Nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có những cánh đồng lúa, những làng mạc trù phú, nơi có nhiều dòng sông lớn chảy qua thuân tịên cho việc thông thương giữa từ miền xuôi lên miền núi và thông ra biển, vì thế tự ngày xưa Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm hành chính.
( Đường phố bao quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày xưa )
Vào khoảng năm 454–456, Hà Nội lúc đó đã được ghi là trung tâm của huyện Tống Bình. Đến thời kỳ Nhà Đường, An Nam được chia thành 12 châu với 50 huyện, Tống Bình là trung tâm của An Nam đô hộ phủ. Năm 866, viên tướng nhà Đường là Cao Biền xây dựng một thành trì mới, nên được đổi tên thành Tống Bình là thành Đại La - Thủ phủ của Tĩnh Hải quân. Thời gian sau này, nước Nam xưng nền độc lập để trở thành một nước Đại Việt, trước khi rời đô từ Hoa Lư, vua Lý đã thấy thành Đại La đô cũ của Cao Vương ‘’ ở giữa vùng trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời ’’. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này và đặt tên là Thăng Long.
Trong suốt thời kỳ 216 năm của các triều nhà Lý, rồi đến 175 năm triều Trần, 361 năm nhà hậu Lê, rồi 143 năm thời nhà Nguyễn… kinh thành Thăng Long có nhiều thăng trầm biến đổi: Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua, lập nên nhà Hồ và đóng kinh đô tại Thanh Hoá với tên là Tây Đô, Kinh đô Thăng Long được đổi thành Đông Đô và sau này là thành Đông Quan vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 4. Nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ sau khi xưng Đế đã lập Kinh Đô tại Phú Xuân, kinh thành được đổi là Bắc thành tổng trấn, nơi trung tâm hành chính của miền Bắc. Rồi tiếp đến vào năm 1802 sau khi diệt nhà Tây Sơn, Nhà Nguyễn, vẫn lấy Phú Xuân làm kinh đô, vua Minh Mạng đã đặt tên là Hà Nội - vùng đất trong sông và chỉ là cấp tỉnh… Cho dù được thay tên gọi, hay khi không còn là kinh đô nữa, mảnh đất này vẫn là trung tâm hành chính, văn hoá, giáo dục và đương nhiên vẫn là nơi đầu mối giao thương kinh tế.
Mọi người vấn được biết, Hà nội có rất nhiều cửa ô. Mà cửa ô chính là lối ra vào thành, để rồi từ đây đến với các vùng trong nước và ngược lại là nơi hội tụ từ các nơi vào thành giao lưu buôn bán. Theo bản đồ cổ có tên gọi là: Hoài Đức Phủ bản đồ được vẽ vào năm 1831, vừa mới được công bố, thì ngày xưa Hà Nội có tới 16 cửa ô. Vào thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các địa phương chủ yếu là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều làng, phố nghề, nhiều hàng quán buôn bán tấp nập, do đó có nhiều cửa ô để việc đi lại được dễ dàng, vì vậy trong 16 cửa ô có tới 11 cửa thông ra sông Hồng, còn lại 6 cửa ô được thông đến các vùng khác thì đều bằng đường bộ như: Ô cầu Giấy nối kinh thành đến xứ Đoài Sơn Tây, các ô Cầu Dền, ô Kim Hoa ( Kim Liên) và ô Chợ Dừa đều là đoạn đầu con đường Thiên Lý, nối kinh thành đến các xứ đàng trong, ô Đống Mác qua sông Hồng đến các vùng phía Bắc, Đông Bắc, đó cũng là đường Thiên lý ở phía Bắc qua trấn Kinh Bắc ( Bắc Ninh ) đến Lạng Sơn. Con đường này cũng là nơi các sứ thần của nước Việt xuất hành đi sứ tại Trung Quốc. Một trong những cửa ải mà các sách sử vẫn ghi ngày nay vẫn còn lại dấu tích đó là ải Mục Nam quan tại Lạng Sơn.
Sau này khi người Pháp chiếm thành Hà Nội, Hà Nội được quy hoạch và mở rộng để trở thành Thủ đô của Đông Dương. Vào thời đó cùng với việc phát triển và mở rộng đô thị, các tuyến đường xuyên quốc gia cũng được triển khai xây dựng trên cơ sở những con đường cái quan đã hình thành từ các cửa ô, được mở ra nhiều năm trước đó,. Trong đó điển hình là trục quốc lộ 1A Hà Nội đến Lạng Sơn và từ Hà Nội tới cố đô Huế và nối từ Huế tới Sài Gòn xưa được khởi đầu từ cửa đầu ô Kim Hoa, hay còn gọi là Kim Liên. Tiền thân của con đường xuyên Việt này mang tên đường Thiên Lý. Quốc lộ 1A được hình thành từng đoạn qua từng thời kỳ, từ thời Việt Nam bị chia cắt thành Đàng trong và Đàng ngoài, bên cạnh đường thủy thì con đường này cũng bắt đầu được hình thành. Ban đầu đường nhỏ chủ yếu dành cho người đi bộ, hoặc chuyên chở hàng hóa bằng ngựa. Tuy nhiên phải đến thời nhà Nguyễn, con đường cái quan từ Bắc đến Nam này mới tu bổ và hoàn thiện.
Về sau cùng với việc xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam, con đường xuyên Việt tức quốc lộ 1 cũng được mở rộng, nâng cấp theo, để các thương nhân người Pháp khai thác vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng ô tô và di chuyển quân đội phục vụ cho bộ máy cai trị của người Pháp, xuyên suốt từ Bắc đến Nam. Các quốc lộ khác cũng vậy. Quốc lộ 6A đi tỉnh Hoà Bình được khởi đầu đường từ cừa đầu ô Ô chợ Dừa, quốc lộ 32 được khởi đầu từ ô Cầu Giấy nối đến tỉnh Sơn Tây cũ. Vào đầu thế kỷ 20, sau khi xây xong ga Hàng Cỏ và cầu Long Biên, người pháp đã triển khai mở các quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 5 cùng được xây dựng và mở rộng như vậy cùng song song với tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội Thái nguyên, Hà Nội Hải Phòng.
Mọi người đều vẫn có thể hình dung được là vào các thời xa xưa, cùng với việc hình thành các làng nghề phố nghề, Hà Nội từ khi đó đã được mở lối đi lại để giao thương từ làng này đến làng kia, từ phố này sang phố khác rất thuận tiện nên bởi thế mới có Hà Nội 36 phố phường. Hồ Hoàn Kiếm khi đó là một hồ đẹp mặt nước trong, gió mát cây cối tốt tươi, làm làm dịu đi cái nóng của mùa hè oi ả trên đường phố cổ. Bởi thế cư dân trong thành, trong phố có thể vẫn đi theo các con đường nhỏ ở mạn Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào… để ra hồ vãn cảnh. Theo đường từ làng tranh Hàng Trống để đến Chùa Báo Thiên, chùa Bà Đá, Lý Triều Quốc Sư ở mạn phía tây hồ, hoặc qua cầu gỗ để đến đến Bà Kiệu, chùa Báo Ân ở phía đông hồ. Khi người Pháp lấy hồ Gươm làm tâm điểm để xây dựng các khu phố mới, mở rộng Hà Nội xuống phía Nam thành cổ và hồ gươm, chắc chắn đã bám theo những con đường đất cũ để mở rộng đường mới xuống phía đông nam Kinh thành và hồ Hoàn Kiếm.
Theo bản đồ do người pháp vẽ vào năm 1873 thì toàn bộ phố cổ nằm trọn ở cửa phía đông thành Hà Nội ( Khu vực phố cửa Đông ngày nay), khi đó khu phố cổ có tới 6 hồ nhỏ và hồ lớn nhất là hồ Hoàn Kiếm và đường thời đó không nhiều. Phía Bắc Hồ Gươm có một con đường từ mạn Hàng Thùng qua Cầu Gỗ, Hàng Bông đến Cửa Nam. Phố Cầu Gỗ khi đó là con phố khá lâu đời, có từ thời kinh thành Thăng Long 36 phố phường thế kỷ XV. Phố được xây trên nền đất của hai thôn cổ là Hương Minh và Nhiễm Thượng, đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Phố được đặt tên là Cầu Gỗ vì con phố có một cây cầu bắc qua con lạch nhỏ nối hai hồ Thái Cực, hay còn gọi là hồ Hàng Đào, thông sang hồ Hoàn Kiếm lại với nhau là con phố chính của Hà Nội cổ. Phố Cầu Gỗ qua phố hàng Gai nối tiếp với phố Hàng Bông để ra Cửa Nam. Đây là trục đường nằm trong quần thể vương phủ của chúa Trịnh Tùng, được khởi dựng vào năm 1595. Thời đó vương phủ có nhiều đường đi đến 52 cung, trại lính, dinh thự, xóm làng với 3 cửa chính: Cửa chính nam có đường thông ra phố Bà Triệu, cửa Tuyên Vũ có đường dẫn tới chùa Báo Ân bây là Bưu điện Hà Nội và cửa Diệu Đức thông ra phố Cửa Nam
Khi triển khai phát triển đô thị Hà Nội, người Pháp xác định địa giới thành phố ra làm hai khu vực chính là: Khu vực dành cho người Âu và các công sở người Pháp, chủ yếu là xung quanh Thành Hà nội và các khu phố mới theo ô bàn cờ ở phí Nam hồ Hoàn Kiếm. Khu vực dành cho người bản xứ chủ yếu là khu phố cổ và vùng đệm xung quanh các khu phố mới. Theo đó, thành phố Hà Nội lúc đó bắt đầu từ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (xưa là Sở Thuế quan), qua đầu phố Phó Đức Chính ( xưa là Blockhaus Nord Lô Cốt Bắc), phố Quán Thánh (xưa là đường Grand Bouddha), đường bao quanh Thành Hà Nội, đến phố Sơn Tây kéo dài đến phố Văn Miếu, một phần phố Quốc Tử Giám và một phần phố Tôn Đức Thắng), qua phố Nguyễn Khuyến ( ngày xưa là phố Sinh T ừ ) nối đến đường Huế (nay là phố Huế.
Căn cứ vào những mốc giới đó, người Pháp đã dựa theo những con đường liên thôn liên xã đã có mà mở rộng, chỉnh tuyến theo tiêu chuẩn đường phố châu Âu, hình thành các trục đường chính sau: Trục Tràng Tiến – Tràng Thi, qua Cửa Nam rẽ ra 2 hướng: Cửa Nam - Nguyến Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy và Cửa Nam - Điện Biên Phủ đến quảng trường Ba Đình. Trục đường này được coi là trục xuyên tâm đầu tiên ở Hà Nội, từ đó làm cơ sở mở các trục đường khác như: Chu Văn An - Hàng Bột (ô Chợ Dừa), Điện Biên - Lê Duẩn đến đầu Kim Liên, Hàng Trống - Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Phố Huế, Ngô Quyền - Phan Chu Trinh - Lò Đúc… Để xây dựng đường phố theo ô bàn cờ theo tiêu chuẩn Châu Âu, người Pháp đã cấm người dân xây dựng nhà tranh tre và bắt phá bỏ nhà tranh vách đất hiện có ở các khu phố từ Trần Hưng Đạo đến khu vực Thành Hà Nội. Tại 26 con đường của thành phố Hà Nội và tất cả các đại lộ được mở trên khu đất của Công ty Điền thổ, từ đại lộ Carnot (nay là phố Phan Đình Phùng) đến đường Duvilliers (nay là phố Nguyễn Thái Học), chỉ được phép xây dựng những căn nhà kiểu Âu, cấm xây nhà kiểu bản xứ hoặc nhà chia ô. Cho đến nay về cơ bản các tuyến phố trong nội thành xưa, hầu như vẫn giữ gần như nguyên dáng vẻ ban đầu.
Bắt đầu từ những năm 1980 trước xu thế phát triển đô thị và gia tăng phương tiện, nhiều đường phố Hà Nội được làm thêm, phục vụ xây dựng các khu chung cư nhiều tầng chủ yếu thuộc các Phường ven ngoại của Ba Đình Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện ven nội: Từ Liêm, Thanh Trì. Ví dụ như các trục đường ở các khu tập thể Thanh Xuân, Giảng Võ, Thành công, Đền Lừ, Định Công. Từ khi xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Thăng Long và Chương Dương, Hà Nội mở và nâng cấp một số đường ra vào Thủ đô như Thăng Long - Nội Bài, đường Thăng Long - Vực Dê, đường Phạm Văn Đồng, đường Láng Hoà Lạc, đường Trần Khát Chân… và khá nhiều tuyến đường trên huyện Từ Liêm cũ, nay là Quận Cầu Giấy và một phần quận Tây Hồ. Vào đầu thế kỷ 21 do nhu cầu phát tri ển mở rộng Hà Nội hàng loạt các khu chung cư cao tầng , khu đô thị mới được hình thành trên đất các vùng trồng lúa, trồng hoa, trồng rau ven nội và ngoại thành như các khu : Siputra, nam Trung Yên, Trung Hoà, Nhân Chính, Hoàng Cầu, khu đô thị tây Hồ Tây, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, khu chung cư quân đội Bạch Mai.v.v..Hà Nội phát triển thêm được một số đường trục lớn điển hình là đường vành đai 3, đường 5 kéo dài bến phía Gia Lâm đi Đông Anh. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội Thu đô có thêm một số tuyến đường mới mở điển hình là Phố Xã Đàn ( Kim Liên –Ô chợ Dừa), Văn Cao, Lê Văn Lương kéo dài, đại lộ Thăng Long, đường và nút giao thông 2 đầu cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì.v.v…
Thành phố đã và đang xây dựng để hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 1 xuyên tâm thành phố từ phố Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt qua hầm đường bộ Kim Liên và đường Xã Đàn ( tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa) vừa được xây dựng xong, từ đó xây dựng tiếp từ Ô Chợ Dừa đến Voi Phục nối vào trục đường Cầu Giấy.Tiếp đó là tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, sau khi hoàn thành trục đường này sẽ có điểm khởi đầu từ Cát Linh qua Láng Hạ, Lê Văn Lương qua các khu đô thị Trung Văn, Mỗ Lao qua quận Hà Đông nối vào đường Lê Trọng Tấn.
Theo quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, tới đây nội thành Hà Nội sẽ xây dựng thêm từ 2 đến 3 cầu nữa qua sông Hồng, trong đó cầu Nhật Tân đã được khởi công và xây 5 tuyến đường sắt đô thị trên cao, mà khởi động đầu tiên là 2 tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh Ba la ( Hà Đông), tiếp đó là tuyến đi sân bay Nội Bài qua đường Nội Bài - Nhật Tân và cầu Nhật Tân đang triển khai để vào trung tâm thành phố.
Với những đường trục xuyên tâm thành phố có nền móng từ những con đường cửa ô ngày xưa, cùng với các tuyến phố cổ cốt cách Á Đông và các đường phố mới theo phong cách châu Âu, đã tạo cho mạng lưới giao thông đường bộ nội đô có phong cách riêng của một đô thị hiện đại, được mở rộng phát triển trên nền của một kinh thành cổ xưa. Dẫu đã qua ngàn năm nhưng dáng dấp những cửa đầu ô, những con phố cổ như vẫn còn thấp thoáng đâu đây trên con phố mới, những đại lộ mới hiện đại. Kinh thành Thăng Long xưa, Đức Lý Công Uẩn đã coi nơi đây là ‘’chính giữa đông tây nam bắc’’, Thủ đô Hà Nội hôm nay vẫn xứng đáng là nơi hội tụ của bốn phương tám hướng bằng mọi ngả đường: Đường bộ, đường không, đường sông, đường sắt. Hà Nội nói chung, đặc biệt là các quận nội thành không chỉ là trung tâm hành chính, văn hoá, kinh tế quốc gia, trung tâm giao dịch quốc tế, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước./
.
Chu Đức Soàn
0 comments:
Post a Comment