Friday, April 13, 2012

TTCT - Là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, với vùng hạ lưu sông Mekong - một trong ba vùng châu thổ trên thế giới được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cơ do BĐKH, VN lại đi sau rất nhiều quốc gia trong việc xây dựng kịch bản ứng phó BĐKH.
Mưa lớn, lũ lụt chưa từng có trong hơn 100 năm qua ở miền Trung vào năm 2010 - Ảnh tư liệu TTXVN
Cho đến nay VN vẫn đang hoàn thiện giai đoạn 1 chương trình quốc gia chống BĐKH (chuẩn bị về thể chế, tổ chức, kế hoạch, cơ chế quản lý, các nguồn lực cần thiết...), đi sau một bước so với các quốc gia tiên tiến.
Nước Pháp chẳng hạn, chẳng những đã hoàn thành các mặt về thể chế, kế hoạch hành động mà còn tham gia đầy đủ các tổ chức liên kết khoa học chính trị quốc tế, sẵn sàng với một nguồn lực chuyên gia về chống BĐKH đủ để đáp ứng nhiệm vụ của chương trình.
Cuối tháng 7 vừa qua, khi công bố bản kế hoạch quốc gia với 230 biện pháp ban đầu sẽ được áp dụng đến năm 2015, tiêu tốn 170 triệu euro ngân sách về dự báo và hành động thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet tuyên bố Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu công bố chương trình này và quốc hội sẽ thông qua luật chống BĐKH vào cuối năm nay.   
Những thiếu hụt trong kịch bản ứng phó
Một kịch bản riêng cho VN để từ đó xây dựng một chương trình hành động chuẩn xác và đi đúng hướng là khuyến cáo của nhiều chuyên gia quốc tế, bởi những đặc thù khí hậu và BĐKH của nước ta.
Đã có không ít hội thảo khoa học bàn về BĐKH nhưng các cuộc gặp gỡ này vẫn ở tầm vĩ mô giữa các nhà hoạch định chiến lược, thiếu những dự án hợp tác cụ thể của các nhà khoa học. Trong mỗi dự án quốc gia hay khu vực về chống BĐKH, việc tham gia của các nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực sẽ giúp đánh giá toàn diện và thống nhất về vấn đề, nhằm tránh những thiếu sót gây ra những thảm họa phái sinh khi triển khai phương án đã đề ra.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt trong trao đổi thông tin giữa giới khoa học và nhà quản lý ở nước ta cũng là một vấn đề cần phải cải thiện. Ở Pháp, công tác hỗ trợ chính sách công của khoa học rất được chú trọng, có thể thấy trong phát biểu của tiến sĩ Philippe Sergent, giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và sông ngòi (Bộ Sinh thái Pháp) trên tờ Figaro:
“Sắp tới, dự án GICC của chúng tôi sẽ giới thiệu một công cụ tự động dự báo hỗ trợ cho lãnh đạo địa phương, tùy theo mức độ nguy hiểm của những hiện tượng BĐKH đo đạc được, có thể đưa ra quyết định nhanh chóng trong việc tổ chức sơ tán dân trong trường hợp cần thiết. Nó cho phép chính quyền tái định cư dân chúng, điều tiết giao thông trong trường hợp đường sá đã bị phá hủy do bão...”.
Trong yếu tố phát triển bền vững, chúng ta đã tính tới tác động của BĐKH đến các mặt từ kinh tế - xã hội đến môi trường - sinh thái ở cả khu vực nông thôn lẫn đô thị, song không thể không tính đến việc bảo tồn di sản. Ở VN, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, việc khoanh vùng di sản cần được bảo vệ vẫn còn khiếm khuyết.
Theo đánh giá của PGS.TS Vũ Văn Tuấn (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường), VN có hơn 4 vạn di tích với mật độ khá dày đặc ở các trung tâm lịch sử - văn hóa. Do tác động của BĐKH, các di sản này có thể bị thay đổi do điều kiện nhiệt độ trong lòng đất thay đổi, do ngập nước. Sự gia tăng mực nước biển và hoạt động của bão ở vùng ven biển cũng gây nguy hiểm cho các di sản nằm dọc bờ biển, ven sông như các di sản ở miền Trung (Sa Huỳnh, Đa Bút, Quỳnh Văn...).
Thực tế đang cho thấy tác động của BĐKH tới khu di chỉ khảo cổ học Óc Eo (An Giang) rất đáng lo ngại. Do đó, không thể không tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát, phân tích mức nhạy cảm... và tạo ra các vùng bảo vệ mới cho khu vực di sản này trong điều kiện BĐKH.
Cần Luật chống BĐKH
Theo quan sát, trong kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên - môi trường, những số liệu đo đạc về mực nước, nhiệt độ, lượng mưa... chúng ta hiện chỉ có từ năm 1960. Trong khi đó trên thế giới, cơ sở dữ liệu đều được đo đạc, tập hợp từ hơn 100 năm, nhờ đó những tính toán mang tính dự báo biến cố thảm họa sẽ có độ tin cậy cao hơn chúng ta rất nhiều.
Ngoài ra, trong các tính toán xây dựng công trình nói riêng và BĐKH nói chung ở nước ta, việc ứng dụng các công cụ tính toán xác suất thống kê hiện đại trong các dự báo khoa học có tầm nhìn quy hoạch 10, 20, 50, 100 năm dựa vào các số liệu đo đạc còn yếu, điều này làm giảm khả năng dự báo thảm họa cũng như đánh giá độ tin cậy của các công trình bảo vệ bờ.
Do đó, công tác điều tra, quan trắc sự biến đổi nhiệt độ, quy luật vận động của khí quyển và thủy quyển hiện tại ở VN cần áp dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, kịch bản thảm họa với những biến cố ngẫu nhiên trong hiện tượng BĐKH sẽ được khống chế tốt, giảm thiểu những lãng phí và rủi ro đáng tiếc trong thiết kế, thi công và sử dụng công trình.
Cuối cùng, khi tiến hành các dự án khoa học, để tránh lãng phí trong đầu tư trùng lặp các nhiệm vụ nghiên cứu, phải chọn ra những khu vực tiêu biểu cho từng vùng miền từ Nam chí Bắc để tính toán, khảo sát kỹ lưỡng. Sau đó cần xuất bản ngay những quy phạm, tiêu chuẩn chống BĐKH và đưa vào Luật chống BĐKH.
Từ đó, những hệ thống công trình có quy mô to lớn, xây dựng bền vững lâu dài như tuyến đê biển Bắc - Nam, hệ thống công trình “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long cần được hoạch định có căn cứ khoa học về tuyến, về nền móng để những công việc được thực hiện hiện nay còn được tiếp nối thuận lợi cho nhiều thế hệ mai sau.
Đối với VN - với tư cách là quốc gia đầu tiên đương đầu với tác động của BĐKH, việc học hỏi kinh nghiệm tư duy và cách tổ chức nghiên cứu của các nước tiên tiến về ứng phó BĐKH để áp dụng vào tình hình thực tế của mình đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, trên tinh thần phê bình khoa học nghiêm túc.
Dẫu cho “chàng Thủy Tinh” ngày nay có hung hãn hơn xưa nhiều lần, chúng tôi tin rằng với xu thế toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống BĐKH toàn cầu cùng sự quan tâm của Chính phủ và sự đồng thuận của toàn dân, chúng ta sẽ giảm thiểu những mối lo từ thiên nhiên, biến sức mạnh của biển phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
“BĐKH đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân VN từ Nam chí Bắc. Nó không chỉ tác động tiêu cực vào quá trình phát triển của đất nước ta trong ngắn hạn, nhất thời mà có thể biến những nỗ lực trong suốt mấy nghìn năm của cha ông ta nhằm tạo ra một mảnh đất mưa gió thuận hòa cho con cháu sinh tồn và phát triển trở thành một khu vực có thể bị nhấn chìm trong thế kỷ tới, nếu không có những giải pháp quyết liệt và kịp thời”.
Thông tin về thực trạng BĐKH quốc gia đến người dân là không thể xem nhẹ và có nhiều hình thức phong phú cho nó. Ví dụ lắp đặt các hệ thống cập nhật tình hình BĐKH toàn quốc (tình hình lũ lụt trên các sông, lượng sóng tràn qua đê biển phòng hộ cũng như mức độ khô hạn của khu vực rừng quốc gia) ở những thành phố lớn, thêm chuyên mục BĐKH vào các chương trình dự báo thời tiết trên các báo, đài...
NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH (*)

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts