Saturday, March 10, 2012

http://images.yume.vn/buzz/20110531/laundry_saving-water.jpg
Ít ai biết được rằng để sản xuất 1 chiếc quần bò cần 6000lít nước, 75 lít nước để cho 1 cốc bia, 1kg pho mát cần 5000lít nước và sẽ là 150.000 lít nước để có 1 chiếc ô tô. Lượng nước khổng lồ phải tiêu tốn cho quá trình làm ra thực phẩm và hàng tiêu dùng, đó chính là... “nước ảo”. Bài toán tiết kiệm nước từ nước “ảo” là một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc.

Sôi động thị trường “giao dịch” nước ảo
Khái niệm “nước ảo” được nhà khoa học người Anh John Anthony Allan giới thiệu vào năm 1993. Phương pháp tính toán lượng nước cần thiết để làm ra thực phẩm và hàng tiêu dùng mang tên “Nước ảo” của giáo sư Allan nhằm giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở đánh giá hợp lý mức độ liên quan giữa nguồn nước với các lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu, kinh tế và chính trị.
Theo tính toán này, cần đến 140 lít nước để làm ra một ly cà phê. Đó là số lượng nước cần để tưới tiêu, sản xuất, đóng gói và vận chuyển hạt cà phê. Nó tương đương với lượng nước mà một người ở Anh dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Để làm ra một chiếc bánh hamburger phải tốn 2.400 lít nước từ việc trồng lúa mì, xay bột, làm nhân bánh, trồng rau... Để có 1 kg thịt bò, phải cần 15.340 lít nước. Bởi trong 3 năm nuôi một con bò cho 200kg thịt, nó đã ăn 1.300kg ngũ cốc (lúa mì, bắp, đậu nành, lúa mạch...) và 7.200kg cỏ. Để sản xuất lượng ngũ cốc và cỏ đó phải cần đến ba triệu lít nước. Lại còn cần thêm 24.000 lít nước cho con bò uống và 7.000 lít cho các hoạt động chăm sóc khác dành cho con bò.
“Nước ảo” có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách thương mại và nghiên cứu trên toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực khan hiếm nước. Nói là “ảo” song trong quá trình sản xuất, người ta đều lấy nước thật từ lòng đất, sông hồ... “Ảo” chỉ ở góc độ không nhìn thấy trong sản phẩm. Khái niệm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đặt nó trong thị trường nước và giao dịch nước ảo.
Ông Daniel Zimmer, giám đốc Hội đồng thế giới về nước từng cho rằng: “Thái độ không có ý thức là nguyên nhân của sự tiêu dùng nước ở mức ghê gớm. Và sự trái ngược giữa các lục địa hiện ra rất rõ: ở châu Á, một người dùng khoảng 1400 lít nước ảo mỗi ngày, trong khi đó ở châu Âu và Bắc Mỹ lên tới 4000 lít”. Ông cho biết trong số các nước xuất khẩu nhiều nước có Mỹ, Canada, Thái Lan, Pháp và Ấn Độ; trong số các nước nhập khẩu nhiều nước có Sri Lanka, Nhật Bản, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Tiết kiệm nước từ nhập khẩu nước ảo?
http://energytwodotzero.org/wp-content/uploads/2011/08/graphic.jpg
Theo một nghiên cứu khoa học, trong gần 5 năm, khối lượng trao đổi nước ảo trên thế giới liên quan đến các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp tính bình quân khoảng 695 tỷ m3 mỗi năm, bằng 13% mức tiêu thụ nước trong nông nghiệp của thế giới. Thế nhưng các tài liệu phân tích cho thấy Ấn Độ, một trong số các quốc gia xuất khẩu nước ảo nhiều nhất sẽ phải đương đầu với những thời kỳ thiếu nước trầm trọng trong tương lai.
Bởi vậy, theo lý thuyết nước ảo, chính phủ các nước có thể sử dụng nước một cách hiệu quả và có chính sách sản xuất và xuất, nhập khẩu hợp lý. Những quốc gia khan hiếm nước có thể nhập khẩu thực phẩm như một nguồn “nước ảo” để giảm nhẹ áp lực thiếu nước.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam cho rằng, nếu một quốc gia nhập khẩu lúa mì thay vì tự sản xuất thì quốc gia đó tiết kiệm được 1.300 m3 nước thật. Nếu quốc gia đó khan hiếm nước thì họ có thể dùng lượng nước “tiết kiệm” được do nhập khẩu lúa mì để dùng cho các mục đích khác cần thiết hơn. Chính vì vậy trao đổi nguồn nước ảo là một phương tiện có thể khắc phục tình trạng thiếu nước ở một số quốc gia. Việc buôn bán nước ảo có thể tạo ra sự cân bằng về tiêu dùng nước giữa các quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu lúa và là một trong những nước có lượng xuất khẩu chè, cà phê, hạt điều...lớn. Theo lý thuyết nước ảo, để làm ra một kg gạo trắng ta phải tốn 3400 lít nước, để làm ra một ly cà phê cần 140 lít nước... là một nước có tiềm lực xuất khẩu lương thực nghĩa là chúng ta đã xuất đi một lượng nước rất lớn mỗi năm. Trong khi nhu cầu nước ngày càng lớn thì nguồn nước lại không dồi dào, phụ thuộc nhiều từ các sông quốc tế. Bởi thế, theo bà Nguyễn Thị Phương, về lâu dài, cần xem xét việc quy hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước ở khu vực, từng địa phương mang tính vĩ mô trong cả nước. 
Nguồn: moitruongdulich.vn

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts