Với khả năng tổng hợp thông tin với nhiều tầng nấc thuộc nhiều lĩnh vực văn hoá, tự nhiên, môi trường, công nghệ GIS đã và đang được kỳ vọng như một trợ thủ đắc lực trong công tác quản lý, phát triển và bảo tồn di sản văn hoá. Trên thực tế GIS hoàn toàn có thể làm được điều này, thậm chí còn có thể làm nhiều hơn. Vấn đề là ở chỗ, không hiểu vì lý do gì, nhiều năm nay, cả "nội công" lẫn "ngoại kích" vẫn không thể giúp GIS tiến xa hơn vạch xuất phát... GIS trong quản lý di sản ở Việt Nam: Chập chững! Bắt đầu hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, từ đất nước Canada, Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) trong hơn nửa thế kỷ qua đã đi được những bước tiến dài trên toàn thế giới, được ứng dụng ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề và phần nào đã trở thành một công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua chức năng thu thập, quản lý, truy vấn phân tích và tích hợp các thông tin được gắn liền với một nền hình học bản đồ nhất quán, GIS thậm chí còn được coi là một công cụ trợ giúp quyết định cực kỳ hiệu quả cho các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và cả... từng cá nhân. Hiểu một cách đơn giản, nếu như ở một trang web bình thường, người ta chỉ có thể lấy ra từ đó một lớp thông tin về một lĩnh vực, một phạm vi nào đó, thì với GIS, sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại cho phép người ta chồng nhiều lớp lang thông tin, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau về cùng một địa điểm, toạ độ, từ đó truy xuất ra được những thông tin mang tính chất tổng hợp về mọi lĩnh vực địa lý, văn hoá, địa tầng, kinh tế, xã hội... của địa điểm, toạ độ đó. Không những thế, nếu có được những đầu bài thích hợp, và có được một quy trình chuẩn, GIS còn có thể trở thành một công cụ cực kỳ hữu hiệu khi các nhà quản lý, quy hoạch muốn tham vấn những vấn đề về quy hoạch, đầu tư với rất ít chi phí và công sức. Cả ở góc độ quản lý, góc độ doanh nghiệp cũng như góc độ người dân, việc ứng dụng công nghệ GIS vào đời sống luôn mang lại rất nhiều hiệu quả. Tại Việt Nam, mặc dù được biết đến từ khá sớm, nhưng mãi phải đến sau năm 2000, tức sau khi có được những kết quả đầu tiên về việc tổng kết chương trình GIS quốc gia ở Việt Nam, GIS mới thực sự được chú ý đến và bước đầu phát triển. Hàng loạt chương trình GIS với sự tham gia của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã được triển khai. Trong đó tiêu biểu phải kể đến Dự án quản lý nước sạch ở Hà Nam, Dự án quản lý nước ở Hoà Bình, Dự án thử nghiệm trong quản lý khách du lịch ở Động Phong Nha hay Dự án hợp tác với đại học Quảng Nam làm về GIS của các chuyên gia Nhật Bản... Đó là chưa kể một số dự án tư nhân, quy mô nhỏ lẻ, phát triển tự phát theo nhu cầu đã bắt đầu phát triển và khá rầm rộ trong thời gian gần đây... Tuy nhiên, đáng kể nhất phải kể đến dự án Ứng dụng GIS trong quản lý di sản ở Cố đô Huế của UBND Thừa Thiên - Huế với số vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Dù chỉ mới triển khai được vài năm, nhưng nhờ GIS, Huế cũng đã bước được những bước đầu tiên trong việc phát huy hiệu quả của GIS trong quản lý di sản. Khách du lịch cũng đã bước đầu được cung cấp thêm công cụ tìm kiếm đường đắc lực, nhà quản lý cũng đã có được những cái nhìn tổng thể về phát triển du lịch Huế để chuẩn bị cho những chiến lược dài hơn bảo tồn và phát triển di sản cố đô. Song, có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận đó là: GIS, dù có mặt ở Việt Nam bao nhiêu năm nay, nhưng vẫn chỉ mới chỉ là đứa trẻ vừa bước vào giai đoạn lẫm chẫm đi, đi mãi mà chưa thể rời xa vạch xuất phát được bao xa. Hầu hết các dự án còn quá sơ khai, ở những bước thử nghiệm đầu tiên hoặc quy mô còn quá nhỏ hẹp hoặc chỉ là một hình thức tương tự GIS (kiểu như dự án ở Cổ Loa). Ngay cả dự án tại cố đô Huế, vốn được xem là kiểu mẫu cho tất cả các dự án GIS ở VN thì cũng chỉ là rời vạch xuất phát được vài bước chân... Trong khi đó, cùng thời điểm triển khai, nhưng dự án bảo tồn di tích tương tự ở Campuchia do UNESCO tài trợ và hỗ trợ triển khai đã có được những thành công vang dội. Mắc ở đâu? Đầu tiên phải khẳng định vướng mắc ở đây không phải là về mặt công nghệ. Bởi đó không phải là một thách thức quá lớn về công nghệ, càng không phải một công nghệ phức tạp tới mức chúng ta không thể triển khai. Tất nhiên, GIS là một thứ công nghệ đắt tiền và đòi hỏi đầu tư cao. Tuy nhiên, theo một đại diện của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, trên thực tế chi phí để đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm khoảng 10 đến 30% tổng chi phí đầu tư. Thứ tốn kém nhất lại là thứ mà chúng ta ít ngờ nhất, đó là chi phí để thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin. Nếu như ở các nước phát triển, nơi thông tin thường đã được tích hợp sẵn dưới dạng các tài nguyên thông tin ảo trên mạng, việc thu thập thông tin này, tuy có khó khăn, nhưng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc này lại thực sự là một thách thức không hề nhỏ. Lấy ví dụ trường hợp ở Huế. Mặc dù đã có được lời hứa từ những lãnh đạo cao cấp nhất của Thừa Thiên - Huế, dù việc cung cấp thông tin cho dự án Ứng dụng GIS trong bảo tồn và phát triển di sản Huế đã được ghi cả vào nghị quyết, thì việc mọi đơn vị, lĩnh vực quản lý thông tin như văn hoá, du lịch, kinh tế... đều không mặn mà gì lắm với việc cung cấp thông tin cho những người thực hiện dự án. Đó là chưa kể, nhiều khi có được thông tin rồi nhưng thông tin lại thiếu chính xác, thiếu khách quan, thiếu cập nhật... Mà trong việc sử dụng GIS, tất cả các thông tin cung cấp phải chính xác ở mức cao nhất. Có như thế mới có thể có được những quyết định chính xác và hiệu quả... Đó chính là một trong những lý do cơ bản nhất khiến GIS ở Huế đang bị chững lại. Bên cạnh lý do căn bản về cát cứ thông tin, không chịu chia sẻ thông tin - một đặc tính vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều bộ phận, ban ngành, nhiều tỉnh thành, thì GIS đang được triển khai ở VN cũng gặp phải vô số những "vật cản" không hề dễ chịu chút nào. Đầu tiên là chuẩn công nghệ. Một điều không thể phủ nhận là hiện nay chuẩn bản đồ vệ tinh của chúng ta còn quá lạc hậu so với hệ thống chuẩn bản đồ của thế giới hiện nay. Xa tới mức, nếu đem hai bản đồ chồng lên nhau, dung sai của chúng có thể lên tới.. 8km. Đây thực sự là con số không nhỏ và có ảnh hưởng rất lớn tới tính chính xác của các quyết định mà GIS có thể đưa ra. Thứ nữa là vấn đề về nhân lực. Rõ ràng, dù đã có mặt ở Việt Nam nhiều năm nay, nhưng GIS vẫn còn là một công nghệ khá mới mẻ ở Việt Nam và nguồn nhân lực cho nó, chưa thực sự đủ. Tất nhiên đây không phải khó khăn lớn khi chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được theo thời gian. Tuy nhiên, cộng dồn với rất nhiều vật cản về kỹ thuật, về nhận thức... đây cũng là một trong những vấn đề có ảnh hưởng khá lớn tới tiến trình ứng dụng GIS tại Việt Nam. Khả thi không - GIS? GIS cho ai? Câu trả lời là: Cho tất cả. Nếu GIS được ứng dụng thành công tại Việt Nam, nó sẽ giúp ích rất hiệu quả cho rất nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, lấy ví dụ với một dự án ứng dụng GIS tại Hội An. Ngay khi triển khai thành công, GIS tại Hội An có thể giúp một nhà quản lý điều phối được ngay lập tức lượng khách du lịch qua chùa Cầu (trong trường hợp lượng khách vượt quá mức cho phép là 2000 người/ngày chẳng hạn) qua đó giúp bảo tồn tốt nhất di tích này, mà không phải đến tận nơi khảo sát. Hoặc, một nhà đầu tư, nếu muốn xây dựng một khách sạn hoặc nhà hàng tại Hội An, thay vì phải mất rất nhiều công sức để thu thập thông tin về kinh tế xã hội của khu vực nào đó, họ chỉ cần dùng trang web nền tảng công nghệ GIS là có thể truy xuất mọi thông tin cần thiết và có được những quyết định ban đầu về đầu tư kinh doanh. Còn với người dân hoặc khách du lịch thông thường, GIS thậm chí còn có thể giúp ích họ nhiều hơn khi có thể thay một hướng dẫn viên du lịch, dẫn đường và "thuyết trình" về các đặc điểm văn hoá du lịch tại nơi nào đó mà họ muốn biết. Thế nhưng, như đã phân tích ở trên, để GIS có thể thành công tại Việt Nam, chúng ta sẽ phải vượt qua rất nhiều "vật cản" không hề dễ vượt qua. Trong đó đặc biệt khó vượt qua chính là tâm lý cát cứ và không chia sẻ thông tin của các bộ phận lưu giữ thông tin hiện nay. Mà để vượt qua được nó, sẽ không đơn thuần chỉ là chính sách, không đơn thuần là chỉ thị mà là thay đổi tư tưởng, là thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi cách sở hữu thông tin... Và để làm được điều đó, rất cần những quyết định táo bạo từ những người làm chính sách và những thay đổi căn bản trong nhận thức của cộng đồng. Khả thi không - GIS? Khả thi không - Ứng dụng GIS trong quản lý di sản văn hoá - Những câu hỏi này sẽ nhanh chóng có lời đáp một khi các đơn vị dự định ứng dụng GIS vào quản lý di sản hay vào phát triển kinh tế, bảo tồn tài nguyên... có thể vượt qua được vật cản lớn nhất: Vật cản về nhận thức. Đó cũng sẽ là vật cản khó khăn nhất, khó vượt qua nhất để đưa công nghệ GIS tại Việt Nam ngang tầm với khu vực và xứng đáng với tiềm năng thực sự của chúng ta. Xuân Quỳnh (Theo VTV) |
Tuesday, March 13, 2012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Popular Posts
-
Jacques Derrida, Peter Eisenman, Chora L Works Monacelli | 1997 | ISBN 1885254407 | 214 Pages | PDF | 57 MB Chora L Works documents the unpr...
-
Architectural Digest Russia - September 2010 PDF | 296 pages | Russian | 66.8 MB Architectural Digest - A leading international journal on...
-
Canadian Interiors - July / August 2010 English | 37 pages | True PDF | 11.48 MB Covers the business of interior design for professionals, i...
-
Quá trình đồng bộ, xây dựng CSDL chúng ta không tránh khỏi công việc chuyển đổi dữ liệu. Thường găp phải trường hợp dữ liệu các bạn đang có ...
-
Vùng duyên hải miền Trung GS.TSKH. NGUYỄN NGỌC TRÂN Do tính không ổn định của địa mạo, hơn những địa bàn k...
-
Style là gì? Định nghĩa của ESRI đó là những mô hình 3D của cây cối và nhà cửa mà chúng ta tạo ra và sau đó chuyển đổi thành 3D symbol...
-
Trong nhiều trường hợp, khi biên tập bản đồ trên ArcMap, các bạn muốn cho hiển thị nhãn (label) của đối tượng. Tuy nhiên vị trí và hướng củ...
-
Có nhiều cách thu hút lưu lượng truy cập vào blog, một trong những cách đó là trao đổi link, button, logo hay banner của bạn với một người...
-
Bộ đề thi chỉ mang tính chất tham khảo về cấu trúc và dạng đề thi ! Chúc các bạn thi tốt !
-
Môi trường thế giới ngày càng bị ô nhiễm, khí thải phát ra ngày càng nhiều, nhiệt độ trên bề mặt trái đất ngày càng tăng thêm. Nước biển n...
0 comments:
Post a Comment