Lời mở đầu: Từ ngày xưa cho đến nay thì Hồ Gươm của Thăng Long - Hà Nội luôn ở vị trí trung tâm, mang thông điệp sâu sắc nhất về lịch sử, văn hoá của Thủ Đô một thời chiến tranh, một thời hoà bình, đang phát triển bền vững theo tiêu chí một đô thị văn minh. Trang web Cầu đường Việt Nam xin giới thiệu bài viết về nơi đã mở đầu thời kỳ xây dựng đô thị Hà Nội, Đường xưa phố cũ là một hình ảnh không thể thiếu của Thủ Đô hiện đại hôm nay.
( Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đem lễ hội )
Là người lớn lên ở Hà Nội từ bé cho đến bây giờ, có một điều mà tôi vẫn thấy như là một lẽ tự nhiên là không riêng gì tôi mà tất thảy mọi người cho dù có ở đâu, không chỉ là ngày lễ Tết, mà cả những ngày thường, mọi người dù xa dù gần, dù là người sống ở Hà Nội , hay ở các Tỉnh Thành phố có việc về Thủ Đô, hay là khách nước ngoài du lịch ghé qua Hà Nội …đều háo hức muốn đến hồ Hoàn Kiếm, như thể là không đến thì ai cũng thấy thấy áy náy trong lòng.
Phải chăng đất này là đất linh thiêng của ngàn năm hội tụ, cho nên ngày xưa các cụ ta có lẽ đã thấy sinh khí trong lành của cảnh vật ở hồ này, nên đã đến đây xây cất lên 2 đền là Ngọc Sơn, Bà Kiệu, 2 ngôi chùa lớn có tên là Báo Thiên và Báo Ân, làm nơi vãn cảnh cho các tầng lớp dân cư trong hoàng thành và khu phố cổ.. Đến thời Pháp thuộc, khi quy hoạch Hà Nội với 30 vạn dân, người Pháp cũng đã sáng suốt khi lấy hồ Hoàn Kiếm là điểm khởi đầu để xây dựng những con đường mới bao quanh hồ tạo thành những khu phố mới với lối kiến trúc hiện đại, sang trọng. Nhưng người Pháp với tư tưởng thực dân đã bất chấp phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, phá đi khá nhiều đình chùa đền miếu, cung vua, phủ chúa và các di sản văn hoá bản địa để mở đường xây nhà.
( Ngày xưa chùa Báo Thiên soi bóng bên hồ )
Môt trong những con đường đầu tiên được người Pháp mở trong khu vực này là con đường nằm ở phía đông hồ Hoàn Kiếm. Đó là đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay, con đường này được tiếp nối với tuyến Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi, Cửa Nam, Điện Biên Phủ hiện nay, được mở từ trước đó và kéo thẳng đến phía Tây và Tây Nam Hoàng thành Thăng Long, nơi đó có các Biệt thự và công sở phục vụ cho bộ máy cai trị của Pháp ở Việt nam. Trong đó điển hình là Phủ toàn quyền, nay được gọi là Phủ Chủ
Tịch. Trục đường trên nối khu vực Hoàng thành Thăng Long với khu vực nhượng địa của Pháp nằm theo rẻo đất ven bờ sông Hồng từ nhà hát lớn đến khu vực vườn hoa pasteur.Tiếp đó là các tuyến phố Hàng Bài - Phố Huế, Hai Bà Trưng, Lý Thường kiệt, Trần Hưng Đạo, rồi đến các trục Ngô Quyền - Lò Đúc, trục Hàng Trống - Bà Triệu…. Đường mở đến đâu các dinh thự, công sở được xây dựng đến đó theo phong cách kiến trúc Châu Âu, hình thành những khu phố mới theo ô bàn cờ. Sau khi phát triển và hình thành những khu phố
mới kiểu Pháp ở phía đông và nam hồ Gươm. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiém trở thành tâm điểm giữa 2 khu phố: Khu phố cổ ở phía Tây và tây Bắc hồ và khu phố Tây ở phía Đông và Nam hồ Hoàn Kiếm. Thế là sau khoảng 20 năm xây dựng, vào những năm đầu của thế kỷ 20, Hà Nội được xem là một góc Paris giữa lòng Thăng Long cổ kính.
Bây giờ mỗi khi đi trên những con phố được xây dựng từ thời ấy, tôi vẫn thấy có nhiều đường phố rộng đẹp, thoáng mát cây xanh nhưng con đường Đinh Tiên Hoàng từ khi đó cho đến bây giờ luôn là con đường đẹp thuộc vào loại bậc nhất Hà Nội. Con đường không chỉ là một gạch nối giữa một tuyến phố trung tâm ở khu phố cổ xưa ba mươi sáu phố phường, đó là Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân và hàng Bông, Cửa Nam… san sát những dãy nhà ống lô nhô với lớp mái ngói thấp, mặt đường hẹp nhỏ là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công. Những dãy phố cổ đó được nối với khu phố Tây đang hình thành với những đường phố đặc trưng của châu Âu vừa rộng rãi được trải nhựa, vỉa hè rộng được trồng cây xanh và những toà nhà, có khuôn viên, được trang trí những hoa văn, hoạ tiết có những đường nét cầu kỳ. Nơi đó vừa có các công sở lớn như toà Công Sứ, phủ Thống Sứ Bắc Kỳ, Bưu điện Bờ Hồ, lại vừa có nhà hát lớn, rạp chiếu phim, khách sạn, có vườn hoa, khu thương mại và dịch vụ tài chính, đó là ngân hàng Đông Dương nay là ngân hàng nhà nước, có trường học…mà ở giữa 2 khu vực dân cư đó là hồ Hoàn Kiếm lăn tăn mặt nước trong xanh, còn vương đọng truyền thuyết lịch sử về vua Lý Thái Tổ khi định đô nơi đây đã đến vãn cảnh hồ, về vua Lê sau khi đánh tan quân xâm lược đã đến hồ này trao lại gươm báu cho rùa thần. Phong cảnh hồ Hoàn Kiếm dường như lúc nào cũng đẹp, cũng lung linh với cảnh nước hồ in bóng những hàng cây, lại được tạo dáng bởi cây cầu thê húc đỏ thắm cong cong trong nắng, nối tháp bút đài nghiên nối với đền Ngọc Sơn cổ kính, xa xa là tháp rùa xam xám màu rêu, lãng đãng trong làn nước biếc.
(Chùa xưa được người Pháp xây bưu điện Bờ Hồ )
Có lẽ từ những đường phố mới được mở từ thời đó ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đã kết nối giữa thành cổ, phố cổ với khu phố mới với những kiểu dáng kiến trúc hiện đại tạo cho khu vực hồ Gươm tự nhiên ở vào vị trí trung tâm văn hoá, thương mại, hành chính…không chỉ ngày xưa, mà cả khi thành phố được mở rộng, thì vị trí trung tâm ấy vẫn không hề thay đổi. Ngày ấy với ý đồ xây dựng Hà Nội trở thành Thủ Đô của Việt Nam và cho cả Đông Dương thuộc Pháp, sau khi hình thành những trục đường phố xuyên tâm mở rộng Hà Nội, Người Pháp bắt đầu mở những tuyến đường sắt nội đô, đó là đường xe điện vào sau những năm 1890, tiếp theo là các trục đường sắt xuyên Việt Nam và cầu Long Biên vào sau những năm 1895, nhằm đáp nhu cầu đi lại và thông thương kinh tế trong nội thành và giữa Hà Nội với các địa phương. Từ đó hồ Hoàn Kiếm được xác định là điểm quy tụ những con đường toả đi các hướng, có lẽ vì thế cho nên hầu hết các tuyến đường xe điện thời đó đều từ ga xe điện Bờ Hồ mà toả đi các hướng: Bờ Hồ - Hà Đông 9 km, Bờ Hồ - Cầu Giấy 6km, Bờ Hồ - Chợ Mơ 4km, Bờ Hồ - Yên Phụ 5km… và biết đâu cách tính chiều dài quãng đường từ Thành phố Hà Nội đi các nơi, người ta cũng lấy từ vị trí trung tâm là hồ Gươm để tính khoảng cách các trục quốc lộ từ Hà Nội đến các nơi trên các nước.
( Bưu điện Bờ Hồ được xây mới )
Từ trấn ba của đảo Ngọc ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm, xa xa là tháp Hoà Phong, thấp thoáng trong làn nước lăn tăn huyền ảo, ta như vẫn còn thấy nhấp nhô hình bóng những mái ngói xám nâu của chùa Báo Thiên tĩnh mịch và trong xào xạc của ngàn lá đung đưa từ phía nhà thờ lớn, ta như vẫn nghe phảng phất đâu đây thoang thoảng tiếng chuông chùa Báo Thiên binh boong ngân nga trong gió…như là để cho ta có thể cảm nhận được cả hình bóng xưa trong làn nước biếc mặt hồ Tả Vọng xưa, qua ngìn năm vẫn còn vương đọng mặt hồ Hoàn Kiếm của một Hà Nội mới hôm nay.
Những con đường cũ Hàng Bông, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… mà tôi đã đi, những hàng cây cổ thụ trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm mà tôi đã thấy… như vẫn còn ẩn dấu những dáng dấp đền đài nguy nga tráng lệ của cung Vương phủ Chúa, bên cạnh các dãy phố mái ngói xen lẫn mái gianh liêu xiêu ngày xưa, trải bao năm tháng bây giờ con đường như vẫn vậy, hồ cũng vậy. Có chăng là trước đây những hàng cây lơ thơ thưa thớt, thì bây giờ nhiều cây xanh hơn, phố xá xưa chưa tấp nập, thì bây giờ lúc nào người xe cũng đông đúc, hàng hoá bày bán nhiều hơn, phong phú hơn, nhiều toà nhà chọc trời hơn. Ngày xưa hồ rộng mêng mang, còn bây giờ ta bỗng thấy hồ Hoàn Kiếm có vẻ nhỏ đi hơn.
Hồ Hoàn Kiếm tự ngày xưa cho đến hôm nay không chỉ là dấu ấn cho phát triển Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại mà còn là vị trí trung tâm văn hoá, xã hội, thương mại và hành chính của Thủ Đô, một thành phố hoà bình nơi hội tụ hồn thiêng sông núi của Việt Nam qua 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước./
Nhà Báo
Chu Đức Soàn
0 comments:
Post a Comment