Sunday, March 11, 2012

http://i298.photobucket.com/albums/mm269/trantoan822003/ClimateGIS123456.jpg 
Tăng trưởng xanh với nhiều cách tiếp cận và cũng bao gồm nhiều nội dung, mà tùy theo mỗi điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi thời kỳ có thể lựa chọn thực hiện.
1. Bối cảnh tăng trưởng xanh
Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một tình hình chung đó là các thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội xảy ra liên tiếp tại nhiều quốc gia. Tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, dân số thế giới ngày càng tăng cao kéo theo nhu cầu về nước, đất, nơi cư trú, năng lượng... cũng tăng nhanh chưa từng có. Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế chưa chú ý đến môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá trị vốn tư bản tự nhiên chưa được định giá đúng và đủ, lãng phí tài nguyên trong sản xuất và tiêu dùng đang là những thách thức lớn đối với các quốc gia. Những thách thức này mang một ý nghĩa quan trọng, đặt ra nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có để giải quyết hiệu quả các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, đồng thời có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát triển và là động lực tăng trưởng mới trên con đường phát triển bền vững.
Những khó khăn, thách thức mà các quốc gia đã và đang đối mặt đan xen với cố gắng và nỗ lực chung của các quốc gia trong khủng hoảng chính là động lực quan trọng thúc đẩy cả thế giới đi theo hướng tăng trưởng xanh nhằm xanh hóa con đường phát triển kinh tế thông qua việc khuyến khích tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khi vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi nhìn lại quá khứ, nếu 20 năm trước tại hội nghị Rio 1992, nếu cả thế giới đồng thuận cam kết theo con đường phát triển bền vững, thì 20 năm sau Rio chắc chắn sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến của các quốc gia toàn cầu đồng thuận hướng đến nền kinh tế xanh trong lộ trình cam kết phát triển bền vững.
2. Xu hướng quốc tế và một số nội dung chính về Tăng trưởng xanh
Đến nay, thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong đó, đáng chú ý nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản ở châu Á, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... ở châu Âu đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh. Còn tại các nước trong khu vực, ví dụ như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Trung quốc cũng đã có kế hoạch phát triển quốc gia nhấn mạnh vào nền kinh tế tuần hoàn trong khi Thái Lan nhấn mạnh vào nền kinh tế đầy đủ với những đặc điểm chính của nền kinh tế xanh…
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Tuy nhiên, với bất kì cách tiếp cận nào thì nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sau:
1. Sản xuất và tiêu dùng bền vững;
2. Giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu;
3. Xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch;
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững;
5. Bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên;
6. Cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế;
7. Xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Tiềm năng này thực tế bắt nguồn từ một sân chơi đang thay đổi đó là thế giới hiện nay với những rủi ro chúng ta đang đối mặt đã tạo ra những thay đổi cơ bản đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đồng thời cũng đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta.
3. Một số định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Là một quốc gia đang phát triển, trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Cùng với đó, tài nguyên chưa được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng, vai trò, giá trị của tài nguyên còn chưa được nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng tầm. Điều đó dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng bên cạnh cạnh các vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên bức xúc trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với những tác động tiêu cực từ những biến động nền kinh tế thế giới thời gian qua cũng như các vấn đề nội tại, nền kinh tế Việt Nam lại càng gặp nhiều thách thức, khó khăn.Trong bối cảnh này, Việt Nam đã xác định rõ rằng không có con đường nào khác ngoài lựa chọn thúc đẩy tăng trưởng xanh. Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong những văn kiện quan trọng nhất của đất nước và đang được hiện thực hoá khi chính phủ chính thức giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược phát triển xanh quốc gia.
Tăng trưởng xanh với nhiều cách tiếp cận và cũng bao gồm nhiều nội dung, mà tùy theo mỗi điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi thời kỳ có thể lựa chọn thực hiện. Điều này đòi hỏi Việt Nam cũng cần phải có cách tiếp cận phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng kinh tế, trình độ phát triển cùng các các vấn đề xã hội và môi trường. Trong những năm tới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng tôi cho rằng một số hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam trong những năm tới như sau:
-    Thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dựa trên các hệ sinh thái;
-    Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng các bon thấp và ít chất thải;
-    Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững;
-    Phát triển dịch vụ môi trường và ngành công nghiệp tái chế.
Tài liệu tham khảo
1.  UNEP (2011), Hướng đến nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xoá đói giảm nghèo (Bản dịch của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường).
2.  TS. Nguyễn Văn Tài, Tăng trưởng xanh: Lựa chọn nào cho Việt Nam, báo cáo tại Diễn đàn ASEM về Tăng trưởng xanh tại Hà Nội tháng 10/20011.
3.  TS. Nguyễn Trung Thắng, Xu hướng Tăng trưởng xanh trên thế giới, báo cáo tại hội thảo Đối thoại chính sách Tăng trưởng xanh – Cơ hội, thách thức và lựa chọn cho Việt Nam tại Hà Nội tháng 8/2011.

Ths. Nguyễn Văn Huy - Ban Tổng hợp
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts