Sunday, August 31, 2014

Thông điệp từ tuyến đường 20 – Quyết Thắng

Lời mở đầu
Trong những ngày này giữa tháng 5, khi cả nước đang từng giờ hướng về biển đảo thân yêu, nơi mà các ngư dân và cảnh sát biển chúng ta, đang kiên cường bám biển, bất chấp sự quấy phá của các tàu Trung Quốc, thì dẫu chiến tranh đã qua ngót 40 năm, vẫn có nhiều người còn nhớ đến con đường Trường Sơn huyền thoại và muốn đến đây, để được nghe, được thấy những dấu tích lịch sử, để hiểu biết thêm về những chiến công quả cảm của những người lính cụ Hồ, những chiến sĩ thanh niên xung phong, đã kiên cường bám trụ mở đường, giữ những cung đường Trường Sơn, cho những đoàn xe nối tiếp đoàn xe, vào Nam đánh giặc. Chứng tích của một thời chiến tranh năm xưa, đã khơi dậy cho lớp trẻ hôm nay, bừng lên ý chí quật cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước, trong tình hình mới.
…….
Trong một ngày hè nóng nực, tôi đã đi cùng với các bạn trẻ Hà Nội rong ruổi trên trục đường Trường Sơn năm xưa, bây giờ là đường Hồ Chí Minh hiện đại, từ Xuân Mai, phía Tây thủ đô Hà Nội, qua các vùng đất phía Tây của các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và đích cuối cùng đến Phong Nha, Quảng Bình. Trong suốt hành trình, đi trên trục đường bê tông nhựa rộng rãi, ít đèo dốc nguy hiểm, trên chiếc xe ô tô đời mới, nhưng lớp trẻ bây giờ, vẫn có thể hình dung dấu tích của trục đường nhỏ quanh co và gập gềnh đầy nguy hiểm ngày xưa. Và giữa mênh mông của núi thẳm, giữa tiếng gió rừng già, trong âm vang của núi, của rừng, đâu đây như vẫn nghe thấy tiếng nói, cười, tiếng cuốc xẻng, râm ran của biết bao thế hệ thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn đã kiên cường lao động quên mình, cho đất nước hòa bình thống nhất.



(Bến thuyền trên dòng sông Son)

Mọi người ngồi trên xe, hết nhìn sang phải, rồi lại nghiêng sang trái, dán mắt theo những cảnh vật bên đường,  trầm trồ bàn luận với những dấu tích còn lưu giữ trên đường…..
Lớp trẻ từ 8x đến 9x trở đi, chưa nếm, chưa biết mùi chiến tranh, các em lạ lẫm và ngạc nhiên đã đành, mà ngay cả mấy bạn già như tôi, đã từng qua chiến tranh, mà còn khó hình dung, bằng cách nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc xẻng, chiếc cuốc và cái ky tre đan... mà những người  cùng thời với tôi lại có thể làm nên một con đường dài hàng ngàn cây số, len lỏi trong bom đạn, giữa rừng già, của đại ngàn Trường Sơn.
Nơi chúng tôi đến là Phong Nha, nơi có vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài động Phong Nha, nơi đây còn có những hang động kỳ vĩ khác, trong đó nổi tiêng nhất là các động Thiên Cung và hang động Sơn Đoòng.  Ngoài sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều đặc biệt nữa, đó là chứng tích của một thời thế hệ trẻ Việt Nam, đã từng “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” Những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” ở nơi này, vẫn đang là một  bài học lớn với những bạn trẻ  sinh ra trong năm tháng hòa bình.
Xe đi qua đầu cầu Xuân Sơn thì rẽ phải vào thị trấn Phong Nha. Con đường này ngày xưa khi chưa xây cầu Xuân Sơn là trục đường 15, chính là tuyến đường Đông Trường Sơn, được khởi phát từ thị trấn Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Nơi đây, đầu bến thuyền du lịch bây giờ, vẫn còn dấu vết của bến phà xưa , gọi là phà Xuân Sơn. Một bến phà bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trong chiến tranh, bởi đây là bến phà huyết mạch, đưa các đoàn xe quân sự vượt đường 20 và đường Trường Sơn nhánh Tây, bây giờ được gọi là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tiến vào đường 9, Khe Sanh. Cũng tại đầu cầu Xuân Sơn này, vào năm 2000 tuyến đường Hồ Chí Minh hay còn được gọi là đường Trường Sơn - Công nghiệp hóa, chính thức được khởi công, mở ra một kỳ tích mới trong xây dưng hạ tầng giao thông, phục vụ cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta tiến theo con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Cùng như nhiều đoàn khách du lịch, chúng tôi cùng các cháu thanh niên,hồ hởi lên thuyền, đi trên dòng sông Son xanh biếc vào động Phong Nha. Hai bên bờ sông Son là những dãy núi xanh ngắt. Thuyền máy chở khách du lịch chạy xuôi ngược san sát trên sông, trên những con thuyền đó, có nhiều người Việt và cũng có nhiều người nước ngoài, họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng như đoàn của chúng tôi,  họ đến đây, ngoài tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, là di sản thiên nhiên thế giới, đi thăm các động Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng, suối Nước Moọc...  không ít du khách còn muốn đến tận nơi, để tìm hiểu thêm về các giá trị  và  phẩm chất của người Việt Nam,  đã làm nên những điều kỳ diệu trên đường Trường Sơn, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và được thấy những chứng tích của cuộc chiến, vẫn đang được trân trọng lưu giữ ở mảnh đất này.
Trên chiếc thuyền gỗ, ì oạp rẽ đôi dòng nước trong xanh và tiêng máy nổ đanh của thuyền máy, dường như vẫn không át được giọng người hướng dẫn viên, giới thiệu với mọi người về đoạn sông này. Đại thể là nơi đây, những năm chiến tranh, cùng với bến phà nơi đây cũng bị đánh phá ác liệt, bởi các hang động nơi đây đều là nơi cất dấu .vũ khí, lương thực để chi viện cho quân và dân miền Nam đánh quân Mỹ và tuyến đường 20 được mở từ đây tại làng Phong Nha nối với nhánh Tây đường Trường Sơn, thì bến phà Xuân Sơn và các hang động tại Phong Nha trở thành mục tiêu đánh phá suốt ngày đêm của không quân Mỹ.
Gần đến cửa hang, con thuyền tắt máy, lặng lẽ tiến vào trong lòng động Phong Nha. Cửa động hình thang, cao chừng 10 mét, rộng 20-25 mét. Lọt vào trong động, cảm giác oi nồng của mùa hè lập tức biến mất. Trong lòng động mát như trong căn phòng gắn máy lạnh. Tôi nghĩ, đấy là cảm giác ai cũng nhận thấy giống nhau, chứ còn từ đây vào trong động, một thế giới u linh, kỳ thú hiện ra; và chúng huyền ảo đến mức sự cảm nhận của chúng ta có thể không ai giống ai nữa. Lưng động dốc với vách đá , âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rủ xuống, “một cảnh tượng huy hoàng và thần tiên hiện ra trước mắt tôi. Văng văngr tiếng người hướng dẫn viên cho moi người biết rằng: Hang động này ngày xưa, trong những năm chiên tranh, đã từng là kho hàng chứa vũ khí, đạn dược lương thực, thực phẩm chi viện vào chiến trường miền Nam.
Có thể nói nơi đây có nhiều địa danh để mọi người chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà hùng vĩ và những nơi đó lại thường gắn liền với di tích của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Ngoài các bến phà, dòng sông và hang động tại Phong Nha, là những con đường đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ bởi ý chí của con người và cũng từng làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và khâm phục bởi sự lòng quyết tâm của quân và dân Việt Nam ? Đó là những tuyến đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và đường 20 nối 2 nhánh đường Đông -Tây Trường Sơn.

Để nhìn thấy bằng được một tuyến đường đã đi vào huyền thoại đó, ngay sau thăm đông, Phong Nha, chúng tôi theo các đoàn du lịch khác, đi theo trục đường tỉnh lộ 562, mà nhân dân vẫn quen gọi là đường 20, nối nhánh Đông đường Hồ Chí Minh với nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.
Con đường bắt đầu từ thị trấn Phong Nha xinh đẹp, bên dòng sông Son xanh thẫm một màu rừng núi Trường Sơn, cắt ngang khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, rồi đi sang nước bạn Lào
Theo lời kể thánh thót qua chất giọng Quảng Bình của cô gái hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi được biết, ngày xưa trong chiến tranh, với chiều dài 123 km, đường 20 được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Đã có hàng vạn cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân công hoả tuyến, đều ở lứa tuổi 20, làm lên tuyến đường huyền thoại này với biết bao công sức và xương máu. của hai trung đoàn công binh số 41, số 10 và tổng đội thanh niên xung phong số 25 và của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh  Hoá, Hà Nam… đã lao động quên mình, xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường, thông tuyến.
Máy bay của không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt vào các trọng điểm: Cà Roòng,Cua chử A, ngầm Ta lê, đèo Pulanhíc, ngã tư và cầu Trạ Ang, km 12, km 16,5, dốc Ba Thang... biến nơi đây thành những “ toạ độ lửa ”, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến.
Sau bốn tháng thi công vào tháng 05 năm 1966, con đường 20, con đường của tuổi trẻ. Con đường của ý chí, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải đã được hoàn thành, tạo nên con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải.
Không ai tính hết được những tổn thất, hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong, những người mở đường và giữ đường..  chỉ biết rằng với vị trí địa lý quan trọng của đường 20 trên đường Trường Sơn này, nên trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứ mỗi mét đường đều thấm máu xương, của những cô gái, chàng trai ở độ tuổi 20. Tuyến đường đã được BTL đoàn 559 đặt tên là: Đường 20 - Quyết thắng.

( Ngã tư Trạ Ang )

Bây giờ, đường chúng tôi đi là đường tỉnh lộ 562,nhưng nhân dân vẫn quen gọi là đường 20. Tuy vẫn còn hẹp, ô tô không thể chạy nhanh,  nhưng con đường, mới được đầu tư nâng cấp, đã rộng ra nhiều so với đường cũ, nhiều đoạn đường cua gấp đã được nắn lại, mặt đường được thảm bê tông nhựa, nên xe chay êm ru. Xe băng qua những cung đường có nhiều kỷ vật của thời chiến tranh như: Cổng chào bằng đá, vào Vườn Quốc gia, những khúc cua gấp chữ A ở cây số 13, 14, cầu Cơn Siêu, ngã tư Trạ Ang, nơi giao nhau giữa nhánh tây đường Hồ Chí Minh với trục đường 562, tức là đường 20, cầu Trạ Ang…. Riêng ngà tư và cầu Trạ Ang, trong chiến tranh là một trọng điểm, để bom đạn của máy bay Mỹ cày xới suốt ngày đêm. được biết nơi đây có hai đại đội pháo cao xạ, đại đội 263 thanh niên xung phong bảo vệ cung đường này và hàng trăm chiến sĩ thuộc 6 đơn vị bộ đội thanh niên xung phong tham gia vận chuyển hàng hóa ở trọng điểm Trà Ang, họ đã bất chấp mọi hy sinh gian khổ, ngày đêm bám đường, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng bây giờ tại ngã tư Trạ Ang núi đã trải một mầu xanh của cây rừng, Lòng đường ở đây tuy không rộng lắm, nhưng nơi đây có một không gian vắng vẻ, thoáng đãng,với một bên là vách đá, một bên là  sông Chày, nước chảy rì rào hòa cùng với tiếng lá cây xào xạc.
Từ ngã tư này, theo biển chỉ dẫn. Đi thẳng theo tuyến đường 20 là tới biên giới Việt – Lào. Đứng ở ngã tư nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, nhìn sang bên trái là đường đến hang động Sơn Đoòng và tới đường 9 - Khe Sanh, nhìn theo hướng bên phải, đi chừng dăm cây số là lối rẽ vào động Thiên Đường và ngã ba Khe Gát.
Chúng tôi đi thẳng chừng 3km là đến đền tưởng niệm ngay tại cửa hang 8 cô.
Hang 8 cô nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đây, giữa núi tiếp núi, rừng tiếp rừng, cao vút trập trùng, cũng được coi là một trong những dãy núi cao nhất của dải Trường Sơn. Đứng ở điểm cao này, đi lên phía trước  là đồn biên phòng Cà Roòn, biên giới Việt Lào; Nhìn về phía Đông Nam dưới những ngọn núi xanh rờn, là  khu vực của hang động Sơn Đoòng, kỳ vĩ và dài nhất Thế giới, còn ở phía Tây Bắc, cách đó không xa, nơi đó có động Thiên Đường, đẹp như tên gọi,
Những địa danh: Động Phong Nha, hang động Thiên Đường và Sơn Đoòng,“ hang Tám Cô ”…đã là nơi hành hương của bao thế hệ người Việt và của khách nước ngoài đến để  tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ. Cũng như tôi, ai đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, mọi người còn có dịp tri ân  những người đã hy sinh anh dũng vì một khát vọng thiêng liêng:  Hòa bình -Thống nhất.. Đến đây, không chỉ có khá đông lớp trẻ mà cả những người già chúng tôi, đều được nghe nhiều câu chuyện về  “hang Tám Cô” và con số 8 linh thiêng.
Chuyện kể rằng: Để duy tu bảo dưỡng và bảo vệ cung  đường  này, hàng ngày thường có 8 cô gái thanh niên xung phong quê ở Hà Nam hay vào hang nghỉ trưa, nên mọi người thường gọi hang này là: Hang Tám Cô.
 Rồi vào giữa tháng 11 năm 1972, máy bay Mỹ ập đến dội bom phá hủy trên cung đường 20 này, nhằm ngăn cản các đoàn xe chi viện cho miền Nam. Lúc đó, có 8 TNXP gồm 4 nam và 4 nữ, cùng quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa,  đang làm nhiệm vụ  san lấp hố bom để thông đường trước cửa hang Tám Cô, thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom.  Không may bom đánh trúng cửa hang, một khối đá khổng lồ rơi xuống lấp miệng hang. Đồng đội đã dùng mọi cách để kéo khối đá ra nhưng đành bất lực và 8 TNXP đã ra đi mãi mãi. Đến tận năm 1996, đơn vị thi công nâng cấp tuyến đường 20 qua đây, họ cùng với tỉnh Quảng Bình, phá được cửa hang, tìm thấy hài cốt của 8 liệt sĩ và đưa về với quê hương cùng với 5 chiến sĩ pháo binh hi sinh ngay trước cửa hang, trong trận bom cùng ngày hôm đó. Rồi chuyện về  bụi cây chuối rừng mọc ở cửa hang bỗng trổ hoa và ra một buồng 8 nải, rồi trên vách đá một tổ chim có 8 quả trứng, rồi đôi tắc kè sống trong ngôi đền cũng đẻ 8 quả trứng nở ra tám con..v.v.


( Đường 20 xưa và nay)


(Đền tưởng niệm Hang Tám Cô)

Tỉnh Quảng Bình đã đã xây cất 1 ngôi đền khanh trang,bên cạnh hang Tám Cô, để hương khói, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ trên tuyến đường 20 – Quyết Thắng. . Ở đó có khoảng  8 cựu thanh niên xung phong, những người đã chứng kiến những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của 8 chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy, đã .tình nguyện làm nhân viên của Ban quản lý khu di tích đảm nhận việc hương khói, dọn dẹp, hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh.  Nhờ đó mà đền tưởng niệm, cũng như Hang Tám Cô, không bao giờ nguội lạnh. Đến năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 8 liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô. Trong ngôi đền được trưng bày nhiều kỷ vật của nghững người đã khất, và một số chứng tích của chiến trang như chiếc kẻng được làm từ quả bom. Nơi đây còn có một bài phú được khắc trên đá của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu như một lời truy niệm, tri ân của dân tộc với những người đã hy sinh vì tổ quốc. Trong đó có những câu chứa đầy khí phách hào hùng:
“… Thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình,
Bộ đội Trường Sơn dưới trời thiêng Đại Việt,
Bạt đồi, xẻ núi, rộng đường cho thiết giáp xông lên,
Lội suối bắc cầu, mở tuyến cho pháo binh chuyển tiếp,
Dù cho máu chảy, xương rơi, chẳng kể bom gầm đạn thét…
Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông,
Đường trăm trận xá gì sống chết,
Tỏ cùng trời đất tấm trung can,
Dãi với non sông bầu nhiệt huyết,
Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn,
Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt….”
Tại khu di tích này, người ta mới xây thêm bức phù điêu ca ngợi những chiến công của bộ đội và thanh niên xung phong đã dũng cảm thông ming sán tạo, bất chấp gian khổ, không ngại hy sinh đã làm nên và ra sức bảo vệ tuyến đường này, để cho hàng ngày tiếp sức cho những đoàn xe vượt núi qua đèo tiến về phía Nam.  
Trong hành trình đến với con đường huyền thoại: đường 20 – Quyết Thắng, chúng tôi đã qua Phà Xuân Sơn, động Phong Nha, ngã tư và cầu Trạ Ang và bây giờ là hang Tám Cô…Từ địa điểm hang Tám Cô này, nếu đi tiếp cung đường 20, đến biên giới Việt Lào tại cửa khẩu Cà Roòn, ta sẽ còn được thấy thêm nhiều di tích của cuộc chiến tranh như: Ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích, cua chữ A... và còn nhiều nữa những địa danh như thế. Nhưng có lẽ xúc động nhất vẫn là câu chuyện bên đền thờ 8 TNXP. Tôi đã nghe kể, nhiều người đã từng nghe kể và từng thấy dấu tích  về sự hy sinh của các anh chị TNXP, và cứ mỗi lần nghe lại, mọi người vẫn thấy bồi hồi xúc động.
Trong hành trình, chúng tôi còn đi tiếp tới động Thiên Đường tại đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây, và từ đó, lại theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đi về Phong Nha qua ngã ba Khe Gát.
Đoàn xe chúng tôi đi trên cung đường 20, trong nắng vàng rực rỡ và gió mát của rừng đại ngàn trập trùng, trập trùng xanh ngắt giữa mây trời của núi rừng Trường Sơn. Trong mỗi chúng tôi, từ người già cho đến lớp trẻ, ai cũng trào dâng những cung bậc cảm xúc giữa quá khứ xen lẫn với hiện tại.
Chuyện về quá khứ trên các tuyến đường vô Nam, đặc biệt là đường Trường Sơn là rất đỗi hào hùng, biểu hiện khí phách, bất diệt của một dân tộc, mọi người đều hiểu rằng, câu chuyện đó như là một thông điệp gửi các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trên hành trình du lịch, qua sóng ra đi ô, mọi người vẫn nghe những thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, nhưng đặc biệt nhất vẫn là những thông tin ngày càng nóng lên từng ngày, vì sự gây hấn của tàu Trung Quốc, xoay quanh những diến biến về dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hạ đặt trái phép trên vùng lãnh hải Việt Nam.

Ngày xưa, muôn vàn gian khổ, khó khăn, rừng “ vàng” đã che chở và nâng những bàn chân, những đoàn xe ra tiền tuyến, đánh cho Mỹ phải cút, Ngụy phải nhào, làm nên đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước. Hôm nay và ngày mai, ngày mai nữa, biển “bạc” của chúng ta đã và luôn sẵn sàng, nâng những con tàu của ngư dân nước Viêt, vượt trùng khơi khai thác cá, tôm trên ngư trường truyền thống của mình và đưa nhưng con tàu kiểm ngư của Việt Nam bảo vệ vững chắc, chủ quyền vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.
Trong tiếng máy ầm ì, quện với tiếng gió reo lay động lá rừng, tiếng radio trong vẫn xe réo rắt tiêng hát của ca sĩ  Đan Trường về biển đảo và trong những âm thanh đó, trong mọi người vẫn nghe rõ từng lời:
“…Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình,
Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá,
Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả,
Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…”
Có thể nói đường Trường Sơn như là chất men say của lòng yêu nước của thế hệ trẻ của 55 năm trước, chất men say của lòng yêu nước đó, bây giờ càng nồng nàn hơn, đã và đang làm nức lòng thế hệ trẻ Việt Nam, luôn hướng ra biển lớn.


Chu Đức Soàn

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts