Thursday, March 8, 2012

Cơ chế phát triển sạch (CDM) là một phương thức hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia đã công nghiệp hoá. Đây là hình thức  hợp tác được xây dựng theo Nghị định thư Kyoto nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững thông qua sự đầu tư vào lĩnh vực môi trường của chính phủ các nước công nghiệp hoá và các công ty/doanh nghiệp của các nước này. Trong rất nhiều hội nghị, diễn đàn thế giới và khu vực diễn ra mới đây đều cho thấy: Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chủ yếu là hiện tượng nóng lên toàn cầu đang là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống vật chất và môi trường sống của chúng ta. Mặc dù các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, Nghị định thư KyotoKyoto. cũng rất nỗ lực trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra khí quyển nhằm đạt được mục tiêu chung trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát thải quá mức khí nhà kính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, hậu quả  của nó trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đang là thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Các nước trên thế giới đã và đang hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề này, trên cơ sở pháp lý là Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.
biendoikhihau
Trong 3 cơ chế của Nghị định thư Kyoto, Cơ chế phát triển sạch (CDM) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các nước đang phát triển. Cơ chế này giúp các nước đang phát triển, triển khai các công nghệ thân thiện môi trường bằng các nguồn vốn đầu tư của chính phủ, doanh nghiệp các nước phát triển. CDM cho phép các quốc gia với những mục tiêu giảm phát thải bắt buộc được phát triển dự án tại các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, cơ chế phát triển sạch CDM cũng nhằm mục tiêu hướng tới phát triển bền vững bằng các cam kết cụ thể về hạn chế và giảm lượng khí nhà kính phát thải định lượng của các nước trên phạm vi toàn cầu.
Thời gian qua, các dự án CDM đã đem lại lợi ích rõ rệt về môi trường và kinh tế cho cả hai phía - phía các nước công nghiệp hoá (tức là các nhà đầu tư dự án CDM) và phía các nước đang phát triển (hay còn gọi là các nước tiếp nhận dự án CDM). Về mặt kinh tế, nguồn tài trợ từ các dự án CDM sẽ giúp các nước đang phát triển đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, chẳng hạn như giảm ô nhiễm không khí và nước, cải thiện sử dụng đất, nâng cao phúc lợi xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm hay giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch… Ở mức độ toàn cầu, thông qua các dự án giảm phát thải, CDM có thể khuyến khích đầu tư quốc tế, thúc đẩy cung cấp nguồn lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.
Việt Nam không thuộc diện các nước phải cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, song Việt Nam hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Việt Nam đã sớm gia nhập Nghị định thư Kyoto từ năm 2002. Tháng 3 năm 2003, theo yêu cầu của Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận bổ sung Marrakech, Việt Nam đã thành lập Cơ quan quốc gia về CDM thuộc Văn phòng Ozone và biến đổi khí hậu, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Việt Nam đã phê duyệt 105 dự án CDM và 15  dự án CDM được quốc tế công nhận. Các dự án này đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Kết quả thu được từ các dự án CDM ở nước ta trong thời gian qua là hết sức thiết thực. Điển hình là Dự án tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực nồi hơi công nghiệp và Dự án thu gom khí đồng hành mỏ Rạng Đông của nhà thầu JVPC (Nhật). Dự án trong lĩnh vực nồi hơi công nghiệp có mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng của nồi hơi công nghiệp, nâng cao hiệu suất nồi hơi với chi phí đầu tư thấp, nhờ đó giảm phát thải khí CO2 trong lĩnh vực công nghiệp. Kết quả cụ thể thu được từ Dự án này là giảm được khoảng 150 nghìn tấn CO2 mỗi năm, nhờ tăng được hiệu suất trung bình của nồi hơi công nghiệp từ 45% lên 60%.
Hình thức của các dự án CDM đã thực hiện ở Việt Nam và đa số các nước khác là các tổ chức ở các nước phát triển, thông qua các công ty cung cấp công nghệ, tìm đến các nước đang phát triển có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện dự án. Điều này có nghĩa thị trường buôn bán phát thải đang ở tình trạng một chiều, người mua chủ động tìm đến những địa chỉ có tiềm năng cung cấp sản phẩm mà họ cần. Trong thời gian tới, sự phát triển về quy mô và chất lượng của thị trường sẽ thay đổi, và theo đó, hình thức buôn bán phát thải sẽ cân bằng hơn, nghĩa là sẽ có cả những nhà cung cấp sản phẩm chủ động tìm đến người tiêu dùng. Nhất  là khi Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch và một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đã được ban hành.
Như vậy, có thể nói rằng hành trình của Việt Nam trên con đường tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về thay đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto nói chung và Cơ chế phát triển sạch nói riêng mới chỉ bắt đầu. Nhưng với những thành công bước đầu, với những cơ chế, chính sách đã và đang xây dựng và những nguồn lực sẵn có sẽ giúp Việt Nam thành công hơn nữa trong các dự án CDM, vững bước hơn trên con đường hướng tới một quốc gia tăng trưởng về kinh tế, phát triển về xã hội và bền vững về môi trường./.
Hà Huy

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts