( Bài đã đăng trên tạp chí Cầu đường Việt Nam, số tháng 7/2011)
Tháng 7 đến Quảng Trị tri ân
Tháng 7 đến Quảng Trị tri ân
Đã từ rất lâu rồi người Việt Nam lại có thêm một phong tục mới, rất cao đẹp nữa là cứ đến tháng 7 hằng năm , dù đó là tháng 7 dương hay tháng 7 âm lịch, nhiều người, nhiều đoàn, trong đó có cả các đoàn đại diện cho chính quyền, đại diện các hội đoàn thể, các doanh nghiệp, các tăng ni phật tử và cả những gia đình …lại nườm nượp về vùng đất Quảng Trị để tỏ lòng thành kính qua những nén nhang, những vòng hoa, những ngọn nến … tưởng nhớ và tri ân những chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và nhân dân đã hy sinh anh dũng trong những năm chiến tranh bảo về tổ quốc, thống nhất đất nước..
Tháng 7 này tôi cũng tham gia trong những dòng người từ Hà Nội hành hương đến Quảng Trị để chiêm bái một vùng đất vốn ngày xưa là chiến tuyến đầy máu lửa của 2 miền Nam Bắc còn tạm phân chia, bây giờ là trở thành mảnh đất linh thiêng của tổ quốc.
( Biểu tượng: "Kiên cường với khát vọng Thống nhất "trên cầu Hiền Lương )
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 1A , tuyến đường huyết mạch giao thông của nước ta không chỉ trong những năm kháng chiến, mà đên hôm nay sau 36 năm đất nước thống nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, tuyến đường vẫn giứ được vị trí rất quan trọng chiến lược phát triển kinh tế. Không như ngày xưa trục đường mà tôi đã không biết nhiều lần, vốn nhỏ hẹp gập gềnh với những ‘’ổ gà, ổ voi’’, bây giờ sau 25 năm đất nước đổi mới, hệ thống giao thông quốc gia cũng đổi mới không ngừng. Trục đường 1 xuyên Việt đã được nâng cấp và mở rộng êm thuận, nhiều cầu lớn được bắc qua sông, đã tạo cho việc đi lại của các loại xe trên đường đã rất thoải mái, thông suốt thời gian hành trình được rút ngắn rất nhiều. Một số đoạn đường được xây dựng thành đường cao tốc như: Pháp Vân – Cầu Giẽ và đoạn từ cầu Giẽ đến Ninh Bình cũng sắp hoàn thành và thông tuyến nay mai.
Vùng đất Quảng Trị có nhiều điều đặc biệt, nhưng với tôi, vùng đất miện trung này tôi thấy có 4 điều đặc biệt nhất mà bất cứ ai qua đây cũng phải biết:, nên biết. Đó là: Cầu Hiền Lương - Một thời là gianh giới giữa 2 miền Nam Bắc; thành cổ Quảng Trị - Nơi diễn ra các trận chiến oanh liệt nhất thời chống Mỹ; Nghĩa trang Trường Sơn – Một nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất Việt Nam và điều được coi là cuối cùng là đường 9 Nam Lào - Cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây về phía Việt Nam với tuyến đường bộ thuộc các nước tiểu vùng sông Mêkông từ thành phố cảng Mawlamy của Myanma qua Thái Lan, qua Lào, đến Việt Nam tại Đông Hà, Quảng Trị để nối vào 2 cảng biển lớn đó là các cảng: Chân Mây ( Thừa Thiên - Huế) và cảng Đà Nẵng.
Điểm dừng chân là khu di tích Hiền Lương và trước cửa nhà lưu niệm hiện vẫn còn trưng bày nhiều kỷ vật, trong đó một đôi loa rát lớn hướng ra sông. Cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải cũng bình dị như vậy thế mà đã từng được gọi là giơí tuyến tạm thời 2 miền Nam Bắc và khu vực này được gọi là khu phi quân sự. Đứng trên cây cầu cũ, hướng nhìn ra dãy núi Trường Sơn, tôi được biết sông Bến Hải là dòng sông nhỏ, được bắt nguồn từ những dải núi xanh đó, từ ngọn nguồn cho tới cầu nơi tôi đứng đây và hướng ra biển Cửa Tùng chỉ dài khoảng 100 km. Ở giữa cây cầu, nhìn sang phía Bắc cột cờ mảnh mai như cây tre đất Việt phần phật lá cở tổ quốc tung bay, phía bên này bờ Nam là tượng đài ‘’Khát vọng thống nhất’’ với những khối hình tạo dáng lá những dừa sắc nhọn, ở giữa là hình tượng 2 mẹ con, với đôi mắt nhìn ra miền Bắc như khắc khoải và khao khát ngóng đợi người thân, mong ngày thống nhất đôi miền, mà tôi vẫn có thể cảm nhận được không ngờ nơi đây, trên cây cầu nhỏ dòng sông thanh bình này lại có một thời từng là giới tuyến phân chia Nam Bắc. Cây cầu xưa bé nhỏ được lưu giữ làm chứng tích của một thời đất nước bị phân chia, cạnh đó không xa là cây cầu Hiền Lương mới bằng bê tông cốt thép chắc chắn to gấp mấy lần cây cầu cũ.
Nhưng mảnh đất Quảng Trị này không chỉ cằn cỗi và đau thương khi còn là ranh giới tạm thời, một mảnh đất có nhiều gió Lào và cát trắng, mà ngày xưa còn là mảnh đất một thời cách đây 39, 40 năm, vào đầu năm 1971 và nhất là giữa năm 1972, nơi đây là một chiến trường ác liệt từ Khe Xanh, Cồn Tiên , Dốc Miếu, đường 9 Nam Lào cho đến thành cổ Quảng Trị ở đâu cũng đầy bom đạn cày xới và hầu như nơi nào cũng thấm đẫm máu xương, mà nơi khốc liệt nhất đó là thành cổ Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn cách Bến Hải chừng 30 cây số.
Từ Quốc lộ 1A rẽ vào thị xã Quảng Trị không xa lắm, ước chừng 2 cây số. Nói đến Quảng Trị là nói đến di tích thành cổ. Nơi đó như là linh hồn của một thị xã nhỏ bé của rẻo đất miền Trung trung bộ. Thành cổ được bảo tồn ngay ở trung tâm thị xã.
Thành cổ Quảng Trị vốn là thành lũy quân sự của nhà Nguyễn. được xây dựng từ đầu đời vua Gia Long (1802). Dưới thời nhà Nguyễn, thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị và là thành lũy quân sự để bảo vệ kinh đô Huế ở phía Bắc. Đến đây qua xem bảo tàng tôi không thể ngờ rằng, một nơi tĩnh lặng thanh bình và thơ mộng này lại phải đương đầu hứng chịu ngót 9 vạn tấm bom đạn của cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ vùng đất mới được giải phóng từ quân ngụy Sài Gòn.
Thật là một sức chịu đựng ghê gớm, khó có thể tưởng tượng nổi, đối với quân và dân Quảng Trị khi đó, nhưng Thành quảng trị vẫn còn, thể hiện ý chí quật cường của dân tộc ta
Tôi đã được nghe từ cô hướng dẫn viên khu di tích kể lại những câu chuyện huyền thoại qua các trận đánh trong 81 ngày đêm năm xưa tại Thành cổ, với vô vàn câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của trên 14 ngàn người trong đó có rất nhiều chiến sĩ tuổi đôi mươi. Bây giờ dường như cả thể xác và linh hồn bất tử đó được tạo thành một tượng đài uy nghi với hình khối tròn tượng trưng nấm mồ liệt sĩ. Phía dưới của tượng đài là hành trang người lính với ba lô,mũ cối và vật dụng cá nhân. Một cây hương thiên mệnh hướng lên trời lung linh huyền ảo một chấm sáng hồng, cuối cùng là hình tượng chung là bát cơm cúng tiễn những linh hồn bất tử. Ở đây ngày nào cũng vậy , ngày rằm mồng một nào cũng vậy, tượng đài này luôn ngào ngạt khói hương Với bước chân chầm chậm và nét mặt buồn tôi cùng mọi người, với lòng thành kính thắp những nén nhang thơm tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh cho đất nước thống nhất.
Theo hành trình tôi lại trở qua thị xã Đông Hà nhộn nhịp với những đường phố đông đúc với nhiều kiểu nhà tầng, với nhiều hàng quán. Đường 9 được bắt đầu từ chợ trung tâm thị xã Đông Hà,nơi giao nhau với trục quốc lộ 1 A, trong những năm gần đây thị xã Đông Hà được coi là trung tâm kinh tế và thương mại của tỉnh Quảng Trị và khu vực Nam miền trung, bởi có các điểm huyết mạch giao thông quan trọng, bởi nối Đông Hà còn có trục đường xuyên thứ 2, đó là đường Hồ chí Minh và theo dọc đường 9 là đến cửa khẩu Lao Bảo, từ đó qua Lào nối với các tỉnh đông bắc Thái, ngoài các trục đường bộ, Đông Hà còn có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua và dừng đỗ tại ga Đông Hà..
Đường 9 được nối từ đây đến cửa khẩu Lao Bảo qua biên giới là phía Nam nước bạn Lào là một trục đường mà trong những năm tháng chiến tranh vệ quốc những địa danh : Khe Xanh, Bản Đông, Sê Pôn, Làng Vây, Hướng Hóa, Gio Linh….đã từng nổi danh trong nước , nổi tiếng với giới truyền thông quốc tế bởi đó là chiến tuyến của 2 quân đội. Đội quân tay sai cho Mỹ và quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng cho lý tưởng độc lập tự do. Thắng lợi tại mặt trận đường 9 Nam Lào, con đường chi viện cho cách mạng miền Nam được bảo toàn, góp phấn làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền nam thông nhất đất nước..
Bây giờ đường 9 từ Đông Hà qua cửa khẩu Lao Bảo, qua Bản Đông, thị trấn Savannakhet bên bờ sông Mê Kông nước CHND Lào dài 330 cây số, có một vị thế đặc biệt là đầu mối giao thông quan trọng trong Hành lang kinh tế Đông – Tây, được thông tuyến vào tháng 12 năm 2006, nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Là, Myanma Thái Lan và Việt Nam thông qua sự kết nối với các tuyến giao thông Bắc - Nam từ Myanma, qua Chiang Mai – Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào, qua đường 9 và vào quốc lộ 1A của Việt Nam.tại Đông hà. Để rồi từ đây nối với các cảng biển miền Trung: Cửa Việt, Chân Mây, Vũng Áng, Đà Nẵng tạo ra một điểm thuận lợi để giao lưu kinh tế và phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Ta có thể thấy tốc độ đô thị ở đây cũng đang được phát triển. Điểm nổi bật nơi đây là chợ Đông Hà. Chợ nằm giữa ngã ba quốc lộ 1A và đường 9. Chợ có nhiều hàng hóa, đặc biệt là có nhiều loại hàng có xuất xứ từ Lào và Thái Lan và việc buôn bán ở đây cũng khá nhộn nhịp.
Từ sau năm 2000 đường 9 đã được nâng cấp và mở rộng 2 lần, những lần đó tôi và phóng viên Văn Thành, báo Hà Nội Mới, đã từng cùng với những cán bộ của Công ty đường 16 thuộc Cienco 1 đi dọc tuyến đường từ Đông Hà đầu tuyến, đến Savanakhet ngay bờ sông Mê kông, được chứng kiến nỗi vất vả gian chuân nhưng rất đỗi tự hào của những người thợ cầu đường của Cienco1 và Cienco8 như các đơn vị 116, 122, 874, 838… vinh dự nâng cấp một tuyến đường đầy ắp những quá khứ oanh liệt những năm chiến tranh và mở ra trang mới trong xây dựng kinh tê trong hòa bình..
Trên một đoạn đường ngắn từ Đông Hà tới đường Hồ Chí Minh mới được xây dựng, đâu đó như vẫn còn hằn sâu những hố bom, vết tích của những năm đất nước bị chia cắt, đâu đâu cũng có những nghĩa trang liệt sĩ. Với 72 nghĩa trang liệt sĩ, có lẽ không có địa phương nào nhiều nghĩa trang như ở Quảng Trị và nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là nghĩa trang lớn nhất Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 38km về phía tây bắc, cách quốc lộ 1A, đoạn thị trấn Gio Linh, chừng hơn 20km về phía tây bắc. Nghĩa trang nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới cắt chia hai miền Bắc - Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã chọn.
Với diện tích rộng gần 40 ha, chia 5 khu với 10.263 ngôi mộ, trên một ngọn đồi cao. Ở nghĩa trang Trường sơn rộng lớn này thì hầu như địa phương nào trên cả nước cũng có những liệt sĩ yên nghỉ ở đây chủ yếu là ở các tỉnh thuộc miền bắc.
Tôi cũng là người lính bắt đầu từ giữa tháng bẩy năm sáu nhăm, nhưng là lính thông tin của Binh chủng Ra đa, đóng quân trên vùng Tây Bắc. Suốt những năm chiến tranh ác liệt tôi chưa có dịp vào chiến trường B, nên cũng chưa thấy hết được sự gian khổ hy sinh của những chiến sĩ nơi chiến trường, nhưng quả thật khi đặt chân đến đây và dù chiến tranh đã qua trên 35 năm, bây giờ khi đã qua cầu Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, thành cổ Quảng Trị, đường 9 Nam Lào rồi nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tôi mới thấy hết được sự hi sinh quá lớn lao của các chị, các anh cùng trang lứa. Với tôi và với ai cũng vậy, đã đến đây dù một lần hay nhiều lần, thì chắc hẳn đều có chung một cảm xúc đó là sự bùi ngùi, và chỉ biết cúi đầu dâng nén hương thành kính trước hương hồn của các anh, những người con đã không tiếc máu xương của mình cho Tổ quốc thân yêu.
Khi đi náo nức trên đường 1A quen thuộc với những địa danh thời giao thông hiện đại hóa với: Đường cao tốc Pháp Vân – Giẽ - Ninh Bình, Cầu Hoàng Long, hầm đường bộ đèo Ngang, Cầu Cấm, cầu Gianh …Bây giờ lại thanh thản trên chiếc xe mini buýt tiện nghi sang trọng bon bon trên trục đường Hồ Chí Minh mới mở, trải bê tông nhựa êm thuận để trở về Hà Nội. Trong hành trình xe đã đi qua những cái tên quen thuộc thường được nhắc đến trong chiên tranh, giờ đã khác xưa nhiều lắm như: Long Đại, Xuân Sơn, Khe Ve, Tân Kỳ, Ngã ba Đồng Lộc… Tôi thấy đất nước ta biển bạc trải dài, núi cao rừng vàng rộng lớn và ý chí của những chiến sĩ mở đường Trường Sơn năm xưa, những người lính hi sinh trên chiến tuyến vì Tổ quốc cũng thật là vĩ đại, những cán bộ công nhân từ tư vấn thiết kế đến xây dựng cầu đường trong thời bình cũng thật thông minh sáng tạo và dũng cảm kiên cường đã làm nên kỳ tích mới trong xây dựng cầu đường. và tôi cứ ngẫm một điều là cứ mối năm tết đến xuân về người ta đi chùa, trảy hội để cầu sức khỏe, cầu phúc cầu tài, bây giờ thêm một phong tục mới cao đẹp hơn là cứ vào dịp tháng bảy mùa hè, là mọi người cũng tới vùng đất linh thiêng Quảng Trị để cầu cho quốc thái dân an, âu cũng là cái phúc của đất nước. /
Chu Đức Soàn
0 comments:
Post a Comment