Lời mở đầu
Qua 70 năm hình thành và phát triển ngành Giao thông vận tải (1945 -2015), để có những thành tựu như ngày nay, không thể không nhắc tới vai trò của tổ chức công đoàn GTVT, cũng như các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cho toàn ngành. Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống GTVT, xin giới thiệu vài nét hoạt động lớn của các lĩnh vực nêu trên.
1. Công đoàn GTVT Việt Nam qua 9 nhiệm kỳ
Ngày 18/11/1966 Công đoàn GTVT Việt Nam thành lập trên cơ sở thống nhất các Công đoàn trong ngành GTVT; Đường sắt, Đường biến, Đường sông, Vận tải ô tô, các Cục xây dựng công trình, Quản lý giao thong, Khối, Viện, Trường và các Cơ quan Bộ GTVT. Ngay sau đó các Công đoàn ngành GTVT, Giao thong công chính các tỉnh, thành phố cũng được thành lập, tạo sự thống nhất của một tổ chức công đoàn ngành nghề trong cả nước. Vào thời kỳ đó công nhân viên chức (CNVC) và tổ chức Công đoàn toàn ngành GTVT, đã dũng cảm kiên cường, thông minh và sáng tạo đã phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;
(Đại hội công đoàn GTVT Việt Nam lần thứ IX)
Qua 9 kỳ đại hội Công đoàn GTVT Việt Nam: Tháng 7/1974, Đại hội lần thứ I đã bầu ra Ban chấp hành, gồm 37 Đồng chí. Đồng chí Lê Minh Đức, Anh hùng Lao động, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt được bầu giữ chức vụ Thư ký Công đoàn GTVT Việt Nam. Tháng 4/1978, Đại hội lần thứ II, đã bầu Ban chấp hành gồm 37 đồng chí; Thư ký là đồng chí Đoàn Lương. Tháng 8/ 1983, Đại hội lần thứ III, đã bầu 41 đồng chí vào ban chấp hành, đồng chí Đoàn Lương được bầu lại làm Thư ký; Đại hội lần thứ IV, đã bầu 43 đồng chí vào Ban chấp hành; đồng chí Nguyễn Thục được bầu làm Chủ tịch. Tháng 7/ 1993, Đại hội lấn thứ V, đã bầu ra 37 đồng chí vào Ban chấp hành; đồng chí Vũ Minh Tâm được bầu làm Chủ tịch. Tháng /7/1998, Đại hội VI, đã bầu 41 đồng chí vào Ban chấp hành; Đồng chí Vũ Minh Tâm được bầu lại làm Chủ Tịch. Tháng/7/2003, Đại hội VII đã bầu 41 đồng chí vào Ban chấp hành,Chủ tịch là đồng chí Phạm Tăng Lộc, Tháng/7/2008. Đại hội VIII, đã bầu 41 đồng chí vào Ban chấp hành; Ban thường vụ gồm 13 đồng chí; đồng chí Tạ Đăng Mạnh được bầu làm Chủ tịch. Tháng 4/ 2013 Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013-2018, đã bầu 41 đồng chí vào Ban Chấp hành Công đoàn. Đồng chí Đỗ Nga Việt, Chủ tịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng chục vạn CNVC ngành GTVT đã liên tục thi đua lao động sản xuất, cùng với các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong đảm bảo giao thông thông suốt, tổ chức vận tải, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Với tinh thần: Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm; mở đường mà tiến, đánh địch mà đi, với quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, tổ chức Công đoàn toàn Ngành đã liên tục vận động CNVC thi đua lao động sản xuất, khôi phục nền kinh tế, đất nước sau chiến tranh, vụ vho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và sự đi lại của nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới của Ngành và đất nước, các cấp Công đoàn trong toàn Ngành đã phải thường xuyên, liên tục đổi mới về nội ung, phương pháp hoạt động của tổ chức Công đoàn cho phù hợp, đã mang lại hiệu quả thiết thực, phấn đấu thực hiện mục tiêu: Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội. Công đoàn Ngành GTVT Việt Nam xác định ba chương trình công tác lớn: Chương trình tha gia giải quyết việc làm, chăm lo đời sống CNVCLĐ với phong trào chống thất nghiệp, giảm nghèo; Chương trình đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục gắn với nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và Chương trình đổi mới công tác tổ chức cán bộ, phương pháp hoạt động Công đoàn và phát triển đoàn viên,
Hàng năm Bộ và Công đoàn Ngành đã có chỉ thị liên tịch, chỉ đạo triển khai tốt, có chất lượng các nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp và đơn vị hành chính sự nghiệp cơ bản tạo đủ việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân năm 2014 đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, dịch vụ có thu nhập cao hơn, bình quân đạt trên 6,5 triệu đồng/người/tháng, một số đơn vị có thu nhập đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng, các chế độ chính sách tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe công nhân viên chức, người lao động có nhiều tiến bộ. Thực hiện chương trình "Xoá đói giảm nghèo", Bộ và các đơn vị trong Ngành đã hỗ trợ các địa phương xây dựng nhiều công trình cầu và tham gia ủng hộ các quỹ “Ngày vì người nghèo” là 5,2 tỷ đồng; Đã hỗ trợ cho 57.127 lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền là 86,18 tỷ đồng; Ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt 65,89 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng trên 383 nhà tình nghĩa (bình quân 30 triệu đồng/nhà) tặng các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Hỗ trợ xây dựng 906 nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân lao động nghèo trong Ngành xóa nhà tranh tre, nứa lá, dột nát; với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng; Mỗi năm các đơn vị trong Ngành nhận phụng dưỡng gần 200 mẹ Việt Nam anh hùng (bình quân mỗi mẹ từ 250.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng). Hàng năm tổ chức thăm, tặng quà cho hàng trăm cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị nhiễm chất độc màu da cam; Hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, ngành Giao thông vận tải đã tu tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ của Ngành và Quốc gia, di tích lịch sử (Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang ngành Giao thông vận tải Điện Biên …) với tổng số tiền trên 15,2 tỷ đồng.
Đặc biệt “Quỹ Xã hội - từ thiện Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam” chính thức đi vào hoạt động đã có sức lan tỏa lớn. Tính đến nay, đã có hàng trăm đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông vận tải tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ (mỗi cán bộ công nhân viên lao động ngành Giao thông vận tải tự nguyện ủng hộ 02 ngày lương mỗi năm) với số tiền lên đến hơn 106 tỷ đồng. Với tấm lòng tri ân thế hệ đi trước, chia sẻ khó khăn với các cựu thanh niên xung phong, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Quỹ đã có mặt ở khắp mọi nơi, tham gia nhiều hoạt động như: tặng quà cho cán bộ công nhân viên lao động trong Ngành và quân dân trên đảo Trường Sa; thăm, tặng quà cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam; thăm công nhân bị tai nạn lao động, các nạn nhân tai nạn giao thông; ủng hộ bò sinh sản cho phụ nữ nghèo của các tỉnh miền núi, hỗ trợ xây dựng 261 ngôi nhà tình nghĩa và tặng 2.830 sổ tiết kiệm cho các cựu thanh niên xung phong của 52 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước... với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng.
Công đoàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam tích cực tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống cách mạng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho người lao động. Tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và xây dựng được các tập thể, cá nhân điển hình. Công đoàn Ngành đã phối hợp tốt với tổ chức chính quyền góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho người lao động. Công tác từ thiện và đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai dịch bệnh luôn được thực hiện tốt.
Các tổ chức nữ công, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Chủ trương bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đã được quan tâm và đã thu được những kết quả cao. Phụ nữ ngành Giao thông vận tải luôn tích cực tham gia các lớp học và tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ…, nhiều chị đã có văn bằng 2, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều chị em được Nhà nước, Tổng liên đoàn khen thưởng.
Đến nay Công đoàn GTVT Việt Nam có 69 công đoàn trực thuộc, gồm công đoàn các Tổng cục, cục, viện, TCT, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề, các ban QLDA, các công ty, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo, tạp chí trong ngành.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, công đoàn GTVT Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng: 1 HC Độc lập hạng nhất ( năm 2008) ,1 HC Độc lập hạng nhì , 1 HC Độc lập hạng ba, 1 HC LĐ hạng nhì và 1 HCLĐ 1 hạng ba.
2. Công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới
Trước năm 1975, trong khi đất nước đang dồn sức người, sức của để chi viện cho miền Nam nên lĩnh vực khoa học công nghệ về xây dựng cầu đường chưa được chú trọng, còn thô sơ và lạc hậu. Về đường, công nghệ xây dựng vẫn là dùng mìn phá núi, dùng cuốc xẻng rải đá, xe lu thường để lu lèn nền đường, mặt đường thông thường là rải đá dăm nước, công nghệ cao hơn là rải nhựa bán thâm nhập. Về công nghệ xây dựng cầu, chủ yếu sử dụng kích kéo để lao dầm cầu. Công nghệ để xây dựng móng mố trụ cầu chưa định hình, nhưng đã ứng dụng được công nghệ khoan cọc ống xuống nền đá hoa cương dưới lòng sông trong điều kiện nước sông chảy xiết để xây mố cầu Hàm Rồng và được coi là một kì công về kĩ thuật thời đó.
Trong chiến tranh chống Mỹ, các kỹ sư của Cục Đường sông và Cục Đường biển đã nghiên cứu và ứng dụng thành công thiết bị rà phá thủy lôi và bom từ trường trên ca nô, có tên là BĐ67 và BĐ68. Nhờ có thiết bị này ngành Giao thông vận tải đã rà phá thành công một lượng lớn bom từ trường tại các cửa sông, cửa biển miền Bắc.
Sau khi đất nước thống nhất, do tốc độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ngày một quy mô và hiện đại, ngành Giao thông vận tải đã bắt đầu chỉ đạo các đơn vị trong Ngành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và thiết bị mới trong thi công nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao trong xây dựng các công trình lớn.
Vào thời kỳ này lần đầu tiên người thợ cầu Việt Nam được tiếp xúc và ứng dụng nhiều vấn đề tổ chức thi công và phương pháp kỹ thuật mới vượt sông lớn, điển hình là cầu Thăng Long và Chương Dương. Tiêu biểu là các công nghệ: giếng chìm đắp đảo bằng bao tải đói mực nước cạn và giếng chìm chở nổi với lớp vỏ kép kín nước bằng thép, để xây dựng móng giếng chìm cỡ lớn rộng 18 m đến 20 m và bịt đáy trụ cầu ở độ sâu 40 - 50 m trong nền địa chất sét, cát, sỏi cuội.
Cũng vào thời gian đó, công nghệ thi công lắp ráp dầm thép cũng được thực hiện theo một dây chuyền hoàn chỉnh từ nhà xưởng đến nơi thi công. Khi lắp những dàn dầm thép đồ sộ, lần đầu tiên người thợ cầu được thực hiện quy trình công nghệ mới của Đông Âu. Những công việc phun cát, phun sơn, lắp hẫng các dàn dầm thép bằng bu-lông cường độ cao đã được áp dụng để thi công các cầu có dàn dầm thép
Trong xây dựng cầu lớn, bắt đầu từ những năm 1992 trở đi, ngành Giao thông vận tải đã bắt đầu ứng dụng quy trình công nghệ thi công móng trụ cầu bằng cọc khoan nhồi, thay cho cách đóng cọc bê tông bằng máy búa. Công trình đầu tiên ứng dụng quy trình công nghệ cọc khoan nhồi là cầu Việt Trì với đường kính cọc từ 0,8 m đến 1 m. Những năm sau đó, quy trình này được ứng dụng trên nhiều công trình xây dựng cầu và móng nhà cao tầng với đường kính cọc lên tới trên 1,5 m đến 2 m, với chiều sâu cọc có thể tới 40 đến 60 m.
Từ năm 1996 đến nay, khi Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới, vốn ODA được nhiều nước đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều công trình xây dựng cầu lớn và mở rộng nâng cấp đường được triển khai. Để đảm bảo chất lượng công trình và thời gian thi công, nhiều ứng dụng mới trong quy trình công nghệ thi công cầu đường được triển khai áp dụng.
( Công nghệ đúc hẫng cân bằng trong thi công cầu )
Về xây dựng đường Việt Nam, bắt đầu ứng dụng quy trình công nghệ ASSHTO. Từ quy trình công nghệ này, hàng loạt các thiết bị thi công được đầu tư và sản xuất mới trong nước như trạm trộn bê tông nhựa nóng, máy rải bê tông nhựa nóng, các loại đầm rung, lu rung. Sau này, để hạn chế nhập ngoại, các Công ty Ô tô 1-5 và Cơ khí công trình thuộc Tổng công ty Ô tô Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại trạm trôn bê tông cỡ lớn, các loại xe lu bánh lốp để cung cấp cho các đơn vị thi công đường bộ. Ngoài ra các đơn vị còn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nền đất yếu bấc thấm, thay cho xử lý bằng cọc cát, áp dụng công nghệ lớp phủ siêu mỏng (Novachip) để thi công mặt đường cao tốc có độ nhám cao…
Về thi công cầu bê tông, các công ty cầu lớn của Ngành đã ứng dụng thành công công nghệ dầm Super-T, liên tục hóa kết cấu nhịp giản đơn, công nghệ đúc bê tông tại chỗ trên đà giáo di động, công nghệ lắp ghép cầu bê tông cốt thép phân đoạn trên đà giáo di động, công nghệ thi công dầm liên tục theo phương pháp hẫng cân bằng dầm hộp bê tông cốt thép khẩu độ lớn, cầu vòm ống thép nhồi bê tông; đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ đúc hẫng trong thi công cầu dây văng.
Trong công nghiệp đóng tàu vào thời gian này, ngành Đóng tàu Việt Nam đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa, trong đó nổi bật là sử dụng các phần mềm thiết kế và trang bị các thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại có mức độ tự động hóa khá cao, các máy móc tự động (từ máy hàn, máy cắt, máy gia công phân đoạn phẳng… cho đến các thiết bị nâng hạ tiên tiến, các hệ thống quản lý và điều khiển tập trung). Ngành Đóng tàu Việt Nam đã thiết kế và đóng hàng loạt các loại tàu biển cỡ lớn, điển hình là các sê-ri tàu chở hàng rời 34.000 DWT, 53.000 DWT, tàu chở ô tô 4.900 xe... xuất khẩu sang các nước có ngành Vận tải biển và Đóng tàu phát triển như Anh, Nhật Bản, Hà Lan và Na Uy; tàu chở dầu thô 105.000DWT, kho nổi FSO chứa xuất dầu 150.000T… Phần lớn các tàu này là những tàu chỉ có một số ít quốc gia đóng được do tính chất phức tạp đòi hỏi sự nghiêm ngặt về kỹ thuật - công nghệ từ chủ tàu và đăng kiểm quốc tế.
Riêng về lĩnh vực công nghiệp ô tô, qua 15 năm đầu tư và áp dụng công nghệ lắp ráp tiên tiến, nên nhiều doanh nghiệp trong ngành Giao thông vận tải đã lắp ráp được nhiều loại xe, từ ô tô du lịch đến các loại xe chở khách, điển hình là các Công ty Ô tô 1-5, Ngô Gia Tự.
Xuất phát từ yêu cầu chủ động nguồn sức kéo, tận dụng những nguồn lực sẵn có về mặt bằng nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, nhân lực... tạo tiền đề cho ngành công nghiệp đường sắt phát triển, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ứng dụng thành công dây chuyền công nghệ đóng mới toa xe khách VIP, lắp ráp, tiến tới chế tạo đầu máy diesel trong nước.
Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý, khai thác và bảo trì đối với các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị, cảng biển, đặc biệt là các cảng biển nước sâu, cảng biển quốc tế như: Nghiên cứu lựa chọn xây dựng công trình depot cho đường sắt đô thị ở Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng kết cấu mặt đường cũ sử dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa cũ phù hợp với điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu lựa chọn kết cấu và vật liệu cho kết cấu áo đường mềm trên các tuyến có xe tải trọng nặng phù hợp với điều kiện nhiệt ẩm v.v..
Như vậy kể từ khi đất nước thống nhất cho đến nay, công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ thường xuyên được phát huy và đạt nhiều thành tựu, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, thực hiện thành công và đưa được nhiều đề tài khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
Hiện tại đến năm 2015, ngành Giao thông vận tải có 19 trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp thuộc Bộ và các Cục, Tổng cục, đã cung cấp một nguồn nhân lực đáng kể cho ngành Giao thông vận tải. Trong những năm qua công tác đào tạo của các trường nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Hầu hết các trường đã và đang triển khai xây dựng Đề án xã hội hoá các hoạt động giáo dục - đào tạo và triển khai giảng dạy các nghề trọng điểm được hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015. Sau đây là một vài nét giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của một số trường thuộc Bộ:
Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, đều tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Việt Nam được khai giảng lại dưới chính quyền Cách mạng vào ngày 15 tháng 11 năm 1945 theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần tách nhập và đổi tên trường, năm 1960 được tách thành 2 trường: Trường Trung học Giao thông vận tải thuỷ - bộ và Trường Trung học Giao thông vận tải đường sắt. Sau này Trường Trung học Giao thông vận tải thủy - bộ chuyển thành Trường Cao đẳng giao thông vận tải. Tháng 4/2011, được đổi thành trường Đại học Công nghệ. Trường Trung học Giao thông vận tải đường sắt được chuyển thành Trường Đại học Giao thông đường sắt và đường bộ (1968). Từ tháng 11/1985: Trường mang tên Trường Đại học Giao thông vận tải. Năm 1990, Trường thành lập cơ sở 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Hàng hải, vốn tiền thân là Trường sơ cấp Lái tàu và Máy tàu, sau đó được sáp nhập, chuyển thành Trường sơ cấp Hàng hải năm 1956. Tháng 10/1976 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nâng Trường Hàng hải Việt Nam lên thành Trường Đại học Hàng hải. Năm 1984, Trường Đại học Giao thông thủy sáp nhập vào Trường Đại học Hàng hải. Tháng 8 năm 2013, Trường chính thức được đổi tên thành Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ngày 14/3/2014, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đề án xây dựng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành Trường trọng điểm quốc gia.
Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải được hình thành từ Trường Bổ túc cán bộ quản lý Giao thông vận tải (1979). Sau nhiều lần chuyển đổi tên, tháng 12 năm 2008 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định chuyển đổi tên trường thành Trường Cán bộ quản lý Giao thông vận tải.
Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 1 được thành lập năm 1968 trên cơ sở Trường Công nhân Cơ giới I. Năm 2004 Trường được nâng cấp thành Trường Trung học Giao thông vận tải Trung ương 1, đến tháng 12/2007 Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương I. Trường là một trong 15 trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trường trọng điểm quốc gia, tham gia dự án “Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề”.
Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, vốn hình thành từ “Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức Giao thông vận tải tại thành phố Hồ Chí Minh” và sau đó chuyển đổi thành “Trung tâm đại học Hàng hải phía Nam”. Tháng 04/2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở Phân hiệu Đại học Hàng hải.
Học viện Hàng không Việt Nam được thành lập từ năm 1978, sau nhiều lần chuyển đổi tên gọi từ Trường Hàng không dân dụng Việt Nam trực thuộc Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Trường Sĩ quan và Trung cấp nghiệp vụ Hàng không (1979), và được chuyển thành Học viện Hàng không Việt Nam năm 2006. Học viện Hàng không Việt Nam trở thành cơ sở đào tạo đại học với các ngành phục vụ và quản lý bay của ngành Hàng không dân dụng.
Trường Cao đẳng Giao thông vận tải III, tiền thân là Trường Trung học Giao thông vận tải 6, được Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập năm 1976. Năm 1990 được đổi tên thành Trường Trung học Giao thông vận tải khu vực III và sau đó được chuyển thành Trường Cao đẳng Giao thông vận tải III, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thầy và trò các trường thuộc ngành Giao thông vận tải luôn là lực lượng dự bị, sẵn sàng phục vụ chiến đấu, tham gia vào hầu hết các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng góp kiến thức, trí tuệ và sức lực cùng quân và dân lập nên những chiến công trong công cuộc giữ nước.
Hiện nay, tất cả các trường đại học, học viện và cao đẳng trên đều có nhiệm vụ đào tạo cử nhân, kỹ sư chuyên ngành và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Giao thông vận tải theo phân cấp trong hệ thống đào tạo chính thống. Qua hệ thống giáo dục đào tạo này, hằng năm ngành Giao thông vận tải được bổ sung nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ngành.
.4. Y tế Giao thông vận tải và công tác chăm sóc sức khỏe người lao động
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Để xây dựng miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, nhà nước ta chủ trương khôi phục lại các công trình giao thông để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế tại Miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Cùng với sự ra đời của Tổng cục Đường sắt Việt Nam, ngày 8 tháng 9 năm 1954 Bộ GTVT đã ra nghị định thành lập ‘’Ban Y tế công trường Trung ương’’. Đây chính là tiền thân của Cục y tế GTVT sau này. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban y tế khi đó là chăm sóc sức khỏe cho tất cả cán bộ công nhân viêm tham gia xây dựng khôi phục cầu và đường sắt.
Đến cuối quý 1 năm 1959, Ban Y tế công trường TW được Tổng cục đường sắt quyết định, chuyển thành Ty Y tế Đường sắt.
Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền bắc ngày càng ác liệt đặc biệt là nhằm vào các công trình giao thông hòng ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam.
Để đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới, tháng 7 năm 1965 Bộ GTVT, đã ra Quyết định 1675/QĐ thành lập Ty Y tế GTVT trực thuộc Bộ GTVT. Như vậy giai đoạn này song song tồn tại Ty Y tế GTVT và Ty Y tế Đường sắt trong Bộ GTVT.
Ty y tế Giao thông vận tải Nhiệm vụ của y tế GTVT, chăm sóc y tế cho các ngành đường bộ, đường sông, đường biển, là phục vụ công cuộc đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông phục vụ kinh tế, quốc phòng.
Ty Y tế Đường sắt, phục vụ cán bộ, công nhân ngành đường sắt.
Thời gian này hệ khám chữa bệnh và sản xuất thuốc của cả 2 ty y tế đã có 30 bệnh viện, 05 viện điều dưỡng, 128 bệnh xá, 2 xưởng bào chế thuốc., một trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế.
Với tinh thần “ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngoài việc chi viện gần 100 cán bộ y tế cho các chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn, chiến trường C, K, Y tế GTVT đã huy động hàng trăm bác sĩ, dược sĩ, hàng ngàn nhân viên y tế ngày đêm sát cánh cùng 20 vạn cán bộ, công nhân ngành GTVT, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, khám chữa bệnh, cấp cứu phòng không, đặc biệt là phục vụ các chiến dịch mở đường phía Nam, rà phá bom mìn....
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục lại đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, giai đoạn này về tổ chức y tế ngành GTVT cũng có sự thay đổi, y tế ngành GTVT đã được sắp xếp lại cho gọn nhẹ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, thời gian này Ty Y tế GTVT. Tiếp đến vào tháng 4 năm 1976 Ty Y tế GTVT trở thành Ban Bảo vệ sức khoẻ, năm 1985- 1988, tổ chức của Bộ GTVT có sự thay đổi mạnh mẽ, các bệnh viện GTVT được bàn giao sang Bộ Y tế và Ban Ban Bảo vệ sức khoẻ, được đổi thành Ban y tế trực thuộc Bộ, để chỉ đạo công tác y tế trong toàn ngành GTVT và sở Y tế Đường sắt được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho toàn bộ cán bộ, công nhân GTVT khối trung ương.
Vào thời gian này Sở y tế Đường sắt 14 bệnh viện với 1.050 giường bệnh, 2 Viện Điều dưỡng: 200 giường bệnh, 5 Phòng khám đa khoa: 150 giường bệnh, 4 Trạm Chuyên khoa, 8 Trung tâm y tế khu vực với 120 trạm y tế xí nghiệp, Xưởng sản xuất thuốc với 24 mặt hàng được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất, với tổng số cán bộ: 1.457 người. Trong đó có 189: bác sĩ, 122 y sĩ: 122, 474 y tá…
Trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, vào giữa năm 1993 Bộ GTVT, đã quyết định sở Y tế Đường sắt chuyển nguyên trạng thành Sở Y tế Giao thông Vận tải. Lần đầu tiên Y tế GTVT có một tổ chức y tế thống nhất quản lý trong toàn ngành và là một trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Bộ GTVT. Đến tháng 4 năm 2008, Sở Y tế Giao thông vận tải chuyển đổi thành Cục Y tế Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trong Ngành Giao thông vận tải.
Những năm gần đây Y tế GTVT đang quyết tâm đổi mới mô hình hoạt động theo hướng thực hiện đề án tái cơ cấu của Bộ GTVT, từng bước xã hội hóa các đơn vị để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người bệnh không chỉ cán bộ, CNVC, người lao động trong ngành. Việc CPH thành công Bệnh viện GTVT T.Ư được coi là mô hình điểm để nhân rộng ra các bệnh viện khác.
Theo đó, việc tái cơ cấu lĩnh vực y tế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục Y tế GTVT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tạo bước đột phá về chất lượng khám chữa bệnh; đổi mới toàn diện, triệt để và nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước của Cục Y tế GTVT, tạo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe của cán bộ, công chức viên chức người lao động ngành GTVT nói riêng và nhân dân nói chung.
Hiện nay cục Y tế GTVT với hệ thống 10 bệnh viên, (với tổng số 1350 giường bệnh), trong đó bệnh viện GTVT TW có quy mô nhất sau đó là bệnh viện GTVT đặt tại các địa phương: Yên Bái, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Tháp Chàm và tp Hồ Chí Minh; 3 phòng khám đa khoa tại: Gia Lâm, Bắc Giang, Thanh Hóa và 5 trung tâm bảo về sức khỏe, điều dưỡng phục hồi, dạy nghề và giám định y khoa.
Hàng năm y tế GTVT thực hiện khám chữa bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân là cán bộ, công nhân ngành GTVT và nhân dân trong khu vực, đã và đang trở thành những địa điểm đáng tin cậy của cán bộ, công nhân ngành GTVT và nhân dân trong cả nước. Hiện nay y tế GTVT có nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ, công nhân GTVT các ngành: Đường Bộ, Đường sắt, Hàng Hải, Hàng Không, Đường sông với các định hướng: coi công tác y tế dự phòng là cơ bản, công tác y tế phổ cập là quan trọng, chú trọng công tác sản xuất, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc trong ngành GTVT và nhân dân trong khu vực.
Tại các bệnh viện của ngành GTVT đã đầu tư nâng cấp nhiều trang thiết bị hiện đại nên đã điều trị tốt các ca bệnh cấp cứu: nhồi máu cơ tim, chảy máu tiêu hoá, suy thận cấp…, thực hiện thường quy các phẫu thuật lớn như cắt đoạn dạ dày, sỏi tiết niệu, cắt đoạn đại tràng, u xơ tử cung...Đặc biệt tại Bệnh viện GTVT Trung ương, bệnh viện đầu ngành của y tế GTVT, đã phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại: Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm ba chiều, phẫu thuật nội soi (tiêu hoá, tiết niệu, phụ khoa), thay chỏm xương đùi và thay khớp háng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, phẫu thuật đặt thể thuỷ tinh nhân tạo bằng phương pháp Phaco...
Đi đôi với công tác khám chữa bệnh, để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh cho cán bộ công nhân trong ngành, ngay từ ngày đầu thành lập y tế ngành GTVT đã quan tâm tới công tác sản xuất thuốc và cung ứng tới tận tay người bệnh, công nhân.
Tiền thân là Tổ sản xuất dược được thành lập từ 1972, qua quá trình xây dựng đã phát triển thành Công ty dược TRAPHACO. Sau khi được cổ phần hoá Công ty cổ phần TRAPHCO đã phát triển nhanh chóng thành một trong các công ty mạnh trong sản xuất và kinh doanh của ngành dược cả nước. Sau nhiều năm nghiên cứa và sản xuất đầu năm 2015, Traphaco đã vinh dự được đón nhận giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt “ với 05 sản phẩm từ dược liệu và nằm trong top 10 sản phẩm chủ lực chiếm doanh thu lớn của Traphaco. Trong đó, là dòng sản phẩm thuốc bổ thần kinh Hoạt huyết dưỡng não và thuốc bổ gan Boganic. được công nhận đạt chuẩn GACP-WHO./.
Chu Đức Soàn
(Tổng hợp và nâng cao)
0 comments:
Post a Comment