ThS. Nguyễn Thanh Phương
PGĐ. Trung tâm nghiên cứu NN Duyên Hải Nam Trung Bộ
1.ĐẶT VẤN ĐỀ:
Thoái hoá đất và hoang mạc hoá trên toàn cầu là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà con người đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Ở Việt Nam, hiện tượng hoang mạc hoá thể hiện điển hình ở 2 tỉnh cực nam trung bộ. Đó là Bình Thuận, Ninh Thuận là nơi lượng mưa thấp nhất và thời gian mưa ngắn nhất trong cả năm. Ở các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ khác hiện tượng thoái hoá đất phổ biến và nghiêm trọng, hoang mạc hoá biểu hiện theo mùa và theo khu vực. Xảy ra tình trạng trên là do các nguyên nhân : tình trạng phá rừng và huỷ diệt lớp thực vật, điều kiện khí hậu thuỷ văn đặc trưng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật không bền vững, cơ cấu cây trồng không hợp lý…
Huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định thuộc vùnh sinh thái nông nghiệp Duyên Hải Nam Trung Bộ ( DHNTB ), với diện tích tự nhiên 41.295ha, có 11.830ha đất nông nghiệp, trong khi đó đất đồi núi là 23.720ha chiếm 57,42%. Với địa hình phức tạp, sườn ngắn và dốc, nước cạn kiệt về mùa khô, khả năng giữ nước, giữ dinh dưỡng của đất đồi núi kém.Trong một thời gian dài đất hoang đồi núi sử dụng chưa có hiệu quả. Diện tích rừng bị thu hẹp độ che phủ của thảm thực vật thấp , đất hoang đồi núi có xu hướng mở rộng và đã có mức báo động về sự hủy hoại, mất cân bằng sinh thái, lũ lụt thường xuyên xảy ra và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống .
2. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN:
2.1. Một số mô hình canh tác điều NLKH đang có tại Hoài Nhơn:
Cây trồng xen với cây điều ở Hoài Nhơn khá phổ biến như : sắn, sả, dứa.
So sánh năng suất, lãi thuần giữa 4 mô hình điều NLKH tại xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn (vườn điều trồng từ hạt vào năm 1993).
+ Về năng suất: Việc trồng xen cây nông nghiệp (cây lương thực: sắn, cây công nghiệp: sả, cây ăn quả: dứa) vào vườn điều thì năng suất luôn cao hơn lãi thuần (cao hơn > 43kg/ha). Ba công thức còn lại thì trồng xen cây sả cao hơn trồng xen cây sắn là 29kg/ha, trồng xen cây sả và cây dứa thì năng suất không khác nhau.
Bảng 1: Năng suất và lãi thuần của một số mô hình canh tác Điều NLKH
Công thức | Năng suất (kg/ha) | Lãi thuần (1.000đ/ha) |
1. Điều trồng thuần | 160 a | 1.800,0 a |
2. Điều + Sắn | 203 b | 3.400,0 b |
3. Điều + Dứa | 218 bc | 7.866,6 c |
4. Điều + Sả | 232 c | 7.400,0 c |
| LSD0.05 = 24 Cv% = 6,1 | LSD0.05 = 543,5 CV% = 5,6 |
+Về lãi thuần
Việc trồng xen cây nông nghiệp vào vườn điều thì lãi thuần luôn cao hơn điều trồng thuần.
Lãi thuần ở mô hình trồng xen cây dứa là cao nhất :7.866.000đ/ha trong khi điều trồng thuần là 1.800.000đ/ha, điều trồng xen sắn (mì) là 3.400.000đ/ha/năm, điều trồng xen sả là 7.400.000đ/ha/năm.
Trồng xen ngoài việc tăng năng suất cây trồng chính còn thu sản phẩm phụ vì thế trên một đơn vị diện tích tăng lên (trồng xen dứa, sả thì lãi thuần gấp 4,11 - 4,37 lần so với điều trồng thuần )
Mô hình Điều + Sả hạn chế xói mòn rửa trôi đất rất tốt đang được nông dân ở Hoài Tân nhân rộng với quy mô diện tích khoảng 60ha.
Mô hình Điều + Dứa tuy lãi thuần cao nhưng quy mô diện tích chưa lớn, sản phẩm ăn tươi tiêu thụ trong huyện và tỉnh, giá cả không ổn định. Việc thu hoạch hạt điều khó khăn do gai của lá dứa. Năm 2002 tỉnh Bình Định đã chính thức triển khai dự án phát triển vùng chuyên canh dứa ở các huyện Hoài Nhơn, Hoài An, An Lão, Phù Mỹ để phục vụ dứa nguyên liệu cho Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định đặt tại Hoài Nhơn.
2.2. Thiết kế một số mô hình canh tác điều theo phương thức NLKH trên vùng đất đồi núi huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định:
Đất đai khu vực nghiên cứu có thành phần cơ giới thịt nhẹ nghèo dinh dưỡng.
Bảng 2 : Một số chỉ tiêu hoá tính đất tại khu vực nghiên cứu
(Tầng mặt, độ sâu < 20cm, đất hoang đồi núi)
Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Giá trị trung bình | Mức độ |
-Ph(KCl) | - | 4,28 | Chua |
-Mùn tổng số | % | 1,04 | Trung bình |
-Đạm tổng số | % | 0,09 | Trung bình |
-Lân tổng số | % | 0,06 | Nghèo |
-Kaly tổng số | % | 0,023 | Rất nghèo |
-Vi sinh vật tổng số | Cá thể | 52.500 | - |
(Nguồn: Kết quả thí nghiệm phân tích tại Phòng thí nghiệm của RACCOS, 2001)
Với cơ sở thực tiển như đã nêu trên, chúng tôi tiến hành xây dựng 6 mô hình canh tác điều theo phương thức NLKH:
1. Mô hình 1: Điều trồng thuần.
2. Mô hình 2: Điều + Dứa.
3. Mô hình 3: Điều + Sắn.
4. Mô hình 4: Điều + Sả.
5. Mô hình 5: Điều + Đậu đỗ.
- Mô hình 6: Điều + Chuối.
2.2.1. Quan điểm thiết kế:
Việc thiết kế mô hình canh tác điều theo phương thức NLKH với loại cây nông nghiệp ngắn ngày trong giai đoạn đầu nhằm mục đích hạn chế xói mòn rửa trôi đất, cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, đem lại lợi ích trước mắt.
Cây nông nghiệp ngắn ngày là những cây thấp hơn cây điều trong 1 – 2 năm đầu, bộ rễ ăn nông, không mang mầm bệnh sang cây điều…
Các loại cây ngắn ngày đòi hỏi kỹ thuật, công lao động trung bình, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường tại chổ và gần đó chấp nhận.
Cây lâm nghiệp được trồng với tác dụng làm đai rừng chắn gió, chắn cát điều hoà nhiệt độ, không khí đồng thời có khả năng cải tạo đất, không ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây điều, cây nông nghiệp, cho sản phẩm gỗ củi.
2.2.2. Lựa chọn loại cây trồng xen với cây điều:
(1) Cây dứa (Ananas comosus Lour).
(2) Cây sắn (Manihot esculenta Crantz).
(3) Sả (Cymbopogon nardus Rendl).
(4) Đậu đỗ.
(5) Chuối (Musa sp).
2.3. Đánh giá kết của các mô hình thí nghiệm:
2.3.1. Đánh giá sinh trưởng phát triển của cây điều ở các mô hình thí nghiệm:
Bảng 3 : Tổng hợp sinh trưởng phát triển cây điều ở các mô hình thí nghiệm
Mô hình thí nghiệm | HVN (cm) | D00 (cm) | DT (cm) | Năng suất (kg/ha) | Xếp hạng về năng suất |
1.Điều trồng thuần | 249a | 8,0a | 291a | 245,6a | 1 |
2.Điều + Dứa | 289b | 11,0b | 413b | 464,4b | 4 |
3.Điều + Sắn | 289b | 10,6b | 400b | 418,4b | 2 |
4.Điều + Sả | 281b | 11,0b | 417b | 547,2b | 6 |
5.Điều + Đậu đỗ | 288b | 10,8b | 431bc | 498,0b | 5 |
6.Điều + Chuối | 283b | 10,5b | 380b | 446,4b | 3 |
Trung bình | 279,8 | 10,3 | 388,6 | 436,6 | - |
| CV%= 8,5 LSD0.05= 30,9 | CV% = 8,2 LSD0.05 = 1,1 | CV% = 9,9 LSD0.05 = 50,0 | CV% = 23,8 LSD0.05=135,8 | |
(Nguồn: Kết quả thí nghiệm năm 2003)
Cây điều sinh trưởng phát triển tốt, cân đối là ở các mô hình Điều + Đậu đỗ, Điều + Sả, Điều + Dứa. Sau 27 tháng tuổi năng suất điều ở các mô hình đạt khá là Điều + Sả (547,2kg/ha), Điều + Đậu đỗ (498,0kg/ha), Điều + Dứa (464,4kg/ha) và thấp nhất là điều trồng thuần chỉ đạt 245,6kg/ha. Nhưng so với điều trồng từ hạt cùng tuổi và cùng địa điểm thì điều hạt chưa thu hoạch hoặc mới ra quả bói.
2.3.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình thí nghiệm:
Bảng 4 : Hiệu quả kinh tế của các mô hình thí nghiệm sau 27 tháng
TT | Mô hình | Tổng giá trị | Tổng chi phí 1.000đ | Lãi thuần | Hiệu quả vốn | |||
| | 1.000đ | Xếp hạng | | 1.000đ | Xếp hạng | Tỷ suất (lần) | Xếp hạng |
1 | Điều trồng thuần | 1.964,8 | VL | 912,0 | 1.052,8 | VL | 1,15 | M |
2 | Điều + Dứa | 7.315,2 | VL | 2.420,0 | 4.895,2 | VL | 2,02 | VH |
3 | Điều + Sắn | 5.039,2 | VL | 1.509,0 | 3.530,2 | VL | 2,34 | VH |
4 | Điều + Sả | 13.679,6 | L | 6.133,0 | 7.546,6 | L | 1,23 | M |
5 | Điều + Đậu đỗ | 9.609,0 | VL | 4.986,0 | 4.623,0 | VL | 0,93 | L |
6 | Điều + Chuối | 5.446,2 | VL | 1.890,0 | 3.556,2 | VL | 1,88 | H |
| Trung bình | 7.175,7 | VL | 2.975,0 | 4.200,7 | VL | 1,41 | M |
(Nguồn: Kết quả thí nghiệm năm 2003)
Ghi chú: VL: Rất thấp, L: Thấp, M: Trung bình, H: Cao, VH: Rất cao
Về mặt kinh tế thì khuyến cáo nên chọn mô hình Điều + Sả, Điều + Dứa, Điều + Đậu đỗ. Trong đó dứa sẽ cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Mô hình Điều + Dứa đã được ứng dụng hàng trăm ha trên địa bàn tỉnh Bình Định và vùng DHNTB.
2.3.3. Đánh giá hiệu quả môi trường của các mô hình canh tác điều NLKH:
2.3.3.1. Thời gian, tỷ lệ che phủ và lượng đất mất hàng năm ở các mô hình canh tác:
Mô hình Điều + Sả, Điều + Đậu đỗ, Điều + Dứa có tỷ lệ che phủ cao nhất (74,78 – 84,30%). Mô hình Điều trồng thuần sau 27 tháng trồng chỉ che phủ đất được 13,30%. Độ che phủ của riêng cây điều sau 27 tháng trồng cũng chỉ biến động từ 13,30 – 29,17%. Như vậy nếu không trồng xen với điều theo phương thức canh tác NLKH thì đất cũng dễ bị xói mòn rửa trôi, trồng điều sẽ kém bền vững.
Bảng 5 : Thời gian, tỷ lệ che phủ và lượng đất mất đi trong 1 năm
của các mô hình canh tác điều NLKH
TT | Mô hình | Diện tích che phủ (m2) | Tỷ lệ che phủ (%) | Số tháng che phủ trong năm của cây xen | Lượng đất mất đi T/ha/năm | ||
| | Điều | Cây xen | Tổng | | | |
1 | Điều trồng thuần | 1.330 | 0 | 1.330 | 13,30 | - | 26,83 |
2 | Điều + Dứa | 2.678 | 4.800 | 7.478 | 74,78 | 12 | 7,81 |
3 | Điều + Sắn | 2.512 | 3.905 | 6.417 | 64,17 | 10 | 11,09 |
4 | Điều + Sả | 2.730 | 5.700 | 8.430 | 84,30 | 12 | 4,86 |
5 | Điều + Đậu đỗ | 2.917 | 4.750 | 7.667 | 76,67 | 10 | 7,22 |
6 | Điều + Chuối | 2.267 | 3.577 | 5.844 | 58,44 | 12 | 12,86 |
(Nguồn: Kết quả thí nghiệm năm 2003)
3.3.2. Đánh giá xói mòn đất:
Việc đánh giá xói mòn đất do nước được tiến hành bằng phương trình mất đất phổ quát: A = R.K.LS.C.P
Các chỉ số của phương trình được xác định lần lượt như sau:
- Hệ số xói mòn của mưa R:
Giá trị R được xác định theo công thức của Morgan:
R = 9,28M – 8838
Trong đó M = 2022 mm (lượng mưa trung bình năm của Hoài Nhơn)
==> R = 9926
- Hệ số ứng chịu xói mòn của đất K :
Theo Thái Phiên, Nguyễn Tử Siêm, Nguyễn Trọng Hà (1998) đã sử dụng toán đồ của Wischmeier & Smith và công thức của Hội Khoa học đất quốc tế (1995) để xác định hệ số ứng chịu xói mòn K của một số đất chính vùng đồi núi Việt Nam.
Đất vùng nghiên cứu được xác định là đất xám Feralit nên hệ số K là 0,225 (K tính theo toán đồ là 0,23 và K tính theo công thức là 0,22)
- Giá trị LS (ảnh hưởng của địa hình đến xói mòn đất):
Giá trị LS được tính theo công thức
LS = L / 100 (1,36 + 0,97S + 0,138S2)
L: chiều dài hiệu quả trung bình của sườn dốc tính bằng m. Trong điều kiện cụ thể của khu vực nghiên cứu với L = 100 m.
S: độ dốc của mặt đất tính bằng %
S = tg100 x 100 = 17,63
Như vậy LS = 1,54.
- Hệ số C và P:
Do đặc điểm của đất xám Feralit, khi có trồng trọt thì xói mòn do nước hầu như không đáng kể, chúng tôi chỉ xác định lượng đất bị xói mòn cho vùng đất trống với thảm thực vật là cỏ, cây bụi thưa thớt thì có C = 0,9.
Theo Wischmeier & Smith đối với khu vực chưa có trồng trọt và biện pháp bảo vệ đất thì P = 1.
Từ các giá trị của phương trình xác đình dược lượng đất bị xói mòn trung bình hàng năm trên đất xám Feralit chưa sử dụng là:
A = (9926 . 0,225 . 1,54 . 0,9 . 1) : 100 = 30,95 tấn/ha/năm.
Kết quả tính toán lượng xói mòn do nước dự báo trung bình hàng năm trong khu vực là phù hợp với các nghiên cứu trước ở trong tỉnh Bình Định và sự quan sát thực địa cũng như qua điều tra nhân dân địa phương.
Tổn thất dinh dưỡng trong đất ở các mô hình thí nghiệm cao nhất là Điều trồng thuần, Điều + Chuối, Điều + Sắn với giá trị từ 824.844 – 1.995.542đ/ha/năm. Tổn thất thấp nhất là Điều + Sả, Điều + Đậu đỗ, Điều + Dứa với giá trị từ 361.473 - 580.886đ/ha/năm.
Về mặt môi trường thì mô hình Điều + Sả, Điều + Đậu đỗ và Điều + Dứa là bền vững hơn cả.
Bảng 6 : Định lượng tổn thất dinh dưỡng bình quân hàng năm
TT | Mô hình | Lượng tổn thất (kg/ha) | Tổn thất thành tiền (đ) | Xếp hạng tổn thất | |||
| | Mùn | Đạm | Lân | Kaly | | |
1 | Đất hoang đồi núi | 321,88 | 27,86 | 18,69 | 7,12 | 2.301.976 | 7 |
2 | Điều trồng thuần | 279,03 | 24,15 | 16,20 | 6,17 | 1.995.542 | 6 |
3 | Điều + Dứa | 81,22 | 7,03 | 4,72 | 1,80 | 580.886 | 3 |
4 | Điều + Sắn | 115,34 | 9,98 | 6,70 | 2,55 | 824.844 | 4 |
5 | Điều + Sả | 50,54 | 4,38 | 2,94 | 1,12 | 361.473 | 1 |
6 | Điều + Đậu đỗ | 75,09 | 6,50 | 4,36 | 1,66 | 537.004 | 2 |
7 | Điều + Chuối | 133,74 | 11,58 | 7,77 | 2,96 | 956.491 | 5 |
(Nguồn: Kết quả thí nghiệm năm 2003)
3. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ:
3.1. Căn cứ vào thang đánh giá hiệu quả kinh tế và sự tác động trở lại của các mô hình canh tác tới sự ổn định của đất và môi trường; dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tập quán sản xuất, thị trường … vùng DHNTB, đề xuất một số mô hình canh tác điều NLKH là bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường là: (1) Điều + Đậu đỗ, (2) Điều + Dứa, (3) Điều + Sả.
3.2. Đề nghị tiếp tục đầu tư mở rộng và ứng dụng mô hình trồng điều ghép thâm canh theo phương thức canh tác NLKH nêu trên với quy mô thích hợp tại một số địa phương ở vùng DHNTB có điều kiện tương tự.
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
4.1. Tài liệu tiếng Việt:
[1] Đỗ Cảnh Dương, Mai Văn Trình. Nghiên cứu xói mòn đất và áp dụng mô hình hoá trong quản lý xói mòn trên đất đồi gò phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Kỷ yếu Hội nghị KH CN – MT, Đà Nẳng 12/2001
[2] Vũ Biệt Linh, Nguyễn Ngọc Bình. Các hệ thống nông lâm kết hợp ở Việt Nam. NXB NN Hà Nội, 1995.
[3] Nguyễn Ngọc Lung. Nghiên cứu tác dụng phòng hộ nguồn nước của một số thảm thực vật chính và các nguyên tắc xây dựng rừng phòng hộ nguồn nước. NXB NN TP.HCM, 1997.
[4] Lê Quang Minh. Nghiên cứu xói mòn trên đất cát nội đồng huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thiết kế mô hình NLKH trên vùng đất cát nội đồng. Báo cáo chuyên đề VNRP, Huế, 1997.
[5] Nguyễn Văn Nhưng và cộng sự. Bản đồ xói mòn tiềm năng Việt Nam.. Viện Địa lý, Hà Nội, 1997.
[6] Thái Phiên, Nguyễn Tử Siêm. Canh tác bền vững trên đất dốc ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1990 -1997, Viện Thổ nhưỡng nông hóa. NXB NN, Hà Nội, 1998.
[7] Lê Duy Thước. Nông lâm kết hợp . NXB NN, Hà Nội ,1995.
[8] Lương Thị Vân.Vận dụng phương pháp xác định năng lượng dòng chảy và chỉ số xói mòn trong phân cấp xói mòn tiềm năng tỉnh Bình Định. Luận án Tiến sỹ, Hà Nội, 2000.
[9] Trần Đức Viên. Nông nghiệp trên đất dốc: thách thức và tiềm năng. NXB NN, Hà Nội , 1996.
4.2. Tài liệu nước ngoài:
[10] J. B. Raintree and K. Warner. Agroforestry, pathwaysfor the intenfication of shifting cultivation. Nairobi, Kenya. 8/1998.
[11] Morgan R.P.C. The role of the plant cover in the controlling soil erosion. SEARS, Bangkok, 1981.
[12] Wischmeier W.H., D.D. Smith and R.E. Uhland (1998). Evaluation of factors in soil loss equation. Agr. Engineering, Vol. 39, p. 458 – 462. 474.
0 comments:
Post a Comment