Lời mở đầu:
Cách đây 60 năm,trong chiến dịch Điện Biên, quân và dân ta đã mở những con đường hành quân lên Tây Bắc, làm nên chiến thắng làm chấn động toàn cầu,, khiến quân Pháp đầu hàng và ký hiệp định Giơnevơ chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp tại Đông Dương, khôi phục hòa bình ở Việt Nam và đến ngày 10 tháng 10/1954, đoàn quân thắng trận Điện Biện đã về tiếp quản Thủ đô, chấm dứt 80 năm Pháp đô hộ Việt Nam. Những địa danh lịch sử và con đường huyền thoại khi xưa đưa bộ đội ta hành quân vào chiến dịch Điện Biên, bây gilờ đã và đang phục vụ cho công cuộc phát triên kinh tế , xã hội. cho cả một vùng Tây Bắc rộng lớn.
…..
Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam đã tính toán là muốn đưa được toàn bộ xe pháo và nhiều tấn lương thực, thực phẩm để bộ đội “ăn no, đánh thắng”..Tất cả đều phải vận chuyển qua nhiều ngả đường hành quân lên vùng núi Tây Bắc, phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Những trục đường để cho ô tô kéo pháo và dân công hỏa tuyến chuyển chở lương thực, thực phẩm bằng xe đạp thồ ấy, đã được lịch sử ghi nhận là các trục đường từ Thủ đô “ Kháng chiến” lên vùng núi Tây Bắc như sau:
(Bến phà Âu Lâu xưa, nay là cầu Yên Bái trên quốc lộ 37 )
1) Từ Thái Nguyên đến Phú Thọ, qua các địa danh là đèo Khế và bến Bình Ca (Tuyên Quang) trên sông Lô, tức sông Hồng và đến Phú Thọ.
Vào cuối năm 1953, trên đường từ Thái Nguyên lên Tây Bắc chỉ đạo chiến dịch Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua đèo Khế và đến bến Bình Ca, bên dòng sông Lô, chứng kiến quang cảnh người, xe pháo nhộn nhịp hành quân,Đại tướng đã mô tả khi qua bến Bình Ca như sau:
“Xe chạy giữa những đoàn người đi cùng chiều, tuôn thảy như nước. Đồng bào vui vẻ hoan hô cán bộ đi xe Ô tô ra mặt trận, nhìn thấy qua đây dấu hiệu trưởng thành của quân đội, của kháng chiến. Đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa trên suốt dọn đường. Bến Bình Ca đầy ứ xe vận tải, hưng hực không khí chiến dịch.( hồi ký: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. - Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp )
Bến Bình Ca ngày xưa chỉ là một bến phà nhỏ bé, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bến Bình Ca trở thành một bến phà chiến lược quan trọng nối quốc lộ 37 từ xã Vĩnh Lợi,Thái Nguyên, sang xã An Khang Tuyên Quang, là con đường; là huyết mạch của “ thủ đô kháng chiến” đến vùng tự do. Đến đây quốc lộ 37 tiếp tục chạy qua Mỹ Lâm đến Yên Bái, rồi vượt qua một vùng rừng núi rộng lớn của các tỉnh Sơn La, Lai Châu.. Bến Bình Ca, cũng là nơi diễn ra chiến công mở đầu của chiến thắng sông Lô tạo một cột mốc quân sự quan trọng để QĐND Việt Namì chuyển sang một giai đoạn mới, chủ động tiêu hao địch, chuẩn bị tổng phản công.
Hiện trên bến Bình Ca xưa, vẫn còn 3 di tích quan trọng trong hệ di tích Bình Ca được xếp hạng là đường Chiến Thắng, phà Bình Ca và Tượng đài Chiến Thắng.
Từ khi có cầu Đông Tiến, bến phà Bình Ca hầu như không hoạt động, bây giờ tại bến phà năm xưa vẫn còn dấu tích, theo dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, có điểm đầu từ Pắc Pó Cao Bằng xuôi về Hà Nội sẽ qua bến phà này theo quốc lộ 37 và nơi đây sẽ được xây một cây cầu lớn qua dòng sông Lô, được gọi là cầu Bình Ca. Cây cầu nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh,sẽ qua thị xã Phú Thọ, qua Ngọc Tháp, tại sông Hồng, nhập với quốc lộ 32, đến Ba Vì, Sơn Tây, qua đầu trục Đại lộ Thăng Long, men theo dải Trường Sơn, đi suốt chiều dài đât nước đến đất mũi Cà Mau.
2- Từ Việt Bắc lên Tây Bắc là trục đường 13, Yên Bái qua Tạ Khoa đến Cò Nòi nhập vào đường 41, tức quốc lộ số 6 bây giờ.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, thị xã Yên Bái nơi đường 13 đi qua, được Quân ủy Trung ương đặt là nơi tập kết xe pháo và hành quân lên Tây Bắc theo trục đường 13, nay là quốc lộ 37.
Điểm vượt sông quan trọng của trục tuyến đường này là bến phà Âu Lâu năm xưa. Lịch sử dẫ ghi nhận về bến này như sau:
Do có vị trí đặc biệt, nên bến phà Âu Lâu được chọn là một trong những vị trí quan trọng nhất chung chuyển quân lương từ các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ lên mặt trận Biện Biên Phủ.
Vào thời đó, tại bến này chỉ có 2 chiếc phà, mỗi phà chỉ chở được 2 hoặc 3 ôtô mỗi lượt. Để bảo đảm bí mật, ban ngày người ta giấu phà bằng cách làm chìm phà xuống sông, chạng vạng tối lại cho phà nổi lên. Phương pháp vận chuyển phà vô cùng thủ công, một số công nhân lái phà cùng nhau bám theo sợi dây néo hai bên bờ, còn một số khác thì thay nhau dùng sào chống, đẩy, về sau được cải tiến nên mỗi đêm thường chở được 50 chuyến.
Người dân làng Vạn Lâu thạo sông nước, cũng được huy động trở thành một phân đoàn thuyền nan phục vụ việc đưa dân công, bộ đội qua sông suốt cả ngày lẫn đêm. Những chiếc thuyền nan nhỏ bé, mỗi chuyến cũng chở được năm bảy người hoặc 2 chiếc xe thồ cùng hàng hóa qua sông. Thuyền phục vụ chiến dịch như lá tre vượt sông. Tại bến phà này đã có trên 3 vạn bộ đội, dân công được qua lại an toàn, đã có 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vượt sông vận chuyển vào chiến trường.
Hôm nay, cách bến Âu Lâu năm xưa không xa về phía hạ lưu, là chiếc cầu thép vượt sông và được đặt tên là cầu Yên Bái. Cầu do cán bộ, công nhân thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long xây dựng vào ngày đầu năm 1990, đến ngày cuối năm 1992 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu có chiều dài trên 300m, rộng 7m, với 2 làn đường dành cho người đi bộ mỗi làn đường rộng 1m.
Bên 2 bến bờ của bến Âu Lâu, đã được thành phố Yên Bái sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế và du lịch. Hằng năm cứ vào ngày lễ mùng 7 tháng 5, khu vực này được trang hoàng rực rỡ hơn và những người qua đây sẽ thêm một chút lắng đọng về bến Âu Lâu, chặng đường đầu, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên.
Hành trình lên vùng núi Tây Bắc, được bắt đầu từ đường 13 (Yên Bái) qua phà Âu Lâu, bây giờ gọi là quốc lộ 37.
Quốc lộ 37 là tuyến đường liên tỉnh nối 7 tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La với nhau,dài 470 km. Trên bản đồ Quốc lộ 37 giống như một vòng cung bảo vệ cho Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ từ phía đông bắc, phía bắc và phía tây. Quốc lộ 37 vượt qua các con sông lớn như: sông Luộc, sông Thái Bình, sông Cầu, sông Chảy, sông Hồng, sông Đà; và vượt qua các dãy núi lớn là dãy Tam Đảo (qua Đèo Khế) và dãy Hoàng Liên Sơn; đi qua nhiều vùng hẻo lánh với núi non hùng vĩ và có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Quốc lộ 37 chia làm hai đoạn chạy qua các huyện sau:
Đoạn 1 qua các tỉnh vùng Đông Bắc. Đoạn 2:qua các thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Văn Chấn, Phù Yên. Điểm cuối tuyến tại Ngã ba Cò Nòi thuộc xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trục đường lịch sử này qua các địa danh tiêu biểu sau:
- Ngã ba Ba Khe, là điểm quốc lộ 37 giao nhau và song trùng với quốc lộ 32, theo hướng Đông Nam,qua khu vực của nông trường Trần Phú.
Ngày xưa nơi đây là những quả đôi hoang vu, bộ đội và dân công ta trên đường hành quân kéo pháo, tải lương thường dừng nghỉ tại khu vực này. Bây giò đã là thị trấn của nông trường Trần Phú, dân cư đông đúc. Có điều lý thú là những cư dân đầu tiên khi thành lập nông trường, hầu hết đều là những anh bộ đội đã từng hành quân qua đây. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, một số đơn vị quân đội Nhân dân Việt Nam, đã đến đây vừa làm nhiệm vụ tiễu phỉ và góp sức xây dựng các công nông trường. Nông trường Trần Phú mà người dân của thập kỉ 60 thế kỉ trước quen gọi là Nông trường Quân đội. Trước khi làm lễ “hạ sao”, thì, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều là những người lính Bộ đội Cụ Hồ xuất sắc của các Sư đoàn Anh hùng như: 308, 325, 312, 304... với đủ các miền quê từ Thừa Thiên Huế, đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang…
Nơi đây cây chè là chủ lực, cây cam là thế mạnh, ngoài ra là chăn nuôi. Toàn thị trấn có 566 ha chè, sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt gần 5.000 tấn, ngoài ra còn có 123 ha cam với sản lượng đạt 1.800 tấn quả mỗi năm. Những năm gần đay thị trấn có khoảng 350 hộ nuôi ba ba và mỗi năm mang lại một nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình.
Đi chừng 40km, đến khu vực xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn - Yên Bái, quốc lộ 37 tách quốc lộ 32 đi theo hướng Tây Nam. Nơi đây trong chiến dịch Điện Biên đã được chọn là nơi tập trung quân lương, quân dụng, để vượt đèo Lũng Lô tiếp tế cho chiến dịch. Ủy ban kháng chiến xã được giao nhiệm vụ khảo sát và lãnh đạo các lực lượng địa phương tham gia mở đường qua đèo Lũng Lô.
Đây là đoạn đường đèo có nhiều dốc cao, ngoằn ngoèo được coi là nguy hiểm nhất trên tuyến đường này. Để đảm bảo đường đèo đủ chiều rộng và độ dốc thoải cần thiết để cho các loại xe Gaz 63 và GMC kéo những khẩu pháo nặng tới 2,5 tấn qua đèo an toàn. Tại đèo này đã có gần 125.000 chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong và dân công tham gia bạt núi, mở đường. Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch. Hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược vượt đường đèo an toàn. Tuyến đường qua đèo Lũng Lô đã trở thành môt trong 2 tuyến đường đèo huyền thoại trong trong chiến dịch Điện Biên.
Con đường tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô là một kỳ tích lịch sử làm thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ bởi tinh thần quả cảm của quân và dân ta.
Bây giờ trục đường vẫn có vị trí quan trọng, án ngữ hai con đường huyết mạch là quốc lộ 37 về hướng tây bắc Tổ quốc và quốc lộ 32 , xuôi về phía Đông Nam chừng 160km là đến Thủ đô Hà Nội.
Ngày nay, nếu xuất phát từ thành phố Yên Bái đi tham quan đèo Lũng Lô, ta chỉ mất có một ngày vừa đi vừa về và có một bữa trưa thú vị ở Thượng Bằng La hoặc Mường Cơi với những món ẩm thực đặc sản. Tới đỉnh đèo lộng gió, bạn sẽ thu vào tầm mắt những thung lũng xanh tươi, những trang trại chăn nuôi đầy bò, dê của đồng bào quanh vùng Thượng Bằng La (Văn Chấn) và Mường Cơi (Phù Yên). Nao nao nhớ những bước chân hào hùng một thuở, phong cảnh và lịch sử con đèo đã đi vào huyền thoại. Lũng Lô xứng đáng là một địa chỉ du lịch về nguồn và khám phá trên vùng đất Tây Bắc đầy vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
- Trục đường hành quân năm xưa tiếp tục theo hương tây khoảng 100 cây số đến thị trấn huyện Phù Yên và bến phà Tạ Khoa. Ngày đó. bất chấp máy bay địch ngày đêm bắn phá các trọng điểm như đèo Lũng Lô, đèo Ban, đèo Nhọt, Phiêng Ban, bến phà Tạ Khoa, rồi đến đèo Chẹn,… hàng trăm thanh niên các dân tộc huyện Phù Yên luôn bám sát mặt đường, mở thông tuyến đường cùng bộ đội và 20.000 dân công cả nước vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược cho bộ đội, tập trung mọi sức lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc này Phù Yên là một địa bàn quan trọng trong việc trú quân của các đội chuyển quân lên hướng Tây Bắc. Phù Yên có đường nối liền với chiến khu Việt Bắc và Thanh Hoá. Cánh rừng đèo Nhọt được hai dãy núi chắn bao bọc, cây cối xanh tốt, với những thảm thực vật nghi binh, quanh năm mây phủ dày đặc. Nơi đây còn được gọi là rừng Tướng Giáp hay rừng bản Nhọt là một điểm, trên đường lên chỉ huy chiến dịch Điện Biên, Đại tướng đã dừng nghỉ tại đây.
Bây giờ Phù Yên vẫn là một thị trấn thanh bình, nơi có nhiều cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ, nhiều cánh rừng vẫn được giữ gìn với nhiều loại gỗ quí đặc trưng cho vùng đất Sơn La như: Lát hoa, Chò chỉ, Sâng lụa,… và hàng chục loài chim quí hiếm, được rất nhiều khách du lịch mạo hiểm đến đây khám phá,
Bến phà tạ Khoa năm xưa bây giờ đã được bắc một cây cầu bê tông vĩnh cửu hiện đại, được gọi là cầu Tạ Khoa. Cầu Tạ Khoa và các quốc lộ 32 và 37 không chỉ trực tiếp phục vụ giao thông của tỉnh Sơn La và Yên Bái mà còn nối liền vùng Tây Bắc với Việt Bắc và với Hà Nội. Cách đây 10 năm với các tuyến đường được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc lên xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La vào năm 2005. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 2001 do 5 đơn vị thi công gồm: Công ty tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm, thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI, Công ty cầu 12, cầu 14, thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 Cienco1, Công ty cầu 1 và cầu 7, thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long.
- Tuyến đường đi qua nhiều đường đèo dốc quanh co khác, điển hình là đèo Chẹn cheo leo, hiểm trở và điểm cuối là tại ngã ba Cò Nòi, nơi giao nhau với đường 41, bây giờ là quốc lộ 6A.
Dọc tuyến đường này Ngã ba Cò Nòi là ngã ba nối giữa các trục đường 41 (quốc lộ 6) và đường 13 ( quốc lộ 37) nên địch biết rất rõ các hướng hành quân lên Điện Biên đều phải qua đây. Với tính chất quan trọng như vậy, cho nên địch tập trung đánh phá rất ác liệt tại ngã ba Cò Nòi nhằm cắt đứt con đường huyết mạch của ta,
Chúng đã ném xuống đây với mật độ bom dày đặc. Cứ 13 phút chúng lại ném bom đánh phá 1 lần. Có ngày chúng thả xuống đây 300 quả bom các loại: Bom phá, bom nổ chậm, bom na pan, bom bươm bướm. Từ tháng 3 đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Không ngày nào là không ngừng tieéng bôm của máy bay Pháp ném xuống tại nơi đây. Chúng đánh dồn dập, tập trung vào nút điểm Ngã ba Cò Nòi - Mai Sơn Sơn La
Hàng vạn nam nữ thanh niên trong cả nước, trong đó có TNXP các dân tộc Sơn La không quản khó khăn, gian khổ và hy sinh, ngày đêm chốt ở những trọng điểm thường xuyên bị địch đánh phá. Đảm bảo mạch máu giao thông, thông suốt từ Yên Bái qua Sơn La đến Lai Châu, Điện Biên Phủ. Tại Ngã ba Cò Nòi đoàn thanh niên xung phong Trung ương được giao nhiệm vụ bám trụ tại đây: Gồm 4 đại đội: 300, 301, 303, 403 thuộc hai đội 43 và 40 cùng tham gia chiến đấu với các lực lượng chủ lực. Dưới bom đạn ác liệt của Pháp. Lực lượng thanh niên xung phong luôn bám đường, bám trụ đảm bảo thông đường cho quân và dân ta tiến vào Điện Biên Phủ.
nhưng sau những cuộc ném bom của địch, các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong vẫn ngày đêm bám trụ, đảm bảo thông đường. Nơi đây nhiều chiến sũ và Thanh niên xung phong đã hy sinh; Trong quá trình phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi 100 chiến sỹ và Thanh niên xung phong đã hy sinh.
Khi đi qua đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận: “Các con đường tới đây đã biến đi dưới những hố bom. Kể cả những đồi núi chung quanh cũng chỉ còn là một màu đất đỏ Dân công tiếp tục san đất sửa đường cho xe qua. Công việc luôn luôn bị đứt quãng vì máy bay tới ném bom, thả pháo sáng. Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải tất cả những người ra trận đều phải vượt qua. Người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bậc, Tây Bấc, Khu 3, Khu 4 đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công..., đơn vị này nối tiếp đơn vị kia. Các chiến sĩ mặc áo bông mới dài tay, súng đạn, ba lô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nối nhau bước gấp…”
Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ thanh niên xung phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, vào tháng 4/2000 UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng khu đài tưởng niệm với quy mô lớn. Bây giờ mỗi khi đi qua ngã ba Cò Nòi, mọi người đều dừng lại để chiêm ngưỡng một công trình lịch sử văn hoá của cả nước nói chung và Sơn La nói riêng là biểu tượng giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam.
( Nằm trên quốc lộ 13, từ thị xã Yên Bái tới Ngã ba Cò Nòi dài 183 km. )
3- Từ Hòa Bình qua Chợ Bờ, Suối Rút và từ miền Tây Thanh Hóa qua Hồi Xuân , phố Vãng, Mai Châu, tuyến đường 15 bây giờ và nhập vào quốc lộ 41 tại Bái Sang để lên Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo và tiến vào Điện Biên.
Theo báo Thanh Hóa onlie new, : “Trong chiến dịch Điện Biên, Thanh Hóa cùng với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp thành hậu phương Thanh – Nghệ - Tĩnh, trong đó Thanh Hóa được coi là hậu phương lớn trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Liên khu III, Bắc bộ và Tây Bắc…”.
Mở đầu đợt vận chuyển đầu tiên lên chiến dịch Điện Biên, Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.352 tấn gạo (giao tại Hồi Xuân), 100 tấn thực phẩm (giao tại Sơn La). Đợt 2, đầu tháng 3-1954 Trung ương giao Thanh Hóa huy động và vận chuyển 1.000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại Km số 22 đường 41, Thanh Hóa hoàn thành trước thời hạn 3 ngày và đợt 3 là khi chiến dịch chuyển sang giai đoạn kết thúc, với chỉ tiêu 2.000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm.
Thanh Hóa khi đó đã huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện vận chuyển như xe đạp, ô tô, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ vận chuyển lương thực cung cấp cho chiến trường. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh âyNhững đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa, vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo qua, Ngọc Lặc, Na Sài, Hồi Xuân, Vạn Mai, Mai Châu, Suối Rút ( Hòa Bình), tới Mộc Châu, Cò Nòi đến Sơn La, đưa hàng tới đích an toàn và bí mật.
Trục đường mà lực lượng thanh niên xung phong Thanh Hóa đến xóm Vãng Mai Châu Hòa Bình, ngày nay chính là quốc lộ 15 (bao gồm cả 15A và 15C).. Trục đường này đi tiếp đến cầu Bái Sang nhập với đường 41 khi xưa, bây giờ trên toàn tuyến goị là quốc lộ 6A và từ đó ngược lên Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo
Những trục đường và địa danh ngày xưa, bây giờ đã đổi thay rât nhiều. Tuyến đường vận chuyển xưa sau 1954 đã được xây dựng để trở thành quốc lộ 15 mà đầu tuyến là ngã ba Tòng Đậu, nằm ở đầu huyện Mai Châu. Ngọc Lặc ngày xưa nhỏ bé, bây giờ trở thành giờ trở.trấn lớn, nằm giữa 2 trục đường 15 và đường Hồ Chí Minh - Một trục đường hiện đại trải dài theo trục Bắc Nam, từ Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau. Bến phà Na Sài ngày xưa bây giờ đã được bắc cầu bê tông vĩnh cửu.. Cầu do Công ty cầu 1 thuộc TCT Thăng Long xây dựng. Bản Lác, phố Vãng Mai Châu giờ đã thành một địa chỉ du lịch ưa thích không chỉ cho khách nước ngoài, mà người trong nước cũng rất muốn đến. Tuyến đường 41 hay là quốc lộ 6A có một số địa danh như Chợ Bờ, Suối Rút, cầu Bái Sang, km22, đoạn đường đèo km46.. từ khi xây thủy điện Hòa Bình, đoạn đường này không còn được sử dụng vì có nhiều đèo dốc, cua gấp rất nguy hiểm và các bến phà Chợ Bờ, Suối Rút không còn nữa mà đã trở thành vùng lòng hồ Hòa Bình. Một đoạn đường mới, được xây dựng từ những năm1980. bằng phẳng hơn và hầu như không có đèo dốc, từ Đồng Bảng qua Lóng Luông đến đầu nông trường chè Tô Hiệu. Sau giải phóng Điên Biên, người Pháp chấm dứt chiến tranh Đông Dương, vào năm 1955 Mộc Châu là nơi đóng quân của các đơn vị quân đội từ chiến trường Lào về làm nhiệm vụ tiếu phỉ. Năm 1957 có môt đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế, từ đó nông trường quân đội được hình thành, sau đặt tên gọi là nông trường Mộc Châu. Nông trường chủ yếu là trồng chè và chăn nuôi bò sữa và trở thành một vùng cao nguyên kinh tế nông nghiệp trù phù bậc nhất của Tây Bắc…
Tuyến đường đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh Sơn La như: Yên Châu nơi có tuyến đường đèo Chiềng Đông quanh co nguy hiểm. Qua đèo Chiềng Đông là ngã ba Cò Nòi, nơi hội tụ của quốc lộ 6 ( đường 41 cũ) với quốc lộ 37 ( đường 13 cũ). Để rồi từ ngã ba lịch sử này các đoàn quân, các đoàn xe pháo, xe thồ tiếp tục hành quân tiến về mặt trận Điện Biên.
Trên trục tuyến từ Cò Nòi qua thị xã Sơn La đến Tuần Giáo có 2 đoạn đường đèo là Chiềng Pấc và Pha Đin. Trong đó đêo Pha Đin là nguy hiểm nhất, bởi thành vách núi cao, vực sâu, quanh co nhiều khúc cua hẹp.về mùa đông và mùa xuân dày đặc sương mù.
Những đoạn đường đèo vòng quanh ôm núi, rồi vắt ngang lưng trời từ Sơn La sang Điện Biên, con đèo lịch sử dài 32km ghi danh cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đầy hào khí. Ngày xưa, với những đoạn dốc dựng đứng, hay khúc cua giật chữ A mang trên mình vô số câu chuyện về lòng quả cảm của những con người vượt đèo dưới mưa bom, tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng nhất tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến trường,. Nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của quân và dân ta, gần 2 tháng, quân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin. Tại đây quân Phápcòn thả thêm nhiều bom chờ nổ và bom bươm bướm. Những chiến sỹ công binh ngoài việc chặt cây, phát quang còn phải nhặt bom bi rơi rải rác khắp nơi để dọn một con đường sạch..Con đèo trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hiện trên đỉnh đèo Pha Đin vẫn còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký của mình đã viết:” Từng đoàn xe ô tô vận tải, xe kéo pháo chậm chạp qua suối, máy rú từng hồi khi lên dốc. Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công binh mới bắc qua suôi, những chị dân công đòn gánh cong vút vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lủi điều khiển chú "voi con" đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton, dưới sự dẫn dát kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận…”
Từ năm 2005 đến năm 2010, trên trục quốc lộ 6 nói chung trong đó có đèo Pha Đin, Bộ GTVT đã triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La-Tuần Giáo. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phía trái đường đèo cũ, có độ cao khoảng thấp hơn đèo Pha Đin cũ rất nhiều, đã khiến con đường đèo mới không còn cua tay áo, không còn dốc cao, việc đi lại thuận tiện an toàn hơn rất nhiều so với đường đèo cũ.
Trên đường đèo mới gần các bản hơn, nên đã hình thành một chợ nhỏ ven đường. Người dân nơi đây chủ yếu là người H’Mong, bày bán nhiều sản vật đặc trưng của núi rừng Tây Bắc ngư: Các lạo chim, thịt ngựa, măng, táo mèo, rau cải mèo, mật ong rừng,...
Qua hết đoạn đường đèo là ngã ba Tuần Giáo. Trong chiến dịch Điện Biên, Tuần giáo vừa là nơi tập kết và trung chuyển bộ đội và lương thực thực phẩm vào mặt trận Điện Biên cách đó 82 km, nơi đây cách phố huyện 15km về phiá Điện Biên, tại hang Thẩm Pùa, còn là nơi đặt sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ và được người dân bản địa gọi là hang "ông Giáp. Sau đó sở chỉ huy chiến dịch được chuyển đến Nà Tấu vào Mường Phăng, một núi cao có thể bao quát toàn bộ cánh đồng Mường Thanh.
Trước khi quân ta đánh Điện Biên, trục đường từ Tuần Giáo tới Điện Biên chỉ rộng một mét, lại qua nhiều dốc cao và gần trăm con suối đã lâu không được sử dụng đã trở thành đường mòn dành cho ngựa đi, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng bạt núi mở đường, các lực lượng thanh niên xung phong và công binh, con đường đã được mở rộng cho xe kéo pháo vào vùng phụ cận Điện Biên. Tiếp đó, chúng ta đã mở năm con đường mới qua các sườn núi và ngọn đèo ở xung quanh Điện Biên Phủ, để vận chuyển pháo binh bằng xe hơi. Từ đây, , trên quãng đường dài 15 km, các khẩu pháo đã được kéo bằng tay vào những trận địa. Đường kéo pháo rộng chừng ba mét, chạy qua cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông, hay xuống các Bản Tấu, Nậm Khâu U, Bãi Cháy… vào sườn núi. Những khẩu pháo 105 ly, pháo cao xạ 37 ly, hay sơn pháo… đã vượt đèo cao suối sâu một cách bí mật,nhờ vậy toàn bộ vùng lòng chảo Điện Biên đều nằm trong tầm hoả lực pháo binh của quân đội ta, tạo nên yếu tố bất ngờ.và làm tiêu hao sinh lực của quân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên.
Bây giờ thị trấn Tuần Giáo nằm trên 2 trục quốc lộ 279 và quốc lộ 6, có nền kinh tế chủ yếu trồng ngô, lúa, chè, bông, trẩu, đồng cỏ, cây ăn quả, chăn nuôi: bò, trâu, nuôi ong lấy mật, cánh kiến, dê. Khai thác đặc sản rừng và chế biến chè, nông sản..Tuyến đường từ Tuần Giáo đến thành phố Điện Biên Phủ, hiện là đoạn cuối của quốc lộ 279 – Một tuyến đi theo vòng cung từ bờ biển Đông Bắc sang vùng rừng núi Tây Bắc. Để phục vụ tỉnh Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, những năm gần đây, đoạn đường này đã được nâng cấp và cải tạo, đường rộng và êm thuận hơn, ít đèo dốc hơn, con đèo Tằng Quái không còn nguy hiểm nữa..
Những con đường ra chiến dịch làm nên chiến thắng Điện Biên vào năm 1954 đã đưa nước Việt Nam ta thêm một lần nữa đã để cho các nước trên thế giới biết rằng: Một đất nước nhỏ bé, nếu đoàn kết một lòng và cùng chung một ý chí đánh giặc ngoại xâm, thì sẽ đánh bại một đất nước lớn có dã tâm xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta, nó được ví như Bạch Đằng, Xương, Giang, Chi Lăng, Đống Đa… của các vương triều nước ta.
Các con đường huyền thoại ngày xưa hiên nay đều là những trục đường, trục lớn góp phần để cho Tây Bắc phát triển các nông, lâm trường. Cán bộ, công nhân nông, lâm trường đầu tiên, họ đều là những người lính đã làm nên chiến thắng Điện Biên, đã chuyển ngành, tham gia vỡ đât khai hoang các vùng đồi, núi hoang vu, để trồng chè, cà phê, cao su, cam, chăn nuôi dê, nuôi bò sữa. Những con đường xưa nay đã trở thành đường chính phục vụ xây dựng nên các công trình thủy điện vào loại lớn nhất nước ta như các nhà máy thủy điện: Sơn La, Lai Châu…Con người các dân tộc Tây Bắc và con đường huyền thoại khi xưa, thực sự đưa một vùng Tây Bắc hoang vu trở thành một vùng phát triển kinh tế và du lịch. Đoạn cuối của con đường hành quân chiến dịch Điện Biên, cách đây 60 năm chiến trường Điện Biên Phủ, bây giờ là thành phố Điện Biên Phủ. Trục đường này đi qua trung tâm thành phố, gắn liền với nhiều địa danh liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, như: Him Lam, nơi gắn với trận đánh lịch sử, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; qua đồi E1, E2, đồi D1 nơi đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng của khát vọng hòa bình; di tích đồi A1- Nơi chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của quân đội ta và còn là nơi đặt nghĩa trang A1, nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bây giờ được đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp - Vị đại tướng, tực tiếp chỉ huy chiến dịch, người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa tên nước Việt Nam, vang dội khắp toàn cầu.
Các con đường “huyền thoại” lên chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, bây giờ đã và đang viết tiếp những “huyền thoại” mới trong xây dựng kinh tế theo hướng Hiện đại hóa – Công nghiệp hóa./.
Chu Đức Soàn
0 comments:
Post a Comment