Friday, May 4, 2012

Hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) để lại cho hạ tầng GTVT rất nghiêm trọng. Bộ GTVT đã đưa ra các giải pháp thích ứng với BĐKH phù hợp cho các công trình giao thông nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.
BĐKH tác động nghiêm trọng đến GTVT
Việt Nam là 1 trong 5 nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Các ảnh hưởng của BĐKH là thời tiết cực đoan, ngập lụt, sụt trượt, sạt lở, tác động của thời tiết đến các nguồn lực và cộng đồng, ở thành thị và nông thôn.
Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở do bão lụt
Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở do bão lụt
Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm ở nước ta đã tăng khoảng 0,5oC. Số ngày nắng nóng tăng mạnh trong giai đoạn từ 1991-2000, đặc biệt là ở khu vực Trung bộ và Nam bộ. Số đợt không khí lạnh giảm rõ rệt trong 2 thập kỷ qua. Nhiều biểu hiện thời tiết dị thường đã xảy ra.
Biểu hiện dị thường có thể đơn cử như đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày trong tháng 1-2/2008 tại Bắc bộ. Số ngày mưa phùn đã giảm đáng kể, mưa trái mùa và mưa lớn bất thường xảy ra thường xuyên; Bão có cường độ mạnh cũng xuất hiện nhiều hơn; Mực nước biển dâng trung bình khoảng 3mm/năm.
Nước biển dâng, mưa lớn có thể nhấn chìm hạ tầng giao thông (HTGT) ven biển. HTGT được thiết kế theo các điều kiện môi trường bình thường sẽ không đủ an toàn và khả năng đáp ứng trong tương lai. Lũ quét, sạt lở, sụt trượt sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc phá hủy HTGT, làm tăng khối lượng và chi phí cho công tác bảo trì...
Các giải pháp
Nhằm ứng phó với BĐKH, trong thời gian qua Bộ GTVT đã đánh giá tác động của BĐKH bằng cách rà soát, nghiên cứu, phân loại lĩnh vực, hoạt động GTVT chịu ảnh hưởng của BĐKH; Thống kê, điều tra, dự báo, đánh giá mức độ gây ngập lụt, sạt lở, sụt trượt (đặc biệt tại các vùng ven biển, miền núi và Đồng bằng sông Cửu Long).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xây dựng, đề xuất các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải GHG; Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS tích hợp ứng phó với BĐKH cho các kết cấu hạ tầng (KCHT) GTVT dễ bị tổn thương; Tích hợp, lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KCHT GTVT; Bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Kiểm tra, kiểm soát khí thải PT CTCG; Phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thí điểm các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ GHG trên cơ sở hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ của quốc tế.
Không chỉ có vậy, Bộ GTVT còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước về BĐKH trong GTVT. Bộ GTVT cũng đã và đang thực hiện 06 dự án ưu tiên về đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó (hoàn thành năm 2013); Vận động tài trợ quốc tế để thực hiện 12 dự án theo 3 nhóm là: Thí điểm giải pháp thích ứng về công trình cho KCHT GTVT (06 dự án); Ứng dụng công nghệ/giải pháp giảm nhẹ GHG (03 dự án); Nâng cao năng lực (03 dự án).

Mục tiêu cụ thể của Bộ GTVT ứng phó với BĐKH
Đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không kể cả về kết cấu hạ tầng và hoạt động vận tải.
Xác định giải pháp thích ứng với BĐKH phù hợp cho các công trình giao thông nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Vận động nguồn lực quốc tế hỗ trợ ứng dụng giải pháp thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tổ chức, triển khai ứng phó với BĐKH.
Bộ GTVT

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts