Wednesday, January 8, 2014

Các sự kiện, vấn đề lớn trong GTVT năm 2013 được xã hội quan tâm

1/ BIDV đồng hành cùng Bộ GTVT thực hiện Dự án mở rộng QL 1
Thực hiện chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020 và 2030, GTVT phải đi trước, mở đường, tạo tiền đề cho các ngành khác cùng phát triển. Trong đó Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT tập trung thực hiện, trong đó đoạn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2016. Quy mô toàn tuyến gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn cho xe máy và có giải phân cách cứng ở giữa. Tổng nhu cầu vốn đầu tư 89.362 tỷ đồng, trong đó nhu cầu kêu gọi vốn tư nhân để thực hiện các dự án BOT là 34.509 tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cuối tháng 1, tại Hà Nội, Bộ GTVT và Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ.
BIDV sẽ dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để tài trợ chương trình, trong đó gồm: 01 gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án BOT; huy động từ đầu tư trái phiếu với giá trị 5.000 tỷ đồng cho Chương trình trái phiếu dự kiến do Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành; 01 gói dự phòng khoảng 5.000 tỷ đồng..
Mục tiêu của thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ giữa Bộ GTVT và BIDV nhằm huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ các nhà đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

(Đường Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình)

2/ Nhà thầu Nhật đòi bồi thường 200 tỷ ở dự án cầu Nhật Tân
Nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đề nghị Bộ GTVT bồi thường 200 tỷ đồng do chậm tiến độ giao mặt bằng 18 tháng tại dự án cầu Nhật Tân. Đúng là ở Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ đền bù khi chậm giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, về lý nếu nhà thầu đã phát đơn kiện, thì Bộ GTVT phải vào cuộc. Nếu đưa ra tòa, phần đúng thuộc về phía nhà thầu Nhật.
Đúng là khâu giải phóng mặt bằng cầu Nhật Tân do TP Hà Nội thực hiện, trong đó đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý hạ tầng Tả Ngạn. Trong ba gói thầu của dự án, gói số 3 đường dẫn phía bắc cầu Nhật Tân do Công ty TNHH Xây dựng Tokyu (Nhật Bản) làm nhà thầu chính được khởi công tháng 3/2009.
Mặc dù đã được khởi công, song nhà thầu phải thi công cầm chừng do thiếu mặt bằng. Tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án này đã nhiều lần phải gia hạn cho các địa phương vì lý do như thiếu nhà tái định cư, chậm lên phương án đền bù, dân không đồng thuận... Hiện, khu vực đảo giao thông tại nút giao Phú Thượng, quận Tây Hồ vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Theo kế hoạch, tháng 10/2014, cây cầu này sẽ hoàn thiện và đi vào khai thác. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu mới hoàn thành được 60% khối lượng công việc./
chậm bàn giao mặt bằng là chuyện muôn thủa ở Việt Nam. Chỉ nhà thầu nội là nghiến răng chịu đựng mọi thiệt hại thôi. Còn kiện Chủ đầu tư thì chắc sau đó người lao động hết việc làm. Hoan hô nhà thầu ngoại.

3/ Cuộc chiến chống mũ bảo hiểm rởm lúc phạt lúc dừng.
4 Bộ gồm: Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông vận tải ký thông tư 06 đã thống nhất dừng việc phát hành và triển khai quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó từ tháng 3, các lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm tuyên truyền và xử lý việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) rởm, mũ kém chất lượng. Cuộc kiểm tra và xử lý người đội mũ bảo hiểm được triển khai quyết liệt ở nhiều địa phương đã  bị người dân và công luận chưa đồng tình vì "Mục tiêu của cao điểm không phải là xử phạt người dân mà là xử lý các cơ sở kinh doanh sản xuất MBH không đạt chất lượng. Theo Bộ Tư pháp, do quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không được tốt, nên có nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn, người dân rất khó phân biệt, thậm chí cũng rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông. Do đó, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục.
Vì vậy Sau khi có ý kiến nhiều chiều từ dư luận, các bộ ngành ký thông tư 06 đã thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

4/ Khánh thành và khởi công nhiều công trình giao thông lớn trong năm tại Đà Nẵng.
Năm 2013 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra nhiều cuộc khánh thành và khởi công các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia và Đà Nẵng
- Ngày 29/3/2013, khánh thành  3 công trình lớn đó là cầu Rồng, cầu mới Trần Thị Lý và tuyến cáp treo số 3 Bà Nà cao và dài nhất khu vực.
Cầu Rồng là cầu vòm thép gồm 5 nhịp chính có tổng chiều dài 666 mét. Bề rộng mặt cắt ngang 37,5 mét cho 6 làn xe ô tô, giải phân cách 6 mét và hành lang đi bộ hai bên. Đây được coi là mặt cắt ngang cầu rộng nhất Việt Nam hiện nay. Nét độc đáo của cầu Rồng là sự kết hợp giữa kết cấu dầm thép và dầm bê tông, trung tâm có vòm ống thép với ba nhịp dầm vòm liên tục có chiều cao không đổi.
Cầu mới Trần Thị Lý có 12 nhịp tổng chiều dài 670 mét. Bề rộng mặt cầu 34,5 mét cho 6 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế theo dạng dây văng với 3 mặt phẳng dây. Dây văng nhịp chính được bố trí trên một mặt phẳng và neo ở tim dọc dầm chủ. Cách bố trí dây văng “bất đối xứng” này đã tạo cho cây cầu có sự đặc biệt về hình dáng tựa như một cánh Hạc đang múa. Nét nổi bật nữa là cầu có trụ tháp bê tông cốt thép tiết diện hình chữ V cao 145 mét, nghêng 120 về phía tây cầu.
Đơn vị thi công chính cả hai cầu này là Tổng Công ty XDCTGT1 (Cienco1), có sự tham gia thi công của các đơn vị Tổng Công ty XDCTGT5 và Tổng Công ty XDCTGT7.
- Ngày 28/9, hởi công cầu vượt 3 tầng tại nút giao thông ngã ba Huế (Đà Nẵng) khi hoàn chỉnh sẽ gồm 3 tầng, mỗi tầng 4 làn xe, bề rộng từ 15 đến 17m.
Theo thiết kế, cầu gồm 3 tầng là tầng mặt đất và 2 tầng cầu vượt, mỗi tầng có 4 làn xe. Trong đó, tầng mặt đất dành cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt; tầng 1 là vòng xuyến trên cao rộng 15m, các nhánh rẽ rộng 16m; cầu vượt tầng 2 rộng 17m và ưu tiên cho 2 hướng phương tiện lưu thông từ Huế vào trung tâm Đà Nẵng và ngược lại.
- Tiếp đến vào ngày 24/11, động thổ xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường mơ ước của người dân miền Trung. 
Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 làn xe, bề rộng nền đường 26m, mặt đường bằng bê tông asphalt rộng 24,5m, vận tốc thiết kế 120km/h đường ô tô cao tốc loại A.
5/ Hà Nội lãng phí hàng tỷ đồng vì những cây cầu thiếu tầm nhìn
Do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch chi tiết giao thông đô thị, Hà Nội đã lãng phí hàng chục tỷ đồng để xây, rồi lại phá dỡ 2 cây cầu vượt cho người đi bộ tại các phố Trần Khát Chân và Nguyễn Chí Thanh
Hơn ba năm trước, Hà Nội bỏ ra 234 tỷ đồng để xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành.Tuy nhiên, không ít những cây cầu được cho là đặt không đúng chỗ nên vắng người qua lại.
Tháng 2/2013, Hà Nội khởi công cây cầu vượt vĩnh cửu  Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, nên cây cầu vượt bộ hành trên đường Trần Khát Chân, cách ngã tư vài chục mét mới sử dụng, có giá trị hơn chục tỷ đồng đã buộc phải tháo dỡ. Cũng vì mục đích giải quyết ùn tắc giao thông, tháng 2/2013, Hà Nội khởi công tiếp cầu vượt vĩnh cửu tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, vì vậy cây cầu bộ hành trên đường Nguyễn Chí Thanh, sử dụng được thời gian ngắn cũng phải tháo dỡ.
Không chỉ có vậy, 2 cây cầu sắt vượt nhẹ đầu tiên tại trục đường Láng Hạ và Tây Sơn, do thiết kế ban đầu, cầu vượt trên đường Láng Hạ chỉ cho xe dưới 3 tấn lưu thông nhiều người thấy cây cầu này khá "mong manh". Khi tuyến xe buýt nhanh tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa được hình thành,  cây cầu vượt này sẽ được gia cường lại để làm phục vụ cho hơn 30 chiếc xe buýt nhanh chạy qua.
Tổng số tiền gia cường cây cầu này khoảng hơn 10 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng việc cây cầu mới được thông xe một năm đã phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng để gia cường cho thấy tầm nhìn hạn chế trong việc quy hoạch giao thông đô thị ở Hà Nội.

6/ Lần đầu tiên 7 Thứ trưởng Bộ GTVT  cùng thanh tra các điểm nóng TNGT
Từ 15/7, Bộ GTVT đã cử 7 đoàn thanh tra do các thứ trưởng GTVT bắt đầu thanh tra ở các địa phương có xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.
Liên quan đến việt thanh tra đồng loạt tại 37 tỉnh thành phố thường xuyên  xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong đó 23 địa phương có số người chết tăng trên 30% là: Đà Nẵng; Quảng Ninh; Tuyên Quang; Phú Thọ; TP HCM; Lạng Sơn; Khánh Hòa; Bắc Ninh; Vĩnh Long; Đăk Lăk; Gia Lai; Cần Thơ; Quảng Bình; Quảng Trị; Hà Tĩnh; Hưng Yên; Bình Dương; Bình Thuận; Ninh Thuận; Bà Rịa - Vũng Tàu; Lai Châu; Yên Bái; An Giang. Đặc biệt 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Bà Rịa - Vũng Tàu; Lai Châu; Yên Bái; An Giang.
Đoàn thanh tra do 7 Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đã tiến hành thanh tra hoạt động quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm phương tiện tại các địa phương và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8/2013.
Sau đợt thanh tra, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ phê bình, nhắc nhở 18/21 tỉnh và thành phố có nhiều yếu kém, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm.
TP.HCM đứng đầu danh sách bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ phê bình trong việc buông lỏng công tác quản lý và cấp phép; thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị vận tải container. Cùng với đó là phê bình các tỉnh An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do chưa thực hiện tốt công tác quản lý về vận tải, có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép.
Kiến nghị nhắc nhở các tỉnh, thành phố Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ cần tập trung chấn chỉnh, quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nhiều địa phương, đơn vị kinh doanh vận tải không quản lý, kiểm tra, nhắc nhở lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, do đó dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt quá tốc độ, như tại Long An, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,

7/ Giao thông miền Trung ngập trong lũ
Do ảnh hưởng của cơn bảo số 15 dẫn đến mưa to nhiều nơi, vào những ngày trung tuần tháng 11. Giao thông nhiếu tỉnh khu vực miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định bị  ngập nặng, nhiều tuyến đường bị hư hỏng khiến cho trục đường giao thông Bắc – Nam trên tuyến quốc lộ 1A và nhiều tuyến quốc lộ lên Tây Nguyên bị tê liệt… Nhiều chuyến bay  bị hủy, nhiều đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc Nam bị mắc kẹt.
Tại  Quảng Ngãi, lũ dâng cao 15 m trong đêm,  dọc Quốc lộ 1A - đoạn qua thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, hoàn toàn bị chìm sâu trong nước, các chuyến xe Bắc - Nam tập trung ở hai đầu tỉnh Bình Định kéo dài hơn 10 km do nước dâng quá lớn, không thể di chuyển,cắt đứt hoàn toàn. Sân bay Bình Định phải đóng cửa. 
Nhiều đoạn trên tuyến đường Quốc lộ 1A tại Quảng Ngãi cũng không thể lưu thông., Nhiều đoạn ở Quốc lộ 24B (huyện Trà Bồng) bị đất từ núi sạt lở xuống, vùi lấp hoàn toàn, không ai qua được. Những tuyến đường khác như Quốc lộ 24, Quốc lộ 24C cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Tuyến đường sắt đoạn qua Quảng Ngãi bị chia cắt, nên nhiều đoàn tàu Thống Nhất phải dừng từ các ga Huế, Quảng Trị để chờ nước rút.
Thừa Thiên Huế  nước sông Hương, sông Bồ ở mức cao, nhiều tuyến đường ngập sâu 0.5 đến 1 m,
Tại Quảng Bình, các huyện miền tây Quảng Bình như Minh Hóa, Tuyên Hóa bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập và hoàn toàn bị tê liệt do nước lũ ngập trắng nhiều đoạn, tuyến quốc lộ 12A đây bị nước lũ ngập khoảng 7 km nên xe cộ không thể di chuyển.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Nhiêu ngập tới 3 m; quốc lộ 12A (đoạn qua Đức Hóa) ngập 0,6m; đường trong thị trấn Quy Đạt ngập 1m; đường 15, tại ngầm Bùng, ngầm Vĩnh Tuy, ngập 2m, đường sắt đoạn qua xã Văn Hóa cũng bị ngập.
Tại Hà Tĩnh, nước dâng cao đã gây ngập lụt toàn bộ thành phố Hà Tĩnh và các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.
Nước sông Ngàn Phố dâng cao tràn qua tuyến quốc lộ 8A đoạn xã Sơn Diệm (Hương Sơn) làm tuyến đường bị ngập sâu hơn 1,5 m với chiều dài gần 200 m
Các tỉnh miền Trung có khoảng 28 hồ chứa nước nhỏ, đều có nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn.
Tuy nhiên chỉ sau vài ngày các khu quản lý đường bộ 4 và 5 đã đã tập trung người và thiết bị nhanh chóng san ủi để thông đường.

8/  Các địa phương đặt tên đường Võ Nguyên Giáp
TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) là tỉnh thành đầu tiên có tuyến đường mang tên Đại tướng.
Theo đó, đoạn cuối tuyến quốc lộ 51, đoạn từ vòng xoay đường 3 tháng 2 đến cầu Cỏ May, đoạn đường cửa ngõ chính dẫn vào TP. Vũng Tàu, là một trong những tuyến đường lớn, quan trọng và đẹp nhất của thành phố biển.. Đây cũng là đoạn đường Đại tướng thường đi bộ rèn luyện sức khỏe và nghỉ ngơi thư giãn tại bãi biển Thùy Vân.
Tiếp theo làTP Đà Nẵng quyết định đặt tên đường Võ Nguyên Giáp nối giữa trục đường Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện niềm tin bất diệt về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ở hai quần đảo này.  Hơn nữa về cuối đời, Đại tướng cũng chọn nơi an nghỉ gần biển,                                                                                                                             Tuyến đường mang tên Đại tướng sẽ có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Chương (quận Sơn Trà) và điểm cuối là đường Minh Mạng (quận Ngũ Hành Sơn.
Trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa – Trường Sa, là nơi thu hút khách du lịch, đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh Đại tướng đến bạn bè quốc tế. hơn nữa.
HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVI, đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở thành phố Đồng Hới. Điểm đầu tuyến đường mang tên Đại tướng tại Quảng Bình có điểm đầu giao với đường Trần Hưng Đạo tại xã Bảo Ninh, điểm cuối tại xã Võ Ninh của huyện Quảng Ninh. Đường Võ Nguyên Giáp chạy ven biển nối liền thành phố Đồng Hới với huyện Quảng Ninh, quê hương của Mẹ Suốt và huyện Lệ Thủy – nơi có nhà lưu niệm của Đại tướng tại quê nhà.
Tuyến đường này rộng 60 mét, dài 7km và đã được thi công hoàn chỉnh 4 km với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cùng các hạng mục như dải phân cách, lề đường.
Tại thành phố HCM, Một phần đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội, TP HCM (gồm cả 2 đường nhánh tại công viên dạ cầu Sài Gòn) dự kiến sẽ được vinh dự mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, tuyến đường sẽ có chiều dài hơn 7,1 km nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc, là trục đường chính đi từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như miền Bắc và Trung vào TP HCM. 
 Riêng tại Thủ đô Hà Nội, hiện tại chưa có đường phố nào có thể sử dụng để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách xứng đáng”.

9) Siết chất lượng bảo hành các công trình giao thông

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông về các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 9/2011 đến nay, chất lượng các dự án trong thời gian bảo hành và sau khi hết thời gian bảo hành còn khá nhiều khiếm khuyết, có phát sinh hư hỏng như: lún cục bộ, bong bật, rạn chân chim, hằn vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa, lún tại một số vị trí tiếp giáp giữa nền đường với các công trình cầu, cống..
Trước tình trạng xuống cấp của một số công trình giao thông ngay sau khi hết thời hạn bảo hành diễn ra thời gian gần đây khiến nhiều người nghi ngại về chất lượng thi công và chế độ bảo hành công trình giao thông,
Vì vậy ký bằng văn bản số 12394/BGTVT-CQLXD ngày 18/11/2013 gửi các đơn vị trực thuộc, Bộ GTVT chính thức siết chặt công tác quản lý chất lượng và chế độ bảo hành này.
Theo đó, đối với các dự án trong thời gian bảo hành, Bộ yêu cầu Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu khắc phục, sửa chữa các hư hỏng phát sinh, đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng dự án. Trường hợp công trình có hư hỏng lớn, xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, mất an toàn giao thông,sau khi kiểm tra và có kết luận vi phạm Bộ GTVT sẽ xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trường hợp kiểm định cho thấy công trình có khiếm khuyết về chất lượng thi công không đảm bảo yêu cầu, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án yêu cầu nhà thầu kéo dài thời gian bảo hành công trình.
Với chỉ thị mới này của Bộ trưởng Bộ GTVT, tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các công trình giao thông đường bộ xảy ra ngay sau khi hoàn thiện không lâu sẽ không còn tiếp diễn.

10/ Bắt đầu áp dụng hình thức xử phạt vi phạm giao thông qua camera
Từ tháng 12 công an TP.HCM, bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh thu được từ camera giam sát trên các tuyến đường phố.
Đây là một biện pháp nhằm tăng cường năng lực cưỡng chế các vi phạm hành chính thông qua phương tiện kỹ thuật; xử lý nghiêm, triệt để…đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông của người dân.
Theo công an TPHCM, từ đầu năm 2013 đến nay phòng CSGT đã gửi giấy thông báo vi phạm Luật giao thông đường bộ cho 29.910 tổ chức, cá nhân trên địa bàn TPHCM. Trong đó có khoảng 4.266 trường hợp đã được gửi phiếu báo vi phạm lần thứ ba nhưng chưa chịu nộp phạt.
Để việc xử phạt đúng phương tiện và đúng lỗi vi phạm và ngày giờ phạm lỗi, các trường hợp vi phạm trước đây đã được CSGT ghi hình, gửi thông báo về địa phương nhưng chủ xe, người điều khiển xe chưa chấp hành việc xử phạt, CSGT sẽ tiếp tục tra cứu, cập nhật thông tin về phương tiện đó trên máy tính xách tay kết nối với hệ thống dữ liệu.
Những ngày đầu áp dụng hình thức phạt nguội này, rất nhiều người bị kiểm tra tỏ ra ngạc nhiên khi họ cho rằng không hề vi phạm nhưng vẫn bị tuýt còi. Nhưng sau khi được CSGT cho xem lại nội dung chiếc xe mình đang điều khiển từng vi phạm trước đó thì tất cả đều vui vẻ chấp nhận.
Việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông qua camera, là một biện pháp hữu hiệu, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân. Hình thức sử phạt này sẽ được triển khai thực hiện ở những thành phố lớn trên cả nước../.

Chu Đức Soàn


0 comments:

Post a Comment

Popular Posts