Giao thông Việt Nam – Những năm tháng không thể nào quên
9.Giao thông Việt Nam giai đoạn 2006 đến 2015
Hiện đại hóa hạ tầng Giao thông - Vận tải và cuộc cách mạng trong cổ phần hóa.
A. Thời kỳ của đường cao tốc và những cây cầu hiền đại.
Đối với một quốc gia, hệ thống đường cao tốc được xem như một trong những biểu trưng của một nền kinh tế phát triển, bằng việc khởi công tuyến đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, nối với trục cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đẫ hình thành, từ năm 2006 đến nay ( 2015) , được cho là giai đoạn chiến lược cho sự phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam.
Trước đó vào năm 2004, công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam ( VEC), sau này đổi thành Tổng công ty, là đơn vị làm nòng cốt, để phát triển mạng đường cao tốc tải nước ta, trước hết là trục quốc lộ 1A, nhằm thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội để đầu tư đường bộ cao tốc, bởi nguồn vốn ODA sẽ ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu và tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình nằm trong chương trình phát triển mạng đường cao tốc của Việt Nam, nhắm đến mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng khoảng trên 2.000 km đường cao tốc.
Tiếp theo đó hàng loạt dự án đường cao tốc dọc theo quốc lộ 1A và một số trục đường khác đã được triển khai xây dựng như: Quốc lộ 5 mới Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng ( 2009), Sài Gòn – Trung Lương (12. 2004), Hà Nội – Lào Cai ( 2008 -2015 ), Hà Nội - Thái Nguyên (2009), và thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây (10/2009).
Riêng năm 2014 bộ Giao thông vận tải đã triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (7.2014), được coi là tuyến đường cao tốc lớn nhất phía Nam với tổng chiều dài trên 57km. Trên đoạn tuyến này có hơn 20km cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu dây văng lớn nhất là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) và cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu). Dự án sẽ xây dựng 6 nút giao thông lớn.Tiếp đến là đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn, nối với tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh được xây dựng từ những năm 2000, bằng vốn vay ngân hàng Thế giới. rồi đến các tuyến: Hòa Lạc – Hòa Bình và trên quốc lộ 1 đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi (3/2014), Trung Lương - Mỹ Thuận (cuối năm 2014). Theo kế hoạch đến năm 2015 xây cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Không dừng lạo đó, theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ năm 2015 đến 2030, nước ta sẽ còn xây dựng tiếp các đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam như các đoạn tuyến: Thanh Hóa – Vinh, La Sơn – Cà Mau, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quy Nhơn -Tuy Hòa, Tp.Nha Trang - Dầu Giây, Dầu Giây - Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm: Hạ Long - Móng Cái, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, Vinh - Hương Sơn (nối vào đường Hồ Chí Minh), Đông Hà - Lào Bảo, Đà Nẵng - Hà Nha - Ngọc Hồi (theo hướng tuyến đường Hồ Chí Minh), Quy Nhơn – Pleiku. Chợ Mới – Thái Nguyên…
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm các tuyến: Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành (theo hướng tuyến đường Hồ Chí Minh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Mỹ Tho - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng.
Riêng về đường Hồ Chí Minh, giai đoạn II đã được triển khai vào tháng 5/2007 với mục tiêu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Tuy nhiên dự án này không đạt mục tiêu tiến độ đề ra ban đầu do thiếu nguồn vốn và chậm giải phóng mặt bằng thi công.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) được triển khai từ năm 2008, trên cơ sở quốc lộ 14, có chiều dài 553 km, gồm 6 dự án vốn trái phiếu chính phủ và 5 dự án BOT, trong đó có nhiều đoạn được cải tạo, nâng cấp với qui mô tiêu chuẩn thiết kế đường ngoài đô thị có qui mô cấp III đồng bằng 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Đến hết năm 2014 đã cơ bản hoàn thành 322 km. Từ đầu năm 2015 đến nay, cùng với việc các đơn vị tập trung thi công ngày đêm, tranh thủ những ngày nắng, cùng với sự điều chỉnh trong cách quản lý thi công, đến giữa tháng 6 tiến độ dự án đã đạt được trên 95% sản lượng, riêng thảm bê tông nhựa đã hoàn thành cả hai lớp lên tới 99%. Cuối tháng 6/2015 hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tiến hành nghiệm thu dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước, để thông xe toàn tuyến vào đầu tháng 7/2015, làm đà cho việc triển khai giai đoạn 3 từ năm 2015 đến 2020, xây dựng các đoạn cao tốc: Kon Tum - Gia Lai – Đắc Lắc –Đắc Nông, dài 392 km, Bình Ca - Sơn Tây – Chợ Bến (dài 143 km..
Cùng với việc triển khai xây dựng các trục đường cao tốc theo quy hoạch, nhiều cầu lớn vượt sông và cầu cạn cao tốc ở nước ta cũng được triển khai xây dựng. Điển hình là các cầu:Vĩnh Thịnh có tổng chiều dài gần 5,5km, trong đó, phần cầu dài gần 4,5km. Cầu dây văng Nhật Tân, có mặt cầu rộng 33,2m chia thành 4 làn xe cơ giới, Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 4,5 km, cầu cạn cao tốc, nối từ cầu Thanh Trì - Pháp vân – Mai Dịch trên đường vành đai 3, với tổng chiều dài khoảng hơn 8,9 km, Dự án được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe. Từ 2015 sữ xây dựng tiếp đoạn Mai Dịch đến Nam Thăng Long (hay còn gọi là đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) có chiều dài 5,1km, nguồn vốn do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Ở khu vực miền Bắc còn có cầu vượt biển Lạch Huyện ( Hải Phòng), dài nhất Việt Nam, với phần cầu vượt biển: dài 5,4 km, rộng 16 m với 4 làn xe. Phần đường dẫn: dài 10 km; tốc độ thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang đường rộng 29 m.
Ở khu vực miền trung là các cầu: Thuận Phước (2003 -2009), Cầu Rồng ( 2009 -2013) bắc qua sông Hàn, thành phố Đà Nẵng.. Cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.
Ở khu vực miền Nam có các cầu: Cầu dây văng Phú Mỹ ( 2005 -2009). Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là một đường hầm vượt qua sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.. Đường hầm có sáu làn xe ô tô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Đến năm 2015 sẽ tiếp tục triển khai một loạt cầu mới hiện đại.
Như vậy tính đến đầu năm năm 2015 Việt Nam có trên 100 quốc lộ với tổng chiều dài 17.600 km. (chưa tính đường HCM, dài 3183km, nhưng lại có nhiều km đi trùng với các trục quốc lộ ). Trên các trục đường quốc lộ Việt Nam, có vào khoảng 4.030 cầu lớn nhỏ, đi qua các tỉnh, thành phố trên cả nước và các nước láng giềng.
Riêng về hệ thống đường cao tốc quốc gia, theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành Giao thông vận tải, cả nước sẽ có khoảng 6.400 km đường cao tốc được xây dựng. Tính đến hết năm 2014, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 524 km, trong năm 2015 con số này được nâng lên 679 km. Theo kế hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có 2.044 km đường cao tốc. Tuyến cao tốc Bắc - Nam, sẽ có nhiều đoạn tuyến hoàn thành trước năm 2020.
Với tốc độ xây dựng nhanh với các công nghệ hiện đại, những thành tự về xây dựng cầu lớn và đường cao tốc ở nước ta trong những năm qua, ngành Giao thông vận tải Việt Nam, đã và đang thực hiện có hiệu quả chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xứng đáng với phương châm “ hạ tầng giao thông đi trước một bước” phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
B. - Công trình cảng hàng không và cảng biển:
Các cảng hàng không hoàn thành các nhà ga hành khách: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Phú Bài (Huế), Phú Quốc, Vinh (Nghệ An), Sao Vàng (Thanh Hóa), Phù Cát (Bình Định), Cát Bi (Hải Phòng), nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Bắt đầu nâng cấp đường băng và nhà ga sân bay Phan Thiết… Có một số dự án xây dựng sân bay đã và đang được triển khai, như các sân bay: Lào Cai, Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong số các công trình sân bay, nhà ga T2 Nội Bài có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam.
Như vậy Tính đến đầu năm 2015, nước ta đã có 25/26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 15 cảng hàng không nội địa. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là lớn nhất, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, có quy mô lớn và hiện đại nhất. Tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không VN từ mức 6 triệu hành khách năm 2000 đã nâng lên mức trên 50,5 triệu vào năm 2014. Hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý bay cũng được hoàn thiện theo hướng hiện đại.
Đối với các cảng sông và cảng biển, thời gian qua được nâng cấp và xây dựng gồm có: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, Sài Gòn - Hiệp Phước. Trong đó khu vực cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải được chú trọng phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế, đồng thời là động lực phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tương lai sẽ là cảng trung chuyển đầu tiên của miền Bắc Việt Nam.
Như vậy Đến năm 2014 Việt Nam đã xây dựng được 44 cảng biển các loại, trong đó có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III. Hệ thống cảng biển có khoảng 219 bến cảng với gần 43,6 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải.
Theo thống kê cho thấy, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển nước ta năm 2014, ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng công-ten-nơ đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013.
Như vậy với tất cả các công trình hạ tầng giao thông từ cầu, đường, cảng biển, cảng hàng không, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là những dự án đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội lớn, được ưu tiên vốn trong bối cảnh hàng loạt các dự án giao thông bị đình hoãn do thiếu vốn trong thời gian gần đây. Nhiều công trình có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm đã khẳng định bước tiến bộ vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý dự án, kỹ thuật và công nhân ngành Giao thông vận tải đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - tổ chức xếp hạng năng lực và chất lượng toàn cầu uy tín bậc nhất thế giới - đã đưa ra những đánh giá về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông tại hàng loạt quốc gia. Năm 2010 nước ta đứng vị trí thứ 103, năm 2012 tăng 29 bậc, năm 2014, WEF xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012. Ngoài ra, WB đánh giá về dịch vụ logistic của Việt Nam năm 2014 đứng thứ 48/160 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 5 bậc so với năm 2012..
C. Vận tải đường biển, đường hàng không và đường sắt..có nhiều tiến bộ.
Vận tải biển Việt Nam đến năm 2015.
Về tình hình vận tải biển , báo cáo cho biêt, tính đến tháng/6/2014 đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Năm 2014, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển VN thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km) tăng trưởng nhẹ ở mức 0,13% so với năm 2013.
Tuy nhiên nước ta tuy nhiều tàu biển, nhưng năng lực vận tải vẫn chưa mạnh. Cục Hàng hải Việt Nam đã khẳng định rằng: Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước mới chỉ chiếm khoảng 10 - 15%, trong đó thị phần vận tải hàng khô chiếm 12%, hàng container chiếm 8%, hàng lỏng chiếm 8%.
Khoảng 450 tàu đã tham gia vận tải quốc tế, đa phần trong số đó hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, còn các thị trường lớn như châu Mỹ, châu Âu chủ yếu do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đội tàu container của Việt Nam cũng chủ yếu chỉ vận tải nội địa, gom hàng cho các hãng tàu mẹ chứ chưa có tàu chạy thẳng. vì vậy các doanh nghiệp vận tải biển trong nước hiện khó “vươn ra biển lớn” và vấn đề tàu nước ngoài chuyên chở hàng nội sẽ vẫn còn là nỗi lo của đội tàu biển Việt Nam.
Báo cáo đánh giá cạnh tranh 10 lĩnh vực kinh tế VN năm 2012, do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương công bố mới đây, cho biết: Từ năm 2007 đến 2011 thị phần của các hãng tàu trong nước đã giảm đi một nửa, từ 33%, xuống còn 15 - 20% . Năm 2012 trở đi xu hướng giảm vẫn tiếp tục diễn ra.
Mặt khác, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thế giới, cộng với sự cạnh tranh khá mạnh của các đội tàu nước ngoài tại các cảng biển nước ta, ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước vận tải nhìn chung thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí hoạt tăng cao là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải biển.
Điều đó đã đặt ra cho cục Hàng hải phải đổi mới, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và mục tiêu phát triển đội tàu biển giai đoạn 2015 đến 2020.
- Hàng không Việt Nam sẽ trở thành hãng hàng không tiên tiến.
Hiện tại Việt Nam có 3 hãng hàng không gồm: Việtnam Airlines, Jsta Pacific và VietJet Air, trong đó Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất. Năm 2015, hãng đã đầu tư và đưa vào khai thác 12 chiếc máy bay mới gồm :3 máy bay A321, 4 máy bay A350, 5 chiếc B787-9. Riêng lọa máy bay A350 là chiếc máy bay thương mại thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Với các loại máy bay đời mới này, Việt Nam airlines đã và đang trẻ hóa và hiện đại hóa đội tàu bay thân rộng. Đưa đội bay của hãng đến năm 2015 là 101 chiếc và đến năm 2020 sẽ lên tới 150 chiếc, với nhiều loại máy bay thân lớn, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Các hãng hàng không Việt Nam bao gồm: ViệtNam Airllines, Jetstar Pacific, VietJet Air, hiện đang khai thác 40 đường bay trong nước và 55 đường bay quốc tế tới 29 điểm đến quốc tế tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ và 21 điểm đến trong nước…”
Để thực hiện các mục tiêu trước mắt và lâu dài, Vietnam Airlines hiện đang tiếp tục tổ chức lại hệ thống, nâng cấp tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm để nâng cao chất lượng dịch vụ để đạt tiêu chuẩn từ 3 sao lên 4 sao. Triển khai đồng bộ cả trong các khối kỹ thuật, thương mại, khai thác, dịch vụ. Xây dựng nề nếp, tác phong làm việc hiệu quả, phong cách ứng xử có văn hóa đối với khách hàng, đối tác. Thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp để từng bước thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới của Vietnam Airlines.
- Vận tải đường sắt đang chuyển động đổi mới/
Ngay từ đầu năm 2015, TCT Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đưa vào khai thác đôi tàu SE 3/4 chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại với chất lượng cao. Đôi tàu này khai thác các toa nằm máy lạnh, hệ thống cửa đóng, mở tự động, thuận lợi cho hành khách mang, xách hành lý lên tàu, hệ thống vệ sinh đạt tiêu chuẩn của tàu du lịch cao cấp.
Tiếp theo là sau khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai giai đoạn 1, từ tháng 4/2015, hành trình chạy tàu đã được rút ngắn 40’ và nếu giai đoạn 2 được hoàn thành, thời gian chạy tàu trên tuyến sẽ rút ngắn thêm khoảng 90 phút, cho phép nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, lập chạy tàu với tần suất ngày đêm cao hơn nữa trên các cung đoạn Yên Viên đến Lào Cai. Hơn nữa thông qua việc bán vé điện tử, khử mùi tàu, nâng cấp cho những nội ngoại thất các đoàn tàu cũ kỹ và thực hiện đi đến chạy đúng giờ. Hai năm qua, cái được lớn nhất của đường sắt là đổi mới được tư duy của bộ máy quản lý, trong đó từ tư duy “xin - cho” sang tư duy phục vụ. Những chuyển biến này của VNR tạo ra ấn tượng tốt về chất lượng, dịch vụ của vận tải đường sắt.
Như vậy trong ba khâu đột phá chiến lược để đẩy nhanh phát triển đất nước do Đảng đề ra, thì hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông là một khâu cực kỳ then chốt. Mà trong lĩnh vực giao thông, thì phương thức vận tải bằng đường sắt luôn thể hiện những ưu thế vượt trội về sự thuận tiện, tiết kiệm, tính đại chúng, thân thiện với môi trường và khả năng đảm bảo an toàn lâu nay vẫn trì trệ, nay đã và đang chuyển động đổi mới.
Cùng với việc triển khai sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đường sắt, khi triển khai đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt” được Bộ Giao thông Vận tải thông qua từ giữa tháng 4/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã và đang mời các nhà đầu tư có khả năng tham gia đầu tư vào ngành đường sắt. tham gia, liên kết đầu tư để khai thác hết tiềm năng của hạ tầng vận tải đường sắt và đây cũng là bước đệm quan trọng để TCT tiến tới mục tiêu phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên ra công chúng ( IPO) của công ty mẹ - Tổng công ty vào năm 2016.
D. Từ cổ phần hóa đến tái cơ cấu – Một cuộc cách mạng thực sự.
Bắt đầu triển khai cổ phần hóa từ năm 2005 nhưng đến năm 2010, đặc biệt năm 2012 trở đi, Bộ Giao thông vận tải đã có những bước đi quyết liệt, nhất là với các Tổng công ty nhà nước trong các lĩnh vực: công nghiệp tàu thủy và công nghiệp ô tô, xây dựng cầu đường, quản lý đường bộ, vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và giao thông địa phương... trong việc thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu.
Xác định cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là công việc vô cùng nặng nề với các đơn vị chủ quản, đặc biệt khi gánh nặng các khoản lỗ của nhiều Tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ Giao thông vận tải còn lớn (lớn nhất là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, riêng Cienco 8 và Tổng công ty Xây dựng đường thủy đang nằm ở bờ vực phá sản).
Từ năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Ngành.
Theo đó, ngoài 44 doanh nghiệp đã tái cơ cấu, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện cổ phần hóa đối với 15 tổng công ty thuộc Bộ, hoàn tất các thủ tục chuyển 11 công ty mẹ sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần. Cụ thể, Bộ đã và đang cổ phần hóa 11 tổng công ty lớn gồm các Cienco 1, 4, 5, 6, 8; Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, Hàng không Việt Nam (Vietnam Arlines) và các ban quản lý dự án.
Qua 3 năm triển khai thực hiện (2012 - 2014) và đầu năm 2015, Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa 10 Tổng công ty thuộc Bộ theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Riêng Tổng cục Đường bộ, bắt đầu từ năm 2014, mục tiêu tái cơ cấu được tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: hoạt động vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.
Cũng trong năm 2014, Bộ đã cổ phần hóa 03 công ty mẹ - Tổng công ty gồm: Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy và 38 công ty thuộc Bộ và các Tổng công ty và 50 công ty, đơn vị sự nghiệp. Cụ thể: đã thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho 50 doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa 39 doanh nghiệp thành công ty cổ phần, trong đó 37 doanh nghiệp đã hoàn thành việc thực hiện bán đấu giá công khai (IPO). Các doanh nghiệp còn lại sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục để hoàn thành IPO vào đầu năm 2015. Như vậy, đến hết năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 143 doanh nghiệp của các bộ, ngành trong cả nước, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Chính thông qua cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp là một liều thuốc kích thích các doanh nghiệp trong Ngành làm ăn hiệu quả hơn, quản trị chặt chẽ, tinh gọn và sáng tạo hơn. Tinh thần dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm cao hơn làm doanh nghiệp mạnh lên. Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), từ khi tiến hành cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần Vinamotor, kết quả sản xuất kinh doanh tăng đột biến nhờ kiên trì bám thị trường ngách là phân khúc xe tải và nhất là xe khách trên 29 chỗ. Kết quả kinh doanh khởi sắc đặt nền móng cho nhà đầu tư mới đặt hàng vào lĩnh vực chính là lắp ráp ô tô. Tổng công ty Xây dựng đường thủy có nguy cơ phá sản vẫn cổ phần hóa thành công, làm ăn có lãi. Vinashin, hiện nay là SBIC, sau khi cổ phần hóa, dù số lỗ vẫn còn, song nhiều hợp đồng mới được ký kết, xuất khẩu những mác tàu hiện đại nhất đã tạo nên khí thế mới cho Tổng công ty. Đối với Vinalines, năm 2014 là năm tái cơ cấu, gồm tái cơ cấu nợ và cổ phần hóa doanh nghiệp. Số nợ xấu đã giảm, nhất là khi thoái vốn thành công tại 22 trong tổng số 27 doanh nghiệp.
Thông qua cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, năng suất lao động tăng nhanh, doanh thu cũng như lợi nhuận trước thuế và thu nhập bình quân người lao động đều tăng.
Cùng với cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải triển khai tiếp tái cơ cấu trong toàn Ngành.
Mục đích tái cơ cấu của ngành Giao thông vận tải là giảm chi phí quốc gia, trong đó để nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, phải giảm chi phí vận tải. Vận tải có tính kết nối cao, do đó phát triển hài hòa các loại hình vận tải: đường sắt, đường sông, đường biển, đường bộ và đường hàng không, để mỗi loại hình phát huy được thế mạnh trong mạng lưới chung. Vì vậy mục tiêu của ngành Giao thông vận tải đến 2020 là phải thực hiện được tái cơ cấu vận tải, đảm bảo giá cước vận tải trở về đúng giá trị, giảm dần sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giảm chi phí vận tải bằng phát triển hài hòa các phương thức vận tải. Muốn giảm chi phí vận tải thì kết cấu hạ tầng phải được đầu tư xây dựng hoàn thiện, trong đó các khoản đầu tư phải được tính toán đạt hiệu quả cao nhất.
Riêng công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ đã hoàn thành công tác tái cơ cấu cho một số doanh nghiệp lớn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy, Đường sắt Việt Nam.
Một trong những kỳ vọng của Bộ Giao thông vận tải trong việc tái cơ cấu đi đôi với cổ phần hóa trong các doanh nghiệp là mong muốn thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Riêng vận tải hàng không, bộ GTVT đang kỳ vọng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam( Vietnam Airlines) tiến tới thị trường hàng không giá rẻ, trong khi đó Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific là doanh nghiệp đâu tiên thực hiện, tiếp đến là Công ty Cổ phần Hàng không VietJet;
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, sau cổ phần hóa, đang thực hiện đổi mới toàn diện trong chiến lược kinh doanh, để khẳng định thương hiệu, trong đó triển khai kết hợp với các hãng hàng không như Jetstar Pacific, Cambodia Angkor Air, VASCO… xây dựng dải sản phẩm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các đối tượng khách hàng, trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị thế chi phối trong vận tải hàng không Tiểu vùng CLMV (Campuchia, Lao, Myanmar, Việt Nam).
Đối với TCT đường sắt Việt Nam ( VNR), sau rất nhiều sức ép, VNR cuối cùng cũng phải triển khai tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp trực thuộc giai đoạn 2014 -2016, trong đó năm 2015 là năm được TCT đường sắt triển khai một cách quyết liệt nhất. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của kế hoạch tái cơ cấu trên diện rộng này chính là việc VNR đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 2 Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, là đơn vị cung cấp toa xe khách trên toàn tuyến vận tải đường sắt, vào tháng 12/2015. Đồng thời tiến hành hành sắp xếp 2 đơn vị cung cấp đầu máy cho TCT đường sắt, đó là các công ty TNHH một thành viên Xe lửa Dĩ An và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Từ đó sẽ cổ phần hóa và tái cơ cấu các đơn vị khác, trong đó có 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt thành 20 công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, Tóm lại với đường sắt là tách được quản lý hạ tầng với kinh doanh vận tải.
Những kết quả đạt được như trên là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu của cổ phần hóa, đó là: Huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Lời kết
Từ ngày xưa cho đến hôm nay, lịch sử Việt Nam đã viết nên những trang vàng chói lọi của các thời kỳ dựng nước, giữ nước, trong đó giao thông luôn được coi là một công việc quan trọng hàng đầu. Dù đã trải qua bao giai đoạn lịch sử, nhưng thời nào cũng vậy, những con đường, những cây cầu, những bến cảng… vẫn vượt qua thời gian sống mãi cùng năm tháng, phục vụ cho quốc kế, dân sinh.. Thời đại mới những cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành GTVT, được đào tạo bài bản, có trình độ tiếp thu và ững dụng kỹ thuật công nghệ mới, đã dũng cảm hơn, thông minh và sáng tạo hơn những thế hệ trước, đã làm nên nhiều kỳ tích mới, thành tựu mới trong xây dựng câu đường, phục vụ công cuộc Hiện đại hóa - Công nghiệp hóa. Giao thông hiện đại sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh và văn minh.
…….
Chu Đức Soàn
( Tổng hợp nâng cao )
0 comments:
Post a Comment