Lời mở đầu: Nếu ai có dịp đi từ hồ Gươm, nơi mà tự ngày xưa cho đến bây giờ luôn được coi là trung tâm phố phường Hà Nội, mà đi ra các cửa ô Hà Nội ta bỗng nhận thấy rằng Hà Nội năm thứ 10 của thế kỷ 21 đã đổi mới rất nhiều so với trăm năm trước đây và đặc biệt là so với ngàn năm trước từ một kinh thành Thăng Long cổ kính với Thủ đô Hà Nội hiện đại bởi những đường phố rộng, những toà nhà nhiều tầng kiến trúc tân kỳ thì thật là vĩ đại.
( Bài đã được đăng Tạp chí Cầu đường Việt Nam, số kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010)
( Bài đã được đăng Tạp chí Cầu đường Việt Nam, số kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010)
Theo Hoài Đức Phủ bản đồ nǎm Minh Mạng 12 (1831) tức là thành phố Hà Nội bây giờ, mới được công bố công khai vào ngày 24/9/2010, thì khi đó Hà Nội có 16 cửa ô, đặt tên theo làng theo tổng. Vào thời đó các làng thường là có cổng gọi là cổng làng, ở kinh thành cũng vậy, cửa ô chính là lối ra vào thành và thường được xây kiên cố như Ô quan chưởng chẳng hạn, còn ở mỗi phố mỗi phường. cửa ô thời là một chiếc cổng bằng gỗ hoặc bằng tre, có tuần đinh canh phòng kiểm soát, ngày mở đêm đóng như một làng khép kín, vừa là để thu thuế vừa là để bảo vệ cuộc sống của các quan lại và nhân dân trong thành cũng như trong mỗi phố, mỗi phường… Hầu hết các cửa ô Hà Nội đều có liên quan đến thành Hà Nội ngày xưa, theo bản đồ cũ thì thành Đại La chính là các tuyến đê nội thành. Tuyến đê đó có thể được tính từ đầu công viên Bách Thảo đường Hoàng Hoa Thám, ngày xưa là nơi đặt cửa ô Thuỵ Chương. Tiếp đó đến chợ Bưởi thì theo sông Tô Lịch đến Cầu Giấy, nơi đặt cửa ô Tây Dương; đến ô Chợ Dừa, rồi đến ngã tư Kim Liên Đại Cồ Việt, đó là ô Đồng Lầm, đến đầu ngã tư phố Huế - Trần Khát Chân, tức là ô Cầu Dền.
( Một trong những cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa )
Cách đây ngàn năm, khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đời đô từ Hoa Lư về Thành Đại La, đã khẳng định nơi đây ‘’nằm chính giữa nam bắc tây đông, thực là nơi hội tụ quan yếu bố phương..’’ Chính vì thế nên khi Vua Lý lập dựng kinh thành Thăng Long cũng như các triều đại Trần. Lê kế tiếp đã mở ra nhiều cửa ô đi đến khắp nơi trong nước. Ở phía Đông thành cổ là khu phố cổ và làng mạc được án ngữ bởi sông Cái, tức là sông Hồng. Vào thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các địa phương chủ yếu là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều làng, phố nghề, nhiều hàng quán buôn bán tấp nập, do đó có nhiều cửa ô để việc đi lại được dễ dàng. Vì vậy trong 16 cửa ô có tới 11 cửa thông ra sông Hồng, điển hình là: Ô Yên Phụ, ô Phúc Lâm đầu phố Hàng Đậu, Ô quan Chưởng, ô Mỹ Lộc ở ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm, ô Tây Luông ở khu vực Nhà hát Thành phố. Còn lại có 5 cửa ô, trong đó có 2 cửa ở phía Tây để đi đến xứ Đoài như: Ô Thanh Bảo, ô Chợ Dừa; có 3 cửa Phía Nam tới các vùng Trấn sơn Nam như: Ô Cầu Dền, ô Đống Mác và ô Đồng Lầm…thì đều đặt ở thành Đại La, nghĩa là đều nằm trên các tuyến đê bao Hà Nội cũ chưa mở rộng. Bây giờ tuyến này gần như nằm trọn trên tuyến giao thông thuộc vành đai 1 của nội thành Hà Nội. . Những năm 80, 90 thế kỷ trước, khi chưa mở đường Trần Khát Chân, từ cuối phố Huế đầu phố Bạch Mai người ta vẫn đi theo đường đê đó đến cuối phố Lò Đúc, đó chính là ô Đống Mác và được nối với đê sông Hồng tại đầu phố Minh Khai bây giờ. Đường ra cửa ô ngày xưa được coi là đường trục trục chính từ kinh thành đi các nơi, đường cửa ô thời đó nhỏ đắp đất, 2 bên san sát các ngôi nhà ngói nhà gianh.
( Phố Hàng Chiếu và ô Quan Chưởng )
Đã bao nhiêu năm rồi, ở Hà Nội đã không còn nhiều người biết đến những cửa ô, vì vậy nhiều cửa ô đã mai một vào quên lãng với thời gian và chìm đi trong quá khứ. Đó là những Tây Luông (sau Nhà hát Lớn), Thuỵ Chương (đầu Quán Thánh-Thuỵ Khuê), Đông Yên (Hàng Cau -Hàng Bè), Mỹ Lộc (đầu Hàng Bạc), Trừng Thanh (Hàng Mắm), Phúc Lâm (Hàng Đậu), Thạch Khối - Yên Tỉnh (dốc Hàng Than) v.v... Hiện tại chỉ còn lại một cửa ô duy nhất sống mãi với thời gian đó là Ô Quan Chưởng. Cửa ô có ba cửa như cổng thành, có vọng lầu, bằng gạch vồ nâu đỏ, Cửa ô ở ngay cạnh ngã tư Hàng Chiếu, Đào Duy Từ và ngõ Thanh Hà,.vẫn còn tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu, dựng vào nǎm 1882 với nội dung là cấm binh lính, quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây. Theo sách Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá viết: "Cửa Ô Quan Chưởng có thể có từ thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) đã đắp thành đất bao quanh kinh đô Thăng Long và có mở một số cửa ô để kiểm soát ra vào thành của dân chúng, cũng như bảo vệ các cư dân trong thành . Tên chính của cửa ô Quan Chưởng là Ðông Hà Môn tức cửa Ðông Hà. Ðông Hà là tên gọi của một phường đời Lê bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Ðào Duy Từ ngày nay là nơi có cửa ô này. Đây là một trong nhiều cửa ô mở qua tường phía đông của toà thành đất bao quanh khu Kinh thành Thăng Long xưa còn sót lại của toà thành Thăng Long cũ, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Cửa ô Quan Chưởng có dáng dấp cũng như cửa thành, như thành Cửa Bắc trên phố Phan Đình Phùng, nhưng nhỏ hơn.
Các cửa ô khác tuy hình bóng các cửa đầu ô không còn, nhưng tên gọi các cửa đầu ô thì vẫn còn đó trong ký ức của nhiều người Hà Nội như: Ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Đồng Lầm, ô Chợ Dừa, ô Yên Phụ… Các cửa đầu ô này đã và đang chứng liến nhiều sự đổi thay của một đô thị vào loại lớn thứ hai sau thành phố Hồ Chí Minh. Ta có thể thấy được sự phát triển Thành phố thông qua các cửa ô lớn của Hà Nội.
Trước hết là ô Chợ Dừa, một .cửa ô được coi là điểm đầu của đường Thượng đạo hay còn gọi là đường lai Kinh. Ngày xưa đường thượng đạo từ cửa ô này, qua các vùng đất Hà Đông, Chương Mỹ, Chi Nê Xích Thổ, Hà Nam…qua Kẽm Trống, đèo Ba Dọi Ninh Bình rồi Thanh Hoá…
Ô Chợ Dừa ở ngã tư Hàng Bột-Khâm Thiên hiện nay. Theo Bản đồ Hà Nội, đường phố Khâm Thiên hình thành rất sớm với hàng loạt các thôn như Tương Thuận, Khâm Đức, Tô Tiền tổng Hữu Nghiêm, Trung Tả, Quan Thổ và Xã Đàn tổng Thọ Xương. Thời Pháp. Ngoài mặt phố có các phòng trà, tiệm nhảy… mọc lên rất hào nhoáng, sầm uất, nhưng sau lưng phố là một thế giới hoàn toàn khác. Đó là cuộc sống cơ hàn của những người dân lao động, với những túp lều xiêu vẹo ven khúc đê nối ra ô Đồng Lầm.
Hiện nay, nối với ô Đồng Lầm ngày xưa vẫn là con đê, nhưng thêm vào đó là tuyến đường được cho là đắt nhất Việt Nam mang tên Xã Đàn và khi nói đến Ô Chợ Dừa là nói đến ngã sáu của các phố Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn.
Ô Đồng Lầm, bây giờ là ngã tư Kim Liên, cũng chứng kiến nhiều đổi thay nhiều mặt ở Hà Nội. Ngày xưa làng Kim Liên có tên là Đồng Lầm, rồi Kim Hoa. Bao quanh làng là cánh đồng rộng và có nhiều hồ ao xen kẽ các gò cao, thấp được dân gian gọi là đồng Lầm và cửa ô cũng được gọi là ô Kim Hoa, hay ô Đồng Lầm. Cách đây ngàn năm, Đức Lý Công Uẩn dời đô Hoa Lư ra Đại La, nhà Vua đã cho đắp một con đường từ thành Thăng Long thẳng xuống Đuôi Cá, con đường đất đắp to chỉ vừa xe bò kéo tay, ngăn hồ Đồng Lầm ra thành đầm lớn và đầm con. Đó chính là hồ bẩy mẫu và hồ ba mẫu. Đường cái quan cắt qua hồ thành ngã tư: Lối vào làng, lối sang Ô Cầu Dền, lối lên Đô thành, lối xuống Phủ Lý Nhân thuộc Trấn sơn Nam. ( chùa Kim Liên một trong tứ trấn kinh thành thành). Thời Pháp nơi đây được xây dựng nhà thương Vọng, bây giờ là bệnh viện Bạch Mai. nơi đây cũng là bến cuối của tuyến xe điện Yên Phụ - Cửa Nam - Vọng. Từ năm 1960, tại khu Đồng Lầm làng Kim Liên nhân dân đã lao động công ích cải tạo đầm bẩy mẫu thành công viên Lê Nin, rồi xây một loạt trường Đại học: Bách Khoa, Kiến Trúc, Kinh tế quốc dân, xây các khu tập thể cao tầng Kim Liên, Trung Tự, rồi mở rộng đường Đại Cồ Việt, đường Giải Phóng Cách đây vài năm, nhận thấy tầm quan trọng của nút giao thông Kim Liên, thành phố Hà Nội đã xây dựng hầm đường bộ và mở thêm tuyến đường Xã Đàn để thông ra đầu ô Chợ Dừa. Đây là nút giao thông trọng yếu của trục đường vành đai 2.
Còn một nơi mà trong bản đồ cổ không có tên, nhưng người ta hiện nay vẫn gọi là Ô Cầu Giấy, nơi đó có cây cầu nhỏ bằng gạch bắc qua sông Tô Lịch, thời Lý Trần gọi là cửa Tây Dương. Theo Văn bia "Trùng tu Tô Giang kiều bi ký" (bia ghi việc chữa cầu Sông Tô) do Bùi Văn Trinh viết, dựng năm Vĩnh Trị thứ tư ( 1679), cầu có tên là cầu Sông Tô dài 15 gian. Đến thời nhà Nguyễn, cầu đã có tên Cầu Giấy. Ngày xưa sông Tô ‘’trên bến dưới thuyền tấp nập’’. Sau này người Pháp phát triển đô thị Hà Nội dòng chảy hẹp dần và trở thành hệ thống thoát nước thải, sông Tô được nạo vét lần đầu vào những năm 76 -86 của thế kỷ trước và cải tạo lần 2 từ năm 2000. Vào năm 1985 nơi đây vẫn còn là bến cuối của tuyến xe điện Bờ Hồ - Cầu Giấy do người Pháp xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước, thời đó đường rất nhỏ và ven đường tàu điện vẫn còn những mái nhà gianh . Bây giờ bến tàu xưa đã thành nơi đô xe, dãy nhà ven đường tàu cũ và hồ nước trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải đã được san lấp để làm đường và bến trung chuyển xe buýt. Đây là điểm cuối của dự án xây dựng và cải tạo đường vành đai 1, Ô chợ Dừa Láng Hạ Cầu Giấy, hình thành một con đường rộng, được đặt tên là Phố Cầu Giấy. Bên kia cầu trước thuộc Huyện Từ Liêm bây giờ đã thành quận Cầu Giấy.
Các cửa ô khác theo dọc các tuyến đường phố từ Lương Yên đế Yên Phụ cũng thay đổi theo thời gian. Cửa ô Tây Luông đã thành nhà hát lớn và bảo tàng lịch sử, của ô Mỹ Lộc giờ đã thành nút giao thông lập thể đầu tiên vào cầu Chương Dương, cửa ô Yên hoa dốc Yên phụ nguy nga một khách sạn lớn vào bậc sang của Hà Nội, đó là Sofitel Plaza Hotel, chỉ có cửa ô Thanh Hà tức ô quan chưởng còn giữ được dáng xưa trên các con phố cổ. Riêng cửa ô Thịnh Quang tức ô Chợ Dừa nay là ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên, ngày xưa vào cuối thế kỷ 19 vẫn là một con đường đất nhỏ 2 bên san sát những dãy nhà gianh, bây giờ đường phố rộng hơn được nâng cấp thành đường bê tông nhựa vĩnh cửu, 2 bên là những ngôi nhà xây khang trang hiện đại.
Nếu cứ theo cửa ô để tính mốc giới hành chính ta mới thấy kinh thành xưa nhỏ bé hơn nhiêu so vói Hà Nội ngày nay được mở rộng. Đường phố cũng rộng hơn thay cho nến đất nện và nhà 2 bên đường cũng được xây dựng khang trang, có rất nhiều nhà cao tầng với những phong cách kiến trúc châu Á,châu Âu, châu Mỹ hiện đại, sang trọng. thay cho những gian nhà gianh lụp sụp khi xưa. Thời gian dường như đã xoá dần những cửa đầu ô vào dĩ vãng, nhưng trong hoài niệm của mỗi người về những cửa đầu ô với những đường nét cổ kính, nét mặc trầm của một Hoàng Thành Thăng long, một thành cổ Hà Nội đã không còn nữa, mà đã trầm tích sâu trong lòng đất. Để mỗi khi Tết đến xuân về đi ra những cửa đầu ô đến các vùng đất ngoại thành, ta lại có dịp hình dung và nhắc tới đây ô chợ Dừa, đây ô Yên Phụ, đây ô Cầu Dền…của ô của thành phố từ thủa xa xưa, như một kỷ niệm đẹp về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội./
Chu Đức Soàn
0 comments:
Post a Comment