Tuesday, October 2, 2012


Lời mở đầu
Việt Nam có tới 3.260 km đường bờ biển. trải dài từ phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, thuộc tỉnh Quảng Ninh, tới thôn Xà Xịa xã Mỹ Đức thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Việc hình thành tuyến đường ven biển trên cơ sở các quốc lộ dọc ven biển và một số tuyến đường tỉnh ven biển nối các khu kinh tế biển đã xây dựng hoặc đã được xác lập trong quy hoạch cho cả 3 khu vực gồm miền Bắc , miền Trung và miền Nam, đã và đang góp phần phát triển kinh tế biển.

( Hà Tiên lung linh )

Hiện tại cùng với quốc lộ 10 qua các tỉnh: Quảng Ninh,Hải Phòng,Thái Binh, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa,  ở Việt Nam các tuyến đường quốc lộ ven biển còn có:
- Tại miền Bắc: Quốc lộ 18 đoạn từ Biểu Nghi ( Uông Bí ) tới Trà Cổ (Móng Cái) , quốc lộ 21 đoạn từ thành phố Nam Định đến cảng Hải Thịnh ( Nam Định )….Theo đề nghị của UBND tỉnh NamĐịnh với Thủ Tướng Chính Phủ, nơi đây sẽ được xây dựng một cây cầu mang tên là cầu Thịnh Long, nối NamĐịnh với Ninh Bình. Như vậy quốc lộ 21 sẽ được nói vào quốc lộ 10 tại Kim Sơn Ninh Bình, tạo thành một trục đường ven biển.….
- Tại miền Trung  có tuyến đường ven biển Tân Tiến đến Nghĩa Trung theo tỉnh lộ 537B và từ Cửa Lò đến Cửa Hội tỉnh Nghệ An, tuyến đường  Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng mới được đầu tư xây dựng với mục tiêu: nối liền các vùng kinh tế dọc theo bờ biển của Hà Tĩnh, nối khu khai thác mỏ sắt Thạch Khê với khu kinh tế Vũng Áng.  
Trục quốc lộ 49B ( Thừa Thiên Huế  tại Hải Dương qua  cầu và đập Thảo Long. Đi dọc theo bờ biển đến đèo Phước Tượng xã Phước Chánh  và đi tiếp từ Chân Mây đến đến Quảng Lợi ( Lăng Cô)…
- Tại miền Nam có các Quốc lộ 80 ven biển Hà Tiên - Kiên Lương - Rạch Giá ( Kiên Giang) và giao quốc lộ 63 tại  Châu Thành, giao với quốc lộ 1A tại Cà Mau., tiếp đến là quốc lộ 55 đoạn Bà Rịa - Vũng Tàu đến Tân An ( Phan Thiết )…

Như vậy trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường ven biển hiện có kết hợp với việc đầu tư xây dựng mới, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông và phù hợp với các quy hoạch khác trong vùng và trong khu vực đã hình thành một trục dọc quốc gia đường ven biển và các trục tuyến đường ven biển trên nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Việt Nam.
Tuyến đường này bắt đầu tại cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc (xã Bình Ngọc, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) với chiều dài khoảng 3.041 km.
Đây là tuyến đường bộ sát biển nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. 

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển có thể kết hợp với hệ thống đê biển và hệ thống đường phòng thủ ven biển nhằm tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh khu vực. 
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển được phân thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 đến năm 2020, sẽ tập trung xây dựng các đoạn tuyến tại các vùng kinh tế trọng điểm và 15 khu kinh tế ven biển đã được xác định trong Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020. Trong đó xây dựng mới, nâng cấp cải tạo khoảng 892 km đường ven biển với số vốn dự kiến là 16.012,69 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện khoảng 1.058 km. Bao gồm các tuyến đường: Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), : Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vình), Năm Căn (Cà Mau).

- Sau năm 2020 với số vốn dự kiến là 12.119,62 tỷ đồng để xây dựng mới các đoạn đường tỉnh và nơi chưa có cầu, đường để hình thành tuyến đường bộ ven biển trên toàn quốc và nâng cấp, cải tạo các đoạn tuyến theo quy mô đã được xác định trong quy hoạch, nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến đường bộ ven biển quốc gia.
Thực hiện quy hoạch trên đến nay đã có nhiều trục đường bộ ven biển tại miền Trung và miền Nam được triển khai thi công nâng cấp mở rộng, đó là các tuyến:

Tuyến đường giao thông ven biển và phòng tránh lụt bão, cứu hộ, cứu nạn qua TP Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và huyện Núi Thành phía đông Quảng Nam, có tổng chiều dài toàn tuyến 32,96 km; mặt cắt ngang 138 mét, gồm 4 làn xe chính, 2 làn xe thô sơ và dải cây xanh phòng hộ hai bên đường mỗi bên rộng 50 mét...
Tuyến: Dung Quất ( Quảng Nam)  đến Sa Huỳnh ( Bình Định) và tuyến Tuyến Bình Tiên-Cà Ná. Cùng với các tuyến đường tỉnh hiện có, đây là tuyến đường “huyết mạch” quan trọng tạo động lực để KT-XH bền vững nhằm gắn kết các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.song lại là tuyến giao thông có tầm quan trọng nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển xuyên quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.
Tại miền Nam, Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I có tổng chiều dài xây dựng là 108,8 km, bao gồm xây dựng mới 81,6 km và 18,2 km cải tạo nâng cấp đường hiện hữu trong đó có các cầu đặc biệt lớn vượt sông Cái Lớn và sông Cái Bé thuộc địa phận xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là cầu Cái Lớn và cầu Cái Bé. Sau thời gian chuẩn bị các đoạn tuyến của Dự án thuộc Giai đoạn 1 đã lần lượt được triển khai xây dựng.
Con đường sẽ được xây dựng qua nhiều khu vực thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Đoạn qua Kiên Giang dài hơn 166km..
Đây là Dự án thuộc chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nhằm mục tiêu thiết lập tuyến đường bộ quốc tế nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), Campuchia, Thái Lan cùng các nước khác trong khu vực và tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực, củng cố an ninh quốc phòng và góp phần xoá đói giảm nghèo cho các tỉnh biên giới phía Tây Nam Việt Nam.
Đường hành lang ven biển của 3 nước có điểm đầu tại Bangkok (Thái Lan) qua Campuchia và kết thúc tại TP. Cà Mau (Việt Nam), trong đó đoạn qua Việt Nam có chiều dài 217km.
Tuyến đường này sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường N1 và các quốc lộ 80, 63 tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ,  nên tương lai sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, đặc biệt là vùng đất  các huyện thuộc bán đảo Cà Mau.
Các quốc lộ 80 và 63 được giới thiệu dưới đây nằm trong dự án đường hành lang ven biển phía Nam Việt Nam.
Quốc lộ 80
Quốc lộ 80 là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh phía tây của Đồng bằng sông Cửu Long với phần còn lại của đồng bằng. Quốc lộ 80 có độ dài khoảng 215 km, chạy qua địa phận các tỉnh: 
Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang. Và điểm cuối của tuyến đường là cửa khẩu Hà Tiên.
Điểm khởi đầu quốc lộ 80 là tại nút giao quốc lộ 1A, phía Nam Cầu Mỹ Thuận - thành phố Vĩnh Long. Đây là một cây cầu có quy mô lớn được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnhTiền Giang  Vĩnh Long. Trên quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Cầu được khởi dựng ngày 06/7/1997, khánh thành ngày 21/5/2000
Với tổng chiều dài 1.535m, cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam với 128 dây văng chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm có 16 dây. Ngoài dây văng điểm nhấn gây ấn tượng của cầu là Tháp trụ cầu. Thân tháp cao tạo dáng vững chải nâng đỡ toàn bộ dầm cầu. Trụ tháp do Công ty cổ phần cầu 12 ( Cien co1 ) thi công. Cầu Mỹ Thuận là một công trình thế kỷ của sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Úc, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Không chỉ đem lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận còn đáp ứng lòng mong mỏi và hy vọng từ bao đời của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi thông xe tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và xây dựng tiếp tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuyến đường này hoàn thành hứa hẹn sẽ mang nhiều thay đổi đột phá cho các tỉnh miền Tây.
Qua cầu Mỹ Thuận, quốc lộ 80 đi ngược lên phía Tây song song với sông Tiền, rồi đi qua thị xã Sa Đéc, tiếp đến là thị trấn Lai Vung, thị trấn Lấp Vò (Tỉnh Đồng Thạp), giao với quốc lộ 54 tại sông Hậu. và giao với quốc lộ 91 tại Mỹ Thanh, tuyến đường không đi vào trung tâm mà theo hướng Đông  thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang, một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, là đô thị sầm uất thứ 2 tại miền tây Nam bộ sau thành phố Cần Thơ với cơ cấu kinh tế thương mại – Dịch vụ,  công nghiệp –xây dựng và nông nghiệp là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh An Giang một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, là một trong những tỉnh có diện tích đất canh tác lớn nhất trong vùng ĐBSCL. Với tổng diện tích đất nông nghiệp là trên 246 000 ha , trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 82%. Đất An Giang hình thành qua quá trình tranh chấp giữa biển và sông ngòi,nên rất đa dạng. Mỗi một vùng trầm tích trong môi trường khác nhau sẽ tạo nên một nhóm đất khác nhau, với những thay đổi về chất đất, địa hình, hệ sinh thái và tập quán canh tác..
Tiếp đến quốc lộ 80 đi qua những cánh đồng lúa trù phú của các vùng đất Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ,  thị trấn Tân Hiệp ( tỉnh An Giang) , giao với quốc lộ 61 tại Kiến Thành (An Giang ?) quốc lộ 80 đi men theo bờ biển Tây qua thị trấn Mong Thọ, qua thành phố Rạch Giá,
Thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị trọng điểm tại ĐBSCL (bao gồm Tp. Cần Thơ, Tp. Cà Mau và Tp. Long Xuyên). là thành phố biển của vùng ĐBSCL, đồng thời cũng là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa và đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Kiên Giang. Nơi đây từ lâu nổi tiếng là khu vực phát triển năng động "trên bến dưới thuyền". là nơi có dân cư đông đúc và kinh tế phát triển so với các thành phố ở ĐBSCL. Với hơn 23 vạn dân, qui mô dân số đô thị của toàn thành phố Rạch Giá đứng thứ 3 trong các thành phố tại Miền Tây (sau Tp. Cần Thơ và Tp. Long Xuyên - An Giang.
 Thành phố biển miền Tây Nam này ngày càng có nhiều người biết đến hơn là bởi Rạch Giá đang sở hữu khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Khu lấn biển hướng ra Vịnh Thái Lan mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, tăng thêm 2 phường mới cho Rạch Giá và mở rộng diện tích nội thành lên đến 420 ha.
Quốc lộ 80 qua thị trấn Hòn Đất, thị trấn Kiên Lương, qua  Thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
Nơi đây với người miền Bắc, vào những năm kháng chiến chống Mỹ,  Hòn Đất là một địa danh nổi tiếng một thời bởi tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học chống Mỹ, kể lại một câu chuyện có thật về người dân nơi đây kiên cường chiến đấu chống giặc giữ làng.
Thị xã Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo...tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.
Sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào khu vực Hà Tiên, dài khoảng 23 km. Sông đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200 m. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Ngoài ra còn có sông Tô Châu và kênh Hà Tiên - Rạch Giá.
Các ngọn núi trên địa bàn thị xã hầu hết đều là những thắng cảnh như: núi Tô Châu, núi Đá Dựng, núi Bình San, núi Thạch Động...Ven biển Hà Tiên có nhiều bãi biển đẹp như: bãi biển Lộc Trĩ (bãi biển Mũi Nai). Ngoài khơi có quần đảo Hải Tặc với nhiều đảo đẹp, có tiềm năng du lịch.
Hà Tiên với nhiều cảnh đẹp (Hà Tiên thập vịnh) đã là đề tài xướng họa của Tao đàn Chiêu Anh Các dưới thời Đô đốc Mạc Thiên Tứ cai quản xứ sở này.
Đi tiếp quốc lộ 80 chừng 7caay số là đến khu vực cửa khẩu Xà Xịa, nay gọi là cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, nối Hà Tiên ( Kiên Giang –Việt Nam ) với Lốc ( tỉnh Kampot, Cam-pu-chia).
Kể từ khi tuyến đường này được nâng cấp và mở rộng đã trỏ thành một trục đường hành lang biên giới thuận lợi cho việc giao lưu xã hội, thông thương kinh tế giữa Việt Nam, Campuchia và Thái Lan./
Quốc lộ 63 
Quốc lộ 63 là con đường ven biển nối liền 2 tỉnh Kiên Giang  Cà Mau, dài 100 km.
Quốc lộ 63 bắt đầu tại ngã ba Tắc Cậu, giao với quốc lộ 61, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành,
Đây là một huyện ven bờ biển Tây, có diện tích nhỏ nhưng lại là một trong những địa phương có đóng góp nhiều vào ngân sách của tỉnh Kiên Giang. .Nền kinh tế của huyện Châu Thành chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác và chế biền thủy sản...Tại Châu Thành có cảng cá Tắc Cậu là cảng cá lớn nhất Kiên Giang và cũng là cảng cá lớn nhất Việt Nam, cản đang được xây dựng thành khu công nghiệp nghề cá của tỉnh Kiên Giang
Hai quốc lộ 63  61 chạy qua Châu Thành đang được xây dựng. Dân cư sinh sống trong huyện chủ yếu la người: kinh, hoa, khơ me.đi qua các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và kết thúc tại phường 9, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Tại thành phố Cà Mau để đi tiếp đến vùng đất mũi ra biển là quốc lộ 1A.
Tuy nhiên trục đường ven biển quốc gia được nối tiếp với tỉnh lộ 961, qua Can Du, ở phía tây thành phố Cần Thơ và tuyến đường vượt qua hai con sông: Cái Lớn và Cái Bé để đến An Biên và thị trấn Thứ Bảy, cả 2 cây cầu này đã và đang được xây dựng.

Đoạn đường Minh Lương – Thứ Bảy có chiều dài 22,8 km, với kinh phí đầu tư 49,68 triệu USD. Trong đó, phần cầu qua sông cái Bé và cái Lớn dài 1,91 km và mở rộng, nâng cấp 10 cây cầu khác. Ngoài ra, trong tuyến hành lang ven biển trên địa bàn Kiên Giang còn có tuyến đường tránh TP Rạch Giá dài 20,83 km, có kinh phí đầu tư 82,78 triệu USD. Hai dự án này do liên danh Hàn Quốc là Cty Tư vấn DASAN-DOHWA làm tư vấn và Cty KUKDONG ( Hàn Quốc ) trúng thầu thi công
Qua sông từ thị trấn Thứ Bảy, tuyến hành lang không đi theo QL63 nữa, mà sẽ xây dựng một tuyến hoàn toàn mới, đi dọc theo sông Trẹm (vùng đệm của U Minh Thượng và U Minh Hạ) để đến thị trấn Thới Bình
Tổng mức đầu tư của dự án đã lên đến gần 500 triệu USD, Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013 chủ yếu là xây dựng đoạn tuyến mới từ Thứ Bảy – Cà Mau; mở rộng 20 km đoạn từ Minh Lương – Thứ Bảy; xây dựng hai chiếc cầu lớn bắc qua sông Cái Lớn và Cái Bé; xây dựng tuyến tránh Rạch Giá – Rạch Sỏi. Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 là 390 triệu USD, trong đó vốn vay ADB là 75 triệu USD; Chính phủ Australia viện trợ không hoàn lại 25 triệu USD; Hàn Quốc cho vay ưu đãi đặc biệt, vốn đối ứng Việt Nam chịu chi phí giải phóng mặt bằng.
Trên quốc lộ 63 đến thành phố Cà Mau còn có phà Tắc Cậu - Xẻo Rô cách ngã ba Tắc Cậu 4 km, phà đi qua hai con sông là sông Cái Lơn  sông Cái Bé. , kết thúc quốc lộ 63 là TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là trung tâm hành chính của tỉnh Cà Mau – Một tỉnh ven biển cực Namcủa  Việt Nam. Càu Mau có diện tích trên 5000km2 trong đó diện tích trồng lúa chiếm non 1 phần 4. Là một tỉnh cực Nam của đồng bằng sông Cửu Long Cà Mau có hệ thống sông kênh nhiều nhất nước ta với 9 con sông lớn và một hệ thống kênh rạch chằng chịt đổ ra biển, vì vậy sau cây lúa, nuôi trồng thủy hải sản cũng là kinh tế mũi nhọn của Cà Mau.
Với lợi thế giao thông thông qua các trục quốc lộ 1A  quốc lộ 63 và một hệ thông sông, kênh từ Thành phố Cà Mau có thể đi lại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng, nên cùng với việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản Cà Mau đã và đang xây dựng tổ hợp khí điện đạm có tổng số vốn dự kiến trong giai đoạn một lên đến 2,5 tỷ USD. Tổ hợp công nghiệp này gồm một đường ống dẫn khí dài 298 km trên biển và 43 km trên bờ.  Đường ống có công suất vận chuyển 2 tỷ m³ khí/năm vào nhà máy Khí điện đạm Cà Mau có tổng công suất 1500 MW và nhà máy phân đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm.
Trục đường ven biển sẽ được nối tiếp với tuyến QL1A đoạn Cà Mau – Năm Căn./.
Chu Đức Soàn
Tổng hợp nâng cao

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts