Vài nét mở đầu
Tôi đã nghe mọi người kể về những điều tuyệt vời về đât nước, con người, về giao thông đô thị và môi trường ở Quốc đảo Đài Loan (Tai wan) và người ta đã ví Đài Loan như Phần Lan, Singapo, Nhật Bản… Khi đến Đài Loan, nghỉ tại thành phố Đài Bắc (Taipei), được chính người dân thành phố trực tiếp dẫn đi đến một số nơi, từ Đài Bắc đến Đài Trung (TaiChung) và tỉnh Nam Đầu (Nanlou)…được đến những địa danh, những di tích và danh thắng, cũng như các chợ dân sinh nội tiếng của Đài Loan.., Tôi mới vỡ lẽ rằng những gì mà tôi đã nghe, về đất nước, con người, môi trường và không gian đô thị ở quốc đảo này, thì đều đúng cả, thậm chí còn phong phú hơn nhiều, về những điều mà mọi người đã kể, vì tôi được mắt thấy, tai nghe.
Trước hết là đường và hè phố.
Tôi đi xe taxi từ sân bay Đào Viên ( Taoyuan) về trung tâm thành phố Đài Bắc (Taipei). Với quãng đường dài chừng 30 cây số toàn là đường cao tốc. Có đoạn đường bằng đường có tới 6 làn xe, có đoạn đường trên cao được tách ra 2 đường xuôi ngược, mỗi đường thường có 2 làn, có đoạn là 3 làn. Tại các nút giao có tới 3 đến 4 tầng đường. Hai bên đường, nơi nào có nhà dân, thì đều có hàng rào cách âm.
Cái hay là trong suốt cuộc hành trình, chủ yếu là tôi đi bộ. Đi bộ trên những đường phố lớn và cả đến những con phố nhỏ, nhiều nhất là đi nhiều tầu điện ngầm, tầu cao tốc và cả tầu không người lái. Có một đôi lần tôi đi xe buýt. Bạn tôi nói: Người dân Đài Loan thường đi giầy vải để lưu thông trên đường phố. Vì tính tiện ích của giầy, là êm, nhẹ nhàng, không gây đau, mỏi chân, di chuyển nhanh mà chắc chắn, nên tôi đã ra chợ để mua cho mình một đôi giầy. Giầy ở đây, một đôi ưng ý thật ra không đắt hơn ở Việt Nam bao nhiêu, nhưng chất lượng thì hơn hẳn
Ở trung tâm thành phố Đài Bắc ô tô thường để ở tầng hầm, còn ở các quận ngoại vi còn có thêm bãi đỗ xe. Đối với xe máy dường như người ta không trong nhà, mà hầu hết để xe ở ngoài long đường, hoặc nơi có vỉa hè rộng.
Ở nhứng trục đường chính đều rộng, vỉa hè cũng rộng rãi và cả đường hè dù ở phố lớn hay con phố nhỏ đều sạch sẽ, không thấy đất rác lổn nhổn như ở Hà Nội.
Điều thật đặc biệt là hầu hết các tuyến đường phố, người Đài Loan thường giành gian đầu thông thoáng với vỉa hè, gian sau mới là cửa hàng, cửa hiệu hay cửa cơ quan, công ty. Vì vây người đi bộ dù trười mưa hay nắng đều có mái che. Tôi quan sát, không chỉ ở Đài Bắc, mà ở thành phố Đài Chung và ngay cả một thị trấn gần hồ Nhật Nguyệt ở huyện Nam Đầu (Nanlou), vùng núi miền trung Đài Loan, người ta cũng để trống gian đầu như vậy.
Bạn tôi cho biết: Đó là chính quyền Đài Loan quy định như vậy ở các khu đô thị lớn khi người dân có nhà mặt phố, đều phải chừa “mái che” khoảng 2-3m để người dân sử dụng. Không hộ nào dám lấn chiếm vỉa hè lề đường làm nơi kinh doanh … nhìn tổng thể về quy định đường nét kiến trúc như vậy, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong “văn minh đô thị”, được cả xã hội và người unrg hộ chấp hành.
Còn một điều khá thú vị nữa, ở Đài Loan là gần như toàn bộ xe máy của mọi người không để trong nhà, mà thường xuyên được để ngoài lòng đường. Một chiếc xe có thể để từ ngày này qua ngày khác mà không sợ bị mất cắp. Điều đặc biệt hơn xe máy và ô tô đều là chính chủ, cơ quan quản lý đô thị chỉ cần nhìn biển số xe là biết chủ xe là ai, ở đâu, chính vì vậy với hệ thông camera được đặt khắp mọi nơi trên đường phố, các điểm công cộng, các nhà hàng, nhà dân…mọi sự việc xảy ra trên đường phố được cơ quan có thẩm quyền biết được ngay, để có biện pháp xử lý.
Ở Đài Bắc, từ người già đến trẻ em, đặc biệt là thanh niên, đều tự giác chấp hành tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ ở mỗi ngã tư. Ban ngày cũng như ban tối, khi có tín hiệu đèn đỏ, thì dù cho đường có vắng, không có xe qua, mọi người vẫn chờ tín hiệu đèn xanh mới sang đường. Ở mỗi cột đèn tín hiệu, tín hiệu xanh thường kéo dài từ 45 đến 60’. Đủ thời gian cần thiết cho người đi bộ sang đường. Tại một số ngã tư lớn, còn có vạch kẻ đường chéo hình chữ X, để cho người đi bộ được phép đi chéo để sang đường cho nhanh.
Chính quyền đô thị thành phố Taipei quản lý đô thị bằng camera, nên hầu hết người dân vừa có ý tự giác lại vừa có ý tuân thủ nghiêm pháp luật, chứ không như ở Việt Nam, cứ vắng bóng cảnh sát là có tình vi phạm.
Nếu ở Hà nội Việt Nam vấn đề : “Xanh, sạch , đẹp” mới chỉ là khẩu hiệu để toàn xã hội phấn đấu thực hiện và việc thực hiện “ văn minh đô thị”, cũng thế, chứ hiện tại, thực tế hiệu quả chưa cao. Nhưng ở thành phố Đài Bắc, tôi và nhiều người đã đến Đài Loan, đều phải thừa nhận rằng, cả thành phố Đài Bắc thực sự: “xanh - sạch - đẹp”. Không chỉ có ở thành phố, đến vùng nông thôn, đến các nơi công cộng, đường, hè phố không hề thấy đất thải, rác bẩn. Nếu nói rộng ra và không ngoa, ta cũng phải ghi nhận rằng cả lãnh thổ Đài Loan đều xanh, đều sạch và đều đẹp.
Tầu điện ngầm và vận tải công cộng.
Đến thành phố Đài Bắc, Đài Loan chúng ta không chỉ có cảm nhận được kiểu dáng hiện đại của các tòa hình hộp trên các đường phố mà ở ta còn được thấy hệ thống giao thông và vận tải công cộng phủ khắp mọi nơi từ các quận trung tâm, đến các quận ngoại vi mà ở Việt Nam thường gọi là huyện.
Ở thành phố Taipei, đi đâu cũng rất thuận lợi bởi hệ thống vận tải công cộng hoàn chỉnh với các loại hình: Tầu điện ngầm, hay còn gọi là Metro, tầu hỏa, xe buýt và taxi.. Trong đó mạng tầu điện ngầm chiếm tỷ lệ hành khách khá lớn. Các ga tầu điện ngầm, đều rải khắp các con phố lớn, phố chính trong thành phố. Dường như đại bộ phận người dân di chuyển chủ yếu bằng tàu điện ngầm hoặc bằng xe buýt, chính vì vậy hầu hết người dân trong đó phần lớn là thanh niên đều đi giầy vải.
Đối với tầu điện ngầm ở Đài Bắc có 10 tuyến đường, được chia thành các màu: Mầu đỏ,mầu vàng, mầu nâu, mầu xanh lục, mầu xanh lam, mầu xanh lá mạ…đó là đặc điểm dễ nhận biết để khách không lên nhầm tàu.
Để lên và xuống tầu điện ngầm, có nhiều lối có thể là tầng 1 của tòa nhà, có thể là một lối lên xuống đặt ngay trên hè phố. Lối lên xuống thường có cả 2 loại cầu thang: thang bộ và thang cuốn. Đối với cầu thang cuốn bao giờ người đứng, cũng đứng phía bên phải, còn phía bên trái dành cho những người muốn đi nhanh hơn..
Đi tầu điện ngầm ta phải mua thẻ, gọi là thẻ aesy card. Thẻ hoặc là vé, dùng để đi tầu điện ngầm có 2 mệnh giá khác nhau: Loại đi trong một ngày, thường là 150 Đài tệ ( khoảng 200.000VND ), loại đi 24/24 và loại đi tập thể vé đi một chiều
Để đến tầng chờ lên tầu, ta phải quẹt thẻ để qua cửa tầng trên cùng. Thông thường ở mỗi ga tầu điện, có tới 10 cổng để quẹt thẻ. Nên không có chuyện chen lấn xô đẩy để xuống tầng chờ lên tầu...Một thẻ ta có thể đi được nhiều tuyến, cũng như nhiều loại phương tiện công cộng khác như xe buýt, tàu điện không người lái, mua hàng, thuê xe đạp, gọi điện thoại…
Nhà ga ngầm chờ tầu khá dài và rộng và cứ cách 3m lại có cửa lên tàu, ước tính có tới 20 cửa lên, xuống tầu, không gian nhà ga tràn ngập ánh sáng trắng như ban ngày của đèn conpac. Thời gian tàu chờ để khách lên và xuống chừng 15 giây.
Khi chờ lên tầu, khách thường đứng chờ ở 2 bên theo chiều mũi tên và nếu có từ 3 đến 4 người, mọi người tự giác xếp hàng. Khi tầu đến, cửa lên tầu mở, mọi người chờ hết khách xuông tầu mới lên tâu. Toa tàu nào cũng vậy,ở mỗi cửa ra vào đều có 2 đến 4 hàng ghế dành cho khách là người già, phụ nữ có thai, người tàn tật và trẻ nhỏ. Điều đáng nói là ở đây là nhiều thanh niên đi tầu rất tự giác, những ghế ưu tiên dù không có người ngồi, vẫn không có ai ngồi vào ghế trống.
Hầm xe điện ngầm, tuỳ theo loại ga đơn, có chừng 3 tầng hầm, thường là ga có 1 tuyến tàu qua lại, còn ga kép có tới 2 tuyến tàu, thì có tới 4 đến 5 tầng hầm. Di chuyển qua mối tầng bằng 2 loại cầu thang: Cầu thang chân và cầu thang trượt. Phần lớn mọi người lên xuống đều đi cầu thang trượt nên khá nhanh và không mệt mỏi.
Mỗi đoàn tàu thường có từ 8 đến 10 toa. Được kết nối thông nhau từ toa đầu đến toa cuối, vì vậy mỗi nhà ga thường khá dài và có khá nhiều cầu thang lên xuống. Có nhà ga có tới 8 cửa ra vào. Mỗi toa tàu có chiều dài chừng 25m được chia thành 4 khoang, mỗi khoang đều có 2 cửa ra vào đối diện nhau. Ở mỗi khoang đều giành từ 2 đến 4 ghế ưu tiên cho người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Toa xe vận hành trên đường sắt khổ 1435mm. Trên tàu mọi người đều giao tiếp rất nhỏ nhẹ, không thấy ai ăn quà vặt hoăc kẹo cao su và tuyệt đối không tháy ai hút thuốc. Dường như các nơi công cộng như nhà ga, siêu thị, chợ, bảo tàng, triển lãm, chùa chiền…đều không nhìn tháy ai hút thuốc cả.
Thường đi 1 tuyến thì quẹt thẻ 1 lần, nếu đi tiếp tuyến thứ 2 thì khi ra mới quẹt thẻ ở cửa ra của chặng thứ 2.. Ngoài ra nhà ga còn quy định thời gian lưu trú đi tàu ở 2 ga khác nhau là 2 tiếng, với 1 nhà ga là 15’. Nếu quá thời gian quy định trên sẽ bị phạt trừ tiền trong thẻ.
Hệ thống ga nổi thường có 2 đường sắt xuôi ngược, hệ thống nhà chờ năm ở giữa 2 đường. Đường sắt và tàu cao tốc tuyến nào cũng chạy 2 làn đường. Ở trung tâm Taipei chạy ngầm dưới lòng đất, ra ngoại vi đường chạy trên cao và ra các tỉnh.
Hiện tại, thành phố Đài Bắc đang chuẩn bị khai trương thêm một tuyến xe điện ngầm theo dọc phố Nam Kinh (Nanjing). Như vậy tại thành phố Đài Bắc hiện đang khai thác 10 tuyến và đến cuối năm nay là 11 tuyến.
Thời gian mỗi đoàn tàu giờ cao điểm từ 7-9 giờ sáng và 17h -19h30 chiều, cứ 2 đến 4’ có 1 chuyến. giờ bình thường thường từ 4 đến 7’ có 1 chuyến, từ sau 23h khoảng 12’ có 1 chuyến.
Xe buýt nhanh thường có ở các tuyến phố lớn và đi ở bên giải phân cách giữa đường, nhà chờ xe buýt nhanh thường được xây dựng ở đầu ngã tư các tuyến phố để tiện cho người đi từ vỉa hè đến trạm xe. Nhà chờ có mái che ở mỗi trạm xe buýt thường khá dài, , ngay một thời điểm có thể đủ cho 4 xe buýt cùng đỗ đón trả khách.
Xe taxi ở Đài Bắc có nhiều hãng tham gia, nhưng chỉ được phép sơn một mầu vàng duy nhất. Không như ở Việt Nam, mỗi hãng một màu. Theo lý giải với một mầu cho xe taxi như vậy, nhà chức trách dễ phân biệt giữa xe taxi với các xe con thông thường khác.
Có lẽ vì dịch vụ giao thông và vận tải công cộng thuận lợi như vậy, nên đất nước Đài Loan đã thu hút được một lượng khách khá lớn đến du lịch.
Một số điều nhỏ lẻ khác
Tại nông thôn Đài Loan dường như không có khái niệm “cánh đồng mẫu lớn” như ở Việt Nam. Người dân thường làm nhà trên đất ruộng của mình, vì vậy người dân sống rải rác không tập trung. Đó là vì Đài Loan có diện tích tự nhiên 3/4 là đồi núi, diện tích đất để cấy trồng không nhều, lại xen kẽ đồi núi, nên.chỉ có 7% dân số làm nông nghiệp và chỉ chiếm 1,6% tổng sản phẩm trong nước.
Nhà ở vùng nông thôn được xây bằng gạch, thường thì 1 tầng, có nhà xây 2 đến 3 tầng và nhà nào cũng có ga ra ô tô. Đường đến nhà dù bé cũng được rải bê tông nhựa, đường lớn hon dù hẻo lánh vẫn có đầy đủ biển báo và vạch kẻ đường. chứ không như Việt Nam đường liên xã, liên thôn làm gi có biển chỉ dẫn giao thông và vạch kẻ đường.
Tại các khu chợ đêm ở Đài Loan, bạn có thể mua được đủ mọi thứ “thượng vàng hạ cám”, từ những món ăn vặt địa phương tới quần áo, giày dép, phụ kiện…
Đài Loan chỉ là một hòn đảo nhỏ, nhưng lại có rất nhiều chợ đêm. Phần lớn các chợ đêm ngoài trời rất được yêu thích, đặc biệt tại đây có nhiều món ăn đường phố rất ngon mà người địa phương gọi là “xiao-chi”, nghĩa là “đồ ăn nhẹ″.
Có nhiều chợ đêm nổi tiếng ở thành phố Đài Bắc như: Sĩ Lâm,Tây Môn Đinh, Sĩ Lâm, thường bắt đầu nhộn nhịp vào từ khoảng 5 giờ chiều và kéo dài đến 12 giờ đêm. Tại đây, có rất nhiều mặt hàng đủ loại quần áo, giầy dép, đồ chơi trang sức…còn có nhiều quấy hàng bày bán đồ ăn nhanh, những món ăn rất đặc trưng của người Hoa như: Bạch tuộc, cá viên, cánh gà chiên, tàu hũ, mì xào, mì hoành thánh, bánh bao, sủi cảo, các loại đồ uống như: chè trân châu…
Có điều đặc biệt là tôi đi từ Đài Bắc qua Đài Trung đến huyện Nam Đầu, nơi đây đồi núi khá nhiều và có rất nhiều loại cây mà tôi không biết, Riêng ở huyện Nam Đầu thì có nhiều vườn đồi được người dân trồng cau, trông như một rừng cau. Tôi ghi nhận điều dường như ở Đài Loan đồi và rừng đều một màu xanh, tuyệt nhiên tôi không thấy bât cứ vạt đất trống nào. Một đất nước chủ yếu là núi rừng, công nghiệp phát triển, đất nông nghiệp rất ít, ấy thế mà nhìn ở đâu trên núi rừng Đài Loan ta không thấy một mảng đất rừng nào bị chặt phá. Thế mấy biết luật pháp Đài Loan nghiêm minh, người dân có ý thức tự giác chấp hành. Như vậy để thấy rằng không chỉ ở đô thị mà ngay cả vùng nông thôn, miền núi “ xanh, sạch, đẹp” được thể hiện ở tất cả các vùng đất, các địa phương.
Đa phần các du khách đến đây đều tỏ ra hài lòng về cảnh đẹp thiên nhiên và phong cách phục vụ của nhân viên du lịch, có tới 98% du khách mong muốn được quay trở lại Đài Loan./.
CDS
0 comments:
Post a Comment