là tên sát thủ xã hội đen gói dao trong tờ nhật trình bạ ai cũng rút ra chém. Bởi thế nói chuyện với hắn ‘được’ hơn là tám thằng đàn ông mặt mày bặm trợn ở trong quán. Được thêm điều nữa, hắn giỏi tiếng Việt nhất bọn và đôi khi nghe hắn nói nhiều câu lấn cấn thiệt đã ngứa cái lỗ tai.

Điện thoại nằm sau quầy rượu. Màu nhựa đen bóng mỡ màng, nhấc lên để nói chuyện có lúc thơm lừng mùi tương tầu xì.

"Má hả? Con đây."

"Hồi nãy má gọi mà con đi đâu thằng Hính cũng không biết?"

"Con đi đánh vé số. Nhờ trời, đánh cầu may. Má gọi để nói chuyện chi?"

"Ừ, bà Tâm mới chết hôm qua. Má tính nói con đưa cho má ít nhiều đặng có mà đi phúng điếu người ta. Thiệt tội, mới đó mà đã ra người thiên cổ! Bà Tâm chỉ bằng tuổi má chứ đã già nua chi cho cam!"

"Bao nhiêu thì đủ hả má?"

"Má cũng không rành. Con cứ cho má xin một trăm đi. Chao, tháng tới lại còn phải tốn tiền đám cưới cho con gái bà Sáu nữa mới khổ chớ!"

"Tối nay ở đây người ta có đặt tiệc cưới. Tôm cua cá mực ê hề, má ưa ăn thứ gì để con gói một ít ‘tả páo’ về cho má ăn."

"Í, thôi khỏi. Tuần nay má ăn chay. Má đi chùa làm công quả. Má niệm Phật cho hương hồn bà Tâm sớm thong dong miền cực lạc."

"Má này..."

"Hả?"

"A Hính nó gặp chuyện phiền não không biết con có giúp nó được không?"

"Giúp được thì nên lắm, trong khả năng của mình. Hắn chẳng từng nói với con là anh em như thủ túc bạn bè như y phục đó sao?"

"Hắn có đứa bạn gái lỡ mang bầu, con hỏi có chắc là con của nị không? Và con xúi hắn biểu đem đi phá cho yên thân."

"Mô Phật. Tổ cha mi. Ai đời lại tâm xà đi làm quân sư kiểu đó. Mà cái thằng Hính nữa, ngó nó hiền lành vậy mà. Thiệt là quá tay quá chân!"

"Vậy chứ theo má thì làm sao đây? Quất ngựa truy phong thì chắc không xong rồi. Con nhỏ kia là đầm đó má. Mắt xanh mũi lõ da trắng tóc vàng, má có ưa có đứa con dâu như vậy không?"

"Chao, thiệt là nghiệt. Biểu thằng Hính cho nó ít tiền để tự mình chu toàn việc sanh nở thì có đặng không?"

"Biết đưa bao nhiêu tiền mới gọi là thanh thoả? Chưa kể con nhỏ kia đòi ra tòa làm giấy hôn thú nữa."

"Thôi, má mệt lắm. Nghe chuyện thanh niên trai tráng bọn bây tao thiệt không hiểu. Nói thằng Hính liệu ăn chay niệm Phật là vừa."

Điện thoại buông xuống vị trí cũ. Chiếc quạt trần quay rã rời xua không nổi mùi nhựa đường xông vào. Ở sau bếp tiếng động dao thớt chẳng ngừng ta thán nhịp điệu cách khoảng. Ông Pạt phụ bếp vẫn còn yêu đời chu mỏ huýt gió bài "Máu nhuộm bãi Thượng hải."

"Hính à, bà già ngộ có chuyện cần. Nị cho ngộ mượn đỡ một trăm."

"Cái gì? Mượn tiền nữa à? Vậy tám chục hồi sáng tiêu vào việc gì rồi?"

"Tiêu việc gì à? Ngộ mua thuốc mọc tóc a tài lũ. Có thấy tóc ngộ đang sói không?"

"Cạo trọc đi, rồi làm Thiếu-lâm trường hận."

Ông Pạt thôi huýt gió, ông với ly nước gần đó để ‘dậm xà’. Trà thấm giọng, ông đùn cả dao cả thớt cả xương cả thịt qua:

"Chặt đi. Trảm hết đống này đi. Chặt mạnh tay, chặt cho hết nó thì tự khắc trong tâm sẽ vơi nhẹ đi những rắc rối của cuộc đời. Nị đã nghe câu giận cá chém thớt chưa?"

Ông Pạt chùi tay vô tạp dề. Ông gỡ tờ giấy cắm ở cây đinh đóng nơi cánh cửa. Ông đọc to cái thực đơn của tiệc cưới tối nay. Gồm tám món cả thảy. Mỗi món có một cái tên mĩ miều rất Tàu và khi chấm dứt, ông gục gặt đầu như một nhà thơ tự tán thưởng bài cổ thi ấy là hay.

"Có một điều lạ tôi cần nói cho anh em biết, là chẳng hiểu sao những tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng này, tất cả những đôi vợ chồng bước ra khỏi nơi đây đều hạnh phúc đầy mình; họ ăn ở với nhau thuận thảo và đã có nhiều trường hợp người vợ mang bầu xong liền sinh đôi, sinh ba."

Hính cười:

"Đã gọi là hạnh phúc đầy mình sao lại có cảnh sinh đôi sinh ba? Cái đứa làm cha thấy vậy thì chỉ có nước từ chết tới bị thương!"

Hắn moi bóp giấy tờ sau túi quần:

"Đó, một trăm. Xem như kỳ lương tới ông chỉ có nước húp cháo thôi. Và chớ đừng nói với tôi húp cháo cũng là một hạnh phúc. Bà già ông hỏi tôi, sao dạo này nó lầm lì và bí mật như mèo dấu cứt vậy? Ông gặp tiếng sét ái tình rồi sao? Dắt bồ tới ông Pạt cho ăn cái thực đơn kia xem có đẻ được hai ba đứa nhỏ cùng lúc không? Cứ thử đi. Nếu đúng thế thì A Hính này xem như cúng dường tất cả tiền nong cho nị đó. Thiện tai! Thiện tai!"

Nhát dao chặt mạnh xuống thớt. Rầm. Thịt văng lìa ra xa, xương còn ở lại với dao rướm máu.

"Bọn bây có theo dõi tin tức không? Có con mẹ mài cây dao sắc đợi chồng về giữa khuya bèn nhẹ nhàng đem thiến cái vật cà chớn kia."

Tiếng chuông nhà thờ từ xa dồn dập đổ về nuốt trôi giọng nói ông Pạt. Trên chảo dầu nóng khúc lạp xưởng co quắp cháy đen.

1681

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts