Sunday, April 29, 2012


Lời mở đầu:
Nếu ai quả thực chưa biết quốc lộ 4 thì mời bạn xem thông tin này:
Quốc lộ 4 là quốc lộ chạy theo tuyến biên giới Việt - Trung nối các tỉnh biên giới phía Bắc với nhau gồm. Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang và Lai Châu. Cụ thể như sau:


( Đèo Mã Phi Lèng trên quốc lộ 4 )

1)  Quốc lộ 4A Lạng Sơn – Cao Bằng, có điểm khởi đầu là thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc
Trên tuyến đường này có thị trấn Đồng Đăng, đây là thị trấn giáp biên giới giữa Việt Namvà Trung Quốc. Đồng Đăng cách thành Lạng Sơn 14km về phía Đông Nam, về phía đông giáp xã Bảo Lâm, nam giáp với Phú Xá, tây thì giáp với xã Tân Mỹ. Từ thị trấn Đồng Đăng còn có quốc lộ 1B đi thành phố Thái Nguyên và tỉnh Cao Bằng. Một điều thuận lợi nữa của Đồng Đăng là tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đi qua ga Đồng Đăng để sang Trung Quốc và từ đây cũng có thể sang các nước đông Âu khác. Thủ tục xuất nhập cảnh với người và hàng hóa đi đường sắt liên vận quốc tế được thực hiện ở ga này.
Thị trấn nằm gọn trong một thung lũng rộng gần 700ha, trong đó chủ yếu là đồi núi, dân cư gồm 4 dân tộc Kinh, Tày, Nùng và Hoa. Do nằm trên trục đường đi cửa khấu Tân Thanh và quốc lộ 1A đi đến cửa khẩu Hữu Nghị, lại có ga quốc tế sang Trung Quốc, với điều kiện thuận lợi như vậy, nên các chợ vùng biên Tân Thanh và Đồng Đăng đã trở thành trung tâm mua sắm hàng Trung Quốc sầm uất với quy mô lớn của tỉnh Lạng Sơn, hàng năm thu hút được một lượng khách khá lớn từ các tỉnh, thành phố miền Bắc, bắc miền Trung đến mua sắm.
Tuyến đường 4A này đi qua các thị trấn Văn Lãng, huyện Văn Lãng, giao QL 3B tại thị trấn Thất Khê, Na Sầm huyện Tràng Định, qua Đông Khê và điểm cuối là thị xã Cao Bằng. Con đường số 4A gắn liền với chiến dịch Biên giới năm 1950 trong Kháng chiến chống Pháp với những địa danh nổi tiếng như chiến thắng Lũng Phầy, đèo Bông Lau, Đông Khê, Thất Khê...Thất Khê  thị trấn huyện lị của huyện Tràng Định ( Lạng Sơn) .Thất Khê cùng với Đông Khê và đèo Bông Lau… được nhiều người biết đến với chiến dịch Biên giới vào tháng 10 năm 1950, là chiến dịch có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
Thung lũng Thất Khê là nơi gặp gỡ của hầu hết các sông suối như Sông Bắc Khê tạo thành ranh giới tự nhiên phía tây và nam của thị trấn, suối Cốc Phát và suối Pác Cát, do vậy, cánh đồng lúa Thất Khê phì nhiêu, màu mỡ. Nếu so với cánh đồng lúa Tri Phương và Quốc Khánh, cánh đồng lúa Thất Khê trở thành vựa lúa lớn nhất tỉnh Lạng Sơn. Tại Thất Khê có di tích đền Gốc Sung và có đặc sản vịt quay mác mật Thất Khê và món phở chua.

2) Quốc lộ 4B đoạn Quảng Ninh tới thành phố Lạng Sơn có lộ trình: Tiên Yên điểm đầu của tuyến đường tại xã Tiên Lãngqua: Đình Lập - Lộc Bình - Cao Lộc tới thành phố Lạng Sơn. Quốc lộ 4B chạy qua các thị trấn là Tiên Yên, Đình Lập, Na Dương, Lộc Bình, Cao Lộc.
Đô thị đầu tiên trên trục tuyến này là thị trấn Tiên Yên nằm giữa trục đường quốc lộ, lại sát ven sông, trên bến dưới thuyền mang một vẻ đẹp thơ mộng. Diện mạo thị trấn trước đây được quy hoạch và xây dựng theo kiến trúc bàn cờ, nhà cửa theo hình ống có mái lợp ngói âm dương, dáng dấp thị trấn Tên Yên hao hao phố cổ Hội An.Từ xa xưa và có số người Hoa cư trú lâu đời, Thị trấn Tiên Yên đã là một đầu mối giao thương quan trọng trong vùng Đông Bắc và đã có một thời được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Hải Ninh. Cùng với nhịp độ phát triển chung của cả tỉnh Quảng Ninh và huyện Tiên Yên, thị trấn Tiên Yên cũng không ngừng phát triển theo hướng văn minh hiện đại.
Gắn bó với sự hình thành và phát triển của huyện Tiên Yên, thị trấn Tiên Yên luôn được chọn làm đô thị hạt nhân, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Tiên Yên. Cầu Tiên Yên do công ty cầu 12 thi công nối quốc lộ 18 với quốc lộ 4B và  thị trấn Tiên Yên.

3) Quốc lộ 4C là trục đường hoàn toàn đi qua các huyện vùng cao có nhiều núi đá địa hình hiểm trở trong tỉnh Hà Giang như:  Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và không nối với các tỉnh khác.
Với điểm bắt đầu từ cửa khẩu Săm Pun biên giới Việt - Trung tại địa phận xã Xin Cái, huyện Mèo Vạc và kết thúc tại thị xã Hà Giang. Tuyến đường đi qua nhiều danh thắng nổi tiếng của nước ta như đèo Mã Pi Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn, dinh thự nhà họ Vương tại thung lũng Sà Phìn, cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú, rồi qua Vị Xuyên đường dốc quanh co với những rừng thông hun hút gió núi mây ngàn. Tuy nhiên ở tuyến đường núi này về mùa mưa lớn, làm nước suối dâng cao, chảy xiết nên hay gây tắc đường. Về mùa đông và đầu xuân hay có sương mù làm hạn chế tầm nhìn, vì vậy khi lái xe qua đây, người điều khiển phương tiện phải đặc biệt chú ý kỹ thuật an toàn phương tiện và không uống rượu bia để làm chủ tốc độ..
Những địa danh nổi tiếng đầu tiên được kể đến là cao nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên đi qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với độ cao trung bình từ 1400 đến 1600m. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 45 di sản địa mạo, 33di sản kiến tạo và nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích.  Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam. Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên Địa chất toàn cầu với diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng mà  không nơi nào có được, như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao…  Cao nguyên đá cũng là nơi có di tích danh thắng quốc gia đã được Nhà nước công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ…
Tiếp đó là cột cờ Lũng Cú. Được biết cột cờ được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc, sau đó cột được duy trì và đến năm 1887 thời Pháp được xây dựng lại. Năm 2002 cột cờ được dựng mới trên núi Rồng với với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Namvới cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2. tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.

 4) Quốc lộ 4D xuất phát từ Pa So (điểm giao với Quốc lộ 12, thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), chạy qua Tam Đường (Phong Thổ, Lai Châu) qua thị trấn du lịch Sa Pa (Lào Cai) qua thành phố Lào Cai, qua thị trấn Mường Khương, thuộc huyện Mường Khương kết thúc ở cửa khẩu Xin Tẻn xã Tung Chung Mường Khương (Lào Cai).
Địa danh nổi tiếng trên trục quốc lộ này men theo dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, có thị trấn Sa Pa ( Lào Cai), đây là một thị trấn vùng cao, là một khu nghỉ mát nổi tiếng Việt Nam.  Nơi đây ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc. Sa Pa được đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương nước Pháp khám phá phát hiện vào năm mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ. Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.
Sa Pa bị tàn phá nhiều theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến năm 1947 và trong chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979. Hàng ngàn ha rừng thông bao phủ thị trấn bị đốt sạch, nhiều toà biệt thự cổ do Pháp xây cũng bị phá huỷ. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây dựng, tái thiết trở lại. Nhiều khánh sạn, biệt thự mới được xây dựng. Lượng khách du lịch tới Sa Pa, đặc biết là người nước ngoài  mỗi năm  đều tăng.
Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong mùa cuối đông  và đầu mùa xuân, Sa Pa đã thu hút một lượng khách lớn đến đây chiêm ngưỡng tuyết rơi trắng xúa núi đồi và trên những mái nhà biệt thự.Trong giá lạnh chợ tình Sa Pa vân hoạt động nhộn nhịp.

Trên trục đường này có Đèo Ô Quy Hồ, hay còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên, là một trong 16 đèo nổi tiếng của Việt Nam

Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam,  với chiều dài lên tới gần 50km, dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km)  hay đèo Khau Phạ (gần 40km.  Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo từng được mệnh danh là "vua đèo vùng Tây Bắc.

5) Quốc lộ 4E xuất phát từ ngã ba cầu Trắng, Bắc Ngầm, Xuân Quang (chỗ giao với Quốc lộ 70), chạy qua Phố Lu (Bảo Thắng) tới thành phố Lào Cai.
Tại ngã ba Xuân Quang giao điểm trục quốc lộ 70 là điểm đầu quốc lộ 4E, là nơi có giao thông, đường sắt, đường bộ với các tuyến xe khách chất lượng cao xuôi ngược qua đây, rất thuận lợi cho các du khách đến thăm quan: Lao cai, Sapa, hay Bắc Hà.
Chính vì thế nơi đây dân cư đông đúc, với nhiều hàng quán, nhà nghỉ, lại có ngân hàng gần ngân hàng, bệnh viện, bưu điện, trường học. Đặc biệt ngay sát ngã ba, là chợ phiên Bắc Ngầm, nơi đây là nơi tụ hội của các chàng trai cô gái người mông, dao đỏ, tày, nùng, kinh, cả người mán nữa. Với nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc trưng của vùng cao nguyên dẫy núi Hoàng Liên Sơn.
Điểm cuối của trục quốc lộ là thành phố Lào Cai. Thành phố được thành lập vào năm 2004 trên cơ sở sáp nhập hai thị xã Lào Cai và Cam Đường. Thành phố Lào Cai có Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, cùng với Móng Cái ( Quảng Ning), Đồng Đăng ( Lạng Sơn ) thành phố Lào Cai cũng  là nơi giao thương quan trọng ở phía Bắc Việt Nam với phía Nam Trung Quốc. Là địa đầu của đất nước, thành phố Lào Cai là cửa ngõ quan trọng mở cửa thị trường Việt Nam với các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và cả các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc qua cầu Hồ Kiều và thị xã Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Thành phố Lào Cai có 2 con sông chảy qua. Sông Nậm Thi chạy quanh phía Bắc tỉnh, đồng thời là ranh giới tự nhiên với Trung Quốc. Nước sông quanh năm trong xanh, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước của thành phố. Sông Nậm Thi hợp lưu với sông Hồng ngay tại biên giới giữa thành phố Lào Cai và Trung Quốc. Sông Hồng sau khi được Nậm Thi hợp lưu thì chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam, mang lại nguồn phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Hồng. Thành phố Lào Cai nằm hai bên bờ sông Hồng. Các cây cầu Cốc Lếu, Phố Mới,... bắc qua sông nối hai phần của thành phố. Cầu đường bộ nối cửa khẩu biên giới là cầu đường bộ Hồ Kiều và cầu Kim Thành. Cả 2 cây cầu này có công sức xây dựng và nâng cấp của cán bộ công nhân Công ty cầu 1 Thăng Long, thuộc TCT xây dựng Thăng Long.
Từ thành phố lên thị trấn du lịch Sa Pa theo Quốc lộ 4D đã được cải tạo, mở rộng chỉ chừng 40 km.

chừng 40 km.

6) Trục quốc lộ 4G có điểm đầu trện quốc lộ 6 tại khu vực xã Chiềng Mung, nằm giữa thành phố Sơn La và sân bay Nà Sản. Quốc lộ 4G đi theo hướng tuyến: Chiềng Mai ( Huyện Mai Sơn ), Chiềng Khương và kết thúc tại thị trấn Sông Mã ( Huyện Sông Mã ).

Tất cả các trục quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, từ Quảng Ninh đến Lai Châu, dài khoảng 687 km. được Tổng cục đường bộ gọi là đường vành đại 1. Ttheo quy hoạch, từng bước hoàn thành nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe; các đoạn khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V, riêng đoạn từ Cao Bằng qua Lạng Sơn đến Quảng Ninh sẽ đạt tiêu chuẩn đường cấp III, với 2 làn xe.Trong tương là sẽ hợp nhất các quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E để thành quốc lộ 4./.

Chu Đức Soàn
Tổng hợp  và nâng cao

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts