Tuesday, May 15, 2012

KỶ NIỆM 15 NĂM RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠP CHÍ CẦU ĐƯỜNG:

Lời mở đầu
Ông Vũ Phạm Chánh nguyên Chánh văn phòng Bộ GTVT người đã tham gia rất tích cực để ấn phẩm: Tạp chí Cầu đường Việt Nam ra số đầu tiên và tồn tại cho đến bây giờ đều đặn mỗi tháng 1 số.  Ông vốn là một kỹ sư từng công tác tại Công ty tư vấn thiết kế đường sắt, rồi giám đốc một công ty xây dựng cầu đường bộ... nhưng ông cũng thạo nghề quáy phim và viết báo ,viết văn. Với tạp chí Cầu đường Việt Nam ông là người có công rất lớn để Tạp chí tồn tại trên cở sở  " tự trang trải "  Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2012, bài viết sau đây của ông Vũ Phạm Chánh đã ôn lại một chặng đường, một cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng cũng nhiều vinh quang của cơ quan ngôn luận Hội KHKT Cầu đường Việt Nam.


(TBT Nguyễn Văn Nhân giới thiệu nội dung Táp chí với Thứ trưởng thường trực Ngô Thịnh Đức)


Những ngày đầu
Gần mười năm sau Đại hội lần thứ nhất, thành lập Hội chuyên ngành Cầu Đường vào tháng 6 năm 1987, các vị lãnh đạo của Hội mới nghĩ đến việc cần thiết phải có tiếng nói của mình, xin phép được xuất bản riêng một tờ Tạp chí Khoa học Kỹ thuật, đóng vai trò cơ quan ngôn luận của Hội. Thế là vào tháng 9-1996, văn bản Giấy phép xuất bản Tạp Chí Cầu Đường của Bộ Văn Hoá Thông Tin được ban hành, nhưng suốt trong vòng 6 tháng, cho đến kỳ họp Ban Chấp Hành TƯ Hội cuối tháng 2 năm 1997, các vị lãnh đạo vẫn chưa hoàn thành xong việc tổ chức bộ máy hoạt động của Tạp chí, và nhất là chưa hình dung được tờ tạp chí đó, cơ quan ngôn luận đó, sẽ hoạt động như thế nào, lấy kinh phí đâu mà hoạt động, bán rộng rãi cho các đơn vị trong ngành hay biếu không, lực lượng chuyên trách của toà soạn sẽ được trả lương ra sao, mạng lưới cộng tác viên như thế nào, các chi phí cho văn phòng, cho trị sự và phát hành, thù lao cho bạn viết và cộng tác viên, chi phí cho biên tập, chế bản và in ấn, vân vân…, tất cả đều chưa có gì cụ thể, mà hạn ra báo đã gần hết (Nếu sau 6 tháng của Giấy Phép mà chưa xuất bản được thì Giấy phép sẽ bị thu hồi). Ngay trong Hội nghị BCH cuối tháng 2 năm 1997, khi bàn về những vấn đề trên để có thể xuất bản số 1 vào tháng 3 năm ấy, hãy còn nhiều ý kiến cho rằng không thể xuất bản được tờ tạp chí riêng của Hội vì lý do chính là “Hội không có kinh phí để ra báo, nếu ai có thể tự lo kinh phí để ra báo và tự nuôi sống nó, thì làm” Rất tiếc là những ý kiến như thế, lại là của những vị lãnh đạo cao nhất của Hội. Như một gáo nước lạnh dội vào mấy cán bộ, biên tập viên vừa được chọn mời cộng tác với “Tạp chí”. Họ đang háo hức muốn đóng góp cho việc xuất bản một tạp chí tầm cỡ trong hàng ngũ những tạp chí chuyên ngành của làng báo chí trung ương, nhưng ít nhất phải “có bột mới gột nên hồ”, phải có chút ít tài trợ ban đầu của Hội, người cha đẻ của tạp chí, thì mới ra được báo. Cũng may, trong các vị trí lãnh đạo của Tạp chí được Hội chỉ định lúc đó, có hai vị rất quan trọng. Đó là Ông Tổng biên tập Phạm Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội, đương chức Thứ trưởng Bộ GTVT, và Ông Phó Tổng biên tập thường trực Ngô Quang Huấn, đương chức Chánh Văn phòng Bộ, đã từng qua các vị trí Trưởng Ban Trị sự Báo GTVT nhiều năm, cũng nhiều năm làm Trưởng ban Thi đua Tuyên truyền của Bộ, cũng coi như là có nghề báo. Hai vị này mạnh mẽ hứa với BCH là sẽ ra được số 1, số đầu tiên của Tạp chí Cầu đường vào tháng 4-1997. Mọi người thở phào trút được nỗi băn khoăn “Hội mình là một hội nghề nghiệp hoành tráng thế mà không đủ tiền nuôi một tờ Tạp chí ư?” và chờ đợi cho đến ngày báo ra, hơn một tháng nữa. Nhưng những nỗi băn khoăn và lo lắng thực sự thì lại chuyển vào tâm tư mấy cán bộ biên tập mới được mời cộng tác: Ông Mai Hồng Niên, nhà thơ, biên tập viên của Tạp chí Hàng hải, một người tuy rất năng động và hiểu biết tường tận ngóc ngách về việc chạy giấy phép xuất bản, một phóng viên rất quen thuộc với các đơn vị trong ngành giao thông và cũng rất quen thuộc với các nhà văn nhà thơ nhà báo chuyên nghiệp, nhưng Mai Hồng Niên lại rất nghèo (tiền) phải “chạy ăn từng bữa như những nhà thơ chuyên nghiệp”- như lời ông thường tâm sự. Người thứ hai là ông Vũ Lương, xuất thân từ một kỹ sư công trình đường thuỷ, đã từng làm báo chuyên nghiệp nhiều năm, một nhà báo có nghề cả viết, biên tập và làm maket, làm mise trang, có ngoại ngữ tốt (tiếng Nga) và đặc biệt ông là một người biết dấn thân và tận tuỵ. Nhưng cũng như mọi người mang tính cách ấy, và cũng vì là nhà báo chuyên nghiệp nhiều năm, nên ông Vũ Lương cũng nghèo, ông lại thường trú hộ khẩu ở Sài Gòn, nên ra bắc làm báo, ông còn gặp thêm nhiều khó khăn nữa mà Toà soạn tạp chí phải chia sẻ với ông. Còn người viết những trang này, không xa lạ gì với bạn đọc trong ngành, cũng được các vị lãnh đạo Hội vời về làm Tạp chí. Khi đó, sau 3 năm nghỉ hưu theo chế độ, ông ta đã tính tìm một chỗ an nhàn để dưỡng lão. Nhưng cũng như ông Vũ Lương, ông Mai Hồng Niên, ông ta vì nể các bạn học cũ, nay đều là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội (lại đang đương chức: ông thì đương kim Bộ trưởng, ông thì đương kim Phó Ban Kinh tế TƯ của Đảng) ông ta cũng liều về nhận làm chân Thư ký Toà soạn của Tạp chí. Thôi về cái tính liều của ông ta, không bàn đến như những vị trí trước đây ông cũng liều mà nhận đảm đương trong suốt những năm còn ăn lương nhà nước, lần này liều nhận về làm báo, nhiều người bạn quen biết đều lắc đầu: “Ông liều thật, tay không bắt giặc, lại là giặc nằm cả ở phần trí tuệ cả ở việc xoay sở hàng ngày, liệu báo có đứng được vài ba số không?”
Thế rồi cái tháng 3 năm 1997 ấy, cả toà soạn lăn ra để cho tháng 4 có đứa con đầu lòng. Vừa lo thiết kế nội dung (các chuyên mục) vừa lo thiết kế hình thức (từ trang bìa 1, bìa 2, rồi 48 trang ruột, rồi bìa 3, bìa 4) lo tìm đến các cơ sở để tiếp thị phát hành, lo đi “xin” quảng cáo, lo tìm kiếm nhà in cho in “chịu”… Rồi hạn đến, báo phải ra, đứa con đầu lòng phải chào đời. Giữa tháng 4 năm ấy, tại phòng họp số 7 của Bộ, khách mời đông nghịt. Khách gồm lãnh đạo Hội, lãnh đạo Bộ và các Vụ, đại diện các Cục, Viện, các Tổng công ty, đại diện Liên Hiệp Hội KHKT, đại diện các trường Đại học, cao đẳng trường dạy nghề trong và ngoài ngành, đại diện các cơ quan quản lý báo chí của nhà nước và của ngành, Hội nhà báo, cơ quan phát hành báo chí và Bưu điện, đại diện các báo và tạp chí trong ngành, đại diện các báo chí đài truyền hình và phát thanh của trung ương và Hà Nội, đông đủ các cộng tác viên (tương lai) là các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, chuyên gia và các nhà quản lý các chuyên ngành ở cơ sở, nhiều nhà văn nhà thơ nhà báo chuyên nghiệp, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư… và quan trọng hơn cả là các nhà tài trợ ban đầu. Thế là “vạn sự khởi đầu nan” và “đầu xuôi, chắc đuôi phải lọt”. Buổi ra mắt kết thúc “trong thành công”, anh em trong toà soạn nhanh chóng quên đi cái cảm giác vui sướng và tự hào để tỉ mỉ rút kinh nghiệm, đón nhận những nhận xét và phản hồi của bạn đọc, khẩn trương chuẩn bị cho những số báo tiếp theo. Ra được số báo đầu tiên, niềm vui có đấy, nhưng toà soạn cũng tự chất lên vai mình món nợ đầu tiên. Đó là khoảng vài ba chục triệu đồng mà nhờ oai của ông Thứ trưởng-Tổng biên tập và ông Chánh Văn Phòng Bộ-Phó Tổng Biên Tập thường trực đã “vay” của Văn Phòng Bộ. Thì cũng đành liều, anh em trông vào số tiền thu được từ bán báo và nhất là các khoản tài trợ của đơn vị cơ sở dưới hình thức quảng cáo bằng lý thuyết “đôi bên cùng có lợi”. Nguồn ấy không chắc chắn một chút nào, và món nợ trên kia nhất định sẽ không những không trả được, mà còn ngày càng chồng chất thêm lên. Vậy mà qua những ngày tháng khó khăn ấy, báo vẫn ra được đều đều trong năm đầu tiên, không những thế, những số cuối năm và số Tết, báo còn được phép tăng trang (từ 48 trang lên 64 trang) Bạn đọc nhận xét “Báo ngày càng phong phú thiết thực hơn về nội dung và đẹp lên về hình thức” Lượng phát hành cũng tăng lên, cộng tác viên ngày càng nhiều và ở hầu khắp các cơ sở trong ngành.

Bây giờ, nghĩ lại những ngày đầu làm báo Hội, vẫn không rời được cảm giác lo sợ hồi hộp một lúc nào đó, báo sẽ chết vì không còn tìm đâu ra nguồn tài trợ! Và điều này cũng cần nói thật ra: “Hội và Báo phải biết ơn ông Phạm Quang Tuyến trong những ngày đầu khó khăn không một xu dính túi, đã làm thay công việc của Hội là tài trợ ban đầu, mà dùng quyền của mình để “bắt Văn Phòng Bộ cho vay vài chục triệu” (có sự ủng hộ của ông Ngô Quang Huấn, lúc đó là Chánh văn phòng), đến mãi sau này Tạp chí vẫn “xù” món nợ đó. Ông Tuyến đã phải bớt xén tiền túi của mình để trả nợ dần cho Văn phòng, mong cho báo không còn mắc nợ. Ông Tuyến làm việc đó là hoàn toàn vì báo (Ông còn nhiều lần bỏ tiền ra để cho báo họp cộng tác viên hàng năm sau này nữa), ông nghĩ: “Năm ba anh em trong toà soạn lúc đó, họ chẳng có tiền, lại cũng không được hưởng lương của Hội, họ làm không công cho Hội, thì mình phải tìm cách giúp anh em chứ?” Thực ra, ông Tuyến cũng chẳng lấy đâu ra tiền túi mà bù đắp cho báo, nhưng bằng cái Tâm của ông, ông đã vận động được nhiều đơn vị và cá nhân ủng hộ báo. Thì cũng như tiền của ông vậy. Những ngày đầu của Tạp chí Cầu đường, là như thế.
Những người mà báo phải biết ơn
Báo “sống” được một năm rồi năm năm, mười năm, nay thì đã được mười lăm năm tròn trịa. Ngoài cái cách sống thoi thóp lần hồi “rau cháo qua ngày” công nợ trả theo lối “cháo nóng húp quanh” là nhờ vào cái Tâm của những người làm báo đã đành, nhưng báo càng lớn lên, càng hay hơn, càng được bạn đọc quý hơn… thì phải nói thật rằng phải nhờ vào đội ngũ cộng tác viên tâm huyết. Đội ngũ này có thể tạm chia thành 2 nhóm: Nhóm các chuyên gia kỹ thuật và nhóm các nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp. Bởi vì, theo tôn chỉ và mục đích đây là một tạp chí chuyên ngành khoa học kỹ thuật của một Hội nghề nghiệp (Nguyệt san kỹ thuật), báo sẽ phải bao quát (bao gồm) một số chuyên mục lớn như Khoa học Công nghệ, Đầu tư Phát triển, Giới thiệu Tiêu chuẩn-quy trình quy phạm-chính sách mới, Nhìn ra thế giới, Trao đổi-Diễn đàn KHCN, Giới thiệu Sáng kiến-Phát minh, Thông tin và Đánh giá sự cố công trình, v.v...
Cộng tác viên của những chuyên mục này bao gồm rất rộng rãi anh chị em kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, các giáo sư, phó giáo sư cán bộ giảng dạy ở các Trường, Học viện, Viện nghiên cứu, các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế và quản lý ở các Công ty xây dựng, các Ban QLDA, các Khu QLĐB, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý của các Sở GTVT và các đơn vị thuộc Sở GTVT, các Công ty và Văn Phòng của các Hãng Tư vấn và Xây dựng nước ngoài đang tham gia các dự án ở nước ta, và không ít các chuyên gia đang công tác ở các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT. Trong gần 15 năm qua, con số các tác giả của các chuyên mục trên, tính ra đến vài trăm. Đó thực sự là một con số có ý nghĩa đối với một tạp chí chuyên ngành. Có tác giả xuất hiện vài tháng một lần, có những tác giả hầu như một năm có đến 6, 7 bài báo. Đội ngũ này chính là nguồn cung cấp ruột của báo. Họ là người nuôi sống báo, nhưng quan trọng hơn, họ chính là những người làm vinh danh cho Hội thông qua việc bày tỏ những quan điểm đúng đắn của những người xây dựng hạ tầng kỹ thuật của ngành. Chỉ tiếc là báo quá nghèo, nên nhuận bút trả cho các tác giả chỉ mang tính tượng trưng, không đánh giá đúng giá trị chất sám của người viết và sự đóng góp về nghề nghiệp của các tác giả này. Sự hàm ơn của báo với đội ngũ này khó mà nói cho hết và chắc chắn còn dài dài...
Cũng là một mặt chính yếu thứ hai trong trọng tâm hoạt động của một Hội nghề nghiệp, việc xây dựng truyền thống ngành nghề, phát huy tinh thần tương thân tương ái cũng như xây dựng con người có trách nhiệm, văn minh trung thực và biết dấn thân…, một mảng không thể thiếu của báo là các bài viết về Truyền thống, Chân dung nghề nghiệp, Dặm đường đất nước, Những hoạt động văn hoá xã hội…Những bài thơ, bản nhạc về những công trình và những con người giao thông thời đại…  thì trong mười lăm năm qua, lại được các nhà báo chuyên nghiệp bạn bè, những nhà văn, nhà thơ bạn bè, người mới, người cũ, người đã nhiều năm lăn lộn với những cung đường trải dài đất nước, người mới “nhảy vào” những công trình xem như những phát kiến mới về một mảng đề tài phong phú, đa dạng và vĩnh cửu… say sưa sáng tác và tự nguyện đóng góp cho tạp chí. Cảm hứng đến với các anh các chị để có một truyện ngắn hay, một bút ký sâu sắc tình người nhiều khi chỉ vô tình nghe qua câu chuyện thăm hỏi của hai kỹ sư cầu đường, cũng có khi chỉ bất ngờ được dự một kỳ giao ban, một buổi tranh luận về phương án tối ưu hay một buổi rút kinh nghiệm truy tìm nguyên nhân của những sự cố, những sai sót trong thi công…Những tác phẩm văn xuôi và thơ của các nhà văn nhà báo chuyên nghiệp đăng tải trên Tạp chí Cầu đường được bạn đọc trong ngành đánh giá là những sáng tác có chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật. Mới chỉ vào năm thứ 7 thứ 8, từ hàng trăm bút ký văn học và chân dung đã đăng trên tạp chí, ban biên tập tạp chí đã chọn lọc để làm một tuyển tập dày trên 500 trang, có tên “Cầu đường một thuở…” Cũng là một dấu nhấn cho một thời kỳ. Ban biên tập cũng đã lập kế hoạch kết hợp với Nhà  xuất bản GTVT để rút ra từ tạp chí, kết hợp với các tác giả các bài báo khoa học, làm những tuyển tập về những chủ đề mà bạn đọc quan tâm. Nhưng lực bất tòng tâm, kinh phí thiếu, đành gác lại, chờ dịp. Báo sống được cũng là nhờ các cộng tác viên nhóm 2 này. Họ không nệ vào tên tuổi đã nổi để hạ cố viết cho Cầu đường, mà họ nhận ra được một điều là “bạn đọc Cầu đường là những bạn đọc rất tinh và rất khó tính, bởi lẽ họ chính là những kỹ sư và công nhân đang ngày đêm lăn lộn quên mình vì sự nghiệp cao cả xây dựng đất nước tươi đẹp” Những bạn đọc này làm cho danh hiệu các nhà văn, nhà báo danh giá hơn. Nhưng trước hết, Tạp chí Cầu đường phải hàm ơn các nhà văn nhà báo chuyên nghiệp đã và đang viết cho Cầu đường vì qua những tác phẩm và trang viết của họ cuộc sống của những con người lao động bình thường đã được nâng lên một tầm cao hơn rất nhiều.                                             
                                                      *
Mười lăm năm qua nhìn lại, số bạn đọc yêu mến Tạp chí Cầu đường càng nhiều lên, số cộng tác viên chăm chỉ và nhiệt tình ở khắp các cơ sở vẫn ngày đêm kiên trì vừa hoàn thành những nhiệm vụ chuyên môn, vừa vắt chất sám để hiến cho đời những bài luận văn khoa học có giá trị, và những nhà văn, nhà báo vẫn giữ được mối thiện cảm với một tạp chí chuyên ngành tưởng như mang tính khô khan của bê tông và nhựa đường.
Mười lăm năm qua, nhìn lại, ba tính chất cơ bản của tạp chí: “Hàn lâm, Phổ thông và xã hội” vẫn được giữ vững và phát triển. Mong cho nhiều người càng yêu quý Cầu đường vì sự bổ ích của nó.

Thành phố Hồ CHí Minh, tháng 4 năm 2012
Vũ Phạm Chánh
......
( Số kỷ niệm 15 năm Tạp chí Cầu đường Việt Nam ra số đầu tiên )

Tạp chí cầu đường Việt Nam trong số này có các nội dung chính như sau:
- 15 năm tạp chí cầu đường Việt nam ra số đầu tiên.( Bài viết: Vũ Phạm Chánh)
- Hội nghị chuyên đề về quản lý tiến độ và chất lượng công trình.
- Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất nhiều nội dung quan trọng với lãnh đạo Hội KHKT cầu đường Việt Nam và Hội Môi trường GTVT.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào uản lý cầu đường bộ
- Đánh giá chất lượng cát xay trong sản xuất bê tông xi măng.
Xây dựng phần mềm lắp ghép cầu quân sự và công nghệ thi công cầu.
- Kiến trúc cầu đi bộ đa chức năng.
- Suy nghĩ về chất lượng mặt đường ô tô .
- Đi tìm giải pháp hạn chế ùn tắc  giao thông.
- Văn hóa văn minh qua những cây cầu tuyến đường.
- Đường thiên lý Bắc Nam
- Traphaco giá trị một thương hiệu..
Mời các bạn đón đọc.Tạp chí Cầu đường Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts