Tuesday, September 1, 2009




Thủa nhỏ, tôi tin cả ma lẫn quỷ. Quỷ, theo trí tưởng tượng của tôi, là những quân đầu trâu mặt ngựa, hung ác vô ngần, có những cánh tay nổi đầy bắp thịt rắn như sắt, và những bàn tay gân guốc cầm những kìm để cặp lưỡi, vặn răng, những bàn vả, những búa rìu, những cưa để bổ xẻ tội nhân. Tôi liên tưởng đến những hình cụ ghê gớm như vạc dầu, cột đồng lửa... đến cả những cầu vồng với đàn chó ngao đứng chực sẵn dưới. Những hình ảnh kỳ quái, ghê sợ ấy không phải tự óc non nớt của tôi nghĩ ra, mà do ở những bức tranh treo ở chùa Huệ, mỗi khi có đám chay lập đàn phá ngục.

Còn ma thì mỗi lúc tôi tưởng tượng một khác, tùy theo câu chuyện người ta kể cho tôi nghe. Có lúc tôi tưởng tượng ra một người con gái xinh đẹp như một nàng tiên. Có lúc là một vị ác thần với nét mặt thay đổi đủ các hình kỳ quái, dữ tợn.

Những sự tưởng tượng ấy in sâu mãi vào óc tôi và nung đúc tôi thành một đứa trẻ nhút nhát. Nhưng tính tự đắc của tôi lại rất mãnh liệt, có khi làm át hẳn tính nhút nhát của tôi đi.

Tôi còn nhớ, một đêm tối trời và giá lạnh, anh tôi kể xong một chuyện ma. Rồi muốn thử xem trong chúng tôi có đứa nào bạo, anh tôi đặt ra một cuộc thi rất giản dị nhưng rất khó cho những tay nhút nhát. Cuộc thi như thế này: ở tận cùng vườn có cây ngâu. Ai ra tận đấy, bẻ được cành ngâu cầm về, sẽ được cuộc.

Vừa nghe nói đến cây ngâu, tôi đã rủn cả người, rợn cả tóc gáy. Vì cây ngâu không cách cây sung mọc trên bờ ao mấy. Và cây sung đã nổi tiếng sẵn ma.

Chúng tôi nhìn nhau. Xem chừng anh nào cũng muốn thi tài, song chẳng một anh nào dám nhúc nhích... Bỗng một anh ló đầu ra khỏi cửa lại thụt vào ngay, lè lưỡi, trợn mắt, tỏ vẻ sợ hãi.

Sách, người anh họ đã lớn, đứng cạnh phỉnh tôi: "Ai chứ Tíu thì bạo lắm. Đâu nó còn đi được nữa là từ đây đến cây ngâu."

Anh tôi nói khích:

- Có các vàng cũng đố dám!

Lòng tự đắc của tôi bỗng sôi nổi. Mặt tôi nóng bừng vì cơn tức khí. Không nghĩ ngợi, tôi chạy vụt ra sân, bước mạnh bạo vào trong vườn.

Trời tối đen như mực. Tôi đâm choạng vào các bụi cây. Luống cuống, quên cả lối, mò mãi chẳng tìm thấy cây ngâu. Trở về không thì bẽ quá. Anh em còn ai cho mình là bạo nữa. Họ sẽ thi nhau chế riễu mình. Lòng tự đắc bắt tôi tìm cho được cây ngâu, dù lúc ấy trí tôi rối loạn, chân tay tôi bủn rủn và quả tim tôi đập như trống ngũ liên. Vừa đi vừa sờ soạng, tôi lần ra tận gốc sung mà không biết. Sờ đến cái da xù xì của nó, tôi giật mình, lạnh toát cả người.

May mà lúc ấy yên gió. Không một quả sung nào rụng, không một con ếch, con nhái nào nhẩy xuống ao. Thật, chỉ thêm một tiến tõm, không biết tôi sẽ trở nên thế nào?

Tôi bước giở lại, mồm luôn luôn đọc hai câu chữ nho: "Thiên tích thông minh, thành phù công dung." Thường tôi vẫn thấy nói: ma bao giờ cũng sợ giời, sợ thần thánh, nên lúc nào đi đêm, tôi cũng nhẩm đọc hai câu ấy để làm bùa trừ tà.

Cây ngâu cách cây sung có vài bước. Tôi tìm được, bẻ vội một cành. Cái mừng đắc thắng làm cho lòng tôi bớt sợ. Song chỉ một loáng, đâu lại hoàn đấy. Cái sợ có phần tăng gấp bội.

Hai cẳng chân tôi như bị chuột rút. Tôi cố dấn bước mà không sao dấn lên được. Đằng sau tôi như có người đuổi theo, tiếng chân nện thình thịch, sắp sửa vồ lấy tôi. Lúc ấy, nếu có ai hét một tiếng, chắc tôi sẽ ngã sấp xuống, chết ngất đi.

Tôi được cuộc, được tiếng bạo nhất nhà, nhưng đã hao tổn bao nhiêu tinh thần. Từ đấy, nhiều phen tôi điêu đứng khổ sở về cái bạo bề ngoài. Còn gì khổ bằng một anh tí hon nhát gan, làm ra mặt bạo. Động có cuộc thử thách là bắt buộc phải đến tôi. Nhát cũng được, nào ai cấm. Nhưng mà đã trót bạo mất rồi, không sao đủ can đảm mà thú thực mình nhát được nữa.

Một buổi chiều, tình cờ chúng tôi đứng trước một túp lều tranh bỏ hoang, ở sau trường học. Túp lều ấy, khi trước là nhà Cai trường. Từ khi hắn chết, người kế chân hắn sợ, không dám ở. Họ đồn nhà ấy có ma.

Vì thế, chưa nói đến cuộc thi, tôi đã tái mặt, đau khổ như người sắp chịu tội. Trời ơi! ước gì anh tôi quên.

Tôi chưa kịp lủi thì anh tôi đã họp lũ trẻ lại, thách vào trong túp lều, đánh nhau với ma.

Sách cũng có đấy. Hình như giời sinh ra anh chỉ để làm khổ tôi. Anh quay ra nhìn tôi, nói: "Xem chừng ở đây lại chỉ có Tíu là bạo nhất. Quỷ nó còn chả sợ nữa là ma".

Tôi tìm cách thoái thác:

- Cuộc thi phải có thưởng.

- Một xu nhé? - Anh tôi hỏi.

- Một xu thì chả bõ.

- Thế bao nhiêu?

- Một hào. - Tôi chắc không khi nào anh tôi chịu bỏ ra một hào.

Như thế cuộc thi sẽ hoãn và tôi cũng không đến nỗi mất thể diện.

Chẳng ngờ anh tôi nhận lời ngay.

Làm thế nào? Đành nhắm mắt bước liều vậy. Trong nhà ba gian xiêu vẹo, tường vách kín như bưng. Và hôi hám và ẩm thấp, lạnh lẽo, rùng rợn như một nhà hầm chứa... ma. Tôi chưa kịp định thần thì hàng chục con đom đóm lập lòe bay loạn xạ. Không biết anh tôi bắt bỏ vào từ lúc nào? Con nào con ấy như sấn lại tôi, khiêu khích. Tôi liều mạng, đấm đá, quay tít đi mấy vòng, rồi chạy vội ra ngoài thở hồng hộc.

Anh tôi và lũ trẻ kêu lên: "Vừa mới thoáng một cái đã ra. Không được! Thua cuộc rồi!

Tôi làm ra mặt giận dỗi, vừa nói vừa lảng đi chỗ khác: "Tôi biết mà! Các anh đánh lừa."

Đêm ấy và luôn mấy đêm liền, tôi chiêm bao thấy toàn ma, và mắt con nào con nấy tròn xoe, đỏ như hòn than hồng. Con kéo lên ngực bóp cổ, con nhe răng nhọn như răng bừa, con lè lưỡi dài lê thê. Tôi thất đởm, kêu ú ú, hai tay ôm chặt lấy anh tôi.

Thầy tôi cho vì âm hư huyết ráo, bốc thuốc cho tôi uống. Thầy tôi biết thuốc. Me tôi vẫn mê tín, cho là bệnh nhà người, mua vàng hương đi lễ các đền miếu. Chỉ có tôi là biết rõ bệnh tôi, song vì lòng tự đắc quá mạnh, không khi nào tôi chịu thú...

... Tôi đã lớn, đã theo học năm thứ nhất trường Bảo hộ. Nhờ về khoa học tôi đã hiểu biết, đã quả quyết nói là không có ma. Và những ma trơi, những thần đất chập chờn, đuổi nhau trên gò đống, chỉ là chất lân tinh ở hồ, ao tù hãm bốc lên, gặp dưỡng khí trong khí giời, bùng cháy. Tôi hiểu biết thế. Nhưng tính tôi vẫn nhút nhát sợ ma, sợ quỷ như xưa.

Lắm đêm, ngồi một mình trong căn phòng vắng vẻ, đèn sáng hẳn hoi, tôi thấy rờn rợn, tưởng một vật ghê gớm như một con ma ở trên nóc nhà sắp rơi phịch xuống, hoặc ở xó xỉnh hay trước mặt sắp hiện lên để hại tôi. Rồi thần hồn nát thần tính, một con chuột khẽ động dưới khe hòm, một tiếng cú vẳng ngoài xa, cũng đủ làm cho tôi mất vía. Có khi chẳng cần phải c1910

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts