Wednesday, April 25, 2012

Vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nếu không có các biện pháp đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 50% sản lượng lượng thực của cả nước sẽ bị ngập chìm, bị nhiễm mặn trên một diện tích lớn..

Bài báo giới thiệu một số giải pháp thủy lợi nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu - nước biển dâng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an ninh lương thực cho ĐBSCL. 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hoạt động của con người trong nhiều thập kỷ gần đây đã làm tăng đáng kể những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính (nồng độ khí thải từ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, sự gia tăng dân số, phá rừng…), làm trái đất nóng dần lên, từ đó gây ra hàng loạt những thay đổi bất lợi và không thể đảo ngược của môi trường tự nhiên. Nếu chúng ta không có những hành động kịp thời nhằm hạn chế, giảm thiểu và thích nghi, hậu quả đem lại sẽ vô cùng thảm khốc.
Theo dự báo của Ủy ban Liên Quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC), đến năm 2100 nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 1,40 C tới 5,80 C tùy thuộc vào lượng tăng khí CO2 và các loại khí thải tạo hiệu ứng nhà kính do hoạt động con người gây ra trong bầu khí quyển Trái đất [1,2].

Hệ quả tất yếu của tình trạng bề mặt Trái đất nóng lên là băng tan hai đầu địa cực và trên đỉnh những dãy núi cao, thể tích nước biển gin nở do nhiệt … là mực nước biển dâng cao, và như vậy nhiều hòn đảo, nhiều vùng đồng bằng có cao trình thấp ven biển bị chìm ngập. Các số liệu quan trắc mực nước biển ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy trong vòng 50¸100 năm qua mực nước biển mỗi năm tăng thêm 1,8 mm. Nhưng trong vòng 12 năm gần đây, các số liệu đo đạc của vệ tinh NASA đã chỉ rõ, mực nước biển dâng đang gia tăng rất nhanh, với tốc độ trung bình khoảng 3 mm/năm. Theo báo cáo của IPCC, đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử của con người đối với thiên nhiên, đối với mức độ xả thải khí nhà kính [1,2].
Cũng theo số liệu dự báo cái giá mà mỗi quốc gia phải trả để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu trong một vài chục năm nữa sẽ vào khoảng từ 5-20% GDP mỗi năm, trong đó chi phí và tổn thất ở các nước đang phát triển sẽ lớn hơn nhiều so với các nước phát triển [1,2].
Nước ta là một trong những nước đang phát triển, được đánh giá là một trong 5 nước chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Nước ta, với đặc điểm địa hình dốc dần từ Tây sang Đông, hầu hết những đồng bằng rộng lớn, nơi tập trung đông dân cư đều nằm ở những vùng đất thấp ven biển, vì vậy biến đổi khí hậu - nước biển dâng sẽ gây nên thảm họa rất lớn cho chúng ta. ĐBSCL, vùng đất màu mở,  đầy tiềm năng, với diện tích 3,9 triệu ha, đang đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu, khoảng 70% sản lượng thủy sản, hơn 80% sản lượng hoa quả cho đất nước hàng năm và là vùng đất chiến lược để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tương lai. Nhưng với cao độ mặt đất tự nhiên thấp, chỉ dao động  trên dưới +1m, địa hình khá bằng phẳng, trong khi đó đỉnh triều cao ở biển Đông hiện nay là +1,7 m, biển Tây là 1,1 m, như vậy, ĐBSCL sẽ bị ngập chìm, bị nhiễm mặn trên một diện tích rộng lớn, nhiều vùng đất trồng lúa 2¸3 vụ, những khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, vùng cây ăn trái đã tồn tại nhiều năm sẽ không còn nữa, nếu như chúng ta không có những biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nước biển dâng. Để làm tiền đề cho việc đề xuất những giải pháp kỹ thuật cụ thể, kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu – nước biển dâng tới ĐBSCL, trong báo cáo này chúng tôi xin trình bày một số kết quả tính toán dự báo về ngập, về xâm nhập mặn ứng với hai kịch bản nước biển dâng thệm 0,5 m và 1,0 m so với hiện nay. Trên cơ sở kết quả tính toán này chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp thủy lợi nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu – nước biển dâng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, an ninh lương thực cho ĐBSCL.
 

II. ĐÁNH GIÁ DIỄN BIẾN LŨ, XÂM NHẬP MẶN VÙNG ĐBSCL THEO CÁC KỊCH BẢN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU-NƯỚC BIỂN DÂNG

II.1.     Kịch bản tính toán và điều kiện tính toán

Kịch bản tính toán
Đánh giá tác động của nước biển dâng, đến xâm nhập mặn và ngập lụt ở ĐBSCL được tính toán và phân tích với 3 kịch bản sau:
Bài toán hiện trạng lũ và mặn năm 2000.
- Nước biển dâng thêm 0,5 m so với hiện nay.
- Nước biển dâng thêm 1,00 m so với hiện nay.
Ngoài ra trong nghiên cứu còn tính toán diện tích xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL, ứng với các kịch bản nước biển dâng 50 cm, 70 cm và 100 cm theo điều kiện thủy văn năm 2008 (năm ít nước).
Điều kiện tính toán
Các điều kiện biên cho mô hình thuỷ lực như sau:
- Biên triều biển: Theo biên triều 2000 (cho lũ, mặn) và 2008 (cho mặn), được nâng đều cả chân, đỉnh, trung bình lên tương ứng với 2 kịch bản 0,5 m và 1,00 m.
- Biên mặn cửa sông, ven biển từ 28-32 g/l.
- Biên lưu lượng lũ thượng lưu: Lũ năm 2000 tại Kratie.
- Biên lưu lượng năm 2008 tại Kratie cho mặn.
Phần mềm tính toán
Sử dụng bộ công cụ DSF (Công cụ hỗ trợ ra quyết định), được thống nhất sử dụng bởi các nước tham gia Hiệp định Mê Công, cho các số liệu đầu vào và sử dụng mô hình MIKE11 của Đan Mạch, một trong những phần mềm được đánh giá là chất lượng và hiệu quả nhất hiện nay, đã được chứng minh qua những ứng dụng trong nước thời gian gần đây, để mô phỏng kịch bản ở hạ lưu, ĐBSCL.

II.2.     Đánh giá diễn biến lũ vùng ĐBSCL theo các kịch bản nước biển dâng

Trên cơ sở sơ đồ mạng lưới tính toán thủy lực và kết quả kiểm định phê chuẩn mô hình, đảm bảo độ chính xác cần thiết, chúng tôi đã tiến hành tính toán diễn biến lũ cho các kịch bản hiện trạng, lũ năm 2000, khi mực nước biển như hiện nay; lũ năm 2000 khi mực nước biển tăng thêm 0,5 m và 1,0 m so với hiện nay. Kết quả cho thấy:
- Với kịch bản tính toán, lũ lịch sử năm 2000, mực nước biển chưa tăng, nghĩa là vẫn duy trì như hiện nay, diện tích ngập sâu hơn 0,5 m của toàn đồng bằng khoảng 50% diện tích, diện tích ngập sâu trên 1,0 m, kéo dài trong thời gian 1 tháng là 28%, xem hình 3 dưới đây.


Hình 3: Diện tích ngập lũ lớn hơn 0,5 m của ĐBSCL, ứng với kịch bản tính toán lũ năm 2000, nước biển chưa tăng
Hình 4: Diện tích ngập lũ lớn hơn 0,5 m ở ĐBSCL, ứng với kịch bản tính toán lũ năm 2000, nước biển dâng 0,5 m
  - Với kịch bản tính toán, lũ lịch sử năm 2000, mực nước biển tăng thêm 0,5 m so với hiện nay, diện tích ngập sâu hơn 0,5 m của toàn đồng bằng đạt tới 86% diện tích (xem hình 4), diện tích ngập sâu trên 1,0 m, kéo dài trong thời gian 1 tháng là 36%. Như vậy diện tích ngập sâu hơn 0,5 m theo kịch bản này tăng thêm khoảng 1,1 triệu ha so với kịch bản nước biển chưa dâng cao (kịch bản hiện trạng), xem hình 5. Diện tích ngập sâu hơn 1,0 m kéo dài trong thời gian hơn 1 tháng của kịch bản này lớn hơn kịch bản hiện trạng  0,3 triệu ha, xem hình 6.

http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/26/8/44/13354046472088120627_574_574.jpg

- Với kịch bản tính toán, lũ lịch sử năm 2000, mực nước biển tăng thêm 1,0 m so với kịch bản hiện trạng, diện tích ngập sâu hơn 0,5 m của toàn đồng bằng đạt tới 96% diện tích (xem hình 7), diện tích ngập sâu trên 1,0 m, kéo dài trong thời gian 1 tháng là 68%. Như vậy diện tích ngập sâu hơn 0,5 m theo kịch bản này tăng thêm khoảng 1,5 triệu ha so với kịch bản hiện trạng, xem hình 8. Diện tích ngập sâu hơn 1,0 m kéo dài trong thời gian hơn 1 tháng của kịch bản này lớn hơn kịch bản hiện trạng  1,6 triệu ha, xem hình 9.


http://d.f8.photo.zdn.vn/upload/original/2012/04/26/8/44/1335404648257318843_574_574.jpg

II.3.Đánh giá diễn biến xâm nhập mặn vùng ĐBSCL theo các kịch bản nước biển dâng

Kết quả mô phỏng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – Nước biển dâng đến thay đổi diện tích và nồng độ mặn ứng với điều kiện thủy văn năm nhiều nước như năm 2000, theo các kịch bản hiện trạng (điều kiện thủy văn năm 2000, nước biển chưa tăng) và các kịch bản nước biển tăng thêm 0,5 m và 1,0 (điều kiện thủy văn năm 2000, nước biển tăng). Kết quả tính toán được mô phỏng trên các hình 10, 11 và 12 cho các kịch bản hiện trạng, kịch bản nước biển dâng thêm 0,5 m và 1,0 m. Kết quả cho thấy với năm thủy văn nhiều nước mặn gia tăng không nhiều khoảng 100-300 ngàn ha.


Hình 11: Diện tích và nồng độ mặn vùng ĐBSCL, ứng với kịch bản  nước biển dâng thêm 0,5 m so với hiện nay

Hình 12: Diện tích và nồng độ mặn vùng ĐBSCL, ứng với kịch bản nước biển dâng  thêm 1,0 m so với hiện nay
Tuy nhiên với điều kiện thủy văn như 2008 (năm ít nước), mặn xâm nhập vào sâu hơn, đường đẳng mặn 4 g/l vào tháng 4, ứng với các kịch bản tính toán hiện trạng (nước biên không dâng), được kiểm định đảm bảo độ chính xác so với số liệu đo đạc, theo dỏi diễn biến mặn vùng ĐBSCL năm 2008 [4,5] và nước biển dâng thêm 0,5 m; 0,7 m và 1,0 m, với điều kiện thủy văn năm 2008 được thể hiện trên hình 13 dưới đây.

Hình 13: Đường đẳng mặn 4 g/l tháng 4 vùng ĐBSCL, ứng với kịch bản nước biển dâng
Diện tích nhiễm mặn 4 g/l vùng ĐBSCL cho các tháng mùa khô, ứng với các kịch bản khác nhau ứng với năm thủy văn 2008 được ghi trong bảng dưới đây.


Hiện trạng
Biển dâng 0.50 m
Biển dâng 0.70 m
Biển dâng 1.00 m
Tháng
DT (ha)
(%)
DT (ha)
(%)
DT (ha)
(%)
DT (ha)
(%)
1
   715.095
18,2
1.094.271
27,8
1.195.868
30,4
1.223.355
31,1
2
   834.762
21,2
1.106.317
28,1
1.260.592
32,1
1.374.932
35,0
3
   909.797
23,1
1.355.074
34,5
1.517.602
38,6
1.760.823
44,8
4
1.147.450
29,2
2.012.146
51,2
2.188.518
55,6
2.473.033
62,9
5
1.002.417
25,5
2.308.362
58,7
2.440.536
62,1
2.791.582
71,0
6
   890.236
22,6
1.671.771
42,5
1.818.105
46,2
2.215.461
56,3

Theo kết quả tính toán cho thấy, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xâm    nhập mặn trên dòng chính, mặn có thể tiến sâu vào nội đồng hơn 90 km, diện tích nhiễm mặn trên 4g/l có thể lên tới 71% diện tích toàn đồng bằng ứng với kịch bản nước biển dâng thêm 100 cm, trong khi với điều kiện hiện tại nước mặn chỉ tiến sâu vào nội đồng trên dưới 50 km, diện tích nhiễm mặn trên 4 g/l chỉ chiếm vào khoảng 29,2% diện tích  toàn đồng bằng.

III. VẤN ĐỀ AN NINH LƯƠNG THỰC

Do lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam có thể trồng lúa trên khắp địa bàn cả nước và trong thời gian 12 tháng của một năm không chỉ một vụ lúa mà có thể trồng tới 3 vụ. Tuy nhiên, hai vùng ĐBSCL và ĐBSH chiếm 66,6% diện tích lúa cả năm và gần 70% sản lượng thóc cả nước, điều này có nghĩa là thóc gạo hàng hóa tập trung chủ yếu ở hai vùng này, ở các vùng còn lại, sản xuất lúa gạo chỉ đủ hoặc chưa đủ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ.
Trong điều kiện đó, sản xuất lúa gạo gắn với an ninh lương thực trên quy mô cả nước (tầm quốc gia) phụ thuộc vào tính ổn định và bền vững của sản xuất lúa gạo ở hai vùng ĐBSCL và ĐBSH, vừa có chức năng cung cấp cho nhu cầu của nội vùng, đáp ứng nhu cầu bị thiếu hụt ở các vùng khác, đặc biệt là hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên và cung cấp nguồn gạo cho dự trữ quốc gia và xuất khẩu.
Nhưng ĐBSCL và ĐBSH là những vùng đất thấp, nằm sát biển, dễ bị ngập lũ, dễ bị nhiễm mặn trên diện rộng khi nước biển tăng cao.
Theo kết quả tính toán ngập lũ và xâm nhập mặn ứng với các kịch bản nước biển dâng thêm 0,5 m và 1,0 m cho thấy, diện tích ngập sâu hơn 1,0 m, kéo dài hơn 1 tháng đã tăng lên từ 344.000 đến 1.556.800 ha. Điều này sẽ làm mất đi diện tích rộng lớn sản xuất lúa 3 vụ, ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian thu hoạch, thời gian xuống giống và chịu chi phí cao do phải bơm tiêu cuối vụ Hè Thu, đầu vụ Đông Xuân, tại những vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên  v.v... Theo kết quả tính toán về xâm nhập mặn cho thấy, diện tích nhiễm mặn trên 4g/l đã tăng lên từ 1,2 – 1,7 triệu ha, ứng với các kịch bản nước biển dâng thêm 0,5 m và 1,0 m. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và vùng cây ăn trái ven biển.

Những trường hợp tính toán xâm nhập mặn trên đây chưa đề cập tới mức suy giảm lưu lượng dòng chảy sông sông Mê Công phía ha du, do các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Công đang lập kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện, các công trình chuyển nước, các công trình lấy nước phục vụ phát triển các ngành [3,6] v.v... Như vậy, rõ ràng Biến đổi khí hậu-nước biển dâng sẽ đe dọa lớn tới chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nếu như chúng ta không tiến hành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời.    

IV. ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP THỦY LỢI THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔIKHÍ  HẬU ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA

IV.1. Khả năng đáp ứng của các công trình thủy lợi hiện hữu

Trên cơ sở phân tích đánh giá diễn biến lũ và xâm nhập mặn, theo các kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng được trình bày trên đây, chúng tôi tiến hành rà soát các thông số kỹ thuật của hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu, kết quả cho thấy  hầu hết các công trình hiện có đều giảm năng lực làm việc hoặc không đáp ứng được mục tiêu thiết kế ban đầu trong trường hợp nước biển dâng cao 0,5 m và 1,0 m, lý do:
- Kích thước, cao trình, quy trình làm việc không còn phù hợp. Cửa thoát nhỏ, cao trình đỉnh sẽ thấp hơn mực nước lũ, mực nước triều cường khi có gió chướng và bão.
- Đê biển hiện rất thấp không có khả năng ngăn mặn xâm nhập vào đồng. Hệ thống đê bao, bờ bao nội đồng sẽ không chỉ không đảm bảo về mặt kỹ thuật mà còn chưa khép kín trong điều kiện mực nước lũ tăng cao.
Nhìn chung các công trình đều khó đáp ứng yêu cầu vì những thông số đầu vào, mục tiêu, nhiệm vụ thiết kế công trình đã có sự thay đổi, tiêu chuẩn thiết kế, chỉ tiêu thiết kế không còn phù hợp. Các công trình thủy lợi đều chưa đề cập tới yêu cầu phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong tương lai nhằm thích ứng với thời tiết, khí hậu thay đổi.
Như vậy, để đáp ứng được điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng chúng ta cần phải có sự chuẩn bị, từ khâu nghiên cứu xác định mục tiêu, nhiệm vụ, tới đề xuất các phương án quy hoạch, đến xây dựng công trình, các bước đi phải phù hợp theo tiến trình diễn biến của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, rất cần một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ.

IV.2. Định hướng các giải pháp thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu - NBD

Về chủ trương chung:
Chủ động thích ứng với Biến đổi khí hậu – nước biển dâng, giữ ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng, đang và sẽ là vùng đất giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất cho chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Định hướng các  giải pháp thủy lợi :
- Nghiên cứu cân bằng nước, quy hoạch tổng thể và quy hoạch thủy lợi cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu;
- Nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi với việc đầu tư trang thiết bị thông tin, hệ thống quan trắc tự động, quản lý điều hành hệ thống một cách chủ động, với những kịch bản tối ưu hóa;
- Hoàn thiện hệ thống đê biển, đê cửa sông nhằm đáp ứng được nhiệm vụ chống  bão, lũ, nước biển dâng;
- Nghiên cứu xây dựng các công trình lớn ngăn sông, các cửa sông lớn như Hàm Luông, Cái Lớn, Cái Bé, Vàm Cỏ…
- Từng bước liên kết các dự án thủy lợi riêng rẽ như hiện nay thành những dự án lớn hơn, đáp ứng được khả năng thích nghi với biến đổi dần của khí hậu, đặc biệt các dự án thủy lợi ven biển với các dự án thủy lợi phía nội đồng, ví dụ Gò Công – Bảo Định, Dự án Ba Lai với các dự án vùng Mỏ Cày. Dự án Nam Măng Thít với các dự án phía trên sông Măng Thít, các dự án vùng Tây sông Hậu: dự án Tiếp Nhật, Quản lộ Phụng Hiệp...
- Các giải pháp công trình liên quốc gia cần phải được tính đến như điều tiết nước Biển Hồ phục vụ nuôi thủy sản và điều tiết hạ lưu, qui hoạch chống lũ ở châu thổ sông Mê Công thay vì đơn lẻ ở ĐBSCL;
- Nghiên cứu khả năng đảm bảo về môi trường và đề xuất giải pháp từng bước phân ranh mặn-ngọt triệt để và tưới-tiêu tách rời trong điều kiện biến đổi khí hậu. Từng bước chủ động tưới tiêu bằng việc bổ sung các trạm bơm, trong đó chủ yếu là các trạm bơm tiêu và các trạm bơm tưới lấy nước vào những thời gian ngọt xuất hiện ở các cửa sông;
- Các giải pháp trữ nước trên đồng bằng (hồ sinh thái,...) vào mùa lũ để cấp cho mùa khô;
- Xây dựng và phát triển hệ thống vành đai ngăn mặn, gió bão, bằng rừng ngập mặn;
- Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giao thông nội đồng, triển khai công tác mặt ruộng.
Về giải pháp phi công trình
- Xây dựng lại tiêu chuẩn thiết kế, tần suất thiết kế các công trình, đê bao bờ bao chống lũ và ngăn mặn… trong điều kiện mới có tính đến biến đổi khí hậu.
- Xây dựng qui trình vận hành các công trình chống lũ và ngăn mặn nhằm quản lý nước tốt hơn trong điều kiện nguồn nước ngày càng khan hiếm, từng bước tự động hóa cập nhập các thông tin về nước và chất lượng nước.
- Nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi nhằm quản lý hiệu quả hơn hệ thống công trình.
- Nghiên cứu thiết lập các mô hình quản lý nước với qui mô lớn, không bị giới hạn bởi ranh giới tỉnh để chủ động điều tiết nước, cho các vùng ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, ví dụ hình thành các Ban Quản lý nước Nam Sông Hậu; Vĩnh Long - Trà Vinh; Tiền Giang - Long An…
- Song song với các giải pháp về thủy lợi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhằm tăng năng suất, sản lượng, ổn định đời sống của người trồng lúa và hạn chế sử dụng lương thực cho các mục đích khác như:
- Giảm thiểu mất đất nông nghiệp cho đô thị hóa và phát triển công nghiệp;
- Nâng cao sản lượng bằng giải pháp giống thích nghi, có được bộ giống cây trồng chịu được lợ và mặn, nhất là lúa; 
- Giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ sấy khô sau thu hoạch cho nông dân;
- Có chính sách khuyến nông hiệu quả, có chính sách ưu đãi đối với những người  trồng lúa;
- Giảm áp lực lương thực ở ĐBSCL, tăng sản lượng lương thực ở các vùng khác.

Về Khoa học công nghệ thủy lợi :
- Xây dựng chương trình nghiên cứu nhằm cung cấp đầy đủ luận cứ khoa học phục vụ cho  tính toán quy hoạch thủy lợi tổng thể và chi tiết, lượng hóa các biên tính toán khi giải bài toán thủy lực (dự báo tăng giảm cao trình  đỉnh triều, chân triều khi nước biển dâng...), tăng cường năng lực công tác dự báo.
- Đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao công nghệ mới tiến tiến vào xây dựng công trình, kết cấu công trình, vật liệu mới, công cụ quản lý và điều khiển.
- Khoa học công nghệ thủy lợi gắn với KHCN nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm giải quyết bài toán tổng thể về kinh tế - xã hội – môi trường vùng ĐBSCL.

      

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Việt Nam, với 80% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp, vì vậy mục tiêu đảm bảo “An Ninh Lương Thực” là tối quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Trong bối cảnh áp lực gia tăng dân số, đô thị hóa công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cần có giải pháp tổng thể, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc duy trì và bảo vệ diện tích canh tác hiện có, nâng cao năng suất, sản lượng, giảm thiểu thiệt hại hay thất thoát sau thu hoạch, ổn định đời sống cho người làm nông nghiệp. Trong đó, phát triển thủy lợi được coi là tiên phong trong việc duy trì và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, do còn nhiều tranh cãi về biến đổi khí hậu, về các kịch bản nước biển dâng, vì thế nên ưu tiên các giải thích ứng phù hợp với từng loại hình bảo vệ (thành phố, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng…) và phải luôn được điều chỉnh theo xu thế diễn biến của biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn này, Nhà nước cần đầu tư một số chương trình lớn, được coi là trọng điểm cho phát triển thủy lợi trong giai đoạn trước mắt ở ĐBSCL :
- Cần sớm xác định rõ các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam và kế hoạch ứng phó của quốc gia đến năm 2100;
- Đầu tư nghiên cứu cơ sở khoa học thủy lợi, phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, làm cơ sở dữ liệu nền cho các nghiên cứu vi mô ;
- Xây dựng các chương trình thủy lợi lớn ở ĐBSCL nhằm đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia;
- Nghiên cứu cải tiến, điều chỉnh, bổ sung hệ thống công trình thủy lợi hiện hữu, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có, tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn đáp ứng nhu câu làm việc trong điều kiện mới, biến đổi khí hậu - nước biển dâng;
- Rà soát lại qui hoạch tổng thể ĐBSCL, khả năng đáp ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sửa đổi qui hoạch đi đôi với chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước thích nghi và chủ động thích nghi với các điều kiện của biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu các loại giống cây thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của môi trường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[2] .-IPCC, 2007, Regional Climate Projection, Cambridge University Press, Cambridge, United Kingdom and new York, nY, USA.
[3].- MRC/BDP, 2003, Hydropower Reviews – điểm lại thực trạng, kế hoạch phát triển thủy điện các quốc gia, các nghiên cứu liên quan về thủy điện ở lưu vực sông Mê Công;

[4].- Lê Mạnh Hùng, Tác động của biến đổi khí hậu tới thiên tai và khả năng ứng phó cho tp. Hồ Chí Minh, Hội thảo biến đổi khí hậu tại Đại Lãi, tháng 6/2008.


[5].-Lê Sâm và cộng sự, 2008, Thủ nghiệm dự báo độ mặn nền ở ĐBSCL khi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
[6].-Tô Quang Toản và cộng sự, 2009, Đánh giá thay đổi nhu cầu nước điều kiện phát triển 2000 và theo các kịch bản phát triển ở thượng lưu.
Tác giả: PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Th.S. Tô Quang Toản - Viện KHTL Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts